Cuối giờ huấn luyện buổi chiều, sau khi các chiến sĩ về phòng ở chưa lâu, từ phía nhà đại đội, tiếng còi ré lên kèm theo khẩu lệnh của trực ban:
- Đơn vị triển khai bảo quản vũ khí!
Trung sĩ Nguyễn Quang Đông, Tiểu đội trưởng thuộc Trung đội 5, Đại đội 2, Tiểu đoàn 474 nhanh chóng tập hợp các chiến sĩ và tổ chức lau chùi vũ khí. Tôi theo sau Đông. Khi đến bên Binh nhất Đào Hải Ninh, chiến sĩ giữ khẩu B-41 thì nghe thấy tiếng Đông nhắc:
- Nhớ lau chùi cẩn thận nhé! Phải quán triệt kỹ là: Súng không lau súng mau han gỉ/Người không rèn ý chí không cao.
- Tôi nhớ rồi, Tiểu đội trưởng cứ yên tâm!
Quan sát và nghe thấy vậy, tôi liền thắc mắc với Đông:
- Có vẻ như Tiểu đội trưởng "ưu ái" với chiến sĩ giữ B-41 hơn các chiến sĩ khác nhỉ?
- Ôi, anh không biết đấy thôi, trong tác chiến đổ bộ, chiến sĩ giữ B-41 rất quan trọng. Dù cậu ấy đã biết và nắm rõ chức trách, nhưng tôi vẫn nhắc. Lâu ngày thành thói quen anh ạ!
Thấy lời giải thích của Trung sĩ Nguyễn Quang Đông chưa thỏa đáng lắm nên tôi đem thắc mắc ấy hỏi Thiếu tá Nguyễn Trung Hải, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 474. Anh Hải chỉ cười và nói sẽ cho tôi biết nguyên nhân vào dịp thích hợp.
|
|
Lữ đoàn 147, Vùng 1 Hải quân huấn luyện hiệp đồng đổ bộ. Ảnh: QUANG DŨNG
|
Hơn một tuần sau, tôi đến hồ Khe Giá, nơi Tiểu đoàn 474 huấn luyện tổng hợp để chụp mấy bức ảnh phục vụ công tác tuyên truyền nhân Đại hội Thi đua Quyết thắng của đơn vị sắp tới. Lúc ấy, Thiếu tá Nguyễn Trung Hải bảo tôi, hôm nay sẽ có câu trả lời chính thức cho anh về vấn đề đã thắc mắc nhé!
Vừa đến hồ Khe Giá, tôi đã nghe tiếng của Đại úy Tô Tuấn Anh, Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 474 trên loa vọng tới.
- Hỏa lực địch bắn từ điểm cao 35.1 vào Trung đội 1. Trung đội trưởng xử lý tình huống!
Từ xa, tôi thấy bóng áo dã chiến của các chiến sĩ loang loáng lướt trong nắng. Tôi nhanh chóng chuẩn bị phương tiện tác nghiệp và cơ động theo những bước chân gấp gáp của bộ đội để thực hiện nhiệm vụ của mình.
Lát sau, tôi nghe thấy lệnh kết thúc luyện tập. Các bộ phận cơ động về vị trí tập trung để nghe nhận xét. Trên vai áo các chiến sĩ, mồ hôi ướt đẫm.
Lúc này, mặt trời cũng đã lên cao, nắng gay gắt, mặt nước hồ Khe Giá bị nắng chiếu xuống, khúc xạ óng ánh. Cán bộ, chiến sĩ vừa xong khoa mục huấn luyện tìm chỗ thích hợp nghỉ giải lao thì tôi cũng chọn cho mình một gốc cây có bóng mát. Đang ngắm nghía lại những bức ảnh mới chụp thì Thiếu tá Nguyễn Trung Hải đến bên. Tôi thấy anh lấy ra một tờ giấy A4.
Cho dù mồ hôi vẫn còn đọng thành giọt trên má và nhỏ xuống mặt tờ giấy trắng nhưng anh vẫn nhiệt tình ghé lại chỗ tôi ngồi và giải thích. Anh nói, muốn đổ bộ vào được đảo, đánh chiếm các mục tiêu của đối phương thì nhiệm vụ đầu tiên của lính hải quân đánh bộ là phải vượt qua chướng ngại nước dưới hỏa lực của đối phương. Lúc này, nếu không có tinh thần dũng cảm, không có bản lĩnh thì các “kình ngư” khó có thể hoàn thành nhiệm vụ. Bởi tốc độ di chuyển dưới nước, kể cả khi có sự hỗ trợ của xuồng, ca nô-những phương tiện đổ bộ hiện đại thì vẫn chậm hơn di chuyển trên cạn. Vì thế, các chiến sĩ trong tiểu đội phải rất gắn bó với nhau. Họ phải “tựa lưng vào nhau”, phải hỗ trợ nhau vượt qua khoảng không gian không có vật che đỡ, tiếp cận được mép nước và hình thành thế chiến đấu ngay tại đó. Vậy nên đơn vị đã hình thành phương châm “4 sát” mà cán bộ nào cũng phải thực hiện.
- Nó gồm những thành tố gì vậy?
- Đó là sát chiến sĩ, sát nhiệm vụ, sát tình huống, sát hỏa lực anh ạ! Việc ấy được anh em trong đơn vị thực hiện lặp đi lặp lại lâu ngày đã thành thói quen. Thế nên việc tiểu đội trưởng đi sát chiến sĩ hỏa lực B-41, rồi quan tâm đặc biệt tới chiến sĩ giữ hỏa lực mạnh này cả trong huấn luyện và trong cuộc sống hằng ngày cũng không có gì lạ. Bởi như anh biết đấy, hình thành thế chiến đấu ở mép nước trên bãi biển cũng rất khó vì thường không có vật che đỡ, che khuất. Nếu không bảo vệ, không che chắn thì chiến sĩ giữ B-41 khó phát huy hiệu quả của hỏa lực. Chỉ cần một phát bắn của B-41 là tạo ra thời cơ thuận lợi cho tiểu đội hiệp đồng tác chiến.
- Giờ thì tôi đã hiểu. Nếu từ phương châm “4 sát” suy ra thì nó còn nhiều ý nghĩa nữa. Chẳng hạn, trong tác chiến hiệp đồng đổ bộ, mỗi lực lượng có một chức năng khác nhau nhưng cuối cùng là vẫn phải sát nhau, hỗ trợ cho nhau, tuyệt đối không có hiện tượng nhất khoảnh.
- Vâng, đúng anh ạ! Nếu có hiện tượng ấy thì sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ chung.
Trên đường trở lại Phòng Chính trị, tôi rất suy nghĩ về thông tin mà Chính trị viên phó Nguyễn Trung Hải cung cấp. Điều ấy giúp tôi hiểu biết kỹ lưỡng hơn về nhiệm vụ, công việc nặng nề của đơn vị, đặc biệt trong huấn luyện. Điều ấy cũng lý giải vì sao, nhiều năm trở lại đây, để phát huy sức mạnh trong tác chiến, các đơn vị trong Lữ đoàn đều dồn lực vào huấn luyện nâng cao thể lực cho bộ đội, nâng cao trình độ kỹ, chiến thuật hiệp đồng.
Gần đây, khi trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ Phòng Chính trị, Thượng tá Lê Tuấn Anh, Chính ủy Lữ đoàn nhắc các cán bộ là muốn có “kình ngư” trên biển đủ sức mạnh đột phá, giải quyết mục tiêu nhanh, gọn thì phải trách nhiệm, tận tâm hướng dẫn đơn vị sâu sát, tỉ mỉ; phải thi đua với họ để chất lượng tư tưởng, chất lượng huấn luyện đồng đều, nâng cao. Anh nhắc nhở các đồng chí cán bộ cần coi trọng kết quả kiểm tra, đánh giá trung thực, khách quan để đánh tan bệnh hình thức. Bởi bệnh hình thức là căn nguyên gây ra rất nhiều hệ lụy, không chỉ làm giảm ý nghĩa kết quả kiểm tra, giám sát mà còn có nguy cơ hình thành nên suy nghĩ bao biện, chối bỏ trách nhiệm, dựa dẫm, ỷ lại, thói xu nịnh, thích khen. Nói một cách khác, nó làm cho cán bộ, chiến sĩ luôn có suy nghĩ bị thổi phồng, dẫn đến thiếu cố gắng.
Chắc có lẽ từ những chỉ đạo sâu sát này mà hiện nay việc thi đua của các cơ quan, đơn vị ở Lữ đoàn 147 cũng mạnh mẽ, sôi động và thực chất hơn.
Thực tế quá trình tác nghiệp, tôi thấy, trong những ngày này, từ cơ quan đến đơn vị ở Lữ đoàn 147, hoạt động Phong trào Thi đua Quyết thắng được đẩy lên rất mạnh. Các nội dung huấn luyện ở đơn vị và các mặt công tác ở cơ quan được triển khai rất đồng bộ, hiệu quả. Không khí huấn luyện diễn ra hết sức khẩn trương, sôi động. Cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị của Lữ đoàn ra sức thi đua lập thành tích cao nhất chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và hướng tới Đại hội Thi đua Quyết thắng giai đoạn 2019-2024 sắp được tổ chức tới đây. Đến Lữ đoàn, tôi thấy tinh thần thi đua giành “3 nhất”: Nhận thức, trách nhiệm, ý chí quyết tâm cao nhất; thực hiện nhiệm vụ đạt kết quả cao nhất; chuẩn bị Đại hội Thi đua Quyết thắng có chất lượng tốt nhất đang diễn ra sôi nổi, khẩn trương.
Điều đó đã cho thấy, để có được những “kình ngư” thực thụ thì mỗi cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn 147 phải rất nỗ lực. Họ không chỉ chiến đấu với thời tiết khắc nghiệt, mưa nắng thất thường trên hồ Khe Giá mà còn phải chiến đấu với chính sức ỳ của mình. Sự chiến đấu ấy đã tôi rèn cho họ bản lĩnh, tinh thần thép và làm cho sức mạnh tổng hợp của “kình ngư” mạnh hơn.
ĐOÀN HIỆP