Giữa tháng 5, từ Hà Nội về tới đơn vị chưa được 8 giờ đồng hồ sau chuyến công tác, tôi lại chuẩn bị tư trang theo tàu ra huyện đảo Lý Sơn để cùng bà con thu hoạch vụ hành tím. Đây là vụ thu hoạch hành tím thứ hai trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững gắn với quốc phòng, an ninh mà Đoàn 516 chúng tôi triển khai từ năm 2023 tại hòn đảo tiền tiêu này.

Sau nửa tiếng thực hiện các thủ tục và chờ đợi, tôi cùng đồng đội rời mặt cảng Sa Kỳ lên tàu đến với người dân Lý Sơn. Buổi sáng, mặt biển mênh mông, lăn tăn sóng và gió lộng mát rượi. Những con sóng óng ánh như được dát vàng bởi nắng sớm giống những đứa trẻ tinh nghịch đuổi bắt nhau đến vô tận trên mặt biển. Trong khoang tàu cao tốc chật hẹp, tôi chợt nghĩ về những cây hành tím trên cát nóng đảo Lý Sơn.

Ai đã sống ở dải đất miền Trung thì không thể quên được món hành tím ngâm giấm-đặc sản của Lý Sơn. Hành tím tươi thái lát và sơ chế rồi cho vào ngâm với nước có hòa chút đường cùng muối để trong lọ thủy tinh. Để có thêm vị, các chị, các mẹ hay xếp xen lẫn ớt và tỏi. Sau 3-4 ngày bảo quản nơi thoáng mát đem ra sử dụng là ngon đúng độ. Hành tím Lý Sơn có mùi thơm, ít cay nồng, không hắc, giòn, ngọt, mặn, cay vừa đủ. Ăn dưa hành tím vào buổi sáng với tô bún bò hoặc bún bò giò heo thì không gì tuyệt vời hơn. Món hành tím giúp thực khách không có cảm giác bị ngán vì béo ngậy của giò heo mà kích thích ăn ngon miệng. Vào thời điểm hết mùa hành tím, việc tìm một quán ăn có món ấy cũng khá khó khăn. Thế nên, vài năm nay, hành tím được giá.

leftcenterrightdel

 Cán bộ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng Tam Quang kiểm tra thu hoạch hành tím trong dự án tại đảo Lý Sơn. Ảnh: VĂN SỸ

Đầu năm 2023, mấy anh em trong Ban chỉ huy Đoàn chúng tôi ngồi bàn kế hoạch thực hiện dự án trồng hành tím ở đảo Lý Sơn. Trong cuộc bàn thảo ấy, ngoài đánh giá những thuận lợi vì được sự ủng hộ rất lớn từ cấp ủy, chính quyền, vẫn có ý kiến băn khoăn vì chưa tổ chức trồng thực nghiệm để đánh giá kết quả nên việc thuyết phục nhân dân của đảo chuyển từ trồng hành tím theo phương thức truyền thống sang phương thức canh tác mới là không dễ dàng.

Trước đó, chúng tôi đã phối hợp với UBND huyện đảo Lý Sơn, Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Nông Tín (tỉnh Quảng Ngãi) tổ chức thu thập thông tin, như: Mẫu đất, mẫu nước, đặc điểm thời tiết khí hậu; tập quán, kinh nghiệm canh tác của người địa phương và làm công tác tuyên truyền vận động.

Công việc đang xuôi chèo mát mái thì có vấn đề xảy ra. Sát ngày thu quân khảo sát, đồng chí Nguyễn Đình Yên, thành viên Ban Quản lý dự án giảm nghèo của Đoàn gọi tôi ra một góc và thì thầm: "Chiều qua, khi đến khảo sát thửa ruộng của một hộ nghèo, em thấy họ còn nghi ngại. Nếu thành công, năng suất hành tím cao hơn cách canh tác cũ thì không nói làm gì, nhưng nếu không đạt năng suất thì rất khó nói. Bởi mấy nhân khẩu trong gia đình họ trông chờ cả vào thu nhập từ thửa hành tím ấy".

Điều ấy khiến tôi suy nghĩ. Người dân Lý Sơn có truyền thống đi biển đánh bắt hải sản. Tuy nhiên, thời điểm đó giá xăng, dầu cao nên trừ các phí tổn, thu nhập từ đánh bắt hải sản của người dân cũng giảm sút. Thế nên thửa hành tím đối với gia đình họ có ý nghĩa rất quan trọng. Nay đưa phương thức mới vào canh tác: Bón phân trùn quế và sử dụng chế phẩm Tricoderma... hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu nên người dân còn nghi ngờ cũng là điều dễ hiểu. Trăn trở với nỗi lo ấy, chúng tôi càng quyết tâm thực hiện chương trình.

Hôm sau, tôi đến nhà anh Nguyễn Văn Minh ở thôn Đông, xã An Vĩnh để nắm bắt tâm tư. Theo hiệp đồng, hộ anh Minh được trồng thử nghiệm 500m2 hành tím (tương đương 1 sào Trung Bộ). Anh bảo tôi, trồng theo phương pháp mới cho năng suất cao hơn, nhưng phải ăn món dưa hành tím thì mới đánh giá được chất lượng. Anh cười và thổ lộ, sẵn sàng hợp tác để thay đổi tư duy, thói quen canh tác để nâng cao thu nhập. Nghe anh Minh nói khiến tôi bớt lo lắng.

Tháng 7-2023, công việc trồng hành tím trên diện tích 10ha của 200 hộ dân, gồm 123 hộ nghèo, 56 hộ cận nghèo và 21 hộ mới thoát nghèo được triển khai. Sau mấy tháng trời bám ruộng, bám nông dân, bám nắng, gió biển trên vùng cát Lý Sơn, niềm vui của chúng tôi lớn lên từng ngày khi thấy sự phát triển của cây hành tím. Cây mập, xanh và cao hơn. Thời điểm đó, dường như trong bữa cơm trưa nào anh em chúng tôi cũng bàn đến cây hành tím Lý Sơn. Thông tin, hình ảnh về nó được cập nhật liên tục. Thấy hành tím xanh tốt, phát triển đều, anh em vui mừng lắm. Hôm thu hoạch vào dịp cuối tháng 10-2023, bộ phận kỹ thuật điện cho tôi và thông báo, trung bình mỗi sào thu được 520kg, cao hơn trồng phương pháp cũ khoảng 10%. Còn anh Minh thì nói với tôi, chất lượng hành tím không có sự khác biệt so với trồng theo phương pháp truyền thống.

Thế là vụ hành tím đầu tiên đã đạt được như kỳ vọng ban đầu. Tuy nhiên, dưới góc độ kỹ thuật, chúng tôi thấy sản lượng chưa đồng đều vì có hộ xuống giống muộn, chăm sóc chưa đúng quy trình. Thế là một hội nghị rút kinh nghiệm được tổ chức. Nhiều hộ trồng, chăm sóc hành tím năng suất cao hăng hái phổ biến kinh nghiệm cho các hộ khác.

Vụ hành tím năm 2024 hứa hẹn kết quả tốt đẹp hơn vì qua báo cáo của các đồng chí kỹ thuật, năm nay hành tím phát triển đều, cao và xanh hơn. Nguyên nhân được cho là năm nay phân trùn quế mới phát huy hiệu quả mạnh, cải tạo được đất cát nóng thành đất tơi, xốp và màu mỡ hơn. Điều ấy cho tôi thêm hy vọng khi bước chân lên cảng Bến Đình (huyện đảo Lý Sơn).

Đứng trước ruộng 500m2 hành tím xanh mướt mát của gia đình anh Minh, tôi thấy ánh mắt Đại tá Trần Ngọc Tâm, Chính ủy Đoàn 516 như dán vào ruộng hành. Nhổ một cây hành tím, anh phấn khởi nói to trong gió: "Củ hành to, mập hơn so với những năm trước, bay ơi!".

Đến trưa, sau khi thu hoạch xong, chúng tôi đưa từng bó hành tím lên cân thử và tính toán chi tiết. Tôi không thể tin nổi, năng suất của hộ anh Minh đạt tới 1.050kg/sào, tăng gần 30% so với vụ thu hoạch hồi tháng 10-2023.

Chiều hôm đó, sau khi đã thu thập thông tin, tôi làm báo cáo đánh giá kết quả vụ hành tím thứ hai thắng lợi gửi về Ban chỉ đạo dự án giảm nghèo của Quân khu 5 trong niềm phấn khích. Thế là, cho đến nay, chúng tôi đã tổ chức thành công một dự án mới vốn được xem là khó khăn nhất vì ở xa, đi lại tốn thời gian và chi phí vật tư cũng thuộc diện cao nhất.

Với chúng tôi, thắng lợi này có ý nghĩa quan trọng. Trước đó, ở giai đoạn đầu thực hiện Dự án Khu KT-QP Duyên Hải (2018-2022), Đoàn 516 chúng tôi cũng thu được nhiều kết quả khả quan. Chúng tôi giúp 64 hộ dân khó khăn của xã Tam Quang thoát nghèo nhờ thực hiện các mô hình: Nuôi gà thả vườn, bò sinh sản, cá lóc trong bể xi măng, gà rốt đỏ và gà Ai Cập đẻ trứng, trồng hoa chất lượng cao. Đoàn đã hỗ trợ con giống, cây giống, ngày công; cử đội viên Đội trí thức trẻ tình nguyện đến từng hộ dân để hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi. Các trí thức trẻ đã đồng hành với các hộ từ những ngày đầu chuyển giao vật nuôi cho đến ngày thu hoạch, xuất bán. Từ các mô hình thí điểm thành công, Đoàn tuyên truyền, định hướng cho các hộ dân trên địa bàn chủ động phát triển kinh tế theo mô hình vườn, ao, chuồng, rừng, góp phần giải quyết việc làm và thu nhập ổn định. Đến nay, hàng chục hộ gia đình đã có thu nhập tốt từ những mô hình ấy.

Và hôm nay, trong niềm phấn chấn bởi vụ hành tím bội thu ở nơi cát nóng mênh mông sóng nước, tôi càng thấm thía ý nghĩa công việc chúng tôi đã làm. Một lần nữa, vị hành tím của Lý Sơn tiếp tục đưa tinh thần trung dũng, kiên cường của người dân Lý Sơn vươn xa, vang mãi và sống cùng sóng biển.

Thượng tá NGUYỄN THẾ VĨNH

Phó đoàn trưởng Đoàn Kinh tế-Quốc phòng Tam Quang (Quân khu 5)