Ở Ban Tuyên huấn, ngoài việc vẽ bản đồ, trang trí hội trường, quản lý, cấp phát vật phẩm văn hóa, tôi còn kiêm thêm việc biên tập bản tin theo tuần của Binh trạm. Vì vậy hằng ngày, thông tin chiến sự từ các đơn vị đầu mối báo về, tôi đều nắm được. Hôm nào nhiều tin thắng lợi, ngồi ghi chép tin mà như muốn hát thành lời ca. Ngược lại, khi nhận tin đồng đội hy sinh, nhất là đồng đội trong chính đơn vị cũ của mình thì đau xót vô cùng, cảm thấy như chính người thân của mình ra đi. Sáng 22-7-1970 là một ngày như vậy.

Tin báo về đêm hôm qua, trên đường di chuyển đến chỗ ở mới, xe chở vật dụng nhà bếp C4 có Trung đội trưởng Hoàng Văn Hưng cùng y tá Vũ Tiệm và 10 cán bộ, chiến sĩ đang sốt hoặc vừa cắt sốt, không đủ sức đi bộ, được ưu tiên đi ô tô, khi qua đèo Long đã bị máy bay Mỹ phát hiện đuổi đánh. Một quả bom phát quang rơi trúng thùng xe. 13 người, kể cả lái xe đều hy sinh. Đây là cái tang lớn nhất, tổn thất đau đớn nhất của Đại đội từ khi tôi về Binh trạm này.

Anh Hưng, một trung đội trưởng dũng cảm, tài trí, nổi tiếng với hàng chục lần lặn sông Bạc trục vớt phà chìm giữa bom đạn Mỹ những năm 1966, 1967, từ dạo tôi chưa vào C4. Khi tôi làm tổ trưởng tổ 3 người ở trạm barie bắc Bạc, một lần nhánh đường B bị tắc vì vướng 3 quả bom từ trường nằm rải rác trên đoạn đường chừng 200m, Đại đội trưởng tin tưởng điều động anh Hưng chỉ huy nhóm 5 người đến giải quyết mấy quả bom đó, gồm tổ barie 3 người của tôi và hai chiến sĩ nhanh nhẹn của trung đội anh.

Muốn phá loại bom này phải cho vật gì bằng sắt hoặc có pha sắt như thép, gang chuyển động qua chỗ bom nằm. Theo chỉ đạo của anh, chúng tôi khẩn trương chế tạo 3 “trái mồi”. Trước hết dùng dụng cụ cắt phá vỏ phuy xăng, cuốn tròn lại thành ống hình trụ, đường kính khoảng một gang, dài chừng hai gang, hai đầu ống tóp nhọn lại thành một quả trám khổng lồ bằng sắt rỗng, đó là những “trái mồi”, dùng để kích nổ bom từ trường. Hai đầu nhọn của "trái mồi" được đục lỗ để có thể sẵn sàng buộc dây. Tiếp theo, anh phân công nhóm của anh đi tìm cắt dây rừng, nhóm tôi chia nhau đi chặt 30 cọc tre lẫn gỗ, vót nhọn một đầu. Ngoài ra, khi đến đây, nhóm anh Hưng đã mang theo hai chiếc vồ gỗ to. Vật liệu, dụng cụ được tập kết về điểm cách quả bom chừng 100m.

Anh Hưng bảo chúng tôi ngồi chờ ở đó, rồi anh ôm một "trái mồi", khoác mấy cuộn dây, tiến về phía quả bom từ trường đang xòe cánh nằm nghiêng lộ thiên bên ta-luy dương. Đến cách quả bom khoảng 40m, anh thận trọng nằm xuống, vừa nhoài người vừa từ từ đẩy "trái mồi" đến gần quả bom từ trường thêm chừng 20m nữa. Tiếp theo, anh đứng dậy, thản nhiên rải một cuộn dây từ chỗ "trái mồi" ngược về phía sau chừng 20m, rồi rải tiếp cuộn dây thứ hai cũng từ chỗ "trái mồi" tiến lên phía trước, qua sát quả bom từ trường, đi tiếp chừng 15m tới một hầm hàm ếch ở cùng phía ta-luy dương. Xong việc, anh quay lại chỗ "trái mồi", nằm xuống, thận trọng lần lượt xỏ hai đầu dây phía trước và phía sau vào hai đầu "trái mồi", nút chặt lại.

Sở dĩ phải buộc dây cả hai đầu "trái mồi" là đề phòng khi kéo dây phía trước cho nó băng qua sát quả bom từ trường mà bom không nổ thì lại phải lui về tìm cách dùng dây phía sau kéo nó chuyển động ngược lại. Làm các thao tác đặt "trái mồi", rải và buộc dây xong, anh về điểm tập kết, lấy một cái vồ gỗ, điều một chiến sĩ của tổ anh vác theo 10 chiếc cọc. Đến khu vực gần quả bom, chiến sĩ hai tay giữ cọc, anh bình thản quai vồ đóng xuống đất lần lượt 10 cọc từ vị trí "trái mồi" tới chỗ quả bom, nhằm định hướng cho "trái mồi" đi sát quả bom, bảo đảm từ trường đủ mạnh để kích cho bom nổ. Khi đã chắc chắn nhìn rõ chiến sĩ giữ cọc quay lại điểm tập kết, anh mới về hầm hàm ếch, cuốn nhanh dây phía trước để kéo "trái mồi" tiến lên. Cũng may buổi sáng hôm đó, "thằng" OV-10 chỉ lảng qua đường B một lần rồi mải miết trinh sát, bắn cối chỉ điểm phía đèo Long, chắc nó yên trí vì đang có mấy quả bom từ trường án ngữ gây tắc đường này rồi. Chúng tôi hồi hộp căng mắt, nín thở chờ đợi.

leftcenterrightdel

 Con đường Trường Sơn huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh tư liệu

Chỉ chừng hai phút, một ánh chớp lóe lên cùng với tiếng nổ đanh xé toạc không gian. Nghe tiếng đất đá, mảnh bom bay ào ào, rồi anh Hưng tươi cười giơ cao nắm tay phải xuất hiện sau làn khói bom mù mịt, chúng tôi cùng nhảy lên reo hò:

- Hoan hô! Xong một “thằng” rồi!

Cũng bằng những thao tác tương tự, có thay đổi cách đóng cọc định hướng "trái mồi" do hai quả bom tiếp theo, một nằm gần giữa tim đường, một chui xuống lề đường phía ta-luy âm, và người vác, giữ cọc thay đổi qua chiến sĩ thứ hai rồi đến tôi. Tính ra mất hai tiếng rưỡi, bằng phương tiện thủ công, vật dụng tự tạo tại chỗ, anh Hưng bình tĩnh, tự tin kích nổ phá gọn 3 quả bom, giải phóng tắc đường. Chúng tôi làm nốt việc nhổ cọc còn sót trên mặt đường, san lấp hố bom.

Khi phá quả bom cuối cùng, tôi giữ cọc cho anh nện vồ để cọc cắm sâu xuống đất, anh tâm sự:

- Chính ra tớ không muốn điều cậu đến gần mấy quả bom, đề phòng bất trắc, nhỡ bom nổ, tớ bị thì có cậu chỉ huy thay làm tiếp công việc. Phải đến quả này (quả thứ ba), nó chui xuống phía ta-luy âm, tảng đá để núp kéo dây ở chân ta-luy dương đối diện. Tớ đặt "trái mồi" dưới kia (anh chỉ về hướng chân dốc ta-luy âm), việc đóng cọc hơi khó khăn một chút (vì dốc), nhưng nếu bom từ trường tự nhiên bất ngờ phát nổ (là đề phòng trục trặc kỹ thuật, chứ thực ra tôi chưa chứng kiến hoặc nghe thấy trường hợp nào như vậy) thì chỉ có thể lúc đóng mấy cái cọc gần bom bị ảnh hưởng thôi (vì bom nổ trên dốc, đa số mảnh bay ngang và bay lên, người dưới dốc thường an toàn).

Hóa ra, anh Hưng trong lúc phá bom vẫn tính toán giữ tôi làm chân dự bị thay thế khi mình bị thương vong. Chính từ kinh nghiệm của anh, chỉ sau đó 9 ngày, tôi đã chỉ huy tổ barie phá 2 quả bom từ trường án ngữ trên đường Ngang cạnh bờ sông Bạc nối giữa ngầm A và ngầm B. Anh Hưng cũng trở nên nổi tiếng vì tháo thành công kíp quả bom nổ chậm cỡ 600kg chui sâu vào chân ta-luy dương khúc cua tay áo chênh vênh giữa đỉnh đèo, là trọng điểm ác liệt trên Đường 12 cua.

Có lần nói chuyện với tôi, hai anh em bình luận về việc bom đạn Mỹ luôn được cải tiến, cứ vài ba tháng chúng lại phát minh ra một loại vũ khí mới để đánh phá đường, gây thương vong cho bộ đội Trường Sơn, mà vũ khí sau bao giờ cũng ác hiểm, dã man hơn gấp nhiều lần vũ khí trước. Thế nhưng cuối cùng anh vẫn kết luận: "Bộ đội ta vốn chịu khó, thông minh, dũng cảm nên chúng nó có phá hoại, làm đường tắc thì rồi đường lại thông, xe vẫn cứ đi, quân ta vẫn cứ vào là vì thế"...

Qua thực tế mấy năm làm công binh Trường Sơn, tôi thấy nhận xét của anh quả là tinh tường, sắc sảo. Tôi được biết thời ấy, Tiểu đoàn và Binh trạm đang xây dựng anh trở thành anh hùng. Vậy mà, không may vì sốt rét chưa khỏi, khi di chuyển chỗ ở trên chuyến xe ấy đã khiến anh vĩnh viễn ra đi.

Trong 13 người trên xe bị trúng bom cùng anh Hưng còn có em Chắc, quê ở Hà Tĩnh, trẻ nhất-mới 18 tuổi, từ Đoàn 500 bổ sung vào sau, rồi về cùng tổ barie, làm quân của tôi. Tôi và em cũng có rất nhiều kỷ niệm vui buồn cùng nhau vượt qua khó khăn, gian khổ trên con đường Trường Sơn huyền thoại. Giờ thì đã xa nhau mãi mãi...

Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19-5-1959 / 19-5-2024), bài viết này như một nén tâm nhang tưởng nhớ anh Hưng, Trung đội trưởng; y tá Vũ Tiệm; em Chắc với đồng chí lái xe cùng các đồng đội C4 dũng cảm, thân thương của tôi.

Bút ký của VŨ MINH VỸ