Từ thành công của thế hệ vàng

Giai đoạn từ năm 2018 đến 2022 chứng kiến đỉnh cao của bóng đá Việt Nam. Từ cú hích U.23 châu Á tại Thường Châu, Trung Quốc, đội tuyển U.23 và đội tuyển Việt Nam dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo đã lập nên những chiến công cấp độ khu vực và châu lục. Đỉnh cao phải kể đến chính là lần đầu tiên bóng đá Việt Nam góp mặt ở vòng loại thứ 3 World Cup, nơi hội tụ 12 đội châu Á mạnh nhất tranh 4,5 suất dự giải vô địch thế giới.

Bóng đá Việt Nam có thể chưa tiến gần đến cánh cửa World Cup. Nhưng những gì đã thể hiện trong giai đoạn đó giúp chúng ta có niềm tin rằng theo thời gian, những chiến binh sao vàng đủ khả năng để từng bước góp mặt ở những đấu trường lớn của châu lục và thế giới. Trong bầu không khí phấn chấn, ông Park Hang-seo từng tâm tình: “Thành công trong giai đoạn 2018-2022 đến từ nền tảng của đào tạo trẻ, có công sức của những người dày công vun vén cho thế hệ trẻ tài năng”.

Kết tinh của đội tuyển Việt Nam giai đoạn trên là hai lứa cầu thủ 1995-1997 và 1997-1999. Nòng cốt của hai thế hệ này có dấu ấn đậm nét của 3 trung tâm đào tạo bóng đá nổi tiếng, đó là Quỹ Đầu tư và Phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF), Câu lạc bộ (CLB) Hoàng Anh Gia Lai và CLB Hà Nội. Trong đó, những Quang Hải, Duy Mạnh, Đức Huy, Đình Trọng, Văn Hậu, Thành Chung, Việt Anh, Hùng Dũng... là những sản phẩm “đầu ra” đáng tự hào mà đội bóng Thủ đô làm được và đóng góp được cho bóng đá nước nhà.

Quyết tâm mài giũa “ngọc thô”

Tiếp nối thành công trong công tác đào tạo trẻ, tháng 9-2022, Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Bắc Giang được khánh thành với sự đầu tư của doanh nhân Đỗ Quang Hiển. Cũng giống như “lò” Gia Lâm-Hà Nội, Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Bắc Giang đặt mục tiêu huấn luyện, đào tạo 150-160 cầu thủ trẻ mỗi năm thuộc lứa 7-19 tuổi. Những cầu thủ đặc biệt xuất sắc tại lứa tuổi U.15 trở lên sẽ được tuyển chọn để tập luyện tại Học viện bóng đá của CLB Hà Nội cũng như thi đấu cho Hà Nội FC. Các cầu thủ còn lại sẽ tiếp tục tập luyện và thi đấu cho đội bóng của tỉnh Bắc Giang.

leftcenterrightdel

Học viên Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Bắc Giang học tiếng Anh buổi tối.

Việc “cơi nới” thêm một trung tâm đào tạo bóng đá trẻ không chỉ giúp CLB Hà Nội mở rộng vùng tuyển chọn mà từ đó có thể đào tạo thêm nguồn lực chất lượng tiếp nối thế hệ hiện tại ở đội 1. Đây không phải là điều dễ dàng, bởi trong bối cảnh khó khăn về tài chính, kinh tế, việc duy trì vận hành một đội bóng vốn đã chẳng phải chuyện dễ, chứ đừng nói là phát triển, đào tạo bóng đá trẻ từ quy mô diện rộng đến chiều sâu.

Vậy nên những gì mà Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Bắc Giang thuộc CLB Hà Nội đã và đang làm là mô hình đáng biểu dương và khích lệ.

Một ngày tại trung tâm 

Không phải ngẫu nhiên mà hai cựu tuyển thủ quốc gia Phạm Thành Lương và Nguyễn Hải Huy lại gửi con trai vào Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Bắc Giang. Với Phạm Thành Minh, gần một năm rèn luyện ở đây giúp em trưởng thành hơn rất nhiều.

Chia tay những ngày tháng “phì nhiêu” bởi đồ ăn nhanh, trò chơi điện tử, Facebook và video trên YouTube, mỗi ngày của Phạm Thành Minh cùng nhiều bạn nhỏ diễn ra theo mô hình rèn luyện của Quân đội. Đúng 6 giờ 30 phút, các cầu thủ nhí dậy gấp chăn, vệ sinh cá nhân, xuống điểm danh để ăn sáng và đi học. Câu chuyện tương tự với việc ăn trưa, học ca chiều, ăn tối và học phụ đạo. Đan xen giữa những lịch trình này là tập luyện, rèn giũa trên sân bóng. Ngày hoạt động tràn đầy năng lượng của những cậu bé, thiếu niên từ 9 đến 12 tuổi khép lại vào 21 giờ, khi tất cả lên giường đi ngủ để sẵn sàng tâm thế bước sang ngày mới...

Không chỉ là giờ giấc được bảo đảm theo đúng lộ trình, các cầu thủ nhí cũng phải học lề thói, kỷ luật rõ ràng cho từng hoạt động nhỏ nhất. Khi vào nhà ăn là phải tập trung chờ nhau. Khi ngồi vào bàn ăn, các cầu thủ phải mời cơm, sắp đũa, xếp bát và xới cơm cho nhau.

30 phút trước giờ đi học, các cầu thủ phải mặc đồng phục, thắt khăn quàng đỏ, sắp xếp sách vở, xuống sân xếp hàng để cùng nhau đi bộ sang trường học kế bên trung tâm. “Không bao giờ các em đi học muộn. Các bạn thường đến trường trước 15 phút để xem lại bài cũ”, cô Đồng Thị Hoàng Yến-đồng giáo viên chủ nhiệm phụ trách lớp của cầu thủ Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Bắc Giang chia sẻ.

“Các em vẫn bảo đảm đúng thời gian biểu, thời lượng và số lượng môn. Việc thi học kỳ, lên lớp cũng diễn ra đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Có thể, so với mặt bằng chung, nhiều học sinh vẫn hơi “non”. Nhưng bù lại, các bạn có ý thức học tập, cố gắng và nỗ lực. Thậm chí, một số trường hợp đặc biệt còn học rất giỏi, như em Nông Việt Hoàng còn đại diện tỉnh Bắc Giang dự thi học sinh giỏi môn Toán toàn quốc.

Không chỉ tham gia việc học trên trường, các nhóm cầu thủ nhí còn được học tiếng Anh. Những tấm gương cầu thủ nói tiếng Anh tốt, được ra nước ngoài chơi bóng của Việt Nam trở thành hình tượng để những học viên trẻ noi theo. Quan sát từ việc học tiếng Anh vào buổi tối của lớp U.9, có thể thấy được niềm say mê, yêu thích và tiếp thu nhanh đến từ nhiều gương mặt trẻ.

“Ở đây, bên cạnh việc học văn hóa, các cầu thủ sẽ được dạy kỹ về đạo đức, lối sống, kỷ luật, còn kỹ năng bóng đá mới là yếu tố cuối cùng. Với nền tảng giáo dục và đạo đức tốt, các em sẽ trở thành cầu thủ hay có cơ hội theo học ngành nghề nào cũng được, miễn là có ích và có đóng góp cho xã hội”, HLV Hồ Văn Thắng của Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Bắc Giang chia sẻ

Đào tạo từ “trang giấy trắng”

Với các cầu thủ nhí ở Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Bắc Giang, cuộc cạnh tranh để bước vào tuyến trẻ chính thức của CLB Hà Nội sẽ rất khốc liệt. Với tần suất sàng lọc của một trung tâm đào tạo bóng đá thông thường, sẽ chỉ có khoảng 10 đến 15 trong số 150 học viên tại đây có thể bước tiếp lên lứa U.15, U.17; còn để lên đội 1, con số còn giảm hơn nữa.

Nhưng đó là câu chuyện của tương lai. Còn hiện tại, những “trang giấy trắng” này đã và đang được đào tạo một cách có hệ thống, từ cấp độ cơ bản nhất đến từng bước nâng cao.

leftcenterrightdel

Các cầu thủ nhí được đào tạo những kỹ năng cơ bản.

“Giáo án tập luyện phù hợp với mức độ tuổi của các em. Thời điểm nào, tập luyện ra sao cũng cần hợp lý”, HLV Hồ Văn Thắng nói. “Được cái các em đều đam mê bóng đá. Chúng tôi cũng muốn khơi dậy tình yêu đó. Với riêng lứa U.9, U.10 vốn là khởi đầu, chúng tôi tập trung rèn cảm giác bóng, từ tĩnh đến di chuyển, rồi hướng dẫn các em xử lý bóng bằng lòng chân, bằng gầm giày... Về việc tuyển chọn, chúng tôi chú trọng vào bước chạm bóng đầu tiên, sự quan sát, thông tin và di chuyển của các em. Nhìn từ tiềm năng ấy, chúng tôi chọn lọc và rèn giũa dần”.

Giấc mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp của các em 9-10 tuổi bắt đầu như vậy. Họ vẫn ngày ngày vừa học văn hóa vừa luyện bóng đá. Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Bắc Giang thuộc CLB Hà Nội có thể xem là mô hình tốt để những học viện, “lò” đào tạo khác tham khảo. Bởi nếu càng có nhiều những trung tâm bóng đá chất lượng, bóng đá Việt Nam sẽ càng có được nhiều nhân tài.

Bài và ảnh: TRỊNH MỸ