- Anh chị em cựu tù chính trị Côn Đảo sau ngày được giải phóng ở lại Côn Đảo không nhiều, tù nhân nữ lại càng hiếm. Hơn bốn chục năm qua do bệnh tật, tuổi tác nên nay càng thưa vắng. Nếu nhà báo muốn hỏi chuyện một nữ cựu tù chính trị thì có bà Ni may ra còn khỏe mạnh và minh mẫn. Bà Ni trước bị giam cùng trại với bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó chủ tịch nước. Nhà bà nay cũng nằm cạnh Ban quản lý di tích nhà tù Côn Đảo, gần trại giam Phú Hải đấy!
Bà Nguyễn Thị Ni sinh năm 1938, quê ở xã Tân Trung, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Trước Mậu Thân năm 1968, bà là cơ sở hợp pháp hoạt động tại quê nhà. Sau khi bị lộ vì bị chỉ điểm, bà lên Sài Gòn tham gia Biệt động thành phố. Năm 1971, địch phát hiện được tung tích của bà, bắt lên tổng nha cảnh sát tra hỏi. Bà một mực kêu oan, nói là mình làm nghề thợ may và buôn bán nhỏ, có kẻ nợ tiền bà không trả lại còn vu oan giáng họa bắt bà đi tù để xù nợ. Địch đưa bà lên giam ở Thủ Đức mấy tháng, sang đầu năm 1972 thì đưa ra Côn Đảo.
    |
 |
Bà Nguyễn Thị Ni kể chuyện đấu tranh trong nhà tù Côn Đảo |
Ngót 45 năm đã trôi qua, bà Ni vẫn còn nhớ như in cái phòng số 6 của Trại 2-trại Phú Hải-chỉ rộng chừng ba chục mét vuông mà địch nhốt tới 36 nữ tù chính trị. Bà thuộc nhóm tù chưa thành án nên bị kêu lên tra hỏi liên tục, lần nào cũng bị đánh đập, tra tấn rất dã man vì “ngoan cố, cứng đầu”. Vài tháng sau, chúng chuyển bà sang Trại 4, giam chung với số chị em đã thành án ở phòng số 9. Chị em phòng số 9 cho biết, bên phòng số 13 có chị Nguyễn Thị Tâm cũng người Gò Công Đông. Đang định tìm cách gặp gỡ thì mấy hôm sau, nhân giờ mở cửa cho tù nhân đi tắm giặt, chị Tâm sang bảo nghe nói có cô Ni quê Gò Công Đông, tui ở xã Bình Ân nè! Thế là từ đó, thỉnh thoảng giờ tắm giặt hoặc ra phơi nắng, hai chị em lại tìm cách gặp gỡ, chuyện trò. Chị Tâm còn ít tuổi hơn nhiều chị em khác trong phòng, nhưng vô trại trước, lại từng bị giam mấy năm ở khám Chí Hòa, nên có nhiều kinh nghiệm đấu tranh, đối phó với địch. Chị thường dặn dò động viên chị em nhiều điều thiết thực, được mọi người rất qúy mến và kính nể. Mãi sau này cùng được trao trả về Lộc Ninh, mọi người mới biết tên thật của chị Nguyễn Thị Tâm là Trương Mỹ Hoa. Đặc biệt sau này chị Hoa giữ cương vị Phó chủ tịch nước, bà Ni và các bạn tù còn sống mỗi dịp gặp nhau lại bày tỏ niềm tự hào từng được là bạn tù cùng trại giam với một nữ chiến sĩ cách mạng kiên trung, ngoan cường...
Chuyện bà Trương Mỹ Hoa động viên, tổ chức cho chị em trại 4 đấu tranh được trao trả theo Hiệp định Paris được bà Nguyễn Thị Ni kể lại trong nỗi xúc động dâng trào: “Hiệp định được ký kết tháng Giêng năm 1973, nhưng bọn địch cố giấu lại số đông tù chính trị Côn Đảo, vì sợ những tội ác vô nhân đạo của chúng ở “địa ngục trần gian” bị phơi bày trên trường quốc tế. Thủ đoạn của chúng là “xóa tên” nhà tù Côn Đảo, đổi tên thành xã Phú Hải thuộc tỉnh Cà Mau. Còn tù chính trị thì chúng làm lại hồ sơ tù hình sự “Gian nhân hiệp đảng”. Chị em chúng tôi kiên quyết đấu tranh với âm mưu của địch. Mỗi khi chúng kêu lên chụp hình để làm hồ sơ là mọi người la hét chống cự, nhắm mắt, há miệng khiến chúng không chụp được hình làm căn cước giả mạo. Ban đêm, mọi người mài các ngón tay xuống nền xi măng cho tứa máu để chúng không lấy được dấu vân tay... Cứ dằng dai quyết liệt như thế, mãi đến hơn một năm sau, hơn 200 nữ tù nhân chính trị chúng tôi mới được trao trả tại Lộc Ninh...”.
Trở về với cách mạng, bà Nguyễn Thị Ni tiếp tục công tác trong phong trào Phụ nữ Giải phóng. Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, bà được phân công về huyện Hóc Môn công tác ở Hội Nông dân, rồi được đi học bổ túc văn hóa và trở về Hóc Môn công tác ở Phòng Nông nghiệp. Sau khi được dự khóa bồi dưỡng tại Thủ Đức, bà được chuyển về huyện Gò Công Đông quê nhà, công tác ở Hội Phụ nữ huyện. Cuối năm 1983, sau chuyến ra thăm Côn Đảo, viếng mộ các bạn tù và các thế hệ liệt sĩ ở Nghĩa trang Hàng Dương, bà làm đơn xin chuyển công tác ra Côn Đảo, làm Phó thư ký Công đoàn huyện. Bấy giờ, bà mới có điều kiện lập gia đình với ông Đỗ Nam Hồng là cán bộ tập kết trở về, làm Phó bí thư Huyện ủy Côn Đảo. Lấy chồng lúc tuổi đã ngoài 40, lại bị tù đày tra tấn dã man, nên bà không thể làm mẹ được nữa. Hiện nay hai ông bà sống dựa vào nhau trong tình thương yêu của bà con xóm giềng và đồng chí, đồng đội... Công việc bà tâm niệm hằng ngày là góp phần hương khói, chăm sóc phần mộ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong lao tù thực dân, đế quốc, hiện yên nghỉ ở Nghĩa trang Hàng Dương trên đảo. Mỗi khi có điều kiện, bà lại kể về những trang sử hào hùng của quân và dân Côn Đảo cho con cháu và du khách gần xa...
Sang Xuân Mậu Tuất này, bà Nguyễn Thị Ni tròn tuổi 80. Mấy năm nay đôi chân bà trở bệnh, đi lại rất khó khăn, nhưng đầu óc, tinh thần bà vẫn minh mẫn lắm. Bà nói, được sống đến hôm nay để thấy hòn đảo “địa ngục trần gian” năm xưa đang thay da đổi thịt, trở thành một điểm sáng về văn hóa trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, với bà vậy là hạnh phúc lắm rồi...
Bài và ảnh: HUYỀN BÌNH