QĐND - Hiện tại, ở Côn Đảo, “người gốc Côn Đảo” là một khái niệm hiếm hoi. Người sinh sống ở Côn Đảo được gọi bằng cái tên chung-“dân góp”.

Kể về gốc gác cái tên “dân góp”, chị Lương Hải An, chủ khách sạn Hải An, đường Hồ Thanh Tòng, thị trấn Côn Đảo, không giấu vẻ tự hào: “Những người dân hiện sinh sống ở Côn Đảo đến từ khắp cả nước. Vì thế, dân các địa phương “góp” thành dân Côn Đảo. Nhưng chúng tôi lại luôn tự hào khi được tiếp nối một truyền thống hào hùng”.

Trên địa bàn cả nước, có lẽ hiếm địa phương nào được “xê dịch” nhiều lần như Côn Đảo. Sự “xê dịch” ở đây được hiểu là “chuyển đổi đơn vị hành chính” và “thay tên đổi họ”.

Côn Đảo trước khi thuộc Pháp, thuộc tỉnh Hà Tiên, sau đổi cho tỉnh Vĩnh Long quản lý. Ngày 16-5-1882, Tổng thống Pháp Giu-lơ Grê-vi (Jules Grévy) ký sắc lệnh công nhận Côn Đảo là một quận của Nam Kỳ. Tháng 9-1954, chính quyền Ngô Đình Diệm tiếp tục chế độ nhà tù của Pháp và đổi tên thành hải đảo Côn Sơn. Ngày 22-10-1956, Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh thành lập tỉnh Côn Sơn. Ngày 24-4-1965, Việt Nam Cộng hòa đổi tỉnh Côn Sơn thành cơ sở hành chính Côn Sơn, trực thuộc Bộ Nội vụ và chức tỉnh trưởng được đổi thành Đặc phái viên hành chính. Sau Hiệp định Pa-ri, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu lại đổi tên đảo này một lần nữa là Phú Hải. Tháng 5-1975 được gọi là tỉnh Côn Đảo. Tháng 1-1977, trở thành huyện Côn Đảo thuộc tỉnh Hậu Giang. Tháng 5-1979, trở thành quận Côn Đảo thuộc Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo. Tháng 10-1991 đến nay là huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Sầm uất chợ Côn Đảo. Ảnh: Huy Đăng

Tính tổng cộng, Côn Đảo vừa được “thay tên đổi họ”, vừa chuyển đổi đơn vị hành chính trực thuộc đến cả chục lần. Thế nhưng, ở Côn Đảo có một thứ duy nhất không thay đổi hơn một thế kỷ qua. Đó là tinh thần yêu nước kiên trung đến mức bất kể ai cũng phải nghiêng mình.

Côn Đảo có một bề dày lịch sử, nhưng những dữ liệu về cư dân sinh sống trên hòn đảo này khá ít ỏi. Có lẽ, thể hiện rõ nhất là việc vào năm 1783, sau khi thua quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh cùng vợ, con và khoảng 100 gia đình thuộc hạ chạy ra đảo Côn Sơn. Cùng với những người dân chài đang sinh sống ở Côn Đảo, Nguyễn Ánh đã lập nên 3 làng gồm: An Hải, An Hội và Cỏ Ống. Đến năm 1862, khi Nhà tù Côn Đảo do Thống đốc Bô-nác (Bonard) ở Nam Kỳ thành lập, đưa những tù nhân chính trị ở đất liền ra, Côn Đảo mới bắt đầu trở nên đông đúc.

113 năm, trải qua hai thời kỳ đất nước oằn mình dưới gót giày xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Côn Đảo trở thành nhà tù lớn nhất và thuộc loại lâu đời nhất ở Việt Nam. Trong số các tù nhân ở đây đã có hàng chục vạn chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước bị đày đọa, giam cầm. Người tù ở Côn Đảo không chỉ bị bỏ đói, xiềng chân, tra tấn dã man mà còn phải lao dịch khổ sai như: Đập đá làm đường, xây dựng cầu tàu, đốn gỗ, xay lúa, lấy san hô nung vôi... Thế nhưng, Côn Đảo đã trở thành “trường đại học” lớn nhất của những người cộng sản. Vô số cuộc đấu tranh của những người tù Côn Đảo đã nổ ra để phản đối chính sách bạo tàn của thực dân Pháp và sau này là đế quốc Mỹ. Những người tù đã bí mật thành lập chi bộ Đảng để tập hợp, lãnh đạo cuộc đấu tranh chống lại ách thống trị vô nhân đạo. Ngày 1-5-1975, chính những người tù đã đứng lên giành lại chính quyền, đem lại tự do cho Côn Đảo.

Như vậy, dù không “tự nguyện” ra Côn Đảo, nhưng những người tù cộng sản, những người Việt Nam yêu nước đã đặt nền móng cho Côn Đảo hôm nay. Dẫu nền móng ấy chứa đầy máu xương!

Du khách tham quan Nhà tù Côn Đảo.  Ảnh: Trọng Hải

Hơn 4 thập kỷ đã trôi qua kể từ ngày đất nước thống nhất, chưa một ngày truyền thống trung kiên của những người cộng sản phai nhạt trên mảnh đất Côn Đảo. Truyền thống ấy đã ngấm vào từng “gốc cây, ngọn cỏ”, từng không gian, thời gian trên hòn đảo này. Và hơn thế, truyền thống ấy đã “khiến” những người ra Côn Đảo lập nghiệp, dù xuất xứ ở đâu, đều trở thành những người rất “đặc biệt”.

Là một trong 10 hòn đảo kỳ bí nhất hành tinh, một điểm du lịch nổi tiếng khắp thế giới, nhưng ở Côn Đảo không hề có bóng dáng các khu ăn chơi sôi động. Bởi ở Côn Đảo, người ta sống khác.

Người Côn Đảo-giờ là khoảng 7.000-dù mới định cư vài tháng hay ở đó hàng chục năm, đều nhất lòng yêu Côn Đảo. Và khi tình yêu lớn hơn tất cả, người Côn Đảo có cách ứng xử trong cuộc sống vô cùng hiền hòa. Hình như trên đảo hoàn toàn không có kẻ trộm. Bằng chứng là ban đêm, chả mấy gia đình cần khóa cửa. Xe gắn máy, xe đạp, ô tô để đầy vỉa hè với chìa khóa cắm nguyên trong ổ. Chợ hoạt động vào mỗi buổi sáng. Ở đó, có rau xanh, thịt, hải sản… tất cả những thứ thiết yếu cho cuộc sống. Cũng là buôn bán nhưng người Côn Đảo không có thói quen và cũng không thích nói thách. Với du khách, người Côn Đảo nhiệt tình đến lạ lùng. Ra chợ, mua đồ ở một cửa hàng, chủ hàng sẵn lòng mua giúp bất kể thứ gì khách cần ở cửa hàng khác. Về khách sạn, khách “muốn gì được nấy”, chủ khách sạn cho mượn miễn phí bếp, đồ đạc du khách cần. Hỏi đường một câu, người Côn Đảo hướng dẫn tận tình đến cả chục câu…

Bức tranh về cuộc sống của người dân ở Côn Đảo toát lên sự bình yên, đầm ấm. Có lẽ chẳng ở đâu không khí lại trong lành, cuộc sống không hối hả, ồn ào như ở nơi đây.

HUY ĐĂNG