SQCPĐ ở đơn vị cơ sở theo bộ đội từ lúc báo thức đến khi đi ngủ. Cùng với huấn luyện, trực chiến theo quy định, họ còn phải thực hiện nhiệm vụ đột xuất, như phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn... Với họ, áp lực công việc đến từ nhiều phía: Từ tính chất, cường độ, yêu cầu cao, sự an toàn trong công việc đến những tác động của điều kiện thời tiết, khí hậu, môi trường.

Sức ép trên thao trường

Khảo sát ở các trung đoàn bộ binh đủ quân của Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3), Sư đoàn 3 (Quân khu 1), Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1), Sư đoàn 395 (Quân khu 3) và Trung đoàn 64 (Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không-Không quân), chúng tôi thấy rằng, số SQCPĐ chưa lấy vợ ở các đơn vị này chiếm từ 30% đến 65%. Trung đoàn 2 (Sư đoàn 3) có đến 60% SQCPĐ chưa lập gia đình. Ở Sư đoàn 10, tỷ lệ này chiếm gần 35%. Đáng lưu ý, số SQCPĐ hơn 30 tuổi chưa lập gia đình chiếm tỷ lệ khá cao và có xu hướng ngày càng tăng. Thời bình, dù ở đơn vị nào thì việc quân vẫn luôn bận rộn, khiến đội ngũ SQCPĐ không có nhiều thời gian để tìm bạn đời. Người đã có ý trung nhân thì nuôi dưỡng tình yêu qua internet, điện thoại, mạng xã hội. Đa phần SQCPĐ đóng quân ở xa trung tâm, xa quê nên thời gian dành cho gia đình, người yêu đối với họ càng quý giá bội phần. Họ thiệt thòi hơn rất nhiều nam thanh niên khác trong xã hội.

Ngày 15-5, chúng tôi có mặt ở Trung đoàn 43 (Sư đoàn 395, Quân khu 3). Theo kế hoạch của Trung đoàn, ngày 17-5, các đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới (CSM) năm 2023 sẽ tổ chức kiểm tra 3 tiếng nổ (đánh thuốc nổ, ném lựu đạn, bắn AK). Trong hai ngày, chúng tôi được chứng kiến toàn bộ công việc quản lý, chỉ huy bộ đội của Trung úy Nguyễn Minh Hiếu, Trung đội trưởng thuộc Đại đội 7, Tiểu đoàn 8. Nguyễn Minh Hiếu quê ở TP Hạ Long (Quảng Ninh) và mới ra trường hơn một năm nay.

leftcenterrightdel

Sĩ quan cấp phân đội Trung đoàn 43 (Sư đoàn 395, Quân khu 3) hướng dẫn chiến sĩ mới trong kiểm tra đánh thuốc nổ. Ảnh: THẮNG TOẢN 

Chưa đến 5 giờ sáng, trước khi có tiếng kèn báo thức, Nguyễn Minh Hiếu đã đứng ở sân chờ bộ đội ra tập thể dục. Cả ngày hôm ấy, bộ đội ở đâu thì anh ở đó. Bộ đội chịu nắng, chịu mưa trong huấn luyện thế nào thì Nguyễn Minh Hiếu cũng “hưởng” chừng ấy. Đêm đến, khi chúng tôi đang ngon giấc, bỗng được Nguyễn Minh Hiếu đánh thức, rồi thì thầm: “Các anh đi kiểm tra gác với em để thâm nhập thực tế”. Chúng tôi rời khỏi giường, đang loay hoay tìm công tắc điện thì Hiếu đưa tay ra dấu im lặng, ý là không bật đèn để bộ đội ngủ. Vậy là chúng tôi mặc quân phục trong bóng tối, cùng những cái ngáp dài bởi cơn ngái ngủ. Trên đường đến các vị trí gác để kiểm tra, Nguyễn Minh Hiếu chia sẻ, lo nhất là sự an toàn của bộ đội trong kiểm tra 3 tiếng nổ. Nhiều chiến sĩ chưa quen với tiếng nổ, hay bị áp lực tâm lý nên dễ quên yếu lĩnh, động tác.

Sáng 17-5, khi CSM kiểm tra ném lựu đạn, Nguyễn Minh Hiếu đứng cạnh chiến sĩ, vừa quan sát, vừa hướng dẫn, sẵn sàng xử lý các tình huống xảy ra. Các cán bộ ở Tiểu đoàn 8 chia sẻ thêm rằng, dù họ quanh năm huấn luyện và diễn tập, đã quen với công việc, nhưng không vì thế mà chủ quan, lơ là. Quản lý bộ đội hiện nay không dễ, luôn gặp nhiều áp lực vô hình đè nặng. Áp lực về chất lượng huấn luyện, áp lực trong thực hiện nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật... Thế nên, cán bộ phải làm hết sức, phải quay như chong chóng để có được kết quả tốt nhất. Trong suốt hơn 3 tháng huấn luyện CSM, cán bộ trung đội không một ngày về nhà. Mỗi ngày, Nguyễn Minh Hiếu liên lạc qua điện thoại với bạn gái là sinh viên Học viện Tài chính ở Hà Nội từ một đến hai lần. Anh tâm sự thật lòng, cô ấy cũng trách nhưng biết làm sao được bởi điều kiện công tác: "Em sống chân thật, yêu hết lòng. Nếu giữ được tình yêu và đi đến hôn nhân thì còn gì bằng”.

Áp lực trực chiến

Trong cái nắng gay gắt đầu hè, chúng tôi đến Trung đoàn 64 (Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không-Không quân) đúng thời điểm đơn vị đang luyện tập chuyển trạng thái SSCĐ. Ở Trung đoàn 64, SQCPĐ từ 30 tuổi trở lên chưa có vợ chiếm gần 30% và số sĩ quan được hưởng trọn vẹn tiêu chuẩn phép hằng năm cũng không nhiều. Theo Trung tá Trần Ngọc Chinh, Trung đoàn trưởng, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu biên chế nên việc tổ chức huấn luyện, trực SSCĐ của đơn vị gặp nhiều khó khăn. Ngoài thực hiện chức trách quy định, SQCPĐ phải kiêm nhiệm nhiều việc khác để cá nhân và đơn vị hoàn thành nhiệm vụ.

Nhân vật mà chúng tôi được gặp gỡ, trao đổi là Trung úy Trần Văn Đương (29 tuổi, quê TP Hải Phòng), Trợ lý Ban Kỹ thuật Trung đoàn 64, kiêm Trưởng xe radar. Hằng ngày, ngoài công việc chuyên môn ở Ban Kỹ thuật thì Trần Văn Đương phải bám trạm radar. Đó không chỉ là công việc bảo dưỡng kỹ thuật đơn thuần mà còn sẵn sàng thay thế nhiệm vụ của đồng chí đài trưởng khi cần thiết. Trần Văn Đương trải lòng, tác chiến phòng không được tính bằng giây. Nếu không tỉnh táo, không tập trung thì việc tính toán, đưa ra tham số, phần tử mục tiêu sẽ không chính xác, khiến kết quả huấn luyện và hiệu suất chiến đấu thấp, thậm chí còn bị đối phương tập kích hỏa lực. Thế nên, ngoài thời gian huấn luyện, trực chiến, bảo dưỡng khí tài, đội ngũ SQCPĐ như anh đều phải đầu tư thêm thời gian để tự nghiên cứu, tự học.

Nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, trực chiến triền miên khiến việc đi phép, tranh thủ của Trần Văn Đương và một số đồng chí trong đơn vị không thể thực hiện đủ 100% thời gian theo quy định. Vì công việc bận rộn, đến nay Đương vẫn “khép cửa trái tim” và là một chàng trai "phòng không" chính hiệu.

Những nhiệm vụ đột xuất

Hiện nay, cùng với nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, đội ngũ SQCPĐ còn phải thực hiện những nhiệm vụ được bổ sung vào mỗi thời điểm khác nhau; nhiệm vụ đột xuất như phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn... Ví như ở Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 165 (Sư đoàn 312, Quân đoàn 1), hiện toàn đơn vị đang tích cực chuẩn bị thao trường, bãi tập phục vụ cuộc thi Quân khu số 1 diễn ra tới đây. Vì thế, cả đơn vị di chuyển và nhường doanh trại cho các đơn vị về dự thi. Theo Đại úy Trần Văn Cường, Chính trị viên Tiểu đoàn 7: Là người chủ trì về hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị, anh thường xuyên bám nắm bộ đội trong tất cả hoạt động ở đơn vị. Đa phần cán bộ trung đội, đại đội còn trẻ, thiếu kinh nghiệm nên phải trực tiếp hướng dẫn, kiểm tra. Đây cũng là việc thực hiện tốt quy định của cấp ủy, chỉ huy đơn vị đã xác định trong nghị quyết: Nơi nào có bộ đội, nơi đó có cán bộ, có hoạt động lãnh đạo, quản lý, chỉ huy tập trung, thống nhất.

Thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động quân sự là loại hình lao động đặc biệt, khó có thể đong đếm và đo lường chính xác công sức. Để có được những cán bộ, chiến sĩ và những tập thể huấn luyện, SSCĐ, chiến đấu giỏi, các đơn vị đều phải kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với rèn luyện hết sức nghiêm ngặt. Trước yêu cầu và đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng huấn luyện, SSCĐ, xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật thì vai trò của đội ngũ SQCPĐ càng phải cao hơn. Thế nên, áp lực công việc đối với SQCPĐ là rất lớn, diễn ra trong thời gian dài. Trong môi trường ấy, cộng với sự xa gia đình, người thân, đòi hỏi mỗi SQCPĐ phải có nghị lực, bản lĩnh để vượt qua và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ...

(còn nữa)

MẠNH THẮNG - LIÊN VIỆT -  HỒNG SÁNG