Những ngày đầu tháng Tư vừa qua, nơi Lữ đoàn 203 đóng quân dường như có mưa bụi nhiều hơn những nơi khác. Mưa bụi cộng với trời nồm khiến chỗ nào cũng ẩm ướt. Con đường đất từ sở chỉ huy Lữ đoàn 203 ra thao trường vốn có màu đỏ gan gà đặc trưng nay chuyển thành nâu thẫm, lầy lội. Khi chúng tôi đến, trên bãi tập khá bằng phẳng là dấu những vệt xích xe tăng đan chéo nhau, nhiều chỗ bị ngập trong nước. Được sự đồng ý của Đại tá Nguyễn Xuân Quý, Chính ủy Lữ đoàn, sau khi vào cabin để thực tập làm lính tăng mới được hơn 5 phút, tôi đã phải trồi đầu lên khỏi tháp pháo ngay lập tức. Buồng lái chật hẹp, nóng bức và ngột ngạt, thiếu oxy đã "thiêu đốt" ý tưởng của tôi được thử cảm giác khi xe chuyển động trên sa hình.
Rời xe, tôi gặp gỡ Thượng úy Phạm Văn Bình, Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, bằng cái bắt tay và bày tỏ thán phục về ý chí, sự khổ luyện của lính tăng. Anh Bình cười và bảo, đấy là do tôi chưa quen với môi trường. Còn anh và đồng đội, khi đã chọn, yêu mến, gắn bó với công việc của lính tăng thì khó khăn, gian khổ mấy cũng sẽ vượt qua. Chuyện mặc quần áo công tác ngồi trong xe tăng nóng như nung và bị "tra tấn" bởi tiếng gầm rú khủng khiếp của động cơ trong vài giờ với các anh là công việc diễn ra thường xuyên hằng ngày.
Bình có dáng người cao gầy, mặt xương xương, nước da sạm nắng và đôi mắt biết cười. Nói chung là sẽ điển trai, thư sinh giống một giảng viên hơn nếu không mang bộ quân phục dã chiến bạc màu nắng gió thao trường. Anh chia sẻ, trong chiến đấu, với ưu thế về tốc độ, khả năng đột phá bởi hỏa lực mạnh và tự bảo vệ tốt, xe tăng sẽ chế áp, tiêu diệt hỏa lực địch, tạo điều kiện để bộ binh làm chủ trận địa. Nhắc lại sự kiện lịch sử xe tăng của Lữ đoàn húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập trưa 30-4-1975, Đại đội trưởng Phạm Văn Bình cho rằng, đó là niềm tự hào vô bờ bến của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đơn vị; là động lực tinh thần lớn lao của những người theo đuổi tình yêu thuần phục “voi chiến” như các anh.
|
|
Kíp xe tăng Lữ đoàn 203 trong diễn tập. Ảnh: HỮU CƯỜNG
|
Đại tá Nguyễn Xuân Quý đứng cạnh tôi và góp vào câu chuyện bằng những trải nghiệm mấy chục năm đảm nhận công tác lãnh đạo, chỉ huy quản lý các đơn vị xe tăng. Anh thổ lộ, trong chiến đấu, lính tăng gặp vô vàn tình huống, đòi hỏi phải có sự mưu trí, dũng cảm và sự quyết đoán của cả kíp xe. Xe tăng vốn sinh ra không dành cho chiến đấu trong đô thị. Khi chiến đấu ở đó, xe tăng thường gặp rất nhiều bất lợi, dễ bị phục kích, không phát huy được thế mạnh hỏa lực bởi vật cản đan xen che khuất tầm quan sát. Theo anh Quý, để bộ đội huấn luyện sát thực tế chiến trường, những năm qua, Lữ đoàn 203 đã đổi mới trong xây dựng, triển khai các bài huấn luyện để tăng tình huống chiến đấu cả về kỹ thuật và chiến thuật. Thế nên trên sa hình của thao trường, bãi tập, lính tăng phải nỗ lực vượt qua những thử thách khắc nghiệt với các điều kiện, tình huống hết sức ngặt nghèo.
Từng là trưởng xe nhiều năm, từng tham gia nhiều mùa diễn tập nên Thượng úy Phạm Văn Bình rất thấm thía sự nhọc nhằn của lính tăng. Anh tâm sự, khó khăn với lính tăng khi huấn luyện là các bài tập vượt lầy, lên xuống bến, lên xuống phà, cầu phao và đột phá, dẫn bộ binh vượt cửa mở trước tiền duyên phòng ngự của địch. Trong những nội dung huấn luyện đó, tình huống cơ động xe trên các địa hình có sự đánh phá của đối phương từ trên không, mặt đất hoặc từ xa tới bằng phi pháo đều khiến lính tăng luôn phải trăn trở để tìm cách phòng tránh, xử lý nhanh chóng, hiệu quả.
Vượt bãi lầy, bãi lội là một trong những nội dung rất khó cho chiến sĩ lái xe tăng. Hạ sĩ Bùi Duy Tân, Đại đội 3, quê ở Vĩnh Phúc, mới vào nghề lái xe tăng được gần một năm chia sẻ rằng, nhìn xe tăng chạy tốc độ cao, đột ngột bay qua vật cản cầu mái nhà trong các lần Hội thao Quân sự quốc tế tại Liên bang Nga gần đây khiến ai cũng mê tít, nhưng kỹ thuật lái đó chưa thể khó bằng điều khiển xe tăng vượt bãi lầy. Lúc ấy, nếu người lái không giữ bàn đạp nhiên liệu và thao tác cần lái đồng bộ là xe mất trớn và chắc chắn nằm tại đó. Thế nên trong các bài tập lái, ngoài vượt qua bãi lầy trên sa hình, Tân và đồng đội còn chủ động dừng xe ở trung tâm bãi lầy để tổ chức vượt lầy hoặc nhờ phương tiện cứu kéo. Đó là cách đơn vị tạo ra những tình huống để bộ đội xe tăng đưa ra các giải pháp xử lý nhanh chóng, hiệu quả.
Trung úy Ngô Văn Hoan, Trưởng xe của Đại đội 3, Tiểu đoàn 1 là một trong những cán bộ phân đội có năng lực chỉ huy rất vững vàng. Hoan quê ở TP Bắc Ninh, ra trường về Lữ đoàn 203 công tác từ năm 2020, sau khi đã tốt nghiệp Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp loại khá. Anh tâm sự, trong chiến đấu tiến công địch phòng ngự ở địa hình trung du, đồi núi, lúc dẫn dắt bộ binh vượt qua cửa mở là thời điểm xe tăng dễ bị đối phương ngăn chặn. Thế nên khi cửa mở thông, sau khi có lệnh của cấp trên thì đội hình xe tăng phải gấp rút cơ động vượt qua cửa mở, đánh chiếm đầu cầu. Lúc ấy, các xe phải hỗ trợ cho nhau. Anh kể, hồi chuẩn bị cho đợt diễn tập thực binh cuối năm 2022, theo kịch bản, sau khi có hiệu lệnh cửa mở thông, xe tăng do anh làm trưởng xe sẽ xông lên đi đầu. Nhưng không hiểu sao, khi xe vừa cua chớm vào cửa mở được vài mét thì bị chết máy. Trên bộ đàm, anh lệnh cho chiếc thứ hai đi sau vượt lên còn xe của mình thì sẵn sàng hỏa lực chế áp hỏa điểm của đối phương, yểm hộ cho chiếc thứ hai. Theo quy định, nếu vệt xích xe tăng chớm ra ngoài dây chuẩn phạm vi cửa mở là coi như bị tiêu diệt. May mắn là hôm đó, lái xe tăng thứ hai đã căn rất chuẩn đường đi, vệt xích ngoài cùng chỉ chớm đè lên mép dây chuẩn màu trắng của công binh thiết lập khoảng 1-2cm. Sau đó ít lâu, chiếc thứ ba cũng theo vệt xích của xe phía trước mà vượt lên để tận dụng thời cơ đột phá vào trung tâm phòng ngự của quân xanh. Chưa đầy 5 phút sau, xe chỉ huy cũng nổ máy và tiếp ứng, dẫn bộ binh tràn lên, giải quyết trận địa nhanh gọn.
Sau đợt huấn luyện tiền diễn tập đó, khi rút kinh nghiệm, Trung úy Ngô Văn Hoan và đồng đội đã tìm ra nguyên nhân xe chết máy đột ngột. Đó là khi vào cua, việc kết hợp giữa bàn đạp nhiên liệu và ngắt ly hợp cùng giữ lái của lái xe chưa ăn khớp. Máy yếu nên xe quá tải và chết máy đột ngột. Kíp lái phải mất thời gian hơn 5 phút mới khắc phục được sự cố, khởi động máy hoạt động trở lại.
Xế chiều, cường độ ánh nắng mặt trời không đủ xuyên qua những màn mưa bụi. Vùng sơn cước tối nhanh hơn thường lệ và mưa bụi cũng dày hạt hơn. Chia tay những người lính xe tăng Lữ đoàn 203, trong tôi vẫn văng vẳng tiếng động cơ gầm rú cùng mùi hôi hôi và khói dầu máy phủ kín phía sau xe trông như màn khói ngụy trang. Tôi biết, trong suy nghĩ của họ, chiến thắng hỏa lực mạnh của đối phương mới là cái đích và là niềm tự hào vô bờ bến. Mưa bụi, mưa rào hay nắng chói chang trên thao trường chỉ là những "hạt cát trên sa mạc" với họ mà thôi...
MẠNH THẮNG