Vợ là trụ cột

Khảo sát ở các đơn vị, chúng tôi thấy đa phần SQCPĐ sinh ra ở nông thôn, công tác xa nhà, xa vợ con và có mức sống trung bình so với thu nhập của nhiều đối tượng trong xã hội hiện nay. Trung đoàn 141 (Sư đoàn 3, Quân khu 1) có 73,29% SQCPĐ quê ở vùng nông thôn. Tỷ lệ này ở Trung đoàn 43 (Sư đoàn 395, Quân khu 3) là hơn 75%. Hiện nay, số SQCPĐ có gia đình chưa được thụ hưởng chính sách ở nhà công vụ chiếm hơn 95%. Hiện nay, SQCPĐ được ở nhà công vụ chiếm tỷ lệ rất thấp: Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) là 18%; Trung đoàn 165 (Sư đoàn 312, Quân đoàn 1) là 2,4%; còn các đơn vị, như Trung đoàn 64 (Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không-Không quân), Trung đoàn 43 (Sư đoàn 395, Quân khu 3) và Sư đoàn 3 (Quân khu 1) thì chưa có nhà công vụ. Tỷ lệ SQCPĐ ở các đơn vị tự xây được nhà là không nhiều và đa phần phải có sự hỗ trợ của bố mẹ hoặc người thân trong gia đình. Ví dụ, ở Trung đoàn 165 (Quân đoàn 1), tỷ lệ này là 2,58%; Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) là 34%; Trung đoàn 43 (Sư đoàn 395, Quân khu 3) là gần 15%.

Đa phần SQCPĐ có cấp bậc quân hàm từ thiếu úy đến trung tá, trong đó cấp úy chiếm số đông. Đây cũng là giai đoạn họ mới lập gia đình, nuôi con nhỏ và phải tích lũy để mua sắm đồ dùng, trang bị thiết yếu. Gánh nặng tài chính gây ra không ít áp lực đối với SQCPĐ, trong khi giá các mặt hàng tiêu dùng ngày một tăng. Do đặc điểm, điều kiện công tác và để không ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ ở đơn vị nên vai trò trụ cột gia đình của SQCPĐ thường do những người vợ gánh vác.

leftcenterrightdel

Mẹ con chị Nguyễn Thu Thủy, vợ Đại úy Đinh Hữu Đông, Chính trị viên Tàu tên lửa 354 (Lữ đoàn 170, Vùng 1 Hải quân). Ảnh: TẤT THẮNG 

Chúng tôi về xã Đại Bái-nơi có nghề truyền thống đúc đồng nổi tiếng cả nước thuộc huyện Gia Bình (Bắc Ninh) thăm chị Nguyễn Thu Thủy. Chị Thủy là nhân viên nấu ăn của một trường mầm non trên địa bàn với mức lương 3,5 triệu đồng/tháng. Chị có con trai lớn năm nay 3 tuổi và đang mang thai con thứ hai. Chồng chị Thủy là Đại úy Đinh Hữu Đông, Chính trị viên Tàu tên lửa 354 (Lữ đoàn 170, Vùng 1 Hải quân). Chị Thủy tâm sự: "Chúng tôi yêu nhau từ thời học trung học, rồi cưới nhau năm 2018. Từ ngày cưới nhau đến nay, nhiều thời điểm cả tháng anh mới về thăm nhà một lần. Nghỉ lễ, tết, họa hoằn lắm anh mới được nghỉ ở nhà. Vì thế, mọi chuyện trong gia đình từ lớn tới nhỏ, tôi đều phải đảm đương hết, nếu có thì cũng chỉ nhận được ở anh những lời động viên...".

Khi nói đến chuyện xây nhà riêng, chị Thủy cười và cho rằng sẽ rất khó khăn vì xã Đại Bái có nghề truyền thống nên giá đất rất cao. Vợ chồng gần như không có tích lũy, bởi chị lương thấp, chi phí nuôi con nhỏ tốn kém. Hiện nay, mỗi tháng anh Đông gửi về cho vợ khoảng 8 triệu đồng. Dù còn nhiều vất vả nhưng chị Thủy vẫn rất lạc quan. Chị tâm sự: “Khó khăn rồi cũng sẽ qua, nhiều gia đình còn vất vả gấp mấy lần chúng em. Em ở nhà, cố gắng nuôi con, chăm sóc ông bà mạnh khỏe, như thế sẽ giúp anh Đông yên tâm công tác”.

Ở Trung đoàn 24 (Sư đoàn 10, Quân đoàn 3), chúng tôi gặp và trò chuyện với Trung úy Trần Thanh Thịnh, Chính trị viên Đại đội 15 trong lúc anh chuẩn bị xin nghỉ phép vì mẹ bị tai nạn. Năm 2021, anh Thịnh cưới vợ và ở cùng với bố mẹ. Vợ anh là giáo viên mầm non hợp đồng, lương 3 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, anh gửi về nhà 5 triệu đồng hỗ trợ vợ trang trải cuộc sống. Anh Thịnh nói: "Vợ luôn động viên em yên tâm công tác, tập trung vào công việc, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, không phải lo lắng về vợ con. Ở nhà đã có ông bà, họ hàng và làng xóm".

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Diêm Đăng Khang, Phó chính ủy Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) cho biết: "Qua nắm bắt tâm tư của cán bộ, chiến sĩ chúng tôi thấy, một số đồng chí có sự so sánh giữa mức lương của SQCPĐ với mức lương của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động bên ngoài. Thực tế hiện nay, lương thiếu úy khoảng hơn 8 triệu đồng/tháng, nhưng phải thực hiện nhiệm vụ ở đơn vị và bám nắm bộ đội 24/24 giờ. Trong khi trung bình công nhân bên ngoài làm việc 8 giờ/ngày, lương đạt khoảng 10 triệu đồng/tháng; nếu làm tăng ca có thể đạt khoảng 12-14 triệu đồng/tháng".

Qua khảo sát, chúng tôi thấy nhiều SQCPĐ ở các đơn vị có hoàn cảnh giống gia đình Đại úy Đinh Hữu Đông và Trung úy Trần Thanh Thịnh. Nhiều SQCPĐ ở các đơn vị có hoàn cảnh khó khăn, phải thuê nhà ở. Chi phí thuê nhà mỗi nơi khác nhau và dao động ở mức 1,5-4 triệu đồng/tháng, chưa tính chi phí điện, nước. Càng ở đô thị, giá thuê nhà càng đắt. Chi phí ấy chiếm phần lớn lương của SQCPĐ. Bình thường đã vậy, những trường hợp gặp hoàn cảnh éo le như vô sinh; vợ con, bố mẹ bị bệnh hiểm nghèo... thì cuộc sống càng trở nên khó khăn gấp bội. Ví như trường hợp Đại úy Lê Văn Đinh, Đại đội trưởng Đại đội 6, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 141 (Sư đoàn 3, Quân khu 1), sau 8 năm kết hôn, đến nay vợ chồng anh vẫn chưa có con dù đã chữa trị nhiều nơi với chi phí hết sức tốn kém.

Nỗi niềm riêng và trăn trở chung

Trò chuyện với Đại úy Trần Minh Đăng ở Trung đoàn 43 (Sư đoàn 395, Quân khu 3) về hoàn cảnh gia đình, chúng tôi thấy anh có nhiều trăn trở và cũng có những nỗi niềm riêng. Sinh năm 1985, quê ở Lý Nhân, Hà Nam, trước khi vào học Trường Sĩ quan Chính trị, Trần Minh Đăng đã có 3 năm thực hiện nghĩa vụ quân sự ở đảo Sinh Tồn và một năm công tác tại Học viện Hải quân. Hiện anh có vợ làm công nhân với mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng và hai con nhỏ đang học tiểu học. Mức lương của anh Đăng hiện nay vào khoảng hơn 10 triệu đồng/tháng. Xa nhà gần 400km, trung bình mỗi tháng anh về thăm gia đình một lần và chi phí cho mỗi lần đi lại khoảng gần 1 triệu đồng. Trần Minh Đăng tâm sự, do quá trình đô thị hóa nên giá đất, giá xây dựng ở quê khá cao. Thế nên, với mức thu nhập như vậy, việc vợ chồng tích lũy để tự mua được đất và xây nhà ở là rất khó khăn. Ngoài những lo lắng về kinh tế, điều trăn trở nhất của Trần Minh Đăng là anh đã hết tuổi quy hoạch. Theo suy nghĩ, tính toán của anh, nếu không có gì thay đổi, khoảng 8 năm nữa anh sẽ đến tuổi nghỉ hưu với quân hàm thiếu tá nâng lương và ở độ tuổi 46.

leftcenterrightdel

Sĩ quan cấp phân đội Trung đoàn 165 (Sư đoàn 312, Quân đoàn 1) luôn sâu sát với chiến sĩ. Ảnh: TẤT CƯỜNG 

Khảo sát ở nhiều đơn vị, chúng tôi thấy trường hợp có hoàn cảnh giống như Đại úy Trần Minh Đăng khá phổ biến. Theo đại diện lãnh đạo, chỉ huy Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3): Do chỉ tiêu đi học được phân bổ mỗi năm rất hạn chế nên nhiều đồng chí không được đi đào tạo cán bộ cấp trung, sư đoàn. Cán bộ không được đào tạo rất khó có cơ hội phát triển. Cán bộ cấp phân đội mà không phát triển được, sẽ bị già hóa (gần 50 tuổi), ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Đơn cử như việc nếu cán bộ cấp phân đội tuổi cao sẽ rất khó theo bám được các hoạt động của bộ đội, nhất là trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, hành quân rèn luyện cường độ cao, cùng với đó, kéo theo tâm lý chán nản, giảm ý chí phấn đấu.

Trong hoạt động quân sự, lao động của bộ đội, trong đó có lao động của SQCPĐ là một dạng lao động đặc biệt. Đó là hoạt động tiêu hao năng lượng và sức khỏe thể chất, tinh thần rất lớn. Hoạt động này không những đòi hỏi trách nhiệm, sự tâm huyết, mà còn cần có đủ sức khỏe. Thế nên, điều đó lý giải vì sao trước khi thi vào các trường sĩ quan, thí sinh phải trải qua quá trình tuyển chọn, sàng lọc với hệ thống tiêu chí, quy định rất khắt khe của Bộ Quốc phòng.

Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy cơ bản SQCPĐ coi binh nghiệp là nghề và có nguyện vọng được gắn bó, phục vụ lâu dài trong Quân đội. Đội ngũ SQCPĐ đều mong muốn được cử đi đào tạo, học tập để có bước phát triển cao hơn. Họ cũng mong muốn cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng nghiên cứu, đề xuất việc cải thiện các chính sách về tiền lương, nhà ở, cũng như các tiêu chuẩn, chế độ khác để họ yên tâm công tác.

(còn nữa)

MẠNH THẮNG - LIÊN VIỆT - HỒNG SÁNG