Vượt qua chính mình

Đến Trung đoàn 43 (Sư đoàn 395, Quân khu 3), chúng tôi có dịp trò chuyện với nhiều  sĩ quan cấp phân đội có hoàn cảnh khó khăn, nhưng vẫn lạc quan vươn lên để ổn định cuộc sống và công tác tốt, trong đó có trường hợp của Thượng úy Bùi Văn Chiến, Chính trị viên Đại đội 11, Tiểu đoàn 9. Anh Chiến là người dân tộc Mường, quê ở vùng núi huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, vừa cưới vợ cuối năm 2022. Một tháng anh Chiến về thăm gia đình một lần và chi phí hết khoảng 1,6 triệu đồng tiền xe ô tô với 4 chặng, mỗi lần đi-về mất cả ngày đường. Hiện vợ anh Chiến đang làm nhân viên tại một cơ sở dịch vụ đông y ở Hà Nội và bán thêm các loại dược liệu trên mạng xã hội. Anh Chiến kể, thu nhập của vợ chồng thấp nên phải có kế hoạch chi tiêu khoa học, tiết kiệm.

leftcenterrightdel

 Sĩ quan cấp phân đội Trung đoàn 64, Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không-Không quân huấn luyện kíp xe Zcy-23. Ảnh: THẮNG TOẢN

Tại Trung đoàn 64 (Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không-Không quân), Trung úy Chẻo Hồng Sơn-người dân tộc Dao, quê ở Sìn Hồ, Lai Châu-Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn S-300 cũng là tấm gương về vượt khó, ổn định cuộc sống gia đình. Anh Sơn tâm sự, là chính trị viên của một đơn vị kỹ thuật được biên chế khí tài hiện đại nên anh phải tìm mọi cách học tập, nâng cao trình độ, nhất là kiến thức kỹ thuật chuyên ngành để hoàn thành nhiệm vụ. Trong trường không dạy các kiến thức về khí tài này nên đó là những áp lực rất lớn đối với anh Sơn. Mặt khác, để thuận tiện trong công tác, hợp lý hóa chuyện gia đình, anh đưa vợ từ bản xuống Hà Nội học nghề. Bây giờ, vợ anh đã thuê nhà và mở cửa hàng ở nội thành, thu nhập ổn định.  

Thiếu tá Vũ Văn Hùng, Phó chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 165 (Sư đoàn 312, Quân đoàn 1) cũng là một tấm gương vượt khó. Các con ngày càng lớn, nhu cầu chi tiêu trong gia đình ngày càng nhiều, vì thế anh phải tiết kiệm. Năm 2022, vợ chồng anh Hùng vay mượn nhiều nơi mới đủ tiền làm một ngôi nhà riêng ở quê hương Cẩm Giàng, Hải Dương. Anh chia sẻ, theo đường binh nghiệp vất vả và ví nó như là một "cuộc chiến" đòi hỏi sự phấn đấu bền bỉ, dẻo dai, kiên định để vượt qua chính mình. Đó là cuộc chiến với chính nhu cầu của mình, nhu cầu của những người thân trong gia đình. Nếu chạy theo nhu cầu xã hội thì sẽ “chệch đường ray” lúc nào chẳng hay.

Chia sẻ, giúp đỡ sĩ quan cấp phân đội

Khảo sát ở các trung đoàn đủ quân thuộc những sư đoàn bộ binh chúng tôi thấy rằng, dù khó khăn, chịu nhiều áp lực nhưng đa số  sĩ quan cấp phân đội vẫn lạc quan, coi binh nghiệp là nghề và xác định sẽ gắn bó lâu dài trong Quân đội; đồng thời đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quân đội cần có chính sách tiền lương phù hợp công sức, mức độ cống hiến và đặc thù công tác. Chúng tôi đã trao đổi với nhiều cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các trung đoàn, sư đoàn về giải pháp giúp sĩ quan cấp phân đội giải tỏa áp lực, vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy đơn vị đều có nhận định chung: Đội ngũ SQCPĐ đa phần có tuổi quân chưa nhiều; trải qua rèn luyện, thử thách còn ít nên kỹ năng, kinh nghiệm còn thiếu. Trong công tác, một số đồng chí bộc lộ suy nghĩ giản đơn, thiếu chiều sâu, dễ có hành động bột phát và biểu hiện nôn nóng, chủ quan.

Trong đội ngũ  sĩ quan cấp phân đội ở các đơn vị hiện nay đang tồn tại hiện tượng một bộ phận so sánh về mức thu nhập với ngoài xã hội. Những so sánh đó khiến họ nuôi dưỡng ý định làm kinh tế hoặc mong "làm giàu" nhanh theo xu hướng xã hội. Những suy nghĩ, mong muốn ấy tồn tại lâu ngày, trở thành nguyên nhân gây ra hiện tượng mất dần nhiệt huyết, động cơ phấn đấu; hoặc vướng vào cờ bạc, vay nợ dưới nhiều hình thức, dẫn đến vi phạm kỷ luật Quân đội, hạnh phúc gia đình đổ vỡ. Theo một số đồng chí cán bộ trung, sư đoàn, để giải quyết bài toán này thì cần có các biện pháp tổng thể, trong đó quan trọng nhất vẫn là kết hợp chặt chẽ giữa công tác tư tưởng với công tác tổ chức và thực hiện chế độ chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội hợp lý.

Theo Thượng tá Trần Kim Trọng, Chính ủy Trung đoàn 43 (Sư đoàn 395, Quân khu 3), cần thường xuyên nắm bắt hoàn cảnh của sĩ quan cấp phân đội, kịp thời động viên, chia sẻ, giúp đỡ các đồng chí có khó khăn đột xuất như bố mẹ, vợ con ốm đau; tạo điều kiện về thời gian hợp lý để họ chăm sóc gia đình. Anh Trọng phân tích thêm, đa phần các cá nhân có biểu hiện về tư tưởng thường che giấu nên khó phát hiện. Vì vậy, việc xây dựng môi trường văn hóa thân tình, cởi mở trong công tác là vô cùng quan trọng. Khi đã hiểu nhau, tin nhau thì SQCPĐ sẽ sẵn sàng chia sẻ khó khăn, qua đó có biện pháp giải quyết kịp thời.

Cũng về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Đình Khiêm, Chính ủy Sư đoàn 395 (Quân khu 3) cho rằng, để tạo động lực phấn đấu công tác cho SQCPĐ thì vai trò của cấp ủy trong thực hiện công tác cán bộ là rất quan trọng. Theo đó, cần có sự đánh giá chính xác, công tâm, khách quan về phẩm chất đạo đức, năng lực đối với SQCPĐ để có hướng sử dụng phù hợp. Còn Trung tá Trương Đức Hiếu, Phó chính ủy Trung đoàn 141 (Sư đoàn 3, Quân khu 1) thì nhấn mạnh, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cơ sở cần bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ, sĩ quan trẻ phù hợp với trình độ, năng lực, ngành đào tạo thông qua mạnh dạn đề nghị, đề bạt và giao nhiệm vụ để thử thách, rèn luyện, giúp đỡ SQCPĐ tiến bộ, trưởng thành.

Thực tế cho thấy, cuộc sống hiện đại đã tạo ra một cuộc đua về vật chất không hồi kết. Cuộc đua vô hình ấy cuốn giới trẻ vào vòng xoáy kiếm tiền mạnh mẽ. Vòng xoáy ấy hiện diện từng phút, từng giây trong xã hội, trên không gian mạng, tác động vào SQCPĐ. Trước vấn đề trên, Thượng tá Nguyễn Trọng Quý, Chính ủy Trung đoàn 64 (Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không-Không quân) cho rằng, phải "kéo" được SQCPĐ ra khỏi “rừng thông tin” độc hại trên không gian mạng bằng các hoạt động thiết thực. Theo anh Quý, cần tích cực tổ chức hoạt động văn hóa tinh thần, tạo ra các sân chơi lành mạnh, bổ ích cho bộ đội. Đồng thời nhân rộng mô hình, phong trào như: “Chi đoàn huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm”, “Giờ học thanh niên”, “Đôi bạn cùng tiến”, “Tổ học tập kiểu mẫu”...

Chia sẻ với chúng tôi về biện pháp giúp đỡ SQCPĐ giải tỏa áp lực trong cuộc sống, công việc, Thiếu tướng Nguyễn Huy Hoàng, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 3 cho rằng phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có công tác chính sách cán bộ. Đó không chỉ là việc điều động, bổ nhiệm hay đề bạt thăng quân hàm và thăng quân hàm trước niên hạn mà bao gồm cả công tác bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện và hỗ trợ, giúp đỡ, sẻ chia với những khó khăn của SQCPĐ. Thực tế cho thấy, một số SQCPĐ thiếu kỹ năng sống và năng lực thực tiễn nên có biểu hiện chủ quan, ảo tưởng, thiếu tự tin. Theo Thiếu tướng Nguyễn Huy Hoàng, trước vấn đề khó khăn của SQCPĐ, Bộ tư lệnh Quân khu 3 đã rà soát các trường hợp khó khăn để hỗ trợ. Hằng năm, Quân khu 3 đã tích cực tổ chức xây dựng “Nhà đồng đội”, “Ngôi nhà 100 đồng” và kết hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương chung tay hỗ trợ SQCPĐ có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống.

Đa phần SQCPĐ mới ra trường, thời gian công tác chưa dài. Đây là giai đoạn, thời điểm quan trọng để họ tích lũy kinh nghiệm, tạo đà, phấn đấu, cống hiến nhằm thực hiện ước mơ, khát vọng của tuổi trẻ. Trong công tác, cuộc sống, đương nhiên họ sẽ gặp vô vàn áp lực cả hữu hình và vô hình. Muốn phát triển sự nghiệp binh nghiệp, bản thân họ phải luôn giữ được thăng bằng trong suy nghĩ và hành động, kiên định với mục tiêu, con đường đã chọn. Cùng với sự phấn đấu, rèn luyện, vượt khó của SQCPĐ, còn phải có sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ, động viên, chia sẻ của cấp ủy, chỉ huy các cấp và các chế độ, chính sách phù hợp, thiết thực.

Kết thúc loạt bài này, chúng tôi xin được nhắc lại câu ngạn ngữ của phương Tây: “Không có áp lực thì không có kim cương”. Chúng ta tin tưởng rằng, với sự giúp đỡ của cấp ủy, chỉ huy các cấp, đội ngũ SQCPĐ sẽ vượt qua mọi áp lực để trở thành những viên kim cương lấp lánh, trưởng thành và cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

MẠNH THẮNG - LIÊN VIỆT - HỒNG SÁNG