Đại tá Bùi Quang Thắng nhỏ nhẹ:

- Đây có thể coi là một trong những trận đối đầu TTG căng thẳng nhất giữa ta và địch trong cả cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Địch sử dụng 3 chiến đoàn TTG với trang bị hiện đại. Về phía ta chỉ có 5 xe thiết giáp K-63, 1 xe tăng bơi K-63-85, 4 xe cao xạ 23mm. Trong chiến đấu, xe tăng K-63-85 đã bắn cháy 5 xe TTG địch, chia cắt đội hình, buộc chúng không thể tập trung lực lượng tiến công từ hướng Nam, tạo điều kiện cho bộ binh ta tiêu diệt địch.

- Diễn biến thế nào, thưa bác?

CCB Bùi Quang Thắng không trả lời câu hỏi mà nhìn vào mắt tôi và nói, giọng lạc đi:

- Thắng đấy, nhưng nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh. Đó là Đại đội trưởng Ngô Khoán quê ở Lâm Thao, Phú Thọ; là Hòa, pháo thủ số 2, rồi Mạnh, Gai quê ở Hải Phòng; là Bảng, lái xe quê ở Tuyên Quang.

- Xin được chia sẻ với những mất mát của đơn vị bác và gia đình các liệt sĩ. Cháu muốn nghe bác kể về trận đánh oanh liệt này.

Trầm ngâm một lúc để qua cơn xúc động, Đại tá Bùi Quang Thắng thuật lại.

*

*     *

Cuối tháng 1-1973, khi Hiệp định Paris sắp có hiệu lực, địch dồn lực lượng, liều lĩnh mở cuộc hành quân “Tango City”, hòng chiếm lại Cửa Việt (nay thuộc tỉnh Quảng Trị). Đây là đầu mối giao thông thủy-bộ quan trọng để đưa phương tiện, đạn dược, vũ khí, hậu cần vào vùng Trị-Thiên. Cảng Cửa Việt được chia làm hai. Ở bên ngoài là nơi tàu chiến Hạm đội 7 của Mỹ đến sửa chữa, tiếp tế và cảng của quân ngụy Sài Gòn ở phía trong.

Ngày 25-1-1973, địch dùng lực lượng “đặc nhiệm Tango” với nhiều loại xe TTG, như: M48, M41, M113 cùng sự yểm trợ tối đa của pháo binh, không quân và tàu đổ bộ LCU tấn công các chốt trên tuyến Long Quang-Thanh Hội-chợ Sải ở phía bờ Nam.

Trên trời, máy bay OV-10 của địch liên tục quần thảo, chỉ điểm cho không quân, pháo binh đánh phá dọc theo các tuyến chốt và hậu phương của ta. Ngồi ở nơi trú quân, chúng tôi có cảm giác như bầu trời thu nhỏ lại, xám xịt với một không gian đầy rẫy chết chóc.

Trước đó, đêm 24-1, Đại đội 1, Tiểu đoàn Bộ binh cơ giới 66, Trung đoàn TTG 202, tổ chức một bộ phận vượt sông, tăng cường đánh địch lấn chiếm chốt của ta ở Nam Cửa Việt. Chờ mãi tới sẩm tối 27-1, chúng tôi được lệnh vượt sông.

leftcenterrightdel

Đại tá Bùi Quang Thắng (thứ nhất, từ trái qua) và đồng đội bên Tượng đài chiến thắng Cửa Việt. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Xe tôi do anh Diền, Chính trị viên phó chỉ huy. Đào Hồng Thái được bổ sung là xạ thủ 12,7mm trước khi xe cơ động. Mặc dù là địa hình quen thuộc nhưng chúng tôi vẫn phải lái theo vết xích của các xe đi trước, vì đây là khu vực đầy các bãi mìn cả của ta lẫn của địch gài ở các thời điểm khác nhau. Thật may, trong quá trình cơ động, không quân địch không hoạt động. Bãi cát trống trải là thế, nếu có một chiếc máy bay A-10 chống tăng nào bay qua “hỏi thăm” thì có lẽ chúng tôi khó thoát được.

Đến bờ sông, chúng tôi dừng lại kiểm tra kỹ thuật lần cuối rồi cho xe bơi vượt sông. Xe của tôi đi đầu tiên. Vừa tiếp nước, tôi thấy đầu xe chúi xuống, nước tràn vào cửa lái ướt hết quần áo. Tôi nghĩ, khả năng do tốc độ tiếp nước hơi cao nên giảm chân nhiên liệu. Đúng lúc đó, pháo binh địch bắn dữ dội dọc bờ sông. Tôi được lệnh lùi lại. Phải loay hoay một lúc, tôi mới đưa được xe nép vào một bờ cát.

Chừng 15 phút sau, pháo địch dừng bắn. Tôi nghe rõ tiếng súng của địch và ta nổ không ngớt. Tiếng nổ từ khẩu 12,8mm của địch kêu cùng cục không lẫn vào đâu được từ phía bờ Nam vọng tới. Anh Diền chỉ cho tôi một đám cây mờ mờ ở bờ đối diện và bảo đó là bến lên.

Tôi định hướng rồi cho xe trườn xuống nước. Tôi nghe rõ tiếng nước đập vào lá chắn sóng. Thời gian trôi đi thật chậm và rất căng thẳng. Lúc này mà pháo binh địch bắn hoặc máy bay địch đến ném một quả bom xuống gần chỗ xe bơi là có thể lật xe hoặc chìm. Xe K-63 bơi nước đã kém mà qua hành quân mấy trăm ki-lô-mét, các hộp xích đều bị va quệt bay mất hoặc bẹp dúm nên chúng tôi phải tháo ra đập phẳng hoặc thay bằng vỏ thùng phuy dầu.

Cuối cùng xe cũng bám đất bờ Nam. Một đồng chí trợ lý tác chiến đến đón và đưa xe chúng tôi vào bờ đất để đợi các xe sau, nhưng mãi chẳng thấy xe nào bơi sang.

Đến khoảng nửa đêm, bỗng nhiên đạn các loại nổ rất lớn gần chỗ xe của tôi. Các loại đạn cháy đan chéo nhau ngang dọc, có cảm giác chiến sự diễn ra ngay trước mặt. Xe tôi được lệnh xuất kích.

Vượt qua con đường, xe vừa nhô lên, tôi đã thấy cả một vùng sáng rực đạn lửa các loại đan chéo nhau trên các hướng. Theo sự dẫn đường, tôi đưa xe vượt qua bãi cát vào chân một dải cát dài cao khoảng vài mét rồi dừng lại.

Vừa đưa được 1-2 hòm đạn B-72 cho bạn, tôi thấy một người tay cầm súng ngắn hét rất to: “Thằng nào lái xe đấy, xuất kích ngay”.

Tôi lập tức điều khiển xe chạy theo dải cát dài phía trước độ vài trăm mét và xe tôi bắt đầu nổ súng.

Trước mắt tôi là bãi cát rộng toàn phi lao và cây nhỏ lúp xúp được phủ một màu xám xịt của khói bom đạn. Nhờ ánh sáng của các loại đạn, tôi thấy xa xa thấp thoáng bóng người đội mũ sắt lúc ẩn lúc hiện trong đám cây đã bị bom đạn xé nát bươm. Khẩu 12,7mm bắn điểm xạ, đầu nòng súng cách lái xe chỉ khoảng một mét, đám lái xe truyền miệng nhau khi chiến đấu ngồi thấp để mở cửa phía trên, đề phòng nếu bị địch bắn là có thể vọt ra ngoài, vì vậy mỗi lần 12,7mm bắn, tai đau buốt nhưng vẫn phải cố chịu đựng.

Xe vừa cơ động vừa bắn, có lúc tạm dừng theo lệnh của trưởng xe để bắn. Có lần xe còn dừng hẳn cho xạ thủ B-41 đứng trên nóc xe để bắn, chẳng giống bất cứ bài huấn luyện nào. Ở nóc xe quan sát rất thuận lợi, nếu xạ thủ dày dạn, bình tĩnh sẽ tiêu diệt mục tiêu tốt hơn.

Xe chúng tôi cứ cơ động xung quanh dải cát dài ấy và mở rộng dần về phía trước. Cứ phát hiện ánh chớp ở hướng địch hoặc nghi có địch sau bụi cây hay mô cát là tập trung hỏa lực tiêu diệt. Hai bên giằng co quyết liệt. Xe đi qua rồi được lệnh quay lại chiến đấu. Bỗng nhiên thấy một vùng lửa màu vàng bùng lên ở phía sau, tôi dừng xe lại, có tiếng nói và lộn xộn ở buồng bộ binh: “Không hiểu loại đạn gì bắn mà nhoáng một cái làm xạ thủ AK bị cháy xém cả quần áo và mặt”. Chúng tôi quay xe trở lại, bàn giao những đồng chí chiến sĩ trong xe bị thương cho bộ binh ở một hầm gần đó, rồi lại tiếp tục cơ động.

Lần này tự nhiên thấy tiếng 12,7mm im bặt, rồi có tiếng Đào Hồng Thái kêu bị thương vào tay không bắn được nữa. Chúng tôi lại phải bàn giao Thái cho bộ binh. Cứ như vậy, với 4 lần xuất kích ngắn, chúng tôi cùng các đơn vị bộ binh giữ vững không cho địch chiếm cái dải cát nhỏ nhoi ấy mà sau này tôi biết đó là điểm cao 12, nơi có sở chỉ huy của Trung đoàn 101.

Khi địch dùng TTG tấn công điểm cao 12 liền bị xe tăng K-63-85 số 704 ở Vĩnh Hòa Phường của ta bắn vào giữa đội hình, buộc chúng phải chia cắt. Chúng chuyển một mũi tấn công sang bên sườn để đánh vu hồi vào trận địa phòng ngự của ta ở Nam Cửa Việt. Thế là xe của chúng tôi rơi vào giữa của hai vùng chiến sự ấy.

Đến khi trời sáng, địch bị đẩy ra xa. Chuẩn bị đến giờ ngừng bắn, anh Diền lệnh quay về tuyến xuất phát. Sau nhiều giờ chiến đấu, chúng tôi đã bắn hết 7 băng đạn 12,7mm, hết toàn bộ cơ số đạn B-41 trên xe. Đại đội điều Ân sang lái thay tôi. Trên lại điều xe 476 và hai xe cao xạ 23mm tiến công chia cắt không cho xe tăng và bộ binh địch phối hợp với nhau. Pháo, súng lại nổ dồn dập, sau đó tất cả các hướng đều im tiếng súng. Khoảng 30 phút sau, tôi thấy Ân chạy về thông báo xe ta đã bị địch bắn cháy.

Khoảng 9 giờ sáng 28-1-1973, sau khi Hiệp định Paris có hiệu lực, chúng tôi đi làm công tác thương binh, liệt sĩ. Xung quanh cờ giải phóng cắm khắp nơi, phía địch thì rải cờ trên cây, mô đất, thậm chí cả trên mặt đất để đánh dấu. 

TÂM ĐỨC