Trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 khoảng nửa tháng, nhân chuyến công tác tại TP Hồ Chí Minh, tôi đến thăm Trung tướng Trần Văn Nhẫn, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 361. Biết tôi muốn tìm hiểu về chiếc B-52G đầu tiên bị bắn hạ trên bầu trời Hà Nội, ông đưa tôi cuốn hồi ký “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” do ông viết và được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tái bản lần thứ hai vào năm 2004. Ông bảo đã ghi chép đủ trong đó. Đầu tháng 4 vừa rồi, nhận tin ông từ trần, tôi ân hận và tiếc nuối vì còn những dự định dang dở giữa tôi và ông về những câu chuyện liên quan đến kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”. Vì thế, tôi quyết định trích dẫn nguyên văn nội dung mà Trung tướng Trần Văn Nhẫn đã viết trong cuốn hồi ký “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.

leftcenterrightdel
 Phóng viên Phùng Đắc Tư, Báo Phòng không-Không quân chụp ảnh xác B-52G số hiệu 52122001 lúc 7 giờ ngày 19-12-1972, tại cánh đồng Chuôm. Ảnh: XUÂN ÁT

“Trận đánh diễn ra quyết liệt ngay từ đầu. Những chiếc F-111 đen trùi trũi rà sát ngọn tre. Những chiếc F-4, F-105 hùng hổ sục tìm trận địa tên lửa, thả bom, phóng shrike.... Bom nổ ầm ầm quanh trận địa, bom các loại F và cả bom rải thảm của B-52. Thành xe rung bần bật. Chớp bom, chớp đạn lóe sáng liên hồi như dông bão. Đất đá tung lên, giội xuống ào ào trên nóc ca-bin, trên bệ phóng. Trong tình hình đó, sở chỉ huy Trung đoàn giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 59 diệt tốp B-52 mang số hiệu 671 (đánh dấu trên tiêu đồ-PV) đang từ hướng Tây Bắc lao xuống. Các trắc thủ của Tiểu đoàn 59 phải căng mắt, tập trung hết tinh thần mới nhận dạng được những dải nhiễu B-52 trong cái mớ hỗn tạp ùn ùn hiện lên trên màn hiện sóng. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thăng quyết định đánh bằng phương pháp bắn không nhìn rõ mục tiêu (phương pháp 3 điểm-PV) trên màn hiện sóng và ra lệnh phóng đạn.

Trong khói bom mù mịt, những quả đạn rời bệ phóng xé gió lao đi, hướng về phía kẻ thù.

leftcenterrightdel

 Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh kể lại chuyện ở Tổng hành dinh khi nhận tin bắn rơi "con ngáo ộp" B-52. Ảnh: XUÂN TRẦN

Vào lúc này, số phận của từng quả đạn tùy thuộc vào những “bàn tay vàng” của các trắc thủ, những người lái đạn. Chỉ cần một vòng quay không đều, một động tác giật cục do thiếu bình tĩnh... quả đạn sẽ đi chệch mục tiêu hàng nghìn mét. Lái đạn trong điều kiện bình thường, thấy rõ mục tiêu đã khó. Lái đạn trong trường hợp chỉ nhìn thấy dải nhiễu B-52 càng khó hơn. Nhưng ở đây, kíp trắc thủ của Tiểu đoàn 59 không những phải chấp nhận trận đánh không nhìn rõ mục tiêu, lại phải chiến đấu trong điều kiện bom đạn địch đánh phá ác liệt, tính mạng đang bị uy hiếp nghiêm trọng. Nhưng họ vẫn dũng cảm đưa quả đạn tới đích, tiêu diệt máy bay địch, thì đó thực sự là những hành động anh hùng của những con người anh hùng. Ở đây, lòng dũng cảm được kết hợp nhuần nhuyễn với trí thông minh và trình độ khoa học kỹ thuật cao". 

Để rõ hơn về sự kiện này, tôi tìm gặp và trò chuyện với Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên Phó cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu (BTTM) Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông Ninh là người chứng kiến giờ khắc lịch sử ấy ở Tổng hành dinh. Ông kể: "Lúc 20 giờ 18 phút, chuông điện thoại ở trực ban Cục Tác chiến đổ dồn dập. Quân chủng Phòng không-Không quân báo bắn rơi chiếc B-52 đầu tiên. Cục II cũng báo. Ở dưới sở chỉ huy nhẹ phía Cột Cờ, nơi đặt một đài quan sát, anh em reo to: "Phía Bắc cháy to lắm!". Lúc này, các đồng chí: Văn Tiến Dũng, Phùng Thế Tài, Vũ Lăng (Cục trưởng Cục Tác chiến), Lê Hiến Mai (Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị) ôm nhau mà nước mắt chảy tràn trên mặt. Rồi ông Vũ Lăng bảo tôi:

- Không được đưa tin B-52 rơi, phải đi xác minh đã.

Sau đó, anh Phùng Thế Tài kéo tôi ra một góc, dặn:

- Cậu nói với anh Tri chuẩn bị một cái trực thăng, sáng mai ta đi sớm.

Tôi điện thoại cho anh Lê Văn Tri, Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân, báo không quân chuẩn bị trực thăng Mi-8 để đi Phù Lỗ vào sáng sớm 19-12. Anh Tri bảo cho thêm một người nữa là anh Lê Tư (Trưởng phòng Quân báo Quân chủng Phòng không-Không quân) đi cùng.

Sáng hôm sau, trực thăng chở chúng tôi đến Phù Lỗ (nay thuộc huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội). Hàng trăm người dân hồ hởi đứng quanh xác máy bay dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt của bộ đội. Tôi tìm được cái phù hiệu “B52-G”, đúng B-52 rồi! Tôi nói to:

- Mời các đồng chí đến xem cái phù hiệu này.

Xưởng phim Quân đội (nay là Điện ảnh Quân đội nhân dân) cũng đến quay phim, đó là những thước phim vô giá. Khoảng 5 phút sau, chúng tôi lên trực thăng, về báo cáo. Khi về đến Cửa Nam, anh Phùng Thế Tài phân công:

- Cậu vào ngay sở chỉ huy, còn tớ vào hầm Bộ Chính trị họp để báo cáo đúng thực là B-52 rơi.

Rồi tôi được biết, sau khi anh Phùng Thế Tài báo cáo, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn mừng lắm và quyết định hai việc: Một là, giao đồng chí Phan Mạc Lâm khai thác tù binh phi công Mỹ khi đưa về Hỏa Lò. Hai là, cho tổ chức họp báo quốc tế ngay chiều 19-12, giao đồng chí Ngô Văn Thọ, Phó tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc (giỏi cả tiếng Pháp và tiếng Anh) chủ trì. Sau đó, tôi cũng được biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo đưa cả giặc lái đến cho các nhà báo xem".

Nửa thế kỷ qua đi, khi nghe lại những câu chuyện này, tôi tin chắc mọi người đều có chung cảm xúc như tôi: Tự hào về dân tộc Việt Nam anh hùng! Tự hào về bộ đội tên lửa anh hùng!

TRẦN XUÂN