Thích bay ngược gió
10 giờ 10 phút, nắng thu vàng ruộm ngập tràn sân bay Hòa Lạc. Trên đài chỉ huy, Thượng tá Nguyễn Bá Đức, Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 916 liếc nhanh màn hình thiết bị đo gió ở bên phải, sau đó thông báo ngắn gọn hướng gió, thời tiết qua thiết bị vô tuyến cho biên đội bay về hạ cánh. Thiếu tá Kiều Đức Minh, Trợ lý Tuyên huấn, Ban Chính trị Trung đoàn giục chúng tôi:
- Anh, chị xuống đi, “sứ giả bầu trời” sắp hạ cánh đấy.
Chúng tôi nhanh chóng rời đài chỉ huy, xuống đường băng đợi các chú “chuồn chuồn” tiếp đất và trở về “tổ” sau những giờ vui đùa với sương trắng, gió mây cùng những hạt nắng trong không trung bao la.
|
|
Đội hình máy bay trực thăng Trung đoàn 916 tập tại sân bay Hòa Lạc. Ảnh: LÊ HÙNG
|
Chưa đầy 5 phút sau, trên bầu trời ngập nắng vàng, 4 chiếc trực thăng họ Mi xếp thành hình thoi bay về. Chúng từ từ hạ độ cao rất đều, rồi đáp xuống bãi đỗ trong tiếng rít gió chói tai, nhức óc liên hồi của cánh quạt. Các phi công lần lượt điều khiển “chuồn chuồn” khổng lồ di chuyển trên đường băng với tốc độ thấp về khu nhà để máy bay thoáng rộng nằm chếch bên phải sân bay khoảng 300m. Chúng đi đến đâu, cỏ lau hai bên đường băng nhảy múa vui nhộn chào đón đến đó, thật vui mắt. Lúc này, các loại phương tiện kỹ thuật, hậu cần, cứu hỏa, cứu thương phục vụ ban bay cũng rời vị trí trực chiến, trở về khu kỹ thuật. Chúng tôi liếc nhìn đồng hồ, đã 10 giờ 25 phút. Thế là ban bay luyện tập xếp hình biểu diễn phục vụ khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 bắt đầu từ 4 giờ 30 phút sáng 4-11 đã kết thúc an toàn tuyệt đối trong sự phấn khởi, hồ hởi của mọi người.
|
|
Thượng tá Nguyễn Bá Đức, Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 916 trên đài chỉ huy. Ảnh: ĐỨC TÂM |
Sau giảng bình sơ bộ, Thượng tá Nguyễn Bá Đức thông tin với chúng tôi, trong tuần này, Trung đoàn 916 tổ chức 5 ban bay, trong đó có ban bay thực hiện nhiệm vụ vào ngày chủ nhật (30-10). Anh nói: “Mỗi ban bay thành công, an toàn là một thắng lợi anh ạ!”.
Rồi anh Đức chia sẻ một số thông tin ít ỏi về sự khó của nghề lái “chuồn chuồn sắt” mà anh và nhiều người trong xã hội thường mơ ước từ thời xuân trẻ. Thì ra công việc của một phi công trực thăng không hề đơn giản, thậm chí vô cùng phức tạp bởi phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Một trong những yếu tố thường xuyên thách thức đối với phi công trực thăng rõ ràng nhất là gió trời.
Nếu như thủy thủ Hải quân mong được điều khiển tàu thuận chiều gió, thậm chí ngay cả vận động viên xe đạp cũng mong đi thuận gió để đạt tốc độ, đỡ tốn sức thì những phi công lái trực thăng lại mong được đi ngược gió. Bởi khi ngược gió, phi công sẽ lái trực thăng thăng bằng và bay ổn định hơn. Nếu bay ở độ cao thấp 500m xuôi chiều gió và bị tác động mạnh bởi gió cạnh thì khả năng giữ thăng bằng và ổn định đường bay sẽ khó hơn nhiều lần. Điều này được thể hiện rất rõ khi bay và hạ cánh, nhất là hạ cánh trên mặt boong tàu hải quân.
Thượng tá Nguyễn Bá Đức sinh năm 1980, quê ở Trí Quả, Thuận Thành, Bắc Ninh. Anh là một trong những phi công cấp 1 của Trung đoàn có hơn 1.200 giờ bay cùng nhiều kinh nghiệm bay trong các điều kiện khí tượng phức tạp. Tính đến nay, anh đã thực hiện rất nhiều nhiệm vụ bay khác nhau. Anh kể, kỷ niệm lần đầu bay ra biển ở khu vực vịnh Nha Trang cách đây khá lâu. Sau khi máy bay bỏ lại đất liền và nhô vào vùng trời với mặt biển mênh mông phía dưới thì anh có cảm giác bị chi phối tâm lý, nhịp tim tăng nhẹ, khá hồi hộp. Sau khi hít sâu, điều chỉnh nhịp thở, anh nhanh chóng khống chế được cảm xúc và ổn định tâm lý để tiếp tục bay. Anh giải thích, nguyên nhân của cảm giác này là do sự thay đổi môi trường đột ngột và phi công nào cũng dễ gặp phải.
Thì ra, khi bay trên đất liền, nhất là trong điều kiện ban ngày, ranh giới trên không, mặt đất khá rõ ràng. Khi ấy, vật chuẩn trên mặt đất như nhà cao tầng, khu đô thị, đồi, núi... giúp phi công cảm giác được tốc độ của máy bay. Nhưng khi bay trên mặt biển, cả bầu trời và mặt biển đều rộng mênh mông thì phi công bị ngợp vì không có vật chuẩn để xác định tốc độ máy bay.
Tập đội ngũ trên không
Trong số 4 phi công lái trực thăng thực hiện nhiệm vụ bay biểu diễn, chào mừng khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 của Trung đoàn 916 thì Đại úy, phi công Vũ Đình Long là trẻ nhất cả về tuổi đời và tuổi nghề. Hiện Long đạt phi công cấp 3 và là Phi đội trưởng Phi đội 1. Tuy nhiên, điều lạ là Long lại đóng vai trò quan trọng trong đội hình “quả trám” mang lá cờ đỏ sao vàng diễu qua lễ đài khai mạc trong 2 phút.
Khi đã về nơi nghỉ sau ban bay thành công, chàng phi công sinh năm 1988, quê ở Thường Tín, Hà Nội thổ lộ về nhiệm vụ đặc biệt này. Theo đó, đây là lần thứ hai Trung đoàn 916 nhận được vinh dự tổ chức biên đội bay mang Quốc kỳ từ sau Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Để thực hiện nhiệm vụ này, những ngày qua, toàn Trung đoàn đã làm tốt công tác chuẩn bị về con người, phương tiện và hiệp đồng. Trước khi hợp luyện với đội hình tiêm kích Su30-MK2 của Trung đoàn Không quân 927, các anh đã dành thời gian thỏa đáng để tập phân đoạn từ đơn giản đến phức tạp. Lúc đầu tập biên đội bay 2 chiếc, sau đó tập biên đội bay 4 chiếc xếp thành hình thoi mà họ vẫn gọi đơn giản là hình “quả trám”. Tiếp đó, các anh dùng trực thăng để xếp hình thoi trên mặt đất đúng với khoảng cách quy định của trên (các máy bay bao ngoài tạo thành hình thoi, mỗi chiếc cách nhau 50m). Sau khi chuẩn khoảng cách mới cho cất cánh, nâng dần độ cao rồi mới bay đội hình. Họ tập bay không treo Quốc kỳ rồi mới hợp luyện có mang Quốc kỳ.
Cái khó nhất trong nhiệm vụ bay đội hình là các phi công phải giữ được cự ly, tốc độ, độ cao của máy bay đều nhau. Họ phải bay đến địa điểm đúng giờ mà ban tổ chức yêu cầu. Bởi trong quá trình bay, để khán giả nhìn thấy các lá cờ đỏ sao vàng phấp phới giữa trời xanh tít trên cao thì mỗi máy bay phải treo một quả đối trọng bằng sắt nặng tới 120kg. Lá cờ đỏ sao vàng kích thước 5,4x3,6m được cố định vào dây cáp bằng thép nối từ máy bay tới quả đối trọng ở phía dưới.
- Để giữ được khoảng cách đội hình, các phi công trực thăng làm thế nào?-chúng tôi thắc mắc.
- Anh có nhớ khi tập đội ngũ tay không theo đội hình khối không, bọn em cũng làm thế.
- Cậu nói rõ hơn xem nào?
- Khi đi đội ngũ, số 1 ở bên phải đội hình bao giờ cũng là người làm chuẩn về tốc độ, độ dài mỗi bước chân cũng như nhịp hành tiến. Các số hàng dọc phía dưới làm theo. Các số trong hàng ngang phải liếc mắt nhìn vào số 1 để đi đúng tốc độ, cự ly. Đi nhanh hơn hoặc chậm hơn thì hàng ngang bị cong, mất đều và không đẹp. Lái trực thăng xếp đội hình bay trên không cũng vậy. Số 1 làm chuẩn về tốc độ và độ cao. Các số 2, 3, 4 phải căn cứ vào đó mà giữ khoảng cách cho đều. Bay ở vị trí số 4 chính là Long và có nhiệm vụ quan sát, thông báo để số 2 và 3 đi chuẩn khoảng cách với số 1 trong cự ly 50m. Thế nên, nhiệm vụ của Long có phần phức tạp vì phải quan sát nhiều hơn. Cuối câu chuyện với chúng tôi, Long bảo, “tập đội ngũ trên không” cũng rất thú vị, tuy không phải hô “mốt hai mốt” nhưng tiếc là không được nghe những bài hành khúc hùng tráng và quen thuộc như tập đội ngũ dưới đất.
Chia tay Trung đoàn Không quân Trực thăng 916 trở về Hà Nội trong chiều muộn. Cuối tuần, lượng người tham gia giao thông trên Đại lộ Thăng Long nối Hòa Lạc với trung tâm Thủ đô Hà Nội mỗi lúc thêm đông. Nhưng chắc chắn rằng, trong số ấy, có rất ít phi công trực thăng của Trung đoàn 916. Bởi ngày mai, họ còn tiếp tục chuẩn bị ban bay mới trước cả tín hiệu thể dục buổi sáng trên đài phát thanh để làm tròn nhiệm vụ “sứ giả bầu trời”.
MẠNH THẮNG-THU HÒA