Kịch bản vẫn là khâu then chốt

27 vở diễn là 27 kịch bản, có kịch bản được viết chính từ ngôn ngữ và cách viết chèo, phần lớn được chuyển thể, hoặc phóng tác từ các loại hình nghệ thuật khác. Mỗi vở là một câu chuyện, một nỗi niềm, một tư tưởng chủ đề mà các tác giả gửi gắm. Các kịch bản năm nay nhìn chung đã thuần chèo. Dù là kịch bản kịch nói chuyển thể nhưng các tác giả chuyển thể “người nhà chèo” hoặc rất am hiểu về chèo nên các câu đối thoại, câu hát, nhịp điệu đã thuần chất, thơ hơn và bài hát trong mỗi vở diễn đã bắt vận với nhau nghe thuận tai, mềm mại hơn. Tuy nhiên, vì chú trọng đến văn chương, chất chèo mà có vẻ như các tác giả quên mất tính trò diễn. Có tích mới dịch nên trò, câu đối thoại (dù là kịch hay chèo) đều phải mang được những yếu tố cơ bản là đưa thông tin, tính xung đột và phải mang tính hành động (diễn). Một số cảnh, thậm chí cả vở diễn, dù lời văn bay bướm, ý thơ sắc sảo, câu hát nuột nà nhưng diễn viên chỉ biết... đứng hát, hoặc thay nhau thoại. Tính hành động chưa nhiều, người xem chỉ lọt tai mà chưa mãn nhãn. Một điều nữa rất đáng nói trong khâu kịch bản là các tác giả có lẽ do sợ người xem không hiểu ý đồ của mình, không hiểu nhân vật, không hiểu cảnh huống nên cho giao đãi rất nhiều, có vở diễn có cả hai cảnh mất đến 15 phút giao đãi cho giới thiệu nhân vật “hôm nay” người mình định viết là ai...

Từ việc xuất hiện nhiều cây bút viết chèo mới...

Mừng lắm. Mừng rơi nước mắt vì trong Liên hoan chèo toàn quốc năm 2022 đã xuất hiện những cây bút mới. Họ tuy trẻ cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề nhưng tỏ ra khá vững vàng trong việc viết kịch bản thuần chèo. Đó là tác giả Mai Văn Sinh lần đầu trình làng liên hoan chèo với 3 vở diễn, trong đó có hai vở chuyển thể, một vở viết kịch bản chèo; cả 3 vở của cây bút trẻ này đều được đánh giá rất cao. Hay tác giả Nguyễn Đức Minh, một giảng viên Trường Đại học Thủy lợi, rẽ ngang sang học viết lời mới, học viết kịch bản chèo và đã cho ra mắt kịch bản, kịch bản chuyển thể cũng rất thuần chèo. Bên cạnh các tác giả “mới toanh”, các tác giả từng xuất hiện ở liên hoan trước cũng tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của mình như tác giả Nguyễn Sỹ Sang, tác giả Hồng Mặc Cát, tác giả Lê Thế Song...

leftcenterrightdel
Cảnh trong vở "Mật chỉ giữa hoàng cung" của Nhà hát Chèo Quân đội tham dự

Liên hoan chèo

toàn quốc năm 2022. Ảnh: HUY QUANG

Đến xuất hiện nhiều đạo diễn “người nhà chèo”

Nếu như các liên hoan hội diễn trước đây, các đạo diễn kịch nói, đạo diễn sân khấu "cây đa cây đề" “làm mưa làm gió” với hàng chục vở diễn trong một liên hoan thì liên hoan lần này họ xuất hiện khá khiêm tốn chỉ với một vài vở. Đạo diễn, NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, nguyên Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, bẵng đi một thời gian vắng bóng với vai trò đạo diễn, năm nay chị trở lại với 4 vở diễn. Nhiều mảng miếng, nhiều trò diễn, nhiều cảnh chị dàn dựng khiến người xem và bạn nghề vô cùng thán phục và cho rằng rất chèo. Các vở diễn của chị đều được đánh giá là có chất lượng rất tốt. Các đạo diễn “nhà chèo” nhiều năm nay vẫn duy trì phong độ với những vở diễn mới và cách tìm tòi sáng tạo riêng, đó là các NSƯT Lê Tuấn Cường, Lê Thanh Tùng, Đoàn Vinh và nghệ sĩ Chu Tuấn Nghĩa (Nhà hát Chèo Việt Nam), NSND Tự Long (Nhà hát Chèo Quân đội), NSND Trương Hải Thọ (Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa), NSƯT Nguyễn Quang Thập (Nhà hát Chèo Ninh Bình), các NSƯT Trần Hoài Thu, Lê Tuấn (Nhà hát Chèo Hà Nội), nghệ sĩ Đỗ Duy Thông (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định)... Sự xuất hiện dày đặc các đạo diễn "người nhà chèo" đã làm chất lượng liên hoan năm nay thuần chèo, thỏa mãn người yêu chèo hơn.

Các nghệ sĩ chèo đã được trẻ hóa

Trong nghệ thuật sân khấu nói chung và chèo nói riêng, diễn viên đóng vai trò then chốt. Họ làm nên sự thành bại của bất kỳ vở diễn nào. Điều đặc biệt là “thầy già con hát trẻ”, nghệ sĩ trẻ mới làm cho sân khấu bừng sáng, mới làm “đẹp” sân khấu và thực sự sức trẻ của diễn viên cũng phần nào làm nên thành công của một vở diễn. Điều đáng mừng là Liên hoan chèo toàn quốc năm 2022 đã được trẻ hóa một cách rõ rệt. Nhiều diễn viên lần đầu được đóng vai chính tham gia liên hoan toàn quốc. Trẻ nhưng trên sân khấu, các bạn, các em tỏ ra khá vững vàng, tự tin thể hiện vai nhân vật chính. Hát ngọt, hát hay, hát say lòng người. Tôi yêu vai diễn của các nghệ sĩ: Nhật Hóa (Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa ), Quang Dương, Hồng Thắm, Trúc Mai, Đào Dũng (Nhà hát Chèo Hà Nội), Thanh Huấn, Quỳnh Sen (Nhà hát Chèo Quân đội), Vũ Thanh Tuấn, Lê Kiên (Đoàn Chèo Hải Phòng), Thục Hiền (Nhà hát Chèo Việt Nam), Chí Linh, Thanh Phúc (Nhà hát Chèo Hải Dương)... Nhìn các em diễn, nghe các em hát, tôi thấy vui vì tình chèo vẫn nồng ấm trong các nghệ sĩ. Dù khó khăn, vất vả mưu sinh, các em vẫn nuôi lửa đam mê cùng chèo. 

Âm nhạc chèo đã có chiều sâu

Phải nói thật là nhiều năm qua, nhờ sự xuất hiện của một số nhạc sĩ “xịn” của làng chèo-nghĩa là từ nhạc công của chèo, đi học sáng tác chỉ huy, quay lại viết nhạc chỉ huy cho chèo-nên âm nhạc của nghệ thuật chèo đã có một sự thay đổi lớn. Dàn nhạc của chèo đã có thể diễn tả những trận chiến lớn có súng đạn, có bom, những tiếng nổ chát chúa, hay những tiếng ngựa phi, gươm đao, những cảnh chiến đấu đầu rơi máu chảy...; rồi những phút giây im lặng trong một tình huống nào đó, tiếng ếch kêu, tiếng chão chuộc, tiếng tù và... đặc biệt các đoạn nhạc thể hiện tâm lý nhân vật. Lúc ấy, tình huống ấy, nhân vật không thể cất lời thì âm nhạc lên tiếng. Âm nhạc ngoài việc chơi đúng nhịp điệu cho diễn viên hát còn giúp cho người nghe có những phút giây thăng hoa cảm xúc cùng nhân vật và vở diễn.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang

Trong Liên hoan chèo toàn quốc năm 2022, người trong nghề xem nhau, học hỏi, khen nhau, vui “liên hoan” cùng nhau, đó là điều trân quý. Nhưng giã hội rồi, chia tay, liệu các vở diễn này có đến được với công chúng hay không? Bởi để đến với công chúng, không chỉ cần lửa nhiệt tình của văn nghệ sĩ mà đòi hỏi phải có một số kinh phí rất lớn để trang trải cho đêm diễn (mà theo tôi biết, chi phí thấp nhất cho một đêm diễn vở là 30 triệu đồng trở lên). Vé giờ khó bán, tài trợ cũng chỉ một vài nơi. Sáng đèn làm sao? Một số đoàn đành trích những đoạn hay nhất của chèo, diễn lồng vào các chương trình ca nhạc, dân ca, các bài ca lẻ của chèo phục vụ khán giả. Sân khấu chèo vốn dĩ khó khăn, giờ lại càng khó khăn. Lương các nghệ sĩ quá thấp, họ phải bươn chải nhiều công việc. Đêm diễn mấy khi nhớ hết lời, nếu không tập dượt kỹ... Đây là tình trạng chung nhiều năm nay, biết rồi... nhưng làm sao được bây giờ! Một năm hai lần xin kinh phí của tỉnh, của Trung ương dựng vở theo kế hoạch rồi chỉ diễn vài hôm.

Giải pháp lớn nhất bây giờ là phải có được tác phẩm chèo ngắn mà thật hay, ít nhân vật, có thể cơ động đi diễn nhiều nơi. Nghệ sĩ, diễn viên phải thật tài năng và có một chút tiếng tăm... Vậy mới mong sân khấu chèo tồn tại và phát triển.

Liên hoan chèo toàn quốc năm 2022 khép lại. Niềm vui gặp gỡ còn rạng ngời trong các nghệ sĩ. Nhưng nước mắt phía sau nụ cười. Phải làm gì để sân khấu chèo tồn tại, để các nghệ sĩ tài năng thực sự yên tâm làm nghề? Mấy chục năm nay, câu hỏi ấy vẫn luôn đặt ra mà chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Soạn giả MAI VĂN LẠNG