Nhận thức sai lệch làm mai một chèo
PV: Thưa ông, có người nói nhà viết chèo Trần Đình Ngôn khá “bảo thủ”, không mấy cởi mở và cập nhật xu hướng mới cho chèo?
TS Trần Đình Ngôn: Đâu đó tôi cũng nghe thấy điều ấy. Đó là nhận định của những người không hiểu đúng tôi. Cái tôi phê phán và phản đối là quan điểm sai lầm nghiêm trọng về chèo hiện nay của một số người, trong đó có cả phó giáo sư (GS), TS, khi người ta cắm hát chèo vào kịch bản nói rồi coi đó là chèo hiện đại, là một hướng đi của chèo.
Từ giữa thế kỷ 20 đến nay, trong quá trình tìm hướng phát triển chèo truyền thống, những người làm chèo đã có nhiều thử nghiệm. Quả thực đã có thời kỳ nhiều người làm kịch cắm hát chèo và nhầm tưởng đó là phát triển chèo. Chính bản thân tôi trong một số kịch bản đầu cũng chịu ảnh hưởng của kịch cắm chèo một phần. Nhưng quá trình nghiên cứu chuyên sâu về phương pháp nghệ thuật của chèo, mà tiêu biểu là GS Trần Bảng-một cây đại thụ của làng chèo Việt Nam, đã nhìn nhận lại và khẳng định đó là cách làm sai lầm.
Trải qua thời gian, nghệ thuật chèo đã có những đổi mới, phát triển phù hợp với đời sống. Chèo truyền thống đã đi từ tự sự đơn thuần cho đến bước phát triển tự sự có gia tăng các yếu tố xung đột kịch để làm cho vở diễn hấp dẫn hơn. Tìm tòi, sáng tạo trong nghệ thuật là điều cần làm nhưng dù đổi mới, cập nhật thời đại ra sao thì chèo vẫn phải giữ được nguyên tắc cơ bản của thể loại, đó là: Tự sự, ước lệ, mô hình hóa.
PV: Những năm gần đây, việc thử nghiệm, làm mới chèo của nhiều đơn vị cũng đã tạo ra những tranh luận khen-chê. Và không ít vở diễn được gọi là “kịch cắm hát chèo” vẫn xuất hiện, thậm chí còn giành giải cao trong các liên hoan sân khấu, thưa ông?
TS Trần Đình Ngôn: Ở thời tôi, một kịch bản chưa thực hoàn chỉnh nhưng vẫn có thể đưa vào sàn diễn để tiếp tục hoàn thiện, qua đó giúp tác giả tiếp thu kinh nghiệm, học hỏi cách làm hay hơn. Khoảng chục năm trước, những kịch bản chưa hoàn chỉnh sẽ khó được các đoàn chọn dựng. Còn hiện tại lại có hiện tượng kịch bản trung bình, thậm chí yếu kém vẫn được dàn dựng... bởi vì không có kịch bản hay. Khi ấy người ta trông chờ vào sự xoay xở của đạo diễn, tất nhiên không phải đạo diễn nào cũng thành công.
|
|
Tiến sĩ, nhà viết chèo Trần Đình Ngôn. Ảnh: THU HÒA |
Theo tôi thấy, người làm chèo hầu hết tán đồng với quan điểm gìn giữ, phát triển chèo trên cơ sở kế thừa những nguyên tắc cơ bản của chèo truyền thống. Nhưng trên thực tế vẫn có một số đơn vị chấp nhận làm kịch cắm chèo như một giải pháp tình thế trong khi thiếu những kịch bản chèo thực sự đạt yêu cầu chất lượng nghệ thuật. Bên cạnh đó còn do nhận thức chưa thực đúng của một số nhà phê bình và người làm chèo, thậm chí có lãnh đạo nhà hát còn cho rằng chèo mới không nhất thiết và không nên tuân thủ nguyên tắc của chèo truyền thống, cho đó là bảo thủ, lạc hậu. Hoặc có người lại quá đề cao yếu tố xung đột kịch trong vở chèo... Một vở chèo mới có thể tổ chức xung đột kịch có thể không, nhưng nếu một đơn vị nghệ thuật chèo lại quá coi trọng yếu tố xung đột kịch, mà dựng thành các vở kịch cắm hát chèo thì sẽ làm mai một nghệ thuật chèo. Giống như trong một số bài viết hay khi nhận xét không ít vở diễn, tôi đã nói: Đây là một vở kịch hát mới hoặc một vở kịch cắm hát do một đoàn nghệ thuật mang tên chèo biểu diễn, chứ không phải là một vở chèo.
PV: Trong khi sân khấu truyền thống đang rơi vào khủng hoảng vắng khán giả, cũng có nhiều ý kiến cho rằng nghệ thuật truyền thống muốn bảo tồn, đi vào đời sống thì trước hết phải có người xem đã. Những đổi mới, thử nghiệm ấy, dù thành hay bại thì có lẽ cũng bởi muốn hấp dẫn khán giả mà thôi, thưa ông?
TS Trần Đình Ngôn: Nhưng nếu chèo lại hấp dẫn khán giả bằng cái không phải là nó thì còn tệ hơn. Người ta cứ lấy khán giả ra ngụy biện cho sự làm mới lệch lạc ấy nhưng ngay cơ sở để người ta ngụy biện-là đáp ứng khán giả-thì nay cũng không còn được ủng hộ nữa rồi. Tôi cho rằng, chèo vẫn phải bảo đảm nguyên tắc của nó đã, hay-dở lại là chuyện sau. Nói cách ví von thì như việc đứa con mình sinh ra không thể mang ADN của người khác được. Tiếc rằng, hình như chỉ những người quan tâm đến phong cách thể loại còn tha thiết việc bảo tồn, phát triển nghệ thuật chèo; còn nghệ sĩ biểu diễn, đôi khi chỉ quan tâm đến việc diễn sao cho có khán giả; công chúng nói chung, kể cả những nhà quản lý nghệ thuật lại không mấy quan tâm đến những điều ấy.
Đừng đòi hỏi chèo có đông khán giả
PV: Gắn bó gần như cả cuộc đời và sự nghiệp với nghệ thuật chèo, đã từng trải qua thời hoàng kim của chèo, đến nay, khi chứng kiến cảnh thưa vắng khán giả, nhất là khi giới trẻ hầu như chẳng mấy người quan tâm, mặn mà với nghệ thuật truyền thống, điều ấy có làm ông lo lắng?
TS Trần Đình Ngôn: Tôi có 26 năm công tác ở Đoàn chèo Hải Phòng, đi lưu diễn khắp từ thành thị đến làng quê. Trong những buổi diễn, thường thì dưới sân khấu, ngay sau dàn nhạc là trẻ con theo người lớn đi xem, tiếp đến là khán giả trung niên, cao tuổi. Thanh niên sẽ đứng ở khá xa, thỉnh thoảng mới ào lên gần sân khấu khi đến những đoạn diễn vui vẻ, gay cấn. Sau mỗi đêm diễn, sáng sớm khi công nhân hậu đài dọn dẹp sân khấu thường nhặt được những đồng xu ở chỗ trẻ con ngồi và đặc biệt là khăn mùi soa rơi lại ở khu vực của thanh niên... Câu chuyện kể để thấy rằng, ngay những năm 60-thời hoàng kim của chèo thì chèo cũng không hấp dẫn khán giả trẻ. Thanh niên đi xem chèo có khi chỉ là cái cớ để “tìm nhau”, như Nguyễn Bính từng viết “Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm/ Em mải tìm anh chẳng thiết xem” trong bài thơ “Mưa xuân”.
Bây giờ chúng ta đừng nên đòi hỏi chèo phải có đông khán giả, nhất là khán giả trẻ bởi thị hiếu của con người đương thời. Có thể phải đến độ tuổi nhất định người ta mới lại thích xem chèo.
PV: Có thể nói giai đoạn khó khăn của sân khấu truyền thống hiện nay đặt nghệ sĩ trước thách thức vừa phải nỗ lực gìn giữ nghệ thuật truyền thống, vừa phải đối mặt với những nỗi lo cuộc sống cơm áo gạo tiền. Ông có điều gì muốn chia sẻ với những người làm chèo?
TS Trần Đình Ngôn: Những năm 80 của thế kỷ trước, khi kịch cắm hát chèo nở rộ, tôi vẫn kiên quyết giữ phương pháp nghệ thuật của chèo truyền thống. Có năm, kịch bản của tôi không có đoàn nào dựng. Họ trả lời rằng “bác viết chèo quá, không làm được!”. Có đoàn yêu cầu tôi phải chỉnh sửa theo cách của đạo diễn... nhưng tôi đã quyết định rút lại kịch bản, trả lại tiền tạm ứng. Những năm ấy tôi sống đói rách theo đúng nghĩa đen. Quần bít kê mông và đầu gối, áo chưa đến mức vá nhưng chẳng có cái nào để diện. Đi từ đầu chợ đến cuối chợ không biết mua gì vì trong túi chỉ còn mấy nghìn. Bữa ăn của gia đình thường là lạc rim hoặc mắm tôm chưng và rau muống luộc. Nhưng tôi chấp nhận cuộc sống đó vì tôi lựa chọn trung thành, gìn giữ chèo truyền thống.
Trong tiến trình phát triển, loại hình nghệ thuật nào cũng trải qua những bước thăng trầm. Tôi từng nói với nhiều diễn viên trẻ rằng, nếu đã chọn theo chèo thì phải chấp nhận hoàn cảnh, khó khăn của nghề, chịu thiệt thòi đời sống vật chất và cố gắng kiếm sống bằng nghề phụ khác, chứ không nên tìm mọi cách để chạy theo khán giả nhất thời mà phá hỏng nghệ thuật truyền thống. Tất nhiên, ngoài nỗ lực của nghệ sĩ, cũng rất cần sự quan tâm đầu tư đúng mức, kịp thời từ phía Nhà nước để nghệ sĩ chèo nói riêng, nghệ thuật truyền thống nói chung được bảo đảm mức sống ổn định và yên tâm cống hiến hết mình.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Nghệ sĩ Nhân dân Vũ Ngọc Cải, Giám đốc Nhà hát Chèo Thái Bình: Mạnh dạn cách tân trong nghệ thuật truyền thống không đơn thuần là làm mới những cái cũ. Quá trình làm mới nghệ thuật chèo, giống như khoác một chiếc áo mới cho vở diễn, trong đó nội dung, hình thức thể hiện có thể mới mẻ nhưng vẫn phải giữ được đặc trưng gốc, lề lối niêm luật của nghệ thuật chèo truyền thống. Chỉ riêng việc thể hiện một vở chèo đề tài hiện đại thì việc tiết chế, chuyển hóa mô hình như thế nào để thấy đó là một vở chèo hiện đại đã là một thách thức không hề đơn giản. Điều đó đòi hỏi người đứng đầu đơn vị nghệ thuật không chỉ quản lý tốt về con người mà cũng phải rất kỹ càng trong chuyên môn-phải nắm chắc đặc trưng của chèo và vận dụng, phát triển trên cơ sở nghệ thuật chèo truyền thống. |