Phóng viên (PV): Hà Nội là trung tâm văn hóa của cả nước với sự phong phú, đa dạng của các loại hình cũng như hoạt động văn hóa-nghệ thuật. Với riêng nghệ thuật sân khấu, nếu ví như một bức tranh thì sân khấu Thủ đô mang màu sắc gì, thưa ông?

Đạo diễn, NSND Nguyễn Hoàng Tuấn: Sân khấu Thủ đô giai đoạn hiện nay, nhất là sau đại dịch Covid-19 đang gặp nhiều khó khăn. Sang năm nay, khi dịch bệnh được đẩy lùi, các hoạt động xã hội trở lại trạng thái bình thường, các đơn vị đã và đang chuẩn bị tích cực các chương trình, dàn dựng các vở diễn phục vụ khán giả, đặc biệt là sắp tới sẽ diễn ra Liên hoan Sân khấu Thủ đô, Liên hoan Sân khấu chèo toàn quốc, Liên hoan Sân khấu thử nghiệm. Đây cũng là một tín hiệu đáng mừng sau hơn hai năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nhưng nhìn chung bức tranh này vẫn đang ảm đạm, kém tươi sáng.

Cũng như sân khấu cả nước nói chung, những năm gần đây, sân khấu Hà Nội đang gặp khó khăn trước sự thưa vắng khán giả. Ngay cả những đơn vị có rạp hát cũng khó để cân bằng nguồn thu bán vé và chi phí biểu diễn. Chưa nói đến những đơn vị nếu phải thuê rạp hát với kinh phí khoảng 15-25 triệu đồng mỗi buổi diễn thì quả là một khó khăn lớn. Một số đơn vị được Nhà nước đầu tư đặt hàng cũng đã xây dựng được những vở diễn tốt, dự các hội thi, liên hoan sân khấu được đánh giá cao nhưng khán giả không mặn mà. Trong vài năm gần đây, tìm một tác phẩm thành công về doanh thu thực sự rất hiếm. Sân khấu xã hội hóa cơ bản phải nhờ vào nguồn tài trợ, còn tái hoạt động từ nguồn bán vé thì không phải đơn vị nào cũng làm được.

leftcenterrightdel
 Cảnh trong vở "Những đứa con oan nghiệt" của Nhà hát Cải lương Hà Nội.  Ảnh: HỮU TRƯỞNG

Trong tình hình ấy, nhiều đơn vị đã kết hợp vừa biểu diễn tại chỗ vừa tăng cường chủ động đi diễn ở các tỉnh khác. Các trao đổi, tọa đàm, hội thảo để đưa ra giải pháp cho sân khấu Thủ đô như đầu tư kịch bản, làm mới cách thể hiện... được bàn thảo nhiều; các đơn vị cũng nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng nhưng cuối cùng vẫn rất khó để thôi thúc khán giả ra rạp trước cuộc sống bận rộn, nhiều loại hình giải trí như hiện nay.

PV: Phải chăng sân khấu chưa thỏa mãn được những mong mỏi, yêu cầu của công chúng về đời sống hôm nay, thưa ông?

Đạo diễn, NSND Nguyễn Hoàng Tuấn: Quả thực, sân khấu Thủ đô vẫn còn quá ít tác phẩm hay phản ánh về những vấn đề nóng hổi của đời sống con người ngày hôm nay nói chung, về Hà Nội nói riêng. Bên cạnh đó, có một thực tế là chính bản thân không ít người làm sân khấu, kể cả những người được cho là lão làng cũng hiểu chưa đúng, thấu đáo về các vấn đề của sân khấu. Vừa rồi, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức Hội thảo "Sân khấu với đề tài hiện đại", nhưng không phải ai cũng hiểu thế nào là đề tài hiện đại, nhầm lẫn đề tài hiện đại và phong cách hiện đại.

Cách thể hiện mới chỉ là vỏ bên ngoài, còn cốt lõi của đề tài hiện đại phải nói lên được cuộc sống hôm nay, nhất là những vấn đề thời sự nóng hổi ngay từ nội dung kịch bản. Những tác phẩm như thế luôn đòi hỏi ê kíp thực hiện phải có bản lĩnh chính trị, đi sâu vào đời sống xã hội với góc nhìn thấu đáo, nếu không vở diễn sẽ khó thuyết phục được khán giả đương thời, thậm chí mang thái độ tiêu cực mà không truyền tải được thông điệp ý nghĩa, tích cực. Vì lẽ đó mà nhiều người, thậm chí người làm sân khấu lâu năm lại thường chọn phương án an toàn, hoặc cắt gọt kịch bản cho an toàn.

PV: Thưa ông, sân khấu Hà Nội được đánh giá là có nhiều lợi thế để xây dựng công nghiệp văn hóa khi có đa dạng loại hình sân khấu, cả của thành phố và Trung ương, thế nhưng đến nay vẫn chưa phát huy được những lợi thế ấy?

Đạo diễn, NSND Nguyễn Hoàng Tuấn: Trong công nghiệp văn hóa, phải coi nghệ thuật sân khấu là sản phẩm văn hóa, mà là sản phẩm thì phải bán được hàng. Nhưng như tôi thấy thì hiện nay vấn đề yếu nhất ở các đơn vị nghệ thuật nói chung, không chỉ riêng sân khấu, chính là khâu maketing. Trước hết, phải biến tác phẩm thành sản phẩm văn hóa hấp dẫn, bắt đầu từ khâu chất liệu, vật tư đến thể hiện, chào hàng, bán hàng... Trong khi ở thị trường TP Hồ Chí Minh hay nhiều nước trên thế giới, vở diễn có thể được quảng bá từ lúc lên ý tưởng, bán vé từ lúc chưa dàn dựng... Các đơn vị sân khấu ở Hà Nội cũng có ý thức quảng bá, tuyên truyền qua website, mạng xã hội nhưng vẫn chưa được chăm sóc, cập nhật thường xuyên, chưa tạo được hiệu quả, thiếu tính chuyên nghiệp và định hướng chung.

Hầu hết các đơn vị có nhà hát, với đội ngũ nghệ sĩ hùng hậu, tài năng; gần gũi với các đơn vị nghệ thuật Trung ương, bộ, ngành và các cơ sở đào tạo văn hóa-nghệ thuật... Đây là lợi thế rất lớn của sân khấu Thủ đô trong trao đổi, giao lưu nghề nghiệp, liên kết hoạt động biểu diễn... Các đơn vị vẫn chưa tận dụng tốt những lợi thế này và dường như vẫn còn lúng túng trước chủ trương xã hội hóa. Cơ chế xin-cho nhiều khi làm cho các đơn vị phụ thuộc, thiếu tính chủ động cũng là một rào cản cho sự phát triển. Nhưng thực tế nhiều năm nay, chúng ta vẫn chưa đưa ra được giải pháp tối ưu cho hoạt động xã hội hóa khi còn những vấn đề đặt ra, đòi hỏi có sự chuẩn bị vững vàng mọi mặt, từ tư duy đến phương pháp, kiến thức. Khi đó, các đơn vị sẽ phát huy được tối ưu khả năng, lợi thế sẵn có để đưa sân khấu Thủ đô phát triển hơn.

PV: Với những thách thức đặt ra, sân khấu Thủ đô đang cần điều gì để vượt qua và phát triển, thưa ông?

Đạo diễn, NSND Nguyễn Hoàng Tuấn: Văn học-nghệ thuật là cách giáo dục con người, truyền tải đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước tới công chúng nhanh nhất, hiệu quả nhất. Như tôi nói ở trên thì vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra trong chủ trương để các đơn vị sân khấu tự chủ nên thực tế vẫn cần sự đầu tư đặt hàng tác phẩm chất lượng cao từ Nhà nước. Trong đó, các đơn vị phải bảo đảm chất lượng sản phẩm ngay từ khi xây dựng kế hoạch báo cáo cấp trên, đến khi tác phẩm được hội đồng nghệ thuật duyệt. Và để tác phẩm có đời sống lâu dài, sức lan tỏa rộng rãi, tránh tình trạng duyệt xong, công diễn rồi bỏ đấy, thì phải bảo đảm trong dự toán kinh phí Nhà nước đặt hàng ngoài dàn dựng phải bao gồm chi phí cho số lượng buổi diễn nhất định.

Thách thức đặt ra đầu tiên hiện nay vẫn là vấn đề con người, nhất là nghệ thuật truyền thống, tuyển diễn viên rất khó, diễn viên tài năng lại khó hơn. Trước đây, các đơn vị sân khấu trực thuộc TP Hà Nội thường khó khăn trong tuyển chọn diễn viên tài năng, bởi các đơn vị nghệ thuật Trung ương có nhiều chính sách ưu đãi, thu hút nghệ sĩ hơn. Những năm gần đây, các đơn vị đã nỗ lực để thu hút được đội ngũ nghệ sĩ trẻ tài năng, như Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Múa rối Thăng Long. Tôi nghĩ, Nhà nước, cụ thể là TP Hà Nội cần hết sức quan tâm, có chính sách riêng đầu tư cho lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật.

leftcenterrightdel

Đạo diễn, NSND Nguyễn Hoàng Tuấn. Ảnh: THU HÒA

Với vai trò của mình, Hội Sân khấu Hà Nội đã có nhiều hoạt động nhằm góp phần phát triển sân khấu Thủ đô. Từ đầu năm 2022 đến nay, hội đã tổ chức hai tọa đàm và hội thảo, một chuyến đi thực tế. Năm 2021, theo kế hoạch trình thành phố đã được phê duyệt, hội tổ chức trại sáng tác kịch bản sân khấu và hỗ trợ mỗi tác phẩm của trại viên 4 triệu đồng. Trại sáng tác thu về 17 kịch bản đạt yêu cầu nhưng đến nay các trại viên vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ. Đó cũng là một trong những khó khăn để hấp dẫn khuyến khích sáng tạo của tác giả.

Chúng tôi đang mạnh dạn xây dựng kế hoạch để trình TP Hà Nội đề án cải tạo địa điểm hội trường Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội thành sân khấu mini, vừa có thể trưng bày, giới thiệu, hoạt động phù hợp cho các hội thành viên khác trong liên hiệp. Với lợi thế nằm ở phố cổ, gần phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, đông khách du lịch quốc tế, chúng tôi muốn hình thành điểm diễn để giới thiệu, quảng bá những trích đoạn tinh hoa của các bộ môn sân khấu. Hội sẽ huy động sự tham gia các tài năng sân khấu là hội viên, nhất là các nghệ sĩ nhiều kinh nghiệm, tên tuổi; sưu tầm, dàn dựng các trích đoạn sân khấu điển hình, nhất là sân khấu truyền thống và biểu diễn các tối cuối tuần. Hy vọng đề án sẽ được thông qua, giúp đời sống sân khấu Thủ đô thêm phần sôi động. Hơn nữa, chính bản thân các nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ đã nghỉ hưu cũng muốn có cơ hội, địa điểm để rút ruột, truyền lại những điều tâm huyết, tình yêu nghề, cảm hứng cho khán giả và nghệ sĩ trẻ.

PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

DƯƠNG HÒA (thực hiện)