PV: Vì sao anh chọn “Vẫn nguyên là nỗi khát” làm tiêu đề của chương trình?
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Tháng 9 này, tôi bước vào tuổi 60, đúng một “lục thập hoa giáp”. Nhẽ thường, ở độ tuổi này, mọi thứ của con người ta dường như đã bão hòa, nhất là trong hoàn cảnh cán bộ hưu trí như tôi. Và nhìn lại thì cũng thấy, thực ra mình cũng từng can dự vào quá nhiều việc đời rồi, làm cũng tới độ kiệt lực theo đúng nghĩa vật chất của từ này. Thêm vào đó là bao nhiêu biến cố về sức khỏe mà khó khăn lắm, may mắn lắm, tôi mới vượt qua được. Thế nhưng, với tâm thế của một người làm thơ bẩm sinh, tôi vẫn thấy ở trong mình còn nhiều cảm xúc và ham muốn. Và khi tìm tiêu đề cho chương trình thơ nhạc mới, tôi chợt nhớ tới một bài thơ mà mình từng viết cách đây gần hai mươi năm, khi tôi, ở trong một tình huống rất không đơn giản về nhận thức và công vụ, đã tự họa nên chân dung mình bằng chữ.
PV: Đó là bài thơ gì vậy?
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Đó là bài “Vô chiêu”: “Gương mặt như mầm cây,/ vừa chồi lên khỏi đất/ nước mắt/ là nước thánh/ trong giá lạnh-ấm êm,/ trên chông gai-dịu ngọt,/ bắt tay lưỡi dao sắc,/ như ngắt một nhành hoa,/ em ở gần hay xa,/ vẫn nguyên là nỗi khát,/ lúc buồn đau, tự hát/ những lời không thanh âm...”. Câu “vẫn nguyên là nỗi khát” lấy từ chính bài thơ này, sau hai mươi năm vẫn thể hiện đúng tâm trạng của tôi, trên bình diện sống và sáng tạo.
PV: Chương trình lần này có gì mới so với các chương trình thơ nhạc mà anh từng tổ chức?
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Vì đây là chương trình đánh dấu một mốc vô cùng có ý nghĩa trong cuộc đời mình nên tôi cùng những người bạn thân thiết đã cố gắng dồn nhiều vật lực để “Vẫn nguyên là nỗi khát" có được quy mô lớn hơn tất cả những chương trình đã thực hiện. Các bài thơ của tôi, được sáng tác trong những giai đoạn khác nhau và không chỉ về chủ đề tình yêu, sẽ được thể hiện ở nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau, như: Đọc thơ, ngâm thơ, hát xẩm, ca Huế và ca khúc. Thậm chí, có cả một bản dịch thơ từ tiếng Nga của tôi cũng được giới thiệu.
Tham gia chương trình có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Bản thân tôi cũng sẽ trực tiếp thể hiện những tác phẩm thơ của mình. Và tôi cũng mạnh dạn để cho các ca sĩ thể hiện 3 ca khúc mà tôi tự phổ thơ của tôi: “Em ở nơi nào anh cũng nhớ em”, “Mưa xuân” và “Trở lại dòng sông”. Hy vọng đây sẽ là món quà thú vị bất ngờ đối với khán giả. Trong chương trình còn giới thiệu một số ca khúc được phổ từ thơ tôi của các nhạc sĩ quen thuộc, như: An Thuyên, Đức Trịnh, Lê Mây, Tuấn Phương, Tuấn Nghĩa và một số gương mặt trẻ nhưng rất ấn tượng và sâu sắc như nhà thơ, TS Đỗ Anh Vũ hay nhạc sĩ Thanh Cường... Dĩ nhiên, trong chương trình năm nay cũng không thể thiếu những ca khúc quen thuộc với công chúng rộng rãi từ nhiều năm nay, như: "Khúc mùa thu", "Mẹ", "Romance No.4" của cố nhạc sĩ Phú Quang phổ thơ Hồng Thanh Quang.
PV: Những nghệ sĩ nào sẽ tham gia chương trình?
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Đó là những nghệ sĩ rất tài năng, đồng thời cũng là những người bạn, những người anh em thân thiết với tôi. Thí dụ, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Phạm Ngọc Khôi, NSND Thúy Mùi, NSND Thúy Ngần, NSND Quốc Hưng. Rồi các Nghệ sĩ Ưu tú: Quyền Văn Minh, Tấn Minh, Thu Hà, Thu Huyền, Đức Long, Ngọc Khang, Hà Vi, Thanh Tâm, Ploong Thiết, Hoàng Tùng, Diệu Hương...
Chương trình còn có các ca sĩ tài năng như Lan Anh (giảng viên thanh nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Tuấn Hiệp, Thanh Cường, gương mặt trẻ Layla (Á quân Giọng hát Việt 2019), nghệ sĩ-nhà báo Nguyễn Hữu Chiến Thắng, nhạc sĩ Giáng Son, nhạc sĩ Đỗ An... cùng một số vị khách mời đặc biệt. Dẫn chương trình là Á hậu Thụy Vân và nhà báo Phan Đăng. Tổng đạo diễn là nhạc sĩ, nhà báo Nguyễn Quang Long.
PV: Ra khỏi cơn trọng bệnh, anh nhận thấy điều gì là đáng quý nhất trong cuộc đời này?
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Tôi đi bộ đội từ năm 17 tuổi, trải qua nhiều công việc và địa bàn công tác, từng 24 năm phục vụ trong quân đội và 11 năm phục vụ trong lực lượng Công an nhân dân. Nói chung, tôi đã sống một cuộc đời luôn nhiều thử thách và rất sôi động, thậm chí có cả nhiều thói quen không hẳn đã tốt cho sức khỏe, thí dụ đôi khi cũng hay chén chú chén anh cùng các đồng nghiệp.
Thế nhưng phải nói rằng, gần như suốt cả quãng đời người lớn của tôi, chưa bao giờ tôi bị ốm nặng tới mức phải đi viện cả. Có lẽ vì thế tôi hơi chủ quan về thể trạng của mình và cảm thấy rất sửng sốt, bất ngờ khi đầu năm 2019 đã bị gần như đột quỵ, phải vào viện cấp cứu. Nhưng còn bàng hoàng hơn khi các bác sĩ báo rằng, tôi đã mắc phải một trọng bệnh do biến thái gene khiến tính mạng như “nghìn cân treo sợi tóc”. Thật may mắn là tôi đã gặp đúng thầy, đúng thuốc, cùng với sự chí tình chí nghĩa của gia đình và bằng hữu nên mới chữa lành được bệnh. Đó là cái ơn tri ngộ mà tôi không thể quên!
Chính trong giai đoạn vật vã đau đớn chiến đấu cùng trọng bệnh, tôi đã có thời gian để ngẫm nghĩ về nhiều điều trong đời sống mà trước đây, vì quá mải mê công việc, tôi đã ít để tâm. Và có thể nói rằng, bây giờ tôi đã hiểu ra được những giá trị cốt yếu nhất mà một con người cần phải phấn đấu gìn giữ trong kiếp nhân sinh này. Tôi bớt phù phiếm hơn, chân thành hơn, hiểu đúng bản thân mình hơn để không bị lôi cuốn theo những trò chơi hình thức của xung quanh. Để không cố chấp đối với những người khác. Và không quá cầu toàn nữa.
Và tôi cũng ý thức được rõ hơn trách nhiệm của mình đối với những người ruột thịt, điều mà trước đây do quá mải mê công việc nên lắm khi tôi đã lơ là. Nói thực, đây cũng là điều khiến tôi phải day dứt nhất hiện nay. Thật may là những người thân vì quá hiểu tôi nên không “lấy đó làm điều”, tha thứ và nương đỡ để tôi có thể tiếp tục sống và viết như mình khao khát.
PV: Sự nhận thấy đó đã ảnh hưởng như thế nào đối với những sáng tác của anh?
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Sự nhận thức mới về cuộc sống không chỉ ảnh hưởng tới những gì tôi đang và sẽ viết mà còn giúp tôi có được cách nhìn mới, hữu tình và hữu lý hơn, về những sáng tác cũ của mình. Có những điều đã viết ra lâu rồi nhưng bây giờ mới hiểu được ý nghĩa thực của chúng trong cuộc đời mình. Thơ, đối với tôi, không chỉ là sự ghi nhận cảm xúc từ những gì đã trải qua mà lắm khi đó còn là những linh cảm, những dự cảm, những cảnh báo trước về tương lai. Thí dụ bài “Khúc mùa thu”, tôi đã viết nó từ năm 1994.
Trong bài thơ này có những câu mà ở thời điểm đó dường như không liên quan gì tới đời sống thực tế của cá nhân tôi, vì lúc đó, tôi vẫn còn đang rất ngây ngất trong cuộc hôn nhân hiện hữu của mình. Nhưng những câu thơ kiểu như: “Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc/ Còn điều chi em mải miết đi tìm?”, hay: “Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc/ Em tìm gì khi thất vọng về tôi?” vẫn xuất hiện như một dự cảm về tai họa trong tương lai. Bây giờ thì tôi hiểu rằng, “Khúc mùa thu” trong cuộc đời tôi đã là lời dự báo cho những kiếp người phụ nữ luôn khát khao tìm kiếm những gì tốt đẹp nhất, tốt đẹp hơn những thứ mà họ đang có. Để rồi liên miên thất vọng...
Và đó đã là lời dự báo đau đớn và gần như vô vọng cho những người đàn ông dù cố gắng bao nhiêu cũng không bao giờ vươn tới được "đỉnh Everest" của đời mình, đặng làm thỏa mãn nỗi niềm của người phụ nữ mà họ yêu quý nhất. Đó là tâm trạng phổ biến không chỉ riêng ai, của không riêng một thế hệ. Bây giờ, sau khi đã thoát khỏi bạo bệnh, tôi mới hiểu thêm sự hữu lý và tất yếu cả những vận hạn mà tôi đã phải chịu. Tôi biết rằng, để phát triển, con người cần những sự nâng đỡ. Nhưng để rèn luyện nhân cách, tính cách, con người cần phải biết vượt qua những khó khăn, trở ngại, thậm chí lắm khi là cả những thất bát nhất thời. Và dù trong hoàn cảnh nào cũng không được nản chí, phải luôn luôn biết tin vào nguồn sáng le lói ở cuối đường hầm. Còn sống là còn cần phải hy vọng vào những điều tốt đẹp.
PV: Từng nhiều năm khoác trên mình bộ quân phục, hôm nay, chất lính có còn trong anh?
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Đã là người lính rồi thì sẽ phải là... cựu chiến binh cho đến hết đời (cười)! Nghiêm túc mà nói, tôi thực sự biết ơn những ngày trong quân ngũ vì chính nhờ sự đào luyện, rèn giũa kỷ cương của những đơn vị này mà tôi, một cậu bé quê Hưng Yên nhưng sinh ra và lớn lên trên phố Hàng Đào, Hà Nội, có được tính cách và sức chịu đựng như hôm nay, để có thể vượt qua mọi khúc mắc của đời mình. Để tới tuổi 60 này, tôi còn cảm thấy được “vẫn nguyên là nỗi khát” khi nghĩ về tình yêu và sự sáng tạo.
PV: Trân trọng cảm ơn nhà thơ và chúc Chương trình “Vẫn nguyên là nỗi khát” thành công rực rỡ!
HẢI LÝ (thực hiện)