Chiều cuối năm trời nhá nhem, rét đậm, tôi gò lưng đạp xe từ xã Hòa Khương về tới ngã ba Huế thì bị đứt xích. Đang loay hoay với chiếc xe hỏng chưa biết làm gì thì anh đã đứng bên tôi tự lúc nào.
Giọng anh nhỏ nhẹ: “Xe cô bị hỏng à? Để đấy tôi chữa cho!”.
Tôi chưa kịp trả lời thì anh đã đặt ba lô xuống đất, rồi hì hục sửa xe. Đôi bàn tay anh lấm lem dầu mỡ khéo léo luồn và nối sợi xích lại, trông y hệt như thợ sửa xe chuyên nghiệp. Lúc này tôi mới thực sự chú ý đến anh. Anh thật ấn tượng trong bộ quân phục hải quân.
Thay vì câu cảm ơn, tôi hỏi: “Giờ anh về đâu?”.
Anh trả lời: “Tôi về bên Sơn Trà. Đồng đội đang chờ tôi để ra đảo”.
Biết rằng cuối năm, chẳng còn bóng dáng người đạp xích lô nào nữa, tôi buột miệng nói dối: “Em cũng đi về hướng ấy”. Anh nhìn tôi có vẻ ái ngại, rồi gật đầu.
Chặng đường 18 cây số từ ngã ba Huế về cảng Tiên Sa, chúng tôi làm quen với nhau thật nhanh. Hình như bộ đội với giáo viên thường có sự đồng cảm với nhau thì phải! Đêm xuống nhanh, tôi ngồi sau lưng anh mà người cứ run bắn lên vì lạnh. Đang đi, tự nhiên anh dừng xe, cởi tấm áo đang khoác trên mình choàng nhẹ trên vai tôi. Hơi ấm từ chiếc áo của anh truyền qua khiến tôi không còn cảm giác lạnh nữa, nhưng anh thì rùng mình, chân tay run lẩy bẩy. Hình như cái rét cuối năm đang hành hạ anh. Nhìn làn môi anh tím dần, tôi không biết làm sao để nói với anh rằng tôi đang muốn khóc...
Chia tay nhau trên bến cảng Tiên Sa, không biết tự lúc nào tôi đã nhìn thấy đôi mắt nồng nàn của anh như muốn nói điều gì. Lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy mình bối rối. Một cảm xúc lạ lùng nhen nhóm trong trái tim tôi...
Mùa xuân ấy đối với tôi thật ý nghĩa, thành phố sau một năm giải phóng đang chuyển mình đi tới. Bộ mặt ủ rũ, dột nát từ thời chế độ cũ không còn nữa mà thay vào đó là rực rỡ cờ hoa, mọi người ai cũng hân hoan đón chào năm mới. Buổi sáng thức dậy, tôi thấy mùa xuân ùa vào khung cửa. Đang tận hưởng không khí trong lành của mùa xuân thì nghe tiếng chuông ngoài cổng, tôi chạy ào ra và nhận được phong thư từ tay bác bưu tá. Linh tính mách bảo với tôi rằng: Thư anh. Tôi say sưa đọc không bỏ sót một chữ nào, lời tâm sự thật giản dị, hồn nhiên.
Trong thư, anh kể cho tôi nghe cổ tích về ngôi sao biển: “Ngày xưa, có một chàng trai nghèo làm nghề chài lưới nơi ngã ba sông đem lòng yêu một người con gái nết na, thảo hiền. Ban đầu, cha mẹ cô gái phản đối kịch liệt vì không môn đăng hộ đối. Bố cô gái là một phú ông giàu có nhất vùng. Còn chàng trai mồ côi cả cha lẫn mẹ, không một tấc đất cắm dùi. Nhưng với tình yêu mãnh liệt của mình và sự thông minh, hiếu thảo của chàng trai, hai người đã thuyết phục được bố mẹ cô gái đồng ý. Tình yêu của họ ngày càng ngọt ngào, đằm thắm tưởng chừng không thể lìa xa. Nhưng cho đến một ngày kia, quân thù kéo đến, từ biệt người yêu và xóm chài ven sông, chàng trai lên đường giết giặc bảo vệ quê hương. Và trong một lần truy đuổi quân giặc ra tận đảo xa, chàng trai đã bị trúng tên độc của kẻ thù ngã xuống lòng biển xanh. Vì thương nhớ người yêu ở quê nhà đang ngày đêm ngóng đợi nên chàng trai đã hóa thành ngôi sao biển nhấp nháy phía trời xa...”.
Lá thư mộc mạc và có phần sến súa, nhưng tôi rất xúc động. Tình cảm của người lính thật nồng nàn, lãng mạn. Cuộc sống của một cô giáo trẻ với bao bộn bề, lo toan nhưng tôi vẫn dành khoảng thời gian thật dài để nghiền ngẫm cánh thư bé nhỏ và hồi âm cho anh bằng những dòng chữ mộc mạc, chân tình của một người con gái. Hồi đó, bạn bè dạy cùng trường thường bảo với tôi: “Yêu lính là khổ cả đời”, “Yêu lính không có những chiều thứ bảy để hẹn hò. Còn khi đã là vợ lính thì cứ lặng lẽ ôm con, lặng lẽ đợi chờ chồng”. Nghe bạn bè nói vậy, tôi chỉ cười và càng thương nhớ anh hơn...
Những đêm cô đơn nơi xóm núi, sau mỗi lần soạn xong giáo án, tôi lại dõi mắt nhìn qua ô cửa sổ mong sao được thấy những ngôi sao biển từ phương anh. Và tôi cảm thấy lòng mình dịu lại. Những cánh thư, những con ốc biển, những kỷ niệm ngọt ngào ấy là nguồn động viên lớn lao giúp tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ của một cô giáo trẻ trên miền quê nghèo khó này. Hai năm sau, kể từ ngày gặp anh, hết thời hạn dạy học ở miền núi, tôi về lại thành phố và được phân công dạy học ở một trường cấp I. Nói sao hết nỗi vui sướng khi được dạy học gần nhà.
Mỗi lần anh về phép, chúng tôi khoác tay nhau đi dọc sông Hàn, lòng tràn đầy hạnh phúc. Anh tâm sự với tôi về cuộc sống gian khổ của những người giữ đảo. Nơi ấy, đồng đội anh đang đối mặt với bao khó khăn, gian khổ mà kẻ thù thì luôn rình rập ngày đêm. Anh kể cho tôi nghe thật nhiều chuyện: Nào là chuyện trồng rau xanh trên đảo; chuyện lính thủy mong chờ những cánh thư từ hậu phương; chuyện hết niên hạn có đồng đội được trở về đất liền mà cả tiểu đội nghẹn ngào, nước mắt lăn dài trên những gò má sạm đen vì nắng gió Trường Sa... Anh nói về điều đó với ánh mắt thân thương, gần gũi đến lạ kỳ... Tôi thấy trong mắt anh thấp thoáng những ngôi sao biển...
Thời gian qua mau, thời gian là người bộ hành không bao giờ biết mỏi. Nhưng thời gian cũng là người thầy nghiêm minh nhất cho điểm mỗi cuộc đời, mỗi con người. Thành phố vài năm trên đường đổi mới, nhiều nhà cao tầng đã mọc lên. Bạn bè tôi số đông đã có gia đình với những người chồng là kỹ sư, bác sĩ ở thành phố. Chiều thứ bảy họ âu yếm đi bên nhau, ngập tràn hạnh phúc...
Hết thời hạn công tác ở Trường Sa, tôi muốn anh chuyển về đất liền để hai đứa làm lễ cưới. Nhưng vì lý do nào đó, anh lại không muốn xa đồng đội. Anh không giải thích mà chỉ nói: “Càng gắn bó, chia sẻ với cuộc sống gian khổ của những người lính đảo anh mới hiểu rõ giá trị chân thực cuộc đời. Chúng ta phải biết hy sinh hạnh phúc riêng tư để vì nghĩa lớn em ạ!”. Tôi đã không nghe những lời anh nói, và từ chối luôn cả cành san hô trắng anh mang về từ hải đảo xa xôi. Lần đầu tiên tôi không nhìn thấy những ngôi sao biển trong mắt anh, tôi dỗi hờn rồi bỏ lại anh một mình trên ghế đá công viên.
Ngày anh lên tàu ra đảo, tôi không có mặt để tiễn đưa anh như mọi lần. Khoảng thời gian sau đó, những lá thư anh gửi về tôi không đọc nữa. Câu chuyện cổ tích về những ngôi sao biển có chăng trong tôi chỉ là hoài niệm... Tháng 3-1988, giữa một ngày xuân lạnh giá, tôi đột ngột nhận tin anh trong số 64 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong khi chiến đấu với quân thù để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tôi sững sờ không tin đó là sự thật. Đất dưới chân tôi sụp xuống, mắt nhòa trong sương khói. Gần một tháng trời nằm trên giường bệnh, tôi luôn mơ thấy mình ngồi soạn bài bên ô cửa sổ... Có một cây cầu vồng nối Trường Sa với ô cửa, tôi thấy anh đang đi trên cây cầu ấy đến bên tôi, xung quanh anh lung linh những ngôi sao biển.
Nỗi đau rồi cũng qua đi. Tôi lấy chồng và bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Ngày ngày, đứng trên bục giảng, tôi thường nói với học sinh về những chiến sĩ hải quân như anh đang ngày đêm vật lộn với bão tố, cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho quê hương, đất nước; về hình ảnh cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ khi họ biết gác lại đằng sau hạnh phúc riêng tư để vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, vững vàng tay súng canh giữ biển trời, hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi muốn thế hệ mai sau luôn tự hào và biết ơn công lao trời biển của những người đi trước. Tôi đã làm tất cả để phần nào nguôi ngoai nỗi ân hận, giằng xé trong lòng, nhưng đã hàng chục năm trôi qua, khoảng trống vắng trong lòng không thể bù đắp được. Đêm đêm, tôi vẫn ngước lên bầu trời ngắm nhìn những vì tinh tú để tìm kiếm những ngôi sao biển trong mắt anh ngày ấy.
Sáng nay, tôi hòa vào dòng người trên đường Bạch Đằng. Dừng xe cạnh chợ hoa bên đường, lẫn trong sắc màu rực rỡ của các loài hoa, tôi thấy con gái mình đang đứng cạnh một người lính thủy trẻ măng. Đón nhận đóa hoa đỏ thắm từ tay người lính, con gái tôi nở một nụ cười duyên dáng, hai má ửng hồng, đôi mắt long lanh... Tôi chợt nhận ra con gái mình đã trở thành thiếu nữ.
Tôi quay mặt lau vội dòng nước mắt rồi nổ máy vòng xe lên cầu sông Hàn qua bên kia bán đảo, trong lòng nặng nỗi ưu tư... Cầu mong cho con gái tôi luôn nhìn thấy ngôi sao biển trong mắt người lính trẻ ấy.
Đà Nẵng, tháng 4-2010
Truyện ngắn của PHAN TIẾN DŨNG