Sáu Dừa quàng cây cạc bin ra sau lưng, miệng ngậm chặt sợi dây cột mấy con chuột, hai tay bám thân dừa tụt xuống. Chân vừa chạm đất là anh chạy phăm phăm vô xóm. Phóng chân nhảy qua mương nước, đụng ngay cái nhà đổ sụp, mái lá dừa nước vẫn nghi ngút khói. Hàng rào ô rô dẫn vô nhà Hai Xuân vẫn còn đó, nhưng bị đạn bắn gãy lả tả, cắt ngang phần ngọn. Bước vô sân, không một bóng người. Sáu Dừa lo lắng dòm ngó bốn phía, rồi nghe tiếng con nít chí chóe sau vườn. Hai Xuân và ba đứa em nhỏ vẫn ngồi dưới hầm trú ẩn, vặt lá dừa rụng đan cào cào, cãi lộn ì xèo.
- Ủa! Mấy chị em chưa lên khỏi hầm hả? Tụi nó rút hết rồi!
- A! Anh Sáu! Anh Sáu...
Cả mấy chị em ào lên, bu quanh Sáu Dừa!
Thằng Út Đực mới bốn tuổi giơ tay đỡ xâu chuột, miệng la ngọng nghịu:
- U, u! Thích chá!
- Ừa! Để chị Hai nấu cho ăn nghen! Chuột dừa mập lắm, anh mới bắt trên cây xuống đó.
Hai Xuân phủi mấy cọng rác bám trên áo Sáu Dừa, mắt liếc bén ngót:
- Để chút em nướng sả ớt cho tụi nó ăn. Mà anh nữa, lớn rồi mà cứ ham trèo dừa. Ba má đặt tên cho y vậy mà.
Sáu Dừa gãi đầu: "Hông trèo sao được. Chuột quá trời luôn!". Cái thứ chuột dừa lạ thiệt, nó không phá lúa, bắp, khoai mì, mà chỉ phá dừa. Vỏ dừa cứng vậy mà nó khoét thủng lỗ chỗ, chờ nước dừa chảy hết mới chui vô gặm cơm dừa. Bởi vậy, chuột dừa con nào cũng béo múp, thịt trắng ngọt. Muốn bắt tụi nó, buổi chiều phải trèo lên ngọn dừa đặt bẫy, sáng hôm sau trèo lên thăm bẫy, gỡ chuột.
Bữa nay anh bắt được bốn con, đủ dĩa mồi cho ba anh em trong tổ nhậu tới bến, nhưng nghĩ đến chị em Hai Xuân, nên đem về cho họ. Sáu Dừa thương Hai Xuân từ hồi đầu năm, khi cô thôn nữ gầy ốm, đen đúa bật dậy thì thành một thiếu nữ duyên dáng, phổng phao, tóc dài, má thắm, môi hồng. Má bị trúng đạn chết khi đang làm ngoài ruộng, đã ba năm nay, mấy chị em sống với ba.
Nói là ở với ba, nhưng thiệt ra mấy chị em chăm lẫn nhau dưới sự chỉ huy của Hai Xuân. Ba Hạ mười bốn tuổi lo giặt đồ, nấu cơm. Thằng Tư Thu mười tuổi lượm củi, cho bầy gà ăn. Thằng út bốn tuổi tối ngày vọc đất. Sáu Dừa thấy mình mười chín tuổi mà vẫn còn con nít. Theo đội du kích chống càn mấy trận, cũng gan cóc tía mà về nhà vẫn nhõng nhẽo đòi má cho ăn thứ này, thứ kia nên anh phục Hai Xuân quá đỗi.
"Ước gì cưới được con nhỏ về làm vợ mình. Chắc má ưng bụng lắm!". Ao ước vậy, mà đâu dám nói. Sáu Dừa khi nào rảnh thường ghé nhà chơi trò gấp cào cào bằng lá dừa với tụi nhỏ, hái cho Hai Xuân mớ đọt mái dầm nấu canh chua, hoặc làm mấy việc trong nhà giùm ông già. Một bữa, ông Năm-ba của Hai Xuân đi làm ngoài ruộng về, thấy Sáu Dừa đang lui cui bên chiếc xuồng lật úp giữa sân.
- Ủa! Cũng biết trét dầu chai hả thằng Sáu?
- Dạ con biết sơ sơ bác Năm!
Ông Năm cúi xuống soi dọc chiếc xuồng.
- Làm ngon lành vầy mà sơ sơ chi mậy! Hay chịu làm con rể bác đi! Ưng đứa nào tao gả đứa đó.
Nhỏ Ba Hạ la lớn:
- Hông chịu đâu! Tụi con còn nhỏ mà ba! Có gả thì gả chị Hai kìa!
Hai Xuân má đỏ bừng, vọt vô bếp.
Lời tuyên bố của ông già, coi như sự xác nhận bảo đảm cho việc hôn nhân của đôi trẻ. Mỗi lần ghé nhà, Sáu Dừa đều chọc Hai Xuân:
- Là ba hứa gả cho tui rồi nhen! Đừng có nhìn ai nữa đó!
Hai Xuân ngúng nguẩy:
- Xí! Người ta còn nhỏ, chưa đủ mười tám nhen.
- Vậy tui chờ tới năm đủ hai mươi!
Nói câu đó xong, Sáu Dừa lặn một hơi. Tết Đoan ngọ, Hai Xuân làm nhiều bánh dừa nhân chuối và bánh ú, nhắn Sáu Dừa về mà không thấy đâu. Khóc đỏ mắt một đêm, hôm sau, Hai Xuân nhờ ba đi dò hỏi tin tức Sáu Dừa, ông già đi một buổi rồi về thông báo:
- Thằng Sáu được huyện chọn cho đi học, chưa biết khi nào về!
Sự chờ đợi vô vọng làm Hai Xuân mất ăn, mất ngủ. Đi đâu thì cũng nói với người ta một tiếng chớ. Cô nhớ Sáu Dừa quay quắt, lại lo không biết anh sống-chết ra sao? Mỗi khi ngoài cửa vàm vọng tiếng súng nổ, lòng dạ cô thắt lại khi nghĩ tới người yêu. Chiều đó nấu cơm xong, Hai Xuân dọn cho tụi nhỏ ăn, rồi đánh liều chạy qua nhà Sáu Dừa hỏi thăm tin tức. Bà má Sáu Dừa đầu tóc hoa râm rối bù, ngồi bên mâm cơm chỉ có dĩa tép kho và mấy trái chuối chín.
- Đi kiếm thằng Sáu hả con?
Bà già cười hỏi, vẻ mặt chẳng có vẻ gì lo lắng. Hai Xuân sà ngay xuống cạnh mâm cơm.
- Trời đất! Bác Mười ăn cơm có nhiêu đây sao?
- Già rồi con, ăn nhiều hổng có được!
Hồi Sáu Dừa ở nhà, bà má chẳng bao giờ thiếu đồ ăn. Khi thì cá bống kho tiêu, khi canh chua cá ngát. Lúc thì thịt chuột dừa nướng sả ớt.
- Anh Sáu giờ ra sao, bác Mười?
- Bác hông biết! Nhưng chắc hông sao đâu con. Nó nói với bác, đi công tác đặc biệt, ít tháng rồi về. Hông sao đâu con!
Bà nhắc lại lời khẳng định với đứa con gái sẽ là dâu trong tương lai.
Một năm lặng lẽ qua đi trong sự day dứt, nhớ mong nhạt nhòa. Bất chợt tiếng cười của ai đó vang lên rổn rảng giống tiếng cười của anh làm cô giật mình, bỏ nồi cơm trên bếp chạy ra sân ngóng về phía cửa vàm. Có lần đang tắm sau nhà, Hai Xuân nghe thằng út la:
- A! Anh Sáu! Anh Sáu!
Quên là mình chưa mặc áo, cô ở trần, chạy nhào ra trước nhà, rồi mắc cỡ ôm ngực chạy thối vô, khi thấy một thanh niên cao nghềnh ngàng khoác cây cạc bin đứng ngoài cổng.
- Chị Hai à! Ra tui nhờ chút coi!
Hai Xuân đã gọn gàng trong bộ bà ba đen, bước ra.
- Dà! Anh hỏi tui hả?
Cậu thanh niên gãi đầu lúng túng, không dám nhìn vô ngực áo loang ướt nước của Hai Xuân:
- Bác Năm nhờ tui mang về cho chị Hai với mấy em nè!
Cậu ta chìa ra một xâu bốn con cua chà bá, cột bằng sợi dây dừa.
- Cám ơn nhen! Ủa, nhiêu tuổi mà kêu tui bằng chị?
- Mười chín...
- Vậy là bằng tuổi. Đừng kêu chị nữa. Kỳ!
Chiều đó, cậu ta vừa ngồi chẻ củi giùm, vừa hỏi Hai Xuân về Sáu Dừa.
- Anh Sáu chắc đi theo chủ lực rồi, không về đâu.
- Sao biết hay vậy?
- Nghe hóng mấy chú nói có cử một đoàn công tác đặc biệt, đi mà không hẹn ngày về.
- Kỳ vậy ta! Có đi phải có về chớ?
- Tui hông biết! Mà nè! Tui nói má qua xin cưới em được hông?
- Thôi! Còn con nít mà vợ con chi cha nội?
- Hai mươi rồi chớ con nít gì nữa?
Đêm nổi cơn dông lớn. Mưa quất ào ạt, sấm chớp xé ngang bầu trời đen kịt. Biển cũng động hay sao, mà vọng tới những lằn lửa dọc ngang, tiếng sấm ì ầm lúc to, lúc nhỏ. Nửa đêm, một quầng lửa khổng lồ bừng lên ngoài khơi xa. Sau đêm biển động ấy, Sáu Dừa đột ngột trở về. Không ai biết tin này, ngoài Hai Xuân. Bà Mười đi hái bông so đũa, ghé nhà báo cho Hai Xuân. Bà bưng chiếc rổ đầy ắp bông so đũa, kêu Hai Xuân ra, sớt cho một nắm.
- Đem vô nấu canh chua cá lóc cho sắp nhỏ ăn với.
- Ui trời! Con cảm ơn bác Mười!
- Nghe nói bay sắp đám cưới rồi hả? Nhớ mời bác với thằng Sáu nhen!
- Đã có gì đâu bác Mười! Chắc con chờ chừng nào anh Sáu về!
Bà Mười ghé sát tai Hai Xuân, nói nhỏ:
- Thằng Sáu về hồi khuya!
Chiếc rổ rớt khỏi tay Hai Xuân, bông so đũa văng trắng đất.
- Trời đất! Rồi ảnh đâu bác Mười? Giọng Hai Xuân lập cập.
- Nó nằm ở nhà. Đừng có nói với ai nhen. Để tao đi báo chú Bảy bí thơ chi bộ.
Cả buổi chiều, Hai Xuân không làm được việc gì. Cô nhấc lên đặt xuống, rơi bể như kẻ hậu đậu. Cô mong trời mau tối để chạy đi hỏi tội Sáu Dừa. Người gì tệ quá. Đã bỏ đi gần hai năm trời không nhắn tin gì, giờ mò về cũng không thèm tới thăm cô. Hay ảnh có người khác rồi? Hai năm rồi còn gì, đến cô cũng xém nhận lời với Ba Đực mà.
Sáu Dừa ráng ngồi dậy, dựa lưng vô vách, người sốt hầm hập. Cánh tay phải của anh cuốn băng trắng, thấm những vết máu đỏ. Hai Xuân quên cả hờn lẫy, nắm tay trái Sáu Dừa, lắc lắc:
- Sao vậy anh? Có đau không anh?
Sáu Dừa he hé mắt, giọng mệt mỏi:
- Anh xin lỗi em! Đi xa mà không nói trước. Nhiệm vụ... bí mật. Để khỏe chút... anh kể... cho nghe!
Anh thiếp đi, trong cảm giác lạnh buốt căm căm từ ruột gan, cái rét khắc nghiệt của miền Bắc khi anh và hơn hai mươi đồng đội vượt biển cập vào một bến cảng lớn cách nay hai năm. Những chàng trai trẻ miền Tây Nam Bộ cắn răng lại chịu rét hai mùa đông xứ Bắc. Họ quần quật trên chiếc tàu gỗ trọng tải hai mươi tấn, với đủ khoa mục, tình huống cho một chuyến đi biển xa hàng trăm hải lý.
Rồi một đêm mưa tối tăm mù mịt, tất cả được lệnh lên tàu, nhắm hải phận quốc tế, chạy về hướng Nam. Khoang tàu chứa hai mươi tấn vũ khí các loại, mấy tạ cá khô và lưới đánh cá. Tàu được ngụy trang thành tàu cá của ngư dân Nam Bộ. Đèn măng sông treo trên cột buồm, nhóm thanh niên ở trần ngồi chơi bài dưới bóng đèn sáng trưng, chuyện trò rôm rả. Sáu Dừa ngồi dựa lưng vào đống lưới đánh cá, cảm nhận chiếc càng lạnh buốt của khẩu 12,7mm được giấu bên trong. Tình huống gặp tàu địch, anh em chỉ cần lật tấm lưới ra là sẵn sàng chiến đấu.
Hải phận quốc tế thênh thang những con sóng tự do. Tàu rẽ sóng băng băng hướng mũi về Nam. Có khi trên đầu vè vè tiếng máy bay trinh sát của địch. Kệ! Anh em lại mang mấy giỏ cá ra phơi trắng trên sàn tàu. Hai ngày, hai đêm, tàu được lệnh rời hải phận quốc tế, tiến vào cửa sông Rạch Lớn. Sáu Dừa ngồi trên mỏ neo cạnh tàu, tóc bay phất phơ trong gió. Bến bờ ở trong kia, dải màu xanh mờ xa kia là quê hương, là Hai Xuân đang chờ đợi. Bỗng anh giật mình vì ánh sáng hỏa châu lóe lên cùng những tiếng lụp bụp. Thêm ánh đèn pha của hai tàu tuần tra rọi thẳng vào tàu hàng.
- Gặp tàu địch rồi! Bình tĩnh!
Thuyền trưởng nhắc nhở. Tiếng loa eo éo:
- Đề nghị tàu cá số 03 dừng lại kiểm tra! Đề nghị dừng lại để kiểm tra!
Hai chiếc tàu bọc hai phía khép dần lại.
- Lộ rồi! Sẵn sàng chiến đấu! Rẽ phải, tiến thẳng phía tàu địch. DKZ tiến lên!
Khẩu DKZ được đặt ngay mũi tàu, giữa khe hở của hai thùng phi dầu.
- Tàu cá 03 giảm tốc độ, dừng lại kiểm tra!
Mọi người đều căng mắt nhìn về phía trước, tấm lưới được lật ra, khẩu 12,7mm chĩa nòng lên trời, nơi có tiếng máy bay phành phạch. Tàu địch ngỡ ngàng trước thái độ lì lợm của chiếc tàu cá. Chân vịt xoáy sùng sục, tàu lao băng băng. Một trăm mét, sáu mươi mét...
- Dừng lại không chúng tôi bắn!
Phớt lờ tiếng loa cảnh cáo, tàu tăng tốc độ.
- Rẽ trái! Hướng mũi vào sườn tàu địch!
Vòng quay bất ngờ làm Sáu Dừa ngã lăn ra sàn, nhưng anh vội chồm dậy níu cây 12,7mm. Khi làn đạn địch đỏ lừ găm vào thân tàu, một luồng lửa lớn màu cam vọt ra từ khẩu DKZ, lao vào tàu địch. Nó rùng rùng bốc cháy. Phía xa, hơn chục ngọn đèn pha chiếu thẳng vào tàu ta. Bọn địch chỉ nổ súng ngang sàn tàu, ý định bắt sống toàn bộ thủy thủ đoàn.
- Phương án 1! Phá tàu!
Nhóm tám người ôm phao nhảy xuống biển. Sáu Dừa, thuyền trưởng và tài công ở lại sau cùng. Kíp nổ được kích hoạt, cả ba lao xuống, bơi rất nhanh về phía bờ. Chừng năm phút sau, một tiếng nổ lớn làm nước biển dâng cao tới hai mét. Sáu Dừa bị đẩy tung lên cao, rồi rơi xuống, ngực đau như bị ép lại, anh may mắn ôm được một mảnh ván gỗ tàu nổi trước mặt.
PHÙNG PHƯƠNG QUÝ