Tôi một mình rảo bước trên phố đi bộ, trong lòng cảm thấy hoang mang.
Tôi nghĩ về tin nhắn của chị. Chị nhắn: "Em gái, tất cả của cuộc đời chị! Nếu giờ chị đi lấy chồng, em có ghét chị không?".
Chị đã gọi tôi là “Tất cả của cuộc đời chị”.
“Chị cần phải đi lấy chồng. Nhất định chị cần phải đi lấy chồng rồi!”. Những lời ấy cứ giục giã trong lòng tôi không dứt.
Đã 12 năm qua, chị hy sinh vì tôi rất nhiều. Năm tháng dài khiến tôi gần như quên mất, chị gái Gia Nhất của tôi đã 30 tuổi rồi. 30 tuổi là một con số thật tàn nhẫn với một người con gái.
Nhiều bạn bè xung quanh biết tôi là người được chính chị một tay nuôi nấng, họ cũng biết tôi chưa một ngày được hưởng tình mẫu tử. Còn bố tôi. Ông hận tôi tới tận xương tủy. Vì chính sự ra đời của tôi đã cướp đi mạng sống của mẹ tôi.
Mẹ tôi, bố tôi, họ cùng lúc đã bỏ rơi tôi.
Chỉ tội cho chị Gia Nhất. Chị đã phải gánh trách nhiệm mà lẽ ra chị không phải nhận.
Mấy năm nay, tôi đã viết rất nhiều truyện. Cũng nhờ vào việc viết truyện mà tôi có chút tiếng tăm. Nhưng tôi chưa bao giờ dám viết về chị tôi. Bởi tôi hiểu rằng, bất kỳ một từ ngữ nào của tôi, trau chuốt đến mấy cũng không thể viết hết được công lao của chị đối với tôi.
Nhưng hôm nay, khi nhận tin chị đi lấy chồng, tôi thực sự muốn viết điều gì đó cho chị. Có lẽ câu nói của chị: “Em, tất cả của cuộc đời chị!” đã cho tôi dũng khí để viết.
Sự xinh đẹp, nhạy cảm, tốt bụng và thông minh là những thứ mà theo tôi chị thực sự “giàu có”. Còn cuộc sống của chị thì lại thật vất vả, nghèo khó. Vất vả vì đã phải “gánh” thêm cả tôi.
Tôi thường nghĩ, nếu không có chị, điều gì sẽ xảy ra với tôi? Chắc chắn tôi sẽ trở thành đứa trẻ sống lang thang trên đường phố hoặc sống trong sự khinh miệt của người khác.
Bố tôi có thể không biết cho đến khi ông mất. Sở dĩ tôi không ghét ông là vì tôi đã có chị. Tôi nghĩ mình đã có một người chị tốt như Gia Nhất thì tôi không có quyền ghét ai cả.
Nhắc đến bố tôi, trong tôi lại có những cảm xúc thật khó tả. Ông mất khi tôi 10 tuổi. Khi còn sống, ông chưa bao giờ gọi tôi bằng cái tên thân mật cả. Điều ấm áp duy nhất mà tôi nghe được từ ông là câu ông từng nói với tôi khi sắp mất: “Lục Gia Phi, con sẽ không cô đơn. Sự ra đi của bố cũng là một điều tốt cho các con. Bố thực sự không thể cho con tình yêu. Bố biết rằng mình không phải là một người bố tốt. Nhưng bố thật lòng đã cố gắng hết sức rồi. Kiếp này không được, thì kiếp sau bố sẽ bù đắp cho con”.
Tôi nhớ rằng, lúc đó tôi đã rất hoảng sợ và liên tục gọi chị Gia Nhất. Khi Gia Nhất chạy đến, chị ôm chầm lấy tôi, cả hai chúng tôi đều khóc. Chúng tôi khóc vì những lý do khác nhau. Đối với tôi, bởi lúc đó tôi còn quá nhỏ. Tôi khóc vì đây là lần duy nhất tôi cảm nhận được sự ấm áp của bố. Còn chị Gia Nhất, chị khóc bởi chị biết rằng bố sắp ra đi mãi mãi.
Cuối cùng, bố tôi đã gọi chị Gia Nhất lại và nói: “Con phải coi Lục Gia Phi là tất cả đối với con. Bố nợ con bé. Chúng ta mắc nợ Gia Phi, vì thế, con hãy thay bố trả món nợ này có được không? Hãy đối xử tốt với Gia Phi. Ở một thế giới xa xôi, cho dù bố không thể nhìn thấy hay gặp được các con, nhưng kiếp sau chúng ta sẽ là một gia đình trọn vẹn, một gia đình luôn thương yêu nhau”.
Năm đó, chị Gia Nhất 22 tuổi, học năm thứ hai đại học, còn tôi 10 tuổi, học lớp 5.
Gia Nhất là một người biết giữ lời hứa, bất luận chị hứa với bố chăm sóc tôi vì lý do gì thì chị cũng đã đảm nhận việc chăm sóc tôi và còn làm rất tốt.
Vì nuôi tôi, Gia Nhất đã từ bỏ rất nhiều thứ. Chị từ bỏ việc học không chút đắn đo và còn phải bỏ cả tình yêu của mình. Bởi bạn trai của chị đã không đồng ý khi chị lại phải nuôi thêm một đứa em bên cạnh. Tôi biết rằng, cả tình cảm và học hành đều rất quan trọng đối với chị. Tất nhiên, chị chưa bao giờ nói với tôi, đây là những điều tôi hiểu và cảm nhận được khi tôi lớn lên.
Khi bố tôi còn sống, dù không đối xử tốt với tôi, nhưng ông vẫn tạo cho các con một môi trường sống và học tập tốt. Khi ông mất đồng nghĩa với việc chúng tôi không còn sự bảo trợ đó nữa. Gia Nhất chính là người duy nhất phải chăm lo cho tôi.
Thực sự, tôi rất biết ơn vì có chị, tôi đã không trở thành trẻ mồ côi. Nếu không có chị, chắc hẳn tôi đã không thể có cuộc sống hôm nay. Bố tôi là con một nên không có anh em hay người thân để chăm sóc tôi. Còn Gia Nhất, chị đã dám “vứt bỏ” tương lai của mình nơi đô thị nhộn nhịp, trở về thị trấn nhỏ nơi chúng tôi sinh sống để chăm sóc và còn cho tôi được tiếp tục học hành. Chị có thể cho tôi bất cứ thứ gì. Và chị còn có thể cho tôi cả những thứ mà bố tôi không thể dành cho tôi như tình cảm gia đình chẳng hạn. Chị thường chải tóc cho tôi, hỏi ý kiến tôi khi nấu ăn. Sau mỗi lần tôi làm tốt một bài tập chị lại vuốt tóc tôi, nhẹ nhàng động viên tôi như một phần thưởng. Mỗi lần tôi ríu rít thông báo với chị điểm cao, chị lại nhìn tôi với ánh mắt hiền từ và cổ vũ tôi.
Nhiều khi tôi nghĩ rằng chị chính là mẹ đẻ của tôi. Tôi nghĩ rằng nếu mẹ còn sống, dù bà có yêu tôi đến mấy thì tình cảm đó chắc cũng chỉ bằng tình cảm chị Gia Nhất dành cho tôi.
Trong tin nhắn chị gửi cho tôi, chị có nói rằng, chị cảm thấy rất cô đơn. Cô đơn còn đáng sợ hơn là mệt mỏi, kiệt sức, vì kiệt sức có thể được điều chỉnh bằng cách nghỉ ngơi, còn cô đơn thì phải được lấp đầy bằng một thứ gì đó.
Tôi rất hiểu, làm sao tôi lại không hiểu cho được khi một người con gái ở tuổi 30 thì việc cần cho mình một tình yêu riêng là điều cần thiết.
Chị nói rằng chị rất tiếc, chị từng hứa với tôi là sẽ không lấy chồng trước khi tốt nghiệp đại học, nhưng chị cũng nói rằng chị có thể từ bỏ việc đó nếu tôi có ý kiến. Chị bảo với tôi, cho dù chị có lấy chồng thì cuộc sống của tôi vẫn không có gì thay đổi. Mọi chi phí học đại học, học hành sau này chị tôi sẽ lo liệu hết, chỉ khác là trong gia đình sẽ có thêm một người nữa.
Người đàn ông của chị hơn chị khá nhiều tuổi. Nhưng chị nói chị không quan tâm, chị cũng bỏ qua nhiều cơ hội rồi nên chị cũng không cần phải suy nghĩ nhiều, cũng may là người đàn ông đó đối xử với chị rất tốt. Chị cần có người chăm sóc, có người bên cạnh.
Những lời chị nói khiến tôi càng cảm thấy thương chị. Lẽ ra, chị đã có thể có một cuộc sống tốt hơn. Tôi thực sự mong rằng chị sẽ có một cuộc sống hạnh phúc, cuộc hôn nhân sẽ mang lại cho chị tất cả những gì mà chị đã hy sinh vì tôi. Chỉ cần nhìn thấy chị hạnh phúc, chỉ cần tôi không nhìn thấy chị buồn phiền, đó chính là niềm vui lớn nhất của tôi rồi.
Chị hỏi tôi chị lấy chồng, tôi có ghét chị không? Làm sao tôi có thể ghét chị chứ? Tôi muốn nói rằng tình yêu của chị đã mang đến cho tôi tất cả những gì tốt đẹp nhất, chị đã dạy cho tôi về lòng tốt và sự quan tâm, biết bình tĩnh và bao dung trước những biến cố trong cuộc đời.
Tôi không thể quên những tháng ngày chị bôn ba lo cho cuộc sống của tôi. Ngày đó, chị làm thuê cho một nhà hàng, công việc rất vất vả. Mỗi ngày chị về đến nhà thường rất muộn, khuôn mặt lộ rõ sự mệt mỏi. Hồi ấy, tôi lại thường xuyên bị đau dạ dày. Đi làm về mệt nhưng chị chạy ngay vào bếp pha nước đường ấm cho tôi, rồi kể những câu chuyện để tôi vơi bớt cơn đau. Mặc dù đó là những chuyện tôi đã được nghe, nhưng sự ân cần, sự tận tâm của chị chạm tới tâm hồn tôi, làm tôi thấy cơn đau như dịu đi.
Sau này, khi tôi 15 tuổi, chị vào Nam. Khi chị đi, tôi đã chạy theo một quãng đường dài để tiễn chị, tôi không dám để rơi một giọt nước mắt nào. Đó là bởi vì tôi hiểu rằng, chỉ cần nhìn thấy tôi khóc, chị sẽ phải ở lại. Chị ra đi là để kiếm tiền nuôi tôi ăn học. Vì thế, tôi không muốn làm chị phải lo lắng.
Chị đã hy sinh quá nhiều điều cho tôi. Và những điều đó không thể diễn tả bằng ngôn từ. Chị luôn nói rằng tôi là tất cả đối với chị, còn tôi, tôi luôn cảm thấy mình đã đặt lên vai chị một gánh nặng.
Chị thường nói với tôi chị rất thích Nội Mông Cổ, rằng chị khao khát được nhìn những ngọn núi, con sông và con người ở nơi đó, nơi có những cánh đồng cỏ rộng lớn và con người có thể sống tự do tự tại, không nhiều lo âu. Những lúc như thế, tôi biết chị đã mệt mỏi rồi. Mong ước đó của chị đã không thành hiện thực, và tôi biết đó là vì tôi, chị phải tiết kiệm để nuôi tôi học đại học.
Giờ chị sắp lấy chồng và có tổ ấm riêng. Sự kiện đặc biệt này, tôi nghĩ mình có lý do để làm điều gì đó cho chị.
Khi còn đi học, tôi có viết truyện và tôi đã tích cóp được một số tiền để dành, tôi dự định sẽ mua cho mình một chiếc máy tính. Nhưng việc này đối với tôi giờ không còn quan trọng. Việc giúp chị tôi hoàn thành ước nguyện được đến Nội Mông Cổ một lần là điều có ý nghĩa hơn bất kỳ điều gì khác đối với tôi trên thế giới này.
Tôi biết rằng, những gì tôi viết ra đây có thể chị tôi sẽ không đọc được, nhưng tôi vẫn muốn được nói ra với tất cả mọi người rằng: Tôi đã có một cuộc sống rất hạnh phúc, hạnh phúc bởi tôi đã có chị-chị Gia Nhất của tôi!
Truyện ngắn của LỤC GIA PHI (Trung Quốc) - SONG VÂN (dịch)