Đoạn đường đất chục ki-lô-mét đầy dốc và đá sỏi, tôi chỉ lo chiếc xe đạp cũ đứt phanh, bục lốp hoặc sang vành, dẫu hai chị em đều còm nhom, chả lấy đâu ra mà to béo. Ngồi sau xe đạp thống nhất cũ kỹ không gác đờ bu, thi thoảng tôi lại hỏi Dân những câu rất trẻ con kiểu như đường có gai tre không, ở đây có cướp không, có hiệu sửa xe đạp nào không? Dân cười và khoe. Đường này ăn thua gì. Em đi tán gái tận bên Đồng Lạc, oánh nhau với bọn trai bản suốt. Có lúc, cả người và xe bị ném xuống suối chìm nghỉm mà em chả sợ. Chị yên tâm, xe vừa cân vành lúc sáng, thay phát bốn nan hoa. Dây phanh cũng thay luôn. Chỉ má phanh là em tự chế nên thi thoảng vẫn kêu két két đấy. Vài hôm nữa mòn bớt là êm ngay. Xe đón dâu của em đấy chị. Làng em, mấy thằng bằng tuổi em mà đã sắm được xe đạp. Dân vừa đạp xe, vừa hổn hển khoác lác. Tôi ngồi đằng sau cũng bớt run.

Nhọ mặt người, chúng tôi cũng vượt qua một mặt đồng phất phơ rơm rạ và đầy phân trâu bò để tới nhà Dân. Chúng tôi đi qua cái cổng chào tết lá cọ xửng lên giời tua tủa để vào sân nhà. Mảnh sân đất có kê năm bộ bàn ghế lôm côm cà cộ. Bàn mỗi cái một mẫu, ghế mỗi cái một kiểu. Thì đi mượn khắp làng, làm sao giống nhau. Trong nhà tối lờ nhờ, có vài cái đèn hoa kỳ leo lét. Không loa đài, không có đèn măng sông sáng trưng, không có rạp cưới xanh, đỏ như tôi tưởng tượng. Chỉ có những con người nhà quê từ già tới trẻ nhếch nhác, luộm thuộm. Tôi khi ấy, trên là áo nõn vàng, dưới quần âu đen, chân đi dép quai và tóc búi cao cài trâm. Tôi biết, già trẻ lớn bé nhìn hết vào tôi. Những tiếng nói trầm trầm khàn khàn, những tiếng thì thào choi chói. “Cháu ngoại bá Lân đấy”, “con gái chị Lượng đấy”. Tức là họ đang nói về bà ngoại tôi và mẹ tôi. Tôi ngồi xuống một cái ghế đầy bụi cạnh chiếc bàn con bừa bộn cốc chén. Một ông già vóc dáng nhỏ thó đi ra, kéo ghế ngồi xuống trước mặt tôi, ân cần. “Chắc cháu chưa biết trẻ. Trẻ là em trai bà Lân, bà ngoại cháu đấy. Nay thằng Dân là đích tôn cưới vợ, trẻ mừng lắm. Cháu ở đây rồi xem mai có việc gì thì giúp các em nó. Giờ đi ăn cơm không đói. Bữa nháp sơ sài, có gì không phải cháu đừng chấp nhá. Bố Dân vất vả lắm, đông con mà”. Tôi bỗng thấy mình người lớn hẳn và tự tin liến thoắng. “Trẻ đừng băn khoăn gì, ngoài cháu cũng thế này mà. Giai đoạn này khó khăn chung, đâu cũng thế”.

Một mâm cơm bưng ra, xếp xuống. Tôi nhìn qua, một đĩa thịt mỡ rang mắm tôm đồng, một bát canh bí nấu suông, một đĩa đậu phụ luộc. Đấy gọi là nháp. Quê tôi, bữa nháp là bữa ăn nội bộ họ hàng diễn ra vào trước tiệc chính. Là bữa ăn mọi người tập trung để bàn bạc, chuẩn bị cho công việc chính của ngày hôm sau. Nhà nào khá giả thì bữa nháp tươm tất, nhà nào khó như nhà cậu tôi đây thì bữa nháp chỉ đôi ba món dân dã như vậy.

Ngồi xuống cái mâm vét ấy là cậu, mợ, Dân và tôi. Mợ trạc tuổi mẹ tôi nhưng nom già và khắc khổ. Bà cứ đứng lên ngồi xuống thắc thỏm. Dân gắt lên, mẹ ăn đi để chị Huệ còn ăn chứ. Nó sắp về đến nơi rồi. Ra thế, cậu mợ tôi còn đợi một người. Thấy tôi nhìn như hỏi, Dân nói. Còn cái Liêu đang trên đường về. Chị ăn cơm đi không đói. Chắc chị không biết, Liêu bằng tuổi chị đấy, nhưng nghỉ học từ lớp bốn. Nó học dốt lắm, cho nghỉ. Em đây, lớp bảy dở chừng về đi cày cho mau thuộc bài kiếm thóc. Học giỏi như chị thì mới bõ học chứ.

Tôi cũng ăn nhấm nháp cho mọi người khỏi giục nhưng vẫn có ý cùng mợ tôi chờ Liêu. Dân thì ăn nhanh, để còn đi. Đêm trước ngày cưới, chú rể thường phải ở nhà cô dâu tới khuya mới về. Cô dâu ở thượng huyện, cách nhau khá xa nên Dân vội cũng phải. Dân vừa ăn vừa để mắt ra cổng. Rồi tiếng xe máy trờ tới. Tôi nhìn thấy một cô gái kiều diễm đi vào. Tuổi mười sáu, đứa con gái nào cũng mơn mởn và đẹp hết. Nhưng Liêu khi ấy được váy vóc lụa là son phấn hỗ trợ, thì em là một nàng công chúa xinh đẹp lộng lẫy. Tôi nhìn bốn gian nhà tranh vách nứa, nền đất cũ kỹ, tồi tàn của cậu mợ tôi, rồi lại nhìn Liêu. Em mặc chiếc quần côn trắng tinh, giày cao gót, áo lụa đỏ, tay đeo lắc vàng, vai khoác một chiếc khăn kim tuyến màu mỡ gà, môi son đỏ chót, mắt kẻ, mi cong... Đám đông mới nãy trầm trồ vì “con chị Lượng đẹp quá” thì nay lại chuyển hướng sang Liêu “ôi giời ôi, cứ như công chúa, lại sắp có cỗ rồi”. Liêu để cái túi da có quai bằng kim loại màu vàng xuống ghế. Cô kêu lên “tối quá”. Thế là thêm hai cái đèn hoa kỳ được điều trong nhà ra. Một mọ già xua tay. “Bay cứ đem đèn ra cho khách ăn cơm, bọn tao nói chuyện bằng miệng lo gì sáng tối”. Thế là các cụ ngồi thầm. Còn Liêu và tôi cùng cậu mợ thì có tận ba cái đèn rọi xung quanh. Dân đã thay vào cái áo cánh tươm tất hơn, đứng cạnh Liêu. Khuỷu tay huých nhẹ vào vai em gái. Liêu mở túi, hào phóng rút ra đưa cho Dân năm tờ mười nghìn đỏ chót và mấy tờ tiền lẻ. Mẹ Liêu xòe bàn tay nhăn nheo, ngón khẳng khiu, cáu đầy nhựa bùn về phía con gái. Liêu móc ra hai tờ như thế đưa mẹ. Rồi hai tờ đưa bố. Các em Liêu, đứa út ít mới năm tuổi vịn mép bàn chầu chực, mỗi đứa được vài nghìn lẻ. Liêu nhìn tôi bằng ánh mắt e dè ngại ngùng, khác hẳn với niềm kiêu hãnh lúc em mới bước xuống xe ôm. Chị mới vào à? Chị ăn cơm đi. Tôi nhìn Liêu bằng ánh mắt đầy thiện cảm. Vì Liêu rất đỗi xinh đẹp, đôi mắt to đen láy, nước da trắng ngần. Cậu mợ tôi đã đứng dậy từ bao giờ. Mâm cơm chỉ còn hai chị em. Liêu hỏi tôi đã về Hà Nội bao giờ chưa? Tôi lắc đầu. Liêu nói, em ở Hà Nội đã gần ba năm. Mười bốn tuổi em rời quê đi. Tôi không dám hỏi em làm gì ở Hà Nội. Liêu tự lôi trong túi ra hằng sấp ảnh rồi hân hoan giới thiệu. Đây đền Ngọc Sơn, kia cầu Thê Húc, Hồ Tây, công viên Thống Nhất, vườn đào Nhật Tân, vườn hoa Quảng Bá. Bức ảnh nào Liêu cũng xinh đẹp, nổi trội với nụ cười rạng rỡ. Hằng trăm bức ảnh với tôi khi ấy là điều xa xỉ. Cả năm, tôi chỉ dám chụp một hai bức là cùng. Liêu làm gì mà có nhiều tiền thế? Bao nhiêu là quần áo đẹp. Son phấn, nước hoa, vòng nhẫn vàng...

Đêm ấy, trời se lạnh, tôi và Liêu nằm trong buồng cưới của cô dâu chú rể. Nằm ngang giường cùng bốn đứa trẻ nữa. Cũng may trời tiết thu mát mẻ, cộng với tuổi mới lớn vô tư, tôi nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.

Mở mắt ra vì tiếng lợn kêu eng éc, tôi thấy trời đã mờ mờ sáng ngoài cửa sổ nhưng căn buồng còn tối om. Giường cưới của Dân là cái giường dẻ quạt cũ, màn cũ. Duy nhất có đôi gối mới và cái chiếu mới thì vẫn cuộn để trên nóc hòm thóc chưa trải ra. Bọn trẻ con còn ngủ thì tôi và Liêu đã dậy. Tôi cùng các bà, các cô trong họ gọt bí, cạo khoai, nhặt rau. Một con lợn lang chừng ba chục cân được cánh đàn ông vật ra trên tàu lá cọ trải góc sân. Chắc là vừa chọc tiết xong. Tôi nghe tiếng sấm ì ùm. Cậu tôi ngửa mặt nhìn trời rồi hỏi đám đông đang cạo lông lợn. “Tụi bay hôm qua có đứa nào nghe đài không?”. Một ông trẻ trả lời. “Có nghe được đâu, đài hết pin”. Cậu tôi đi vào trong nhà đầy vẻ lo lắng. Cậu tôi chỉ trạc ngoài bốn mươi nhưng nom đã hom hem như ông già, cân xứng với mợ tôi. Con đông, ai chả thế.

Tôi và Liêu gọt xong đống bí ngô thì phồng hết cả tay vì dao cùn. Sau đó hai đứa đi soạn bát đĩa. Bát đĩa đi mượn quanh làng nên cái nào cũng có tên người bằng sơn dưới chôn bát. Và mỗi cái một kiểu, một cỡ. Mợ tôi bảo, những cái mẻ để riêng ra một rổ để sắp mâm trẻ con và người nhà, còn cái lành lặn dành cho khách. Trời nhẽ ra phải sáng thêm thì lại mỗi lúc một tối. Cậu tôi bảo. Giời ác thật. Mưa to đây. Chắc nước cuối. Gần năm giờ sáng thì trời mưa thật. Những cái bếp ngoài trời gió thổi tắt ngấm. Mọi người sơ tán bếp vào chái nhà. Bàn ghế thì khiêng vào hè, trầm lên nhau. Khi mọi thứ vừa sơ tán hòm hòm thì mưa ập đến. Mưa to kinh khủng. Mưa bong bóng. Cậu tôi chì chiết em Dân. “Tao nói rồi, đâu có nghe, bảo để Tết ra cho thong thả, thì cứ đòi ngay”. Dân bật lại. “Bố lạ thật, cả làng nước cưới, đâu mình con”. Mợ tôi can hai người. “Thôi đi hai bố con, cứ tí chốc lại vè nhau”.

Mưa sầm sập. Từ nhà đến bếp dột tứ tung. Người be chỗ này, kẻ chắn chỗ kia. Nước dột thẳng vào chỗ nấu với cả đống củi. Bọn nhà bếp ho sặc sụa vì khói. Gần bảy giờ sáng, trời cũng thương tình mà ngớt dần. Đoàn đón dâu gồm mười tám xe đạp lên đường theo vết rút của mưa về phía núi. Liêu tót lên một chiếc xe đạp phượng hoàng sáng loáng của một giai làng săn đón em suốt từ tối qua. Tôi đứng trên thềm đất nhão nhoét nhìn qua màn mưa mỏng, thấy những chiếc xe đạp hai người đèo nhau lần lượt chui qua chiếc cổng tết bằng lá cọ. Thực ra, tôi cũng muốn đi đón dâu. Nhưng không còn xe đạp nữa. Đêm trước, Dân đã đi khắp họ để hỏi mượn thêm một chiếc xe đạp cho tôi mà không thể. Thế nên, tôi ngậm ngùi nhìn mưa leo xuống sân từ mái gianh cũ kỹ. Mưa nhỏ dần, tí tách trên những cái chậu cũ. Những đứa trẻ lấy cốc hứng mưa từ giọt gianh uống ừng ực rồi cười khanh khách. Má chúng bóng nhẫy vì vừa chia nhau một mẩu đuôi lợn luộc mà nhà bếp chia cho. Tôi men thềm, bưng ra chái nhà rổ đĩa cho các ông xếp cỗ. Thịt lợn luộc chín, lòng gan luộc chín bốc khói trên những tàu lá cọ tơ. Ba ông ngồi chụm quanh với hai cái thớt và một chai rượu gạo, một đĩa muối ớt. Hai ông thái, một ông xếp ra đĩa. Cái chén cối xoay vòng, thi thoảng mỗi ông lại nhón một miếng lòng dồi hay miếng thịt luộc chấm muối thả vào miệng nhai nhồm nhoàm và ực một hớp rượu làm bao kẻ đi qua đứng lại ngó vào một cách thèm thuồng. Bọn trẻ con chốc chốc lại hỏi nhau “cô dâu về chưa” một cách sốt ruột. Tôi hiểu, chúng nóng lòng mong cô dâu về là để được ăn cỗ. Cậu tôi xăng sái chạy ra chạy vào đầy vẻ quan trọng. Tôi như con thoi từ bếp lên nhà để sắp xếp sao cho từng mâm cỗ không được thiếu từng đôi đũa hay cái chén uống rượu. Ơn giời, rồi mưa cũng tạnh. Bàn ghế được kê ra sân. Người già bảo hỷ sự gặp mưa là lành và may mắn. Chưa kể, có nước mưa, nhà bếp không phải kéo nước giếng.

Mâm cỗ cưới gồm một âu cơm trắng, một đĩa xôi nhỏ, một đĩa thịt lợn luộc, một đĩa lòng lợn, một đĩa thịt nướng, hai bát canh bí nấu xương và một đĩa rau luộc. Những cái chai thủy tinh đựng rượu đủ màu, đủ kiểu dáng. Trong lúc tôi loay hoay cuộn lá chuối khô làm nút thì một bà trong họ đã chổng mông, cúi đầu, ngó lom lom vào mặt tôi, thì thào: “Con gái ca ve đã đành, lại còn cưới cả dâu trưởng là ca ve, chả ai can được cậu mày”. Tôi để rơi cái nút ra đất, những thớ lá khô cựa quậy, tự duỗi ra.

*

Tôi choàng mở mắt, chạy khỏi vùng ký ức. Xe đã vào bến. Người đàn bà ngồi cạnh tôi suốt cả hành trình và rất nhiều lần định hỏi tôi điều gì đó vừa bước xuống, cô ấy đang cố thoát ra khỏi đám đông mời chào. Tôi cũng xuống theo, gọi với. Liêu ơi, có phải em không? Bóng áo tím khựng lại giây lát, nhưng không quay đầu để tôi có thể tìm thấy thêm những đường nét yêu kiều của ba mươi năm trước còn sót lại trên khuôn mặt nhàu nhĩ ấy. Cô ấy như chạy khỏi tôi.

Cuộc sống là thế. Đôi khi, nhận ra nhau và im lặng, là đủ rồi.

Truyện ngắn của TỐNG NGỌC HÂN