Tôi ngồi nhâm nhi ly cà phê thơm ngào ngạt, thứ cà phê do con rể tự chế với một bí quyết nào đó của người bản địa. Đã gần mười năm vợ chồng con gái vào Tây Nguyên lập nghiệp. Gần hai năm nay, tôi theo con cháu vào đây dưỡng già. Thổ nhưỡng, khí hậu Tây Nguyên hợp với người già nên tôi mập trắng ra và tiêu biến cái bệnh viêm đại tràng. So với cha tôi, một chiến sĩ Điện Biên thì tuổi 70 của tôi chưa già. Bạn ở Buôn Ma Thuột hẹn mời cà phê vào ngày thứ bảy tới.
Nhìn lên tờ lịch tường, hôm nay đã là thứ ba, ngày 17-5. Một dòng điện nhè nhẹ chạy dọc sống lưng tôi nóng bỏng, vì chợt nhớ tới một ngày trọng đại, ngày 19-5, sinh nhật Người. Từ ngày nghỉ hưu, tôi có thói quen tổ chức mừng sinh nhật Người theo cách riêng của mình, như một nghi lễ tín ngưỡng. Bức tượng thạch cao mạ đồng được lấy từ trong tủ kính ra, đặt trước bàn cùng một bình sứ cắm ba búp sen nhỏ. Tôi nâng chén nước trà màu vàng chanh, nhấp vài ngụm, nhìn ngắm vầng trán mênh mông của Người, lẩm nhẩm hát một bài hát quen thuộc từ thời thơ ấu: “Bác chúng em dáng cao cao, người thanh thanh/ Bác chúng em mắt như sao, râu hơi dài/ Bác chúng em nước da nâu vì sương gió...”.
Một bài hát gắn liền tuổi thơ thế hệ chúng tôi với tình yêu của Người.
70 tuổi đời, 28 tuổi quân, với bao nhiêu kỷ niệm kéo từ thời chiến qua thời bình, nhưng tôi nhớ nhất lần gặp Người đầu tiên vào năm lên 9 tuổi. Buổi chiều ấy tan học, tôi thấy bố cũng đạp xe từ ủy ban nhân dân xã về sớm.
- Đi tắm! Thay bộ quần áo mới nhanh lên con!
- Mình đi ăn cỗ nhà bà ngoại ạ?
- Không! Đi đón Bác Hồ!
Tôi vội vàng nhảy chân sáo ra giếng, miệng lẩm nhẩm hát “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên, nhi đồng”.
Ôi! Được đi đón Bác Hồ thì tuyệt quá! Đến lớp tha hồ khoe với đám bạn. Bọn trẻ chúng tôi chỉ biết Bác Hồ qua ảnh và những câu hát. Nay thì tôi sẽ được tận mắt nhìn thấy Bác. Bố tôi công tác trong ban chấp hành đảng ủy xã nên có “tiêu chuẩn” được đi đón Bác, thành ra tôi mới được thơm lây. Bố nói cần đi sớm, ra ngủ nhờ nhà chú Ba ngoài thị xã, sáng mai ra sân vận động sớm. Tôi ngồi đằng trước chiếc xe đạp khung ngang của bố, bồn chồn nhìn quãng đường phía trước dẫn ra thị xã Phú Thọ. Phía sau, bố tôi mải miết đạp xe, ngực áo chà lên lưng tôi từng nhịp. Con đường đất từ nhà tôi men theo chân đồi Nà Rậm, bên dưới là mương nước chảy từ núi Voi xuống dọc cánh đồng. Đang đổ dốc thì tôi ngồi lắc lư đằng trước bẻ ngang ghi đông xe đạp, làm bố loạng choạng, cả hai bố con lao xuống ven đường. Không kịp dựng xe, bố vội đỡ tôi dậy, miệng xuýt xoa: “Có đau không con?”. Tôi cố nín khóc, đầu gối trầy xước rỉ máu.
- Thôi để bố đưa con về!
- Không! Con muốn đi đón Bác!
Đến nhà chú Ba, cái đầu gối của tôi được rửa sạch bằng nước muối, nhưng vẫn sưng tấy lên. Mờ sáng hôm sau, bố cõng tôi trên lưng đi bộ về phía sân vận động thị xã Phú Thọ. Một buổi sáng tháng 8 nắng rực rỡ. Những đoàn người đã đổ về đây từ mờ đất. Tôi được bố cho ngồi trên vai, công kênh đi quanh sân tìm một chỗ đứng thích hợp. Tôi chỉ có thể nhìn thấy một ông cụ mặc bộ quần áo gụ, tay giơ cao chiếc mũ cát trắng, vẫy chào mọi người. Tôi đoán đó là Bác Hồ, vì tiếng hô vang rền: “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm! Bác Hồ muôn năm!”. Một tay tôi nắm chặt tóc bố, một tay giơ lên vẫy vẫy, miệng cũng hô theo “muôn năm”.
Kỷ niệm đầu đời ấy theo tôi đi khắp ba miền đất nước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Những năm 80 của thế kỷ trước, chuyển ngành, tôi có tham gia công tác văn hóa-thông tin ở địa phương. Một lần đi nhận tượng Bác Hồ trên sở văn hóa, thấy có mấy bức tượng Bác nho nhỏ mạ đồng, tôi năn nỉ “xin” được một bức, đem về để trong tủ kính gia đình. Cũng từ năm đó, tôi có thói quen mang tượng Bác ra trưng trước bàn cùng mấy nụ sen cất công đi mua tận dưới thị trấn Phong Châu. Có rất nhiều điều liên quan đến Bác mà những người lính như tôi trải qua hằng ngày, trong các hành khúc: “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”, “Bác Hồ một tình yêu bao la”, “Đêm hành quân nhớ Bác”... hoặc ngâm ngợi khổ thơ của Tố Hữu:
Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch chẳng vàng son
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.
Tháng Năm này tôi không có nhà. Bức tượng của Người chắc sẽ yên vị trong tủ kính. Ngày 19-5 nhằm ngày thứ năm, các con tôi đều bận việc ở công ty, chắc không nhờ chúng được việc gì.
Cháu gái khoác ba lô lên vai:
- Thưa ngoại, con đi học!
Con gái bịt khẩu trang, tìm chìa khóa xe.
- Ông ăn bánh cuốn đi nhé! Con vừa mới mua về, để trên bàn ăn. Trưa chờ con về sẽ nấu cơm. Bố đừng lọ mọ cắm nồi cơm điện nữa đấy!
Con rể ngửa cổ rít thuốc lào, hỏi:
- Bố hôm nay bần thần điều gì vậy?
- Mai là sinh nhật Bác!
- À, chúng con cũng nhớ mà.
Con gái cười khanh khách:
- Chắc bố nhớ quê! Từ hồi biết đi tới giờ, năm nào em cũng thấy bố bày tượng Bác, cắm hoa sen...
Cảm ơn con gái còn nhớ sở thích của bố. Con rể lặng lẽ bước ra sân. Tiếng xe đề máy rồ lên một lát, rồi xa dần.
Tôi gọi điện thoại về quê cho con trai. Tiếng ồn ào vẳng tới lẫn tiếng gà gáy. Mấy thanh niên chắc lại tụ tập luyện gà. Những ngày ở quê, đêm tôi thường mất ngủ vì đám bạn bè của con trai. Chúng tụ tập từ chập tối đến gần nửa đêm, ồn ào không dứt. Mười mấy chiếc lồng gà, nhốt đủ loại gà chọi, con nào con nấy trụi lủi, đỏ au.
- Bao giờ ông nội về nhà ạ?
- Để yên yên dịch dã đã. Ngày mai con lấy tượng Bác ra lau rửa cho bố nhé!
- Con cho người ta rồi!
Tôi choáng váng đầu óc. Hỏng rồi! Con cháu thế là hư hỏng rồi. Nó có coi truyền thống gia đình là gì đâu.
- Sao mày tự quyền thế? Bức tượng bố gìn giữ mấy chục năm nay. Mày cho ai?
- Con cho cậu Thắng, chủ tịch hội cựu chiến binh huyện. Cậu thích bức tượng, lần nào đến chơi cũng xin.
Thôi! Tiếc thì tiếc thật, nhưng nó giao cho cậu Thắng còn được. Cậu là đại tá cựu chiến binh, chắc cũng cùng tâm tư như tôi.
Cả nhà ăn cơm tối xong mới thấy con rể về. Nó khệ nệ bê một hũ rượu cần vào nhà.
- Con biếu ông! Rượu ngon lắm. Ngày mai con mời mấy chú hàng xóm là cựu chiến binh qua uống với ông cho vui!
Tôi lúng túng:
- Ngày mai chắc bố bận. Mai là ngày...
Con rể đưa cho tôi một chiếc hộp giấy carton:
- Con biết rồi! Ngày mai là sinh nhật Bác Hồ. Con vừa sưu tầm cho ông đây.
Nó mở hộp giấy ra. Một tấm phù điêu gốm vẽ Bác Hồ mặc quân phục, tay áo xắn gọn gàng, đứng nhìn đoàn quân đi lặng lẽ. Bức này có tên “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”.
- Đẹp quá! Con kiếm đâu ra thế?
- Bí mật ạ! Sáng mai, vợ con sẽ mua cho ông mấy bông hoa sen.
Tôi mừng rơm rớm nước mắt. Các con tôi vẫn đồng cảm với bố mẹ về một thời oanh liệt. Tôi trịnh trọng đặt bức phù điêu lên mặt tủ. Ngày mai đã có quà mừng sinh nhật Bác. Tôi sẽ đọc một bài thơ nào đó về Bác. Bài gì được nhỉ? À! “Đêm nay Bác không ngủ” của nhà thơ Minh Huệ. Bài thơ này tôi thuộc lòng từ hồi còn học phổ thông. Đêm nay chắc tôi cũng không ngủ, thức chờ trời sáng.
Truyện ký của QUÝ PHƯƠNG