Sáng nay, nắng lên sớm, khu vườn sau nhà nhìn qua ô cửa sổ hệt như một bức tranh sinh động. Nói sinh động là bởi khu vườn sáng nào cũng rộn rã tiếng chim hót. Nói sinh động là bởi ông Hào đã trồng ở đó những luống rau xanh đủ để cả nhà ăn rau không màng tới chợ. Đặc biệt, ngay gần bàn uống nước, chỗ cửa sổ trông ra, ông Hào trồng hai chậu cây. Chậu bên trái ông trồng khóm nguyệt quế. Chậu bên phải ông trồng bụi mai chiếu thủy. Hai thứ cây hoa này không chỉ dễ trồng, sống bền mà thích nhất là hoa của nó. Nguyệt quế và mai chiếu thủy dường như ra hoa quanh năm, nhất là vào mùa hè. Cái hay của hai thứ hoa này là đều có màu trắng tinh khôi và hương hoa dịu ngát. Ngồi ở đây mà uống trà, thưởng hương hoa và nghe chim hót thì còn gì bằng.
Căn nhà bỗng nhiên như rộng hẳn ra, bọn trẻ đã đi học nên nhà vắng người, rộng càng rộng thoáng. Chiếc quạt trần nhè nhẹ quay, thong thả đưa đẩy mùi hương hoa tỏa khắp nhà. Ông Hào chợt mỉm cười, nụ cười tuy không thành tiếng nhưng đã thấy tiếng vui trong lòng. Ông đưa mắt nhìn kỹ từng chiếc hộp để trên mặt bàn. Có tất cả sáu chiếc hộp hình chữ nhật, ba chiếc màu nâu đậm và ba chiếc màu xanh mực. Những chiếc hộp này vốn là những hộp bánh, nó được lau rửa sạch sẽ và được ông Hào dùng làm hộp đựng giấy tờ. Sáu chiếc hộp này, ông hầu như không cho một đứa cháu nào sờ vào chứ đừng nói cho chúng nó mở nắp ra xem. Ông bảo: “Trong đó là “báu vật” nên phải trân trọng”. Nghe ông nói thế nên chẳng đứa cháu nào mè nheo đòi ông mở hộp.
Hơi run run tay, ông Hào mở nắp một chiếc hộp màu xanh mực. Và khi nắp chiếc hộp màu xanh đầu tiên vừa được mở ra, ông Hào nhìn chăm chắm vào trong hộp. Đó là xếp những lá thư vẫn để gọn gàng trong phong bì, thoạt nhìn tưởng như những lá thư ấy chưa hề được bóc xem nhưng thực ra nội dung của từng lá thư đó, ông Hào đọc đi đọc lại tới mức ông có thể nhắm mắt mà đọc không thiếu một chữ.
- Ông đọc mãi mà không chán à?
Tiếng hỏi chen ngang của bà Thìn (vợ ông) vừa từ dưới bếp đi lên. Bà hết nhìn ông rồi lại nhìn những chiếc hộp. Nghe câu hỏi bất ngờ của bà làm ông Hào giật mình, kiểu như kẻ bị bắt quả tang đang làm điều gì không phải. Ông Hào lắc đầu thay câu trả lời.
- Hôm nay... ngày nắng bà nhỉ?
Câu hỏi lại của ông Hào nghe chẳng ăn nhập nhưng nó lại làm bà Thìn hơi ngường ngượng vì bà biết ông Hào đang nghĩ gì. Bà đặt phích nước mới đun lên bàn, lại đưa mắt nhìn nhanh vào những chiếc hộp. Bà biết, những chiếc hộp màu xanh mực là đựng những lá thư mà bà gửi cho ông, còn những chiếc hộp màu nâu đậm đựng những lá thư ông gửi cho bà. Nhìn những chiếc hộp đựng những lá thư “hồi ở Trường Sơn” ấy chợt làm bà thấy nao nao. Bà trấn tĩnh lại bằng một câu nói đùa.
- Không phải ngày nắng thì là... ngày mưa chắc?
Ông Hào bấy giờ mới cười to, tiếng cười to làm bà Thìn thêm ngường ngượng. Bà nói xua.
- Mình già rồi. Cháu nội, cháu ngoại lớn tướng rồi. Chúng nó biết sẽ cười cho.
- Kệ-Ông Hào cười to hơn-Bà lại đây. Lại đây, ngồi cạnh tôi đây này.
Tuy vẫn còn ngường ngượng nhưng bà Thìn cũng lại gần chỗ ông Hào ngồi, sau khi cẩn thận đảo mắt nhìn ra cửa, tựa như bà sợ có đứa cháu nào đang ghé mắt nhìn trộm. Bà Thìn ngồi bên mép ghế.
- Thì bà ngồi sát vào tôi đây này-Ông Hào khẽ kéo vạt áo bà Thìn-Hôm nay trời nắng bà nhỉ?
- Ừ. Ngày nắng. Mà sao tự dưng lại... Nói thế, nhưng bà cũng dịch người ngồi sát bên ông Hào.
- Bà có nhớ cũng vào một ngày nắng mới đầu hè như hôm nay, tôi và bà gặp nhau không?
- Nhanh thế nhỉ-Bà Thìn thoáng đỏ mặt, giọng thì thào-Ngỡ như mới hôm qua ấy.
***
Ông Hào bồi hồi nhớ lại. Sáng hôm ấy, đoàn xe của đơn vị ông nối nhau chạy vào trong. Đến gần ngầm Khe Ro thì đột nhiên xe của ông dở chứng. Nó khừng khựng mấy nhịp rồi máy tắt lịm. Anh Hào hốt hoảng khi thấy nóc capo hơi nước bốc lên mù mịt. Giật mình, rồi tự trách mình, sớm nay, không hiểu đầu óc để đâu mà quên không đổ nước làm mát cho xe. Thò cánh tay ra ngoài cửa xe, anh Hào ra hiệu để các xe đi sau vượt lên đi tiếp. Bước xuống xe, anh Hào thở phào nhẹ nhõm: “Đúng là trời thương. Xe hết nước làm mát đúng ngay đường ngầm”. Nhưng rồi anh Hào lại ngớ ra: “Lấy cái gì để múc nước đây?”.
Nóng khắp người vì chưa tìm ra cách thì từ phía dốc xuống ngầm đầu bên kia, một chiếc xe đi tới. Chiếc xe đi lẻ nên nó có vẻ như chẳng việc gì phải vội. Từ từ chạy đến chân dốc thì chiếc xe dừng lại. Cửa xe bật mở, người lái xe có dáng bé nhỏ, sau khi cẩn thận khuân mấy hòn đá chèn bánh xe thì người ấy đi xuống chỗ nước chảy. Đứng lại và bỏ mũ sắt ra khỏi đầu. Anh Hào suýt kêu lên khi nhận ra đó là một cô bộ đội lái xe. Mái tóc đen dài nhanh chóng tỏa tràn xuống bờ vai. Khoảng cách còn xa nên anh Hào không nhìn rõ mặt. Cũng có lẽ chẳng vội nên cô bộ đội lái xe kia cũng chẳng ngó ngàng xung quanh. Cô không nhận ra ở mãi đầu ngầm bên này có một anh bộ đội lái xe đang đần người ra.
“Con gái lái xe ư? Hay nhỉ. Mình lại đó mượn cô ấy chiếc mũ sắt để múc nước cái đã”. Nghĩ vậy nên anh Hào rảo chân đi tới. Cô bộ đội lái xe vẫn không hề hay biết có người đang tới gần. Sáng nay, ngầm Khe Ro yên ắng lạ thường và cũng vắng vẻ lạ thường. Trên bầu trời không rền rĩ tiếng máy bay, không chợt lóe lên ánh sáng của những loạt đạn vạch đường bắn chỉ điểm, từng đám mây trắng nhàn nhã bay xuôi chiều gió, để lộ khoảng da trời xanh cao vời vợi. Nắng lên sớm, ánh nắng soi bừng mặt suối, ánh nắng soi đỏ những vạt đồi. Cô bộ đội lái xe ngồi xuống một hòn đá cuội, hai chân cô dầm trong nước. Cô không hề hay biết có người đang đi lại phía mình. Vẫn thong thả tới mức tự nhiên, cô nghiêng đầu sang trái, rồi nghiêng sang phải, cô dùng chiếc mũ sắt múc từng múc nước đổ lên tóc. Dòng nước đổ xuống tới đâu là những lọn tóc buông xuôi chảy xuống. Anh Hào ngẩn người, lần đầu tiên trong đời anh được nhìn gần một người con gái gội đầu.
Lặng lẽ đứng sau lưng cô gái một quãng ngắn, anh Hào kiên nhẫn đợi cô gội đầu. “Mà cũng phải đợi thôi, cô ấy có gội đầu xong thì mình mới tới mượn chiếc mũ sắt được”. Nắng đã xua tan hết đám hơi sương. Cái nóng bắt đầu thâm nhập. Anh Hào cảm thấy bức bối. Cô gái vẫn thong thả đổ từng mũ nước một. “Cô ấy không có gì vội?” anh Hào nghĩ thế, nhưng rồi anh lại nghĩ khác: “Có lẽ lâu lắm rồi cô ấy mới được phút giây thư thả để gội đầu? Mà mái tóc của cô ấy dài và đen thật! Chắc là lính lái xe ngoài Bắc mới vào”.
Cô gái chừng như đã gội đầu xong. Cô thôi ngồi mà đứng hẳn lên hòn đá. Khi cô bước lên hòn đá thì anh Hào hơi ồ trong họng. Lồ lộ giữa thanh thiên là hai bắp chân con gái trắng nõn nà. Thấy mình dù vô tình nhưng cũng vô duyên nên anh Hào thẹn mặt ngước mắt trông xa. Nhưng rồi có gì đấy lại níu ánh mắt của anh nhìn chăm chăm vào cô. Cô gái cúi xuống, mái tóc được hất về phía trước làm lộ ra cái gáy cao trắng hồng. Cô bắt đầu quay tóc cho khô, động tác quay tóc của cô lại càng làm cái gáy cao lộ hồng thêm ra. Anh Hào thấy người nóng bừng. Dưới ánh mặt trời soi rọi, vòng quay tóc của cô gái tạo nên một quầng lung linh bảy sắc màu. Ngàn ngàn hạt nước bắn tung ra trông hệt như một bức tranh “tiên cảnh” giữa điệp trùng Trường Sơn.
Đứng ngẩn mặt, như có một luồng điện lạ giật thon thót xuôi từ đỉnh đầu xuống lưng. Anh Hào vội xoay người quay đi, anh cố tình tránh cái gáy cao trắng hồng cùng quầng sáng bảy màu đang nhảy múa trước mắt.
- Anh kia? Sao... sao lại... lại đứng rình ở đây?
Tiếng quát rất to của cô gái làm anh Hào giật bắn người. Thực tình, anh đâu có ý rình xem cô gội đầu, anh ở đây chờ cô gội đầu xong để mượn cô chiếc mũ sắt múc nước đổ cho xe thôi mà. Đứng thẳng người, anh Hào luống cuống xua tay thanh minh. Cô bộ đội lái xe theo bản năng vừa cài lại cúc áo, vừa vén vén tóc, cô chụp nhanh chiếc mũ sắt lên đầu.
- Ấy ấy-Anh Hào cuống quýt-Đồng chí, à không, đồng hương gì gì ơi, cho tôi mượn chiếc mũ sắt.
Hình như câu nói của anh Hào càng làm cô gái thêm khó chịu, cô dứt khoát cài chặt dây quai mũ và cô bước nhanh lên bờ. Cô vội vã mở cửa, bước lên buồng lái chiếc xe của mình. Anh Hào hốt hoảng thực sự, anh hấp tấp bước nhanh về phía chiếc xe của cô gái. Có lẽ nhìn động tác bước nhanh, vừa bước vừa với với tay của anh đã làm cô gái thay đổi suy nghĩ trước đó: “Chắc là anh ấy muốn nhờ mình điều gì? Người này chắc không có ý định xấu đâu?”.
Cô gái bình tĩnh nhưng rất thận trọng bước xuống xe. Cô ngước mắt nhìn sang bờ ngầm bên kia và thoáng lờ mờ nhận ra điều anh bộ đội lái xe kia đang muốn. Cô quát to hơn.
- Anh cần gì? Anh đứng lại đó và nói đi. Lại gần đừng trách tôi.
Khựng người lại trước vẻ cương quyết của cô gái, anh Hào thở hổn hển.
- Xe tôi hết nước làm mát... cô... cô, à không, đồng hương... đồng hương cho tôi... tôi mượn chiếc mũ sắt để... múc... múc nước-Anh Hào nói vội, giọng thật thà, vẻ mặt như van vỉ-Tôi chỉ muốn mượn cô chiếc mũ sắt để múc nước thôi.
***
- Chuyện hôm ấy buồn cười nhể?-Ông Hào nói, giọng hơi làng lạc, chứng tỏ ông đang xúc động-Tình cờ mà hóa hay. Thế giờ mới có chuyện tôi với bà chứ.
- Lẻm mép. Cánh lái xe chúa là lẻm mép. Cứ nói vơ vào rồi còn đồng hương đồng khói nữa.
- Ừ thì-Ông Hào chống chế-Tôi với bà chả cùng tỉnh Hà Bắc là gì? Thì bà cũng lái xe đó thôi.
- Người ta là con gái. Không như cánh con trai lái xe các ông.
- Ai bảo sáng hôm ấy tự dưng... tự dưng bà lại dừng xe ở đấy để đi gội đầu.
Bà Thìn cũng xúc động, bà im lặng, bà chưa vội trả lời ông ngay. Nhìn ngoài cứ ngỡ bà không rung rinh nhưng thực tình, trong lòng bà đang rộn lên những bồi hồi. Chuyện gì quên thì quên chứ chuyện này suốt đời bà không quên được.
- Bà có nhớ lá thư đầu tiên bà viết trả lời tôi không?
Ông Hào chợt chuyển hướng cảm xúc, ông hỏi cốt để cho chính mình trở về hiện tại chứ không hề có ý định muốn xem xem bà Thìn còn nhớ không. Bà Thìn mím môi lại, đàn bà con gái thường biết giấu cảm xúc của mình, bà nói chậm rãi.
- Thư ấy tôi viết ngày 22-5-1972, sau cái đận mình tình cờ gặp nhau đúng một tuần-Rồi bà nói nhỏ, giọng hơi tư lự-Hồi xưa “khổ” thật ông nhỉ? Chẳng gặp được nhau. Viết thư toàn gửi trạm giao liên thôi.
- Có thư tôi gửi ở đó tới cả tháng bà mới nhận được.
- Thì chiến trường mà.
- Mình lại là lính lái xe nữa. Cứ tôi đi vào thì bà lại đi ra.
Gian nhà chợt yên ắng. Bà Thìn hai tay giữ chặt những lá thư mà bà vừa lấy ra từ chiếc hộp. Những lá thư ông ấy viết bao giờ cũng ngắn ngủn. “Người đâu mà kiệm lời thế không biết? Được cái chân thật”, nghĩ vậy nên bà ngẩng mặt lên, nhìn vào mắt ông.
- Thư nào gửi cho tôi, ông cũng mở đầu bằng hai chữ “Em Thìn”.
- Còn hơn bà, chỉ rặt bốn chữ “Anh Hào quý mến”. Mà tôi hỏi thật bà nhé. Bà quý mến tôi ngay à?
- Nỡm. Đâu ngon ăn thế. Người ta gọi thế cho nó thân mật thôi.
Ông Hào cười rất vui.
- Đúng là trời thương mình thật. Xe hết nước đúng đường ngầm và lại đúng vào bữa ấy có cô bộ đội lái xe dừng xe đi gội đầu.
- Thế khi nào thì ông có... cảm tình với tôi?
- Tôi á. Ngay lúc đó.
- Điêu.
- Tôi nói thật mà. Nhìn bà gội đầu tôi thấy khó tả lắm. Có cái gì đấy nó cứ thúc thúc trong bụng tôi ấy.
- Khiếp.
Lại lặng im. Bà Thìn lặng yên nhớ lại. Sau ba năm thư đi thư lại, tình cảm giữa hai người đã đậm sâu. Họ viết thư cho nhau và hẹn nhau ngày chiến thắng sẽ cùng về quê ra mắt cha mẹ hai bên, vậy mà phải đúng mười năm sau, họ mới làm được điều giao ước đó.
- Có khi nào ông định... định bỏ cuộc không?
- Tôi chỉ thấy thêm nhớ và thêm thương bà thôi. Bà sau bảy nhăm trở về quê. Sao bà không đi lấy chồng nhỉ?
- Thì người ta đã viết đợi rồi còn gì?
- Nhưng sau đó tôi còn đi tiếp. Nhớ cái hồi chuyển quân qua Miên quá.
- Thì sao?
- Là chẳng khác mấy cái hồi ở Trường Sơn. Thư đi, rồi lại ngóng ngóng thư tới.
- Về làng tôi hãi lắm.
- Hãi là sao?
- Thì... thì cha mẹ tôi cứ giục đi lấy chồng ấy. Cũng chả biết ông còn nay đây mai đó, lòng dạ có đổi thay không?
Ông Hào đứng dậy, ngực ưỡn về phía trước, động tác ấy làm bà Thìn ngỡ ngàng chưa hiểu.
- Bà thấy tôi thế nào?
- Thế nào là thế nào?
- Là thấy tôi có... có đổi thay không ấy?
Bà Thìn phì cười, bà quay mặt đi để cười.
- Không. Ông vẫn thế-Chợt bà Thìn cũng đứng vội lên-Thôi chết! Cũng tám rưỡi rồi.
- Tám rưỡi rồi là sao?
- Là tới giờ tôi phải xuống bếp chuẩn bị làm cơm rồi-Bà Thìn đậy nắp mấy chiếc hộp lại-Ông cất nó đi. Các ông bạn của ông sắp tới nhà rồi. Họ tới mà thấy tôi với ông như thế này, họ trêu cả năm-Rồi bà vừa quay xuống bếp, vừa nhắc với-Ông nhớ là mời họ ở lại dùng cơm đấy.
Ông Hào hơi chưng hửng nhưng cũng thầm cảm ơn vợ. “Bà ấy luôn sâu sắc và luôn chu đáo”. Ông xếp sáu chiếc hộp đựng “những lá thư tình” lại góc bàn “Tí nữa mình sẽ kể mấy ông ấy chuyện về những lá thư này”.
Ngoài ô cửa sổ, nắng bừng sáng khu vườn, hương hoa nguyệt quế, hương hoa mai chiếu thủy theo gió dìu dịu đưa vào.
Mùng 3 tháng 5 năm 2022
Truyện ngắn của NGUYỄN TRỌNG VĂN