Bác sĩ Nguyệt đến bên cạnh: Có gì mà vừa đi đều vừa hát vậy bí thư chi đoàn?

- Chị! Dạ, em hát cho vui lấy tinh thần làm việc chị ạ.

- Bí thư chi đoàn hát hay quá. Ghi báo cáo trực xong, dọn dẹp vệ sinh, chúng ta giao ban, trời cũng sáng rồi.

- Dạ!

Y sĩ Tiến đáp rồi bước vào phòng trực. Bác sĩ Nguyệt đi một vòng quanh trạm.

Con đường đất đỏ bazan sáng sớm mây bao phủ một màu trắng đục, tiếng chim, gà gáy rộn ràng.

Đau, đau.... Vàng Thị Dung nằm ngửa trên lưng chồng, trời se lạnh, đầm đìa mồ hôi, tay xách bọc vải, miệng liên tục kêu đau. A Mắn mồ hôi nhễ nhại, cúi khom người cõng vợ bước từng bước mệt mỏi vào cổng bệnh xá.

Bác sĩ Nguyệt chạy nhanh ra cổng, hai tay ôm hông đỡ Dung, miệng hỏi dồn dập:

- Chị ấy đau lâu chưa?

- Nó đau lâu rồi đấy-A Mắn quệt mồ hôi, thở gấp.

- Anh cứ bình tĩnh, đến đây rồi, chúng tôi sẽ lo.

Y tá Thắm đang tưới ở vườn thuốc nam, vội rửa tay chạy vào cùng y sĩ Tiến từ trong phòng bệnh chạy ra.

- Các đồng chí đưa sản phụ vào!

- Dạ!

A Mắn một chân mang dép, một chân không định lao theo, bác sĩ Nguyệt ngăn lại: Anh ở ngoài này, rửa chân tay đi, cứ yên tâm, không được vào trong đó.

A Mắn ơ... ơ... xong đành nghe lời bác sĩ, vòng ra bể nước, một tay kéo ống quần lên cao, một tay múc nước dội, chân nọ xoa xoa vào chân kia. Được vài cái anh bước vào bậc hiên nhà trạm, vẫn thở dốc, miệng lẩm bẩm:

- Sao lần này nó lại không ra.

Đứng lên, ngồi xuống tới ba, bốn lần, A Mắn không quên nhìn vào buồng bệnh. Bác sĩ làm gì mà lâu thế? Sao nó lại lâu vậy?

Trong phòng, tiếng y tá Thắm: Ra rồi chị, kéo, gạc đây ạ!

A Mắn đứng thẳng lên, nhô đầu ngó nghiêng, định bước vào nhưng lại thôi, ngồi xuống rồi lại đứng lên...

Oa, oa, oa... -tiếng trẻ con khóc trong phòng sản.

Y sĩ Tiến quay sang bác sĩ Nguyệt: Con trai, ba ký sáu, to, may, nhanh còn kịp chị ạ!

- Các đồng chí đưa sản nhi sang phòng hậu sinh, theo dõi nhé!

 Tháo găng, rửa tay dưới vòi nước, bác sĩ Nguyệt bước ra:

- Một công dân nam chào đời tại bệnh xá vào sáng sớm, chúc mừng anh nhé!

A Mắn chạy tới:

- Con trai hả bác sĩ, thằng này chắc mai mốt nó bướng lắm đấy.

- Con trai, ba ký sáu đấy, may mà kịp đưa ra trạm, chậm tí nữa là ngạt, sao không đưa ra đây sớm?

- Mấy lần trước đi làm rẫy, nó đẻ ở lán nhà mình, tự đẻ lấy có cần phải đi trạm xá đâu.

Mấy lần trước tự đẻ ở nhà à?-Bác sĩ Nguyệt giọng hơi căng.

- Ừ, ba lần rồi, vợ nó đau, nó bám vào cái cột, dạng chân một lúc là xong, mình chẻ sẵn cái nứa rồi, cắt cái dây ở rốn, lấy cái giẻ buộc lại, mấy ngày là vợ nó tự mang con đi rẫy được à. A Mắn kể có ý như mình cũng đỡ đẻ giỏi.

Bác sĩ Nguyệt lắc đầu: May cho anh đấy, cháu này to, nên không ra được.

- To à, sao mấy đứa trước nó chui ra được? A Mắn thắc mắc.

- Cái đầu nó to không ra được, mấy đứa trước nhỏ, mẹ khỏe, chậm tí nữa là bé bị ngạt, không cứu được đâu. Bác sĩ Nguyệt nói chậm.

- Nó là thằng lỳ, nó không chịu ra. Cho nó cái tên A Lỳ-A Mắn chỉ tay về phía vợ đang nằm.

Bác sĩ Nguyệt kéo A Mắn ra góc sân, vỗ vỗ vào vai anh: Anh liều quá, tí nữa thì mất con, chị ấy sức yếu không đẻ được, bác sĩ phải cố gắng, may mà cứu được. Mà mấy lần trước, anh để vợ đẻ ở nhà như thế nguy hiểm lắm. Anh biết không, bữa trước ở bản Keng, có chị cũng tự đẻ ở nhà, tự cắt rốn, con bị nhiễm trùng rồi chết. Còn gặp trường hợp như vợ anh đây mà không kịp có khi còn chết cả hai mẹ con. Anh không sợ vợ chết à?

Sợ chứ, nó chết mình làm sao nuôi được mấy đứa con. Ừ, mà hôm nay không may con ma nó bắt vợ con mình đi thì cũng sợ. Thôi, lần sau không đẻ ở nhà nữa, mình ra đây thôi. A Mắn thấy lo.

Bác sĩ Nguyệt tròn hai mắt: Có lần sau nữa à? Thôi, bốn đứa nhiều rồi, đông con khổ lắm, phải cho nó ăn, nó học chứ?

A Mắn gãi gãi đầu: Mình cũng biết đẻ nhiều là khổ nhưng mà...

Nhưng mà sao?-Bác sĩ Nguyệt hơi chau mày.

- Mình thích là vợ nó lại cho, lại đẻ, chả biết làm sao.

- Đặt vòng, không thì uống thuốc tránh thai. Thế này nhé, bệnh xá cho thuốc về để chị uống mỗi ngày một viên, vào một giờ nhất định.

A Mắn không hiểu.

Bác sĩ Nguyệt nghiêng về A Mắn: Ví dụ, hôm nay gà lên chuồng thì uống một viên. Ngày mai, gà lên chuồng uống một viên. Ngày nào gà lên chuồng cũng uống một viên, không được quên.

- Hay đấy, nhưng mà vợ mình nó hay quên lắm.

- Thế anh dùng bao cao su?

- Cái đấy không thích, thằng Páo nó bảo, đeo cái ấy vào ngủ với vợ không thích...

- Hay là anh thắt ống dẫn tinh.

- Thắt là làm sao?

- Là rạch ra một tý, chỗ ấy, buộc cái chỉ vào, khâu lại là xong.

- Không được, thế thì đau lắm. Thôi cho mình bao cao su đi.

- Khi nào anh về, tôi sẽ cho, hết lại ra lấy nhé!

***

Một ngày tháng 8 năm 2021...

Qua đầu dốc, xe ô tô biển số màu đỏ đỗ lại sân nhà văn hóa của bản, bốn người bước xuống, đeo khẩu trang kín miệng, mũi. A May bước xuống, hai tay xách hai bịch lớn, đứng xa vẫy vẫy: Chào bác sĩ Nguyệt, chào chú Tiến, cô Thắm nhé.

- Nay về cùng đoàn à?  Y sĩ Tiến nói trong lớp khẩu trang.

- Quà gì mà nhiều thế?

- Cháu cùng đoàn về bệnh xá của đơn vị để phối hợp phòng, chống dịch, đây là khẩu trang để cấp cho bà con dân bản. A May vội vàng trả lời y sĩ Tiến.

- Nhìn quen quen, hình như gặp rồi anh Tiến. Y tá Thắm khẽ hỏi.

- A May đấy. Y sĩ Tiến đáp lại.

- Chững chạc thế, thành y tá quân đội rồi. Y tá Thắm nói.

- Cháu là A May đây! Khi mới sinh, bố cháu định đặt cho cháu cái tên là A Lỳ đấy. Cô Thắm không nhận ra cháu à?

- Cô nhận ra rồi, đã cao lớn hơn cả cô rồi.

leftcenterrightdel
 Minh họa: PHẠM HÀ

Đoàn cán bộ, chiến sĩ từ xe biển đỏ và các y, bác sĩ của bệnh xá chào nhau rồi vào việc luôn. Họ nhập thành một đoàn, mỗi người đeo một bình, vào trong nhà văn hóa của bản, đi từng nhà, làn sương mỏng tỏa ra nơi đầu cần phun. Bộ phận khác mỗi người cầm một tập tờ rơi in hình thông điệp 5K và một số nội dung liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 đến từng nhà...

A May đi về phía những gia đình đầu bản. Hai tay xách túi đựng khẩu trang và lọ thuốc khử khuẩn. Bước chân nhanh nhẹn, vừa đi A May vừa nghĩ sắp được gặp bố mẹ và các anh chị rồi, nhưng không được đến gần. Có được ngày hôm nay là công sức của quân đội rất nhiều. Nếu ngày ấy, đoàn người Mông du canh du cư từ phía Bắc vào Tây Nguyên không được bộ đội đưa về định cư ở vùng đất này thì sao mình và thanh niên, thiếu niên trong bản biết chữ, sao có được những con đường bê tông xe vào tận nơi như thế này, có nhà cửa khang trang để ở, có điện, có nước sạch về tận nhà. Nhà anh Dính, anh Sào, anh Sở mua được ô tô, máy cày rồi, nhà nào cũng có ti vi, xe máy. Giờ trong bản ai ốm đau đều ra bệnh xá, không ai tin lời thầy mo. Các gia đình nhận khoán vườn cây của trung đoàn bộ đội đời sống ngày càng được no đủ. May mắn hơn, A May được cứu sống, thành bộ đội, làm y tá, bây giờ về bản tham gia phòng, chống dịch. A May sẽ cố gắng học tập hơn nữa để chữa bệnh cho nhân dân nơi đơn vị đóng quân và bản làng của A May.

Đường về bản vắng người, A May sẽ đi một vòng khắp bản tuyên truyền để mọi người làm tốt việc phòng, chống dịch Covid-19, nghe lời bộ đội trung đoàn, không nghe kẻ xấu xúi giục, thực hiện đẻ ít con, tích cực lao động phát triển kinh tế.

 Mặt trời lên trên ngọn tre, đôi chim chích chòe nhảy nhót hót vang, chuyền cành. Đầu bản, ánh nắng chiếu xuống ngôi sao vàng trên mũ các y sĩ, bác sĩ đang làm nhiệm vụ, lấp lánh, ánh lên niềm tin chiến thắng.

Truyện ngắn của LÊ QUANG SÁNG