Ngày dì Thảo đi lấy chồng, dễ đến ba bốn đêm trước cứ ngồi úp mặt vào hai bàn tay để khóc. Ông ngoại tôi mắng: Tưởng còn bé bỏng lắm à? Gần mười tám tuổi rồi còn gì. Bà ngoại thì khuyên: Con gái nhiều nước mắt là khổ lắm đấy. Mẹ tôi thương em, nhưng cũng nén lòng: “Gái lớn ai không phải lấy chồng/ Can gì mà khóc nín đi không”.

Có người nói, trời mà biết được nước mắt của dì Thảo lúc bấy giờ vui hay buồn. Ngày ấy ông bà ngoại tôi nghèo, mẹ tôi và dì Thảo vất vả, lam lũ lắm. Nhưng dì có giọng hát hay, lại xinh đẹp, nên trai làng nhiều người dòm ngó. Vợ chồng ông chủ buôn bán ở phố huyện, có một quý tử vừa đẹp trai mà ăn nói thì con kiến trong lỗ cũng phải bò ra. Bao nhiêu cô gái “xin chết’’ mà không được. Dì Thảo may thế nào lại lọt được vào nhà ấy.

Hôm chưa dạm ngõ, người ta đến nói chuyện, rằng là cưới xong tiếp tục cho cháu thi đại học, bằng không ở nhà làm bà chủ, tất cả gia sản đó là của các cháu. Họ còn hứa hẹn nhiều lắm, cái gì cũng chân tình, cái gì cũng hai nhà như một. Gặp nhau đâu có vài lần, vậy mà “con kiến” bò ra thật. Ông bà ngoại tôi mừng ra mặt. Còn dì Thảo nửa khóc nửa cười về nhà chồng.

Nhưng rồi chỉ được tuần trăng mật ngập đầy hạnh phúc. Sau đó là những đêm dài dằng dặc dì ngồi ôm chăn gối khóc một mình. Chồng dì lao vào chơi bời lêu lổng tối ngày. Nước mắt chảy mãi cũng không rửa được nỗi đau, vào một buổi chiều mưa tầm tã, dì Thảo dứt bỏ mối duyên tàn nhẫn ấy để khăn gói về với bà ngoại tôi.

Thế rồi năm tháng nguôi ngoai, dì kết duyên với một người đàn ông ở làng bên, hết mực thương yêu nhau. Ngày dì Thảo mang thai cái Thương thì chú tôi vào Nam tham gia chiến đấu. Ngần ấy năm một đèn một bóng nuôi con, dì tôi mòn mỏi đợi chú về. Nhưng nào ngờ đến ngày giải phóng miền Nam, bộ đội rầm rập trở về, ai cũng có con búp bê, không thì chiếc khung xe đạp vác trên vai hồ hởi về làng. Còn chú tôi vĩnh viễn nằm lại chiến trường trong trận đánh cuối cùng để giải phóng Sài Gòn. 

Ngày báo tử bố, cái Thương chưa đầy ba tuổi, vậy mà ai cũng khen con bé ngoan, hiểu chuyện. Người làng nhìn con bé đeo khăn tang lẫm chẫm đến thắp hương cho bố mà không ai cầm được nước mắt.

leftcenterrightdel
Minh họa: LÊ ANH 

Tuổi thơ của Thương lớn lên trong vòng tay yêu thương của bà và mẹ. Ba người trong ngôi nhà với đầy hương khói. Năm Thương về học ở Hà Nội cũng là năm bà nội qua đời. Ngôi nhà chỉ còn lại dì sống lặng lẽ với những khói hương và di ảnh của người đã khuất. Cũng có mấy người “đứt gánh ngang đường” muốn đến với dì, nhưng dì chối đây đẩy.

Cái Thương có lần dè dặt viết mấy dòng thư: “Mẹ ơi! Rồi đây con cũng phải đi lấy chồng, chứ có được gần mẹ mãi đâu. Con cầu mong một ngày nào đó mẹ có người san sẻ, được hạnh phúc để bù đắp những mất mát của mẹ’’. Dì tôi viết lại cho Thương nhiều lắm. Dì nói về bà, về bố với những kỷ niệm. “Ngày còn sống, bà nội cũng khuyên mẹ đi bước nữa. Mẹ chỉ biết ôm bà mà khóc. Con cố gắng học hành, bao giờ con lấy chồng mẹ sẽ nghĩ đến chuyện khác’’. Cái Thương đã đi lấy chồng, dì vẫn nhanh nhẹn khỏe mạnh, mái tóc và nước da vẫn đẹp chẳng khác mấy ngày xưa. Nhưng ai đến dì cũng buồn buồn lắc đầu.

Một hôm, Thương đột ngột nhận được điện thoại của mẹ. Tiếng mẹ xúc động: Thương ơi! Bố con vừa mới về. Con thu xếp về ngay nhé! Thương mừng quýnh vội vã ra bến xe. Ngồi trong xe khách, Thương vừa nhẹ nhõm, vừa hồi hộp nhìn ra khoảng trời xuân. Vừa về đến ngõ, dì tôi vội chạy ra ôm chầm lấy, miệng nói cười vồn vã, nhưng đôi mắt khô kiệt buồn vô tận:

- Đã bao nhiêu năm mẹ mong đợi, sáng nay đồng đội đưa hài cốt của bố về đây. Thế là mẹ yên lòng lắm rồi.

Hai tay Thương chới với ôm lấy mẹ khóc nức nở. Dì Thảo tôi im lặng. Có lẽ dì không còn nước mắt để khóc nữa. Đến bây giờ tôi mới hiểu dì yêu thương chú tôi đến nhường nào? Dì biết chú không còn nữa, nhưng chỉ cần nắm đất, nắm xương của chú đem được về đây.

***

“Con còn nhớ bác Nghĩa hôm đưa hài cốt của bố về không? Bác là đồng đội trực tiếp chôn cất bố đấy. Bây giờ bác ấy vẫn còn giữ được tấm ảnh mà lúc bố sắp hy sinh trao lại. Đó là tấm ảnh mẹ chụp với bố lúc sắp đi B. Vợ bác Nghĩa mất lâu rồi, bác là thương binh cụt một bên tay, vừa phụng dưỡng mẹ già và thay vợ nuôi con... Bác Nghĩa ngỏ lời với mẹ lâu rồi. Hồi trước bà nội con cũng khuyên mẹ mãi, nhưng... Bây giờ bố con về rồi...”. Cái Thương chẳng cần mẹ nói hết chuyện, nó chỉ mong được đến thế nên liên tục động viên, vun vào cho mẹ.

Thế là hơn bốn mươi tuổi dì tôi lại nhiều đêm mất ngủ rồi bước lên một chuyến đò nữa. Về với chú Nghĩa năm trước thì năm sau dì tôi sinh được cái Ngọc. Khổ nỗi mười tuổi mà Ngọc vẫn không biết đi, cái đùi cái chân cứ bé quắt lại như que củi cời bếp. Bàn chân thì có nhưng ngón chân thì không, nó cứ sần sùi trông thương lắm. Được cái Ngọc có hai bàn tay khéo léo và đôi mắt sáng trong như ngọc. Các bạn lúc mới gặp Ngọc ai cũng sợ, ngại vì chân Ngọc đã thế, cái đầu Ngọc lại to tướng trọc lốc.

Sau này được biết là di chứng của chất độc da cam do bố Ngọc đi bộ đội, bị nhiễm chất độc hóa học, thì các bạn thường đến nhờ Ngọc dán hộ nhãn vở, làm cho chiếc đèn ông sao, hoặc cắt vài cái nơ buộc tóc. Ngọc hay vừa làm vừa hát: “Hôm qua em đến trường, mẹ dắt tay từng bước. Hôm nay mẹ lên nương, một mình em tới lớp...”. Dì Thảo nhìn con, ngoảnh đi cố giấu nước mắt.

Hôm chú Nghĩa tôi đi tỉnh dự hội nghị và được báo cáo điển hình thương binh vượt khó, đến bữa cơm, Ngọc hỏi bố: Sao lúc phát biểu bố lại khóc, bố thương con bị tật nguyền à? Dì Thảo như bị cật nứa cứa vào tận tim gan. Dì khẽ gạt nước mắt, lặng lẽ đi ra để lại chật ních nỗi đau trong phòng đứa con gái tật nguyền.

Chú tôi ôm nhẹ hai bàn chân mềm nhẹo của Ngọc, nghẹn ngào: Bố thương đồng đội của bố phải nằm lại ở chiến trường. Cái Ngọc lại hồn nhiên: Mẹ bảo hồi trước bố hay đàn hát lắm. Sao bây giờ... bố không có đàn à? Mẹ mua đàn về bố dạy con nhé! Chú tôi nhìn ra sân ngậm ngùi cười, khẽ gật đầu. Thế là sau hôm đó, cả xóm được nghe tiếng tập đàn của Ngọc.

Ngọc càng lớn hai chân càng khô quắt lại, cái đầu trọc méo mó phình to ra, đôi mắt không sáng như viên ngọc nữa mà dần đờ đẫn khờ dại gần như vô cảm. Tiếng đàn của Ngọc cũng dần rời rạc, lã chã bất hạnh như cuộc đời của nó. May mà còn thằng Tình, con đầu của chú Nghĩa, nó cao lớn, khỏe mạnh lại ngoan ngoãn. Những hôm dì Thảo đi vắng, Tình không nề hà tắm gội cho bà nội và em Ngọc. Dì coi nó như con đẻ, nên nỗi đau cũng vơi được phần nào.

Có lần chú Nghĩa bảo thằng Tình từ nay gọi là mẹ Thảo, đừng gọi dì nữa. Tình khẽ vâng, nhưng dì Thảo lại bảo anh cứ để con gọi là dì. Dì Thảo, Tình nhé! Tình cũng gật đầu khẽ vâng. Như hiểu được tâm trạng của chồng, dì Thảo dịu dàng: "Em bảo con nó gọi bằng dì đấy. Vì em nghĩ ai cũng chỉ có một mẹ đẻ thôi. Người mẹ mang nặng đẻ đau thì không ai thay thế được. Tiếng mẹ thiêng liêng lắm. Cái chính là sống với nhau yêu thương chân thành, anh ạ”.

Thằng Tình càng lớn càng thông minh, học giỏi. Nhưng nhà nghèo, dì Thảo lại mắc bệnh tim nên phải chắt chiu từng đồng tiền hạt gạo để thuốc thang và cho Tình ăn học. Năm Tình học hết lớp mười hai, thấy nhà nghèo, nó định không thi đại học mà xin đi học nghề. Dì phải động viên mãi, khi có giấy đỗ đại học, Tình còn định bỏ, vì tìm đâu ra tiền để nhập trường, nhưng dì không cho. Hôm dì Thảo đưa Tình nhập học, không thấy dì đeo hoa tai, nó hỏi hoa tai dì đâu mà không thấy dì đeo? Dì tôi bảo: Dì để ở nhà, đi đường sợ nó rơi mất.

Tình vào đại học, dì Thảo mất thêm mấy năm trời đánh đổi biết bao mồ hôi để con có tấm bằng đại học. Lĩnh tháng lương đầu tiên, Tình dè dặt biếu dì gói quà. Dì Thảo mở ra ngỡ ngàng thấy đôi hoa tai của mình. Dì xúc động hỏi sao lại thế này! Tình ôm lấy dì, cố nói tự nhiên để dì khỏi bận lòng: Con biết hồi ấy dì bán đôi hoa tai cho người ở làng để lấy tiền cho con nhập trường. Con phải nói mãi người ta mới cho chuộc lại đấy. Từ giờ nó mãi thuộc về dì, dì nhé!

Truyện ngắn của LÊ VĂN THỤC