Nhưng đã mấy tháng nay mọi người đều gọi anh là “Đại úy”. Ngô Khắc Hoàng chẳng thấy khó chịu về điều ấy. Đã thế, hình như mọi người cũng đã “quên” mất cả tên Hoàng của anh nữa. Sáng sáng gặp nhau, chiều chiều gặp nhau. Gặp ở cơ quan, gặp ở ngoài đường và kể cả gặp nhau lúc anh em bạn bè đang vui vẻ “cụng ly” thì vẫn chỉ vậy, mọi người giơ tay chào hay bắt tay đều gọi anh là “Đại úy”. Cái biệt danh “Đại úy” đã gắn chặt với Ngô Khắc Hoàng từ đó.

Mười lăm năm trước, chàng trai trẻ Ngô Khắc Hoàng quê ở miền Cố đô Hoa Lư tốt nghiệp Trường Sĩ quan Chính trị, anh được điều động vào công tác tại thành phố lớn nhất phía Nam. Khi nhận quyết định, chàng sĩ quan trẻ đã không giấu được niềm vui. Rồi “tiến thêm một bước”, sau mấy năm công tác, Hoàng bén duyên với một cô giáo trẻ người Sài Gòn thứ thiệt. Đâu như hai người quen nhau qua những buổi giao lưu giữa các chi đoàn thanh niên trên địa bàn, gặp nhau, quen nhau rồi yêu nhau lúc nào không hay. 

Còn nhớ bữa anh dẫn người yêu về quê ra mắt bố mẹ, đó là một ngày cuối năm gió rét căm căm. Cô giáo trẻ Bích Diệp lần đầu được “trải nghiệm” cái rét ngoài Bắc nên ngỡ tưởng sẽ “hết chịu nổi luôn”, may mà Ngô Khắc Hoàng đã chu đáo chuẩn bị quần áo rét, cộng với thái độ đón tiếp rất ân cần của bố mẹ Hoàng nên Bích Diệp cảm thấy ấm áp.

Nhưng “tội” nhất là Bích Diệp chợt bắt gặp vẻ mặt hơi buồn buồn của mẹ anh. Thực tình, thấy cô duyên dáng, ăn nói nhỏ nhẹ, cư xử đúng mực, đặc biệt rất khéo chuyện bếp núc nên bà cũng mên mến cô gái Sài thành này. Vậy thì vì lẽ gì mà bà chưa ưng? Cái lý do chính mà mẹ anh Hoàng tuy không nói với Bích Diệp nhưng cô tình cờ nghe được lúc hai mẹ con anh nói chuyện với nhau, đơn giản chỉ là: “Nhà mình có mỗi con là trai. Lấy vợ người đâu cũng được nhưng đã là dâu con thì phải về đây phụng dưỡng bố mẹ chồng”. Mẹ anh còn nói thêm: “Cái nhà này chúng tôi mới xây chẳng qua cũng là để đón con dâu”. Bích Diệp cảm thấy hình như mình không “đáp ứng” được điều quan tâm của bố mẹ Hoàng. Cô vẫn nói cười vui vẻ nhưng tận sâu thẳm trong lòng cô đang phân vân. Phải nói là Hoàng khá nhạy cảm, lúc cả nhà ngồi ăn cơm, anh tranh thủ ghé tai Bích Diệp nói thầm: “Em yên trí đi. Bố mẹ thương anh lắm”.

Thì ra sau khi nghe con trai trình bày rằng: “Chúng con đã thống nhất là sau khi cưới thì công việc cũng như nơi công tác không thay đổi”. Mẹ Hoàng nghe thế thì “giãy nảy” lên nhưng bà không nói thêm gì nữa. Bà còn nói với Bích Diệp: “Thằng Hoàng nhà bác tính cách cương quyết lắm đấy”. Bích Diệp ngầm hiểu ý của mẹ anh là hai bác đã đồng ý nên cô thấy nhẹ lòng. Được thể, Hoàng “tấn công” thêm: “Vợ ở mô thì thủ đô ở đó mà mẹ. Vả lại, thời buổi bây giờ công nghệ thông tin hiện đại, mẹ cần gì cứ a lô một tiếng là con trả lời luôn. Rồi đi lại nữa, ô tô, máy bay lúc nào chả có. Ới một tiếng là vợ chồng chúng con về nhà ngay với mẹ”. Mẹ Hoàng biết có nói nữa cũng thế thôi, hơn nữa, trong thâm tâm bà tiếng là muốn con cái ở gần nhưng bà không muốn vì thế mà chuyện phấn đấu của con cái bị lỡ dở. Bà gật đầu đồng ý nhưng còn nói chắc: “Anh là con trai một. Bố anh là trưởng tộc. Anh chị hứa phải đẻ cho tôi hai thằng cu đấy”. Ngô Khắc Hoàng cười rất to: “Tuân lệnh mẹ”.

Sự đời đâu cứ nói là xong, đâu cứ ước là được. Hôm nghe Hoàng gọi điện báo tin vợ anh có thai đứa con đầu lòng, bố mẹ anh vui lắm. Mẹ anh nói to trong điện thoại: “Đã siêu âm chưa? Rồi à. Con trai đúng không?”. Hoàng ậm ừ thay câu trả lời. Kể cũng khó nói vì vợ chồng anh biết đó là một cô con gái. Sau này nghe anh an ủi: “Ruộng sâu, trâu nái không bằng con gái đầu lòng" chả hay quá đi, mẹ nhỉ?! Mẹ anh mặt chưa vui, bà nói vớt: “Đứa sau dứt khoát phải là cháu trai cho mẹ”.

Rồi đời lại không như mơ, cô con gái thứ hai chào đời làm cả vợ lẫn chồng đều “lo sốt vó” vì biết ăn nói với bố mẹ Hoàng thế nào đây. Cô giáo Bích Diệp động viên chồng: “Mình sẽ sinh đứa thứ ba, thứ tư nữa anh à. Em tin mình sẽ có con trai để ông bà nội khỏi thất vọng”. Ngô Khắc Hoàng gạt phắt: “Đã đành bây giờ Nhà nước không hạn chế sinh con nhưng về chủ trương, đường lối thì vợ chồng mình phải chấp hành thôi. Con cái là trời cho. Không đẻ thêm nữa, vừa tránh vi phạm chính sách, lại vừa có thời gian phấn đấu em ạ. Vả lại, nuôi con thì cũng phải cho chúng nó được ăn học bằng bạn bằng bè chứ”. Bích Diệp nghe chồng nói vậy thấy vẫn chưa yên tâm.

*   *   *

Tối nay, gia đình Hoàng-Diệp “mở tiệc to”, chính xác là vợ chồng Ngô Khắc Hoàng và Phan Bích Diệp tổ chức bữa cơm thân mật nhưng theo dạng “hạn chế” do tình hình dịch bệnh còn phức tạp nên khách khứa chỉ có mấy người. Về phía chính quyền phường có cô Chủ tịch UBND phường. Phía đơn vị Hoàng có đồng chí Chính trị viên Ban CHQS quận. Và phía trường của Bích Diệp có bác Chủ tịch Công đoàn.

Khi chủ và khách đã yên vị thì đồng chí Thượng tá, Chính trị viên Ban CHQS quận đứng lên. Tư thế rất nghiêm trang, anh dõng dạc: “Hôm nay...” Anh ngừng lời quay sang nhìn mọi người, nhìn khắp lượt bọn trẻ đang há hốc mồm ra để nghe, rồi tiếp: “Hôm nay, chúng tôi đã "thăng" quân hàm vượt cấp lên “Đại úy” cho đồng chí Thiếu tá Ngô Khắc Hoàng”. Mọi người nhìn nhau ngơ ngác sau câu tuyên bố của đồng chí Chính trị viên. Đợi cho những ánh mắt hết ngác ngơ thì đồng chí Chính trị viên vừa cười vừa chỉ tay vào bọn trẻ: “Đây mới là “thành tích” để đồng chí Ngô Khắc Hoàng được phong “Đại úy”. Mọi người bấy giờ mới ớ ra và đã hiểu. Tiếng vỗ tay rất dài. Bọn trẻ tuy chưa hiểu chuyện quân hàm là gì nhưng thấy thế cũng vỗ tay theo. Chúng đồng thanh hét to: “Chúng con chúc mừng Đại úy bố ạ” theo hướng dẫn của đồng chí Chính trị viên Ban CHQS quận.

leftcenterrightdel
Minh họa: LÊ ANH 

Ngô Khắc Hoàng nắm chặt bàn tay Phan Bích Diệp. Trong ánh mắt hân hoan của hai người, mọi người đều nhận thấy có chút rân rấn của những giọt nước mắt. Hoàng buông tay vợ, anh đứng nghiêm giơ tay chào theo điều lệnh và nói dõng dạc “Đại úy Hoàng và vợ cùng bốn con chân thành cám ơn các cấp đã nhiệt tình ủng hộ. Chúng tôi hứa hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc các cháu. Hết”.

*  *  *

Đó là một buổi sáng chỉ còn dăm hôm nữa đã đến Tết Trung thu, anh cùng hai chiến sĩ lặng lẽ rẽ vào một hẻm nhỏ. Sáng nay, các anh có nhiệm vụ đến một gia đình trong hẻm. Con hẻm vắng lặng bởi bà con đều đóng cửa nhà và không một ai ra ngoài theo chủ trương cách ly của thành phố. Hoàng đi trước, mắt anh lúc thì nhìn vào tờ giấy ghi địa chỉ các anh cần tới, khi thì nhìn dãy nhà cửa đóng để tìm số nhà, vẻ mặt anh có chút căng thẳng. Hai cậu chiến sĩ cũng lặng im không trò chuyện, họ im lặng đi theo sau lưng Hoàng, nét mặt cũng không thể vui lên được.

Đến đúng địa chỉ, Hoàng dừng lại, một chút phân vân khiến anh lưỡng lự chưa vội gõ cửa. Căn nhà bé nhỏ lọt thỏm giữa hẻm dường như bé nhỏ thêm bởi sự im lặng đến lạnh người. Sau mấy giây ngập ngừng, Hoàng hít một hơi dài như để lấy can đảm, anh gõ cửa. Tiếng gõ cửa nghe khô khốc, trong nhà chưa thấy động tĩnh gì nhưng qua quan sát, Hoàng biết có người ở nhà vì bên trong có ánh đèn. Hoàng lại gõ cửa thêm lần nữa, tiếng gõ lần này chắc to hơn nên bên trong vọng ra một giọng nói. Giọng nói hơi rụt rè và nhỏ nhẹ chứng tỏ đấy là một bé gái. Hoàng lại hít một hơi dài nữa, anh nói qua khe cửa: “Chúng tôi là bộ đội. Chúng tôi được phân công tới gia đình ta để giao một vật quan trọng cùng đồ cứu trợ của đơn vị. Đề nghị gia đình mở cửa”.

Cánh cửa được mở hé, Hoàng giật mình khi nhận thấy đó là hai bé gái còn nhỏ, chúng mở tròn đôi mắt nhìn mấy chú bộ đội chưa hiểu chuyện gì. Rồi chúng cùng cất tiếng: “Con chào các chú bộ đội ạ”. Hoàng chợt lúng túng, anh cúi đầu suy nghĩ rồi lại ngẩng đầu nhìn chăm chú vào hai bé gái. Chúng cũng trạc tuổi hai con mình, anh bỗng thấy trong cổ nghèn nghẹn mà không sao cất được tiếng nói. Trong lòng anh đang dấy lên câu hỏi: “Có nên nói cho chúng nó biết là sáng nay mình đến để làm gì không?”.

Chợt đứa chị nói như reo phá tan giây lặng im: “Các chú bộ đội đến cho chị em chúng con quà Trung thu ạ? Con cám ơn các chú bộ đội ạ”. Hoàng giật thót người, đúng là trẻ con bao giờ cũng thơ ngây và rất thích quà. Anh nhớ là hai đứa con nhà anh cũng nhắc quà Trung thu khi sáng sớm nay, lúc anh chuẩn bị đến cơ quan, chúng chào và nhắc bố.

“Kìa anh. Anh mời các cô các bác uống nước đi chứ”. Câu nhắc của Bích Diệp đưa Hoàng trở về hiện tại, anh vẫn chưa ra khỏi trạng thái mơ mơ. Sáng hôm đó, anh quyết định không nói điều cần nói với các cháu, anh ra hiệu cho hai chiến sĩ đi cùng lùi lại, rồi ngồi thụp xuống trước mặt hai cháu nhỏ, Hoàng nghẹn giọng khi hỏi tên các cháu và các cháu đang ở với ai. Hai đứa trẻ ngây thơ trả lời: “Chúng cháu không muốn về quê. Chúng cháu muốn các bạn ở đây cơ”. Hoàng gật đầu làm vẻ đồng tình và đưa cho hai cháu gói quà của Ban CHQS quận. Hoàng vuốt má đứa bé và nói: “Chú sẽ quay lại đón các cháu vui Trung thu cùng hai bạn nhà chú”.

Đúng là lúc đó, Hoàng chỉ kịp nghĩ đến thế. Các anh thay vì trao lọ tro cốt của ba mẹ cho các cháu, lại chỉ trao quà. Hai lọ tro ấy các anh mang về báo cáo chỉ huy và nhờ gửi trên chùa, đợi khi nào thích hợp thì giao lại cho gia đình. Đêm ấy, khi trở về nhà, Hoàng cứ trằn trọc mãi làm Bích Diệp lo lắng. Cô hết đưa tay sờ trán anh rồi lại hỏi xem anh thấy trong người thế nào. Có dấu hiệu gì nhiễm Covid-19 hay không. Hoàng ngồi dậy, anh xúc động kể cho vợ nghe chuyện sáng nay rồi nói: “Hay là vợ chồng mình đón hai cháu về nhà mình. Mình sẽ nuôi chúng. Em đồng ý nhé”. Bích Diệp làm bộ hờn dỗi, cô ngúng nguẩy quay đi, quả cũng có phần bất ngờ quá nhưng cô biết, một khi anh đã “cương quyết” thì chỉ có đúng.

“Từ hôm nay, đồng chí Hoàng là “Đại úy”. Chúc mừng gia đình ta “tứ nữ bất bần”. Chúc bốn cô cháu gái ngoan ngoãn, học chăm và vâng lời ba mẹ”. Cô chủ tịch UBND phường mỉm cười lại gần bốn bé gái đang cười hớn hở, rồi cô trịnh trọng trao giấy chứng nhận việc nhận con nuôi của vợ chồng Ngô Khắc Hoàng và Phan Bích Diệp.

Truyện ngắn của MIÊN ĐÔNG