Nhiều vở chèo trở thành “điểm sáng”

Tính đến ngày 22-9 đã có hơn 70% tổng số vở diễn được trình làng. Có những vở được đánh giá hay, sáng tạo, hoành tráng... có những vở lại bị chê cũ mòn, khiên cưỡng, áp đặt, thiếu logic... Khán giả luôn đa chiều, ban giám khảo chắc hẳn cũng có nhiều quan điểm nghệ thuật khác nhau. Nhưng tựu trung lại, khi đã đến với Liên hoan chèo toàn quốc, tất cả đều mong mỏi và tin tưởng rằng đang được thưởng thức những sản phẩm nghệ thuật đặc sắc nhất từ “tứ chiếng” nơi nơi. Đặc biệt, tại liên hoan năm nay đã xuất hiện một số tác giả trẻ, mới bắt tay vào nghiệp viết, như: Nguyễn Sỹ Sang, Trần Phương Hạnh, Tạ Quang Lẫm, Lê Thế Song... Đây là tín hiệu đáng mừng của nghệ thuật chèo cả nước, khi đội ngũ tác giả đang dày lên về mặt số lượng và phong phú hơn về góc nhìn nghệ thuật cũng như phương pháp sáng tạo.

Nhìn chung, chất lượng các vở diễn tại Liên hoan chèo toàn quốc-2019 có thể chưa hoàn hảo như mong chờ nhưng một số vở diễn đã thực sự trở thành “điểm sáng”, như: “Trọn nghĩa non sông” của Nhà hát Chèo Thái Bình. Vở diễn viết về Nguyễn Trãi-Thị Lộ và vụ án Lệ Chi Viên “oan khuất” nhất trong lịch sử nước nhà. Một đề tài không mới nhưng với góc nhìn mới và những sáng tạo độc đáo của nữ đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Phong cách sáng tạo rất hiện đại nhưng cũng rất chèo, với nhiều lớp diễn sâu lắng, xúc động. Mỹ thuật và đạo cụ sân khấu được tận dụng triệt để, mang lại giá trị nghệ thuật cao. Những chiếc chiếu cói được xuất hiện ở đầu, cuối và được nhắc đi, nhắc lại ở các cảnh trong vở diễn là một sáng tạo độc đáo, mang tính hình tượng. Hình tượng những chiếc chiếu cói như những sợi “tơ hồng”, nhân duyên gắn kết tình yêu của Nguyễn Trãi và Thị Lộ. Đồng thời, chiếu cói cũng là biểu tượng văn hóa của người Thái Bình: Em dệt đôi chiếu hoa, cho anh trải giữa nhà/ Mời thầy mẹ sang chơi/ Để anh thưa, để anh thưa... (ca khúc “Nắng ấm quê hương”, sáng tác Vĩnh An). Như vậy, những chiếc chiếu cói cũng là một sự tìm tòi sáng tạo đặc biệt. Đồng thời, là biểu trưng của tình yêu và hạnh phúc lứa đôi, là văn hóa và là niềm tự hào của người Thái Bình...

leftcenterrightdel
Một cảnh trong vở “Chuyện tình Hàn sĩ-Đào nương”

Vở “Chuyện tình hàn sĩ-đào nương” của Nhà hát Chèo Hải Dương, viết về thời Lê Trung Hưng, khi xã hội còn bị chi phối nặng nề bởi Bộ luật Hồng Đức của nhà Lê với những quy định hà khắc, nghiệt ngã về nghề “con hát” như: “Con trai nhà xướng ca không được dự thi, con gái không được lấy nhà quyền quý, quan chức lấy con gái nhà xướng ca làm vợ, làm thiếp bị phạt đánh 70 trượng rồi bị biếm chức. Con cháu nhà quan chức lấy con gái nhà xướng ca cũng bị phạt đánh 60 trượng và nhất thiết bắt ly dị”... Chính hoàn cảnh éo le đó đã khiến cho mối tình của hàn sĩ và đào nương mãi mãi trở thành mối tình “không bến”. Bởi đào nương nuôi hàn sĩ ăn học, mong chàng thi đậu để trở thành một vị quan thanh liêm, đức độ, thành người tài cứu nước, giúp dân; còn hàn sĩ quyết tâm học hành chăm chỉ, đỗ đạt làm quan để không phụ lòng người mình yêu thương. Thế nhưng, khi hàn sĩ đỗ đạt làm quan thì chàng lại không thể lấy người mình yêu thương làm vợ, bởi nàng là một “đào hát”.

Mâu thuẫn, xung đột ở đây không phải là mâu thuẫn trực diện giữa cái tốt và cái xấu, mà là mâu thuẫn giữa nhân vật với hoàn cảnh, giữa những người tốt với nhau... Cả hàn sĩ và đào nương đều muốn được hy sinh cho nhau và tình yêu của họ cứ như một trò chơi “trốn tìm”. Họ cứ chạy trốn nhau rồi lại đi tìm nhau, nhưng khi tìm được nhau rồi thì lại không được ở bên nhau. Cuối cùng, đào nương phải hy sinh nghiệp diễn, đi tu tách biệt hẳn với cuộc sống đời thường để hàn sĩ có cơ hội được làm quan và được sống trong an toàn...

Vở diễn đã đề cập đến một vấn đề rất lớn, đó là: Dù ở thời đại nào, xã hội nào thì “chính sách” của nhà nước đối với văn hóa nghệ thuật và văn nghệ sĩ là vô cùng quan trọng. Nếu chính sách xã hội không đề cao vai trò của nghệ sĩ và văn hóa nghệ thuật thì văn hóa nghệ thuật sẽ bị kìm hãm, thậm chí bị triệt tiêu. Đây là một kịch bản mang nhiều yếu tố sáng tạo mới mẻ trong cách nhìn, cách cảm của người viết về lịch sử, văn hóa và con người trong xã hội.

Chật cứng khán giả

Có thể nói, “điểm sáng” của Liên hoan chèo toàn quốc-2019 còn nằm ở góc độ khán giả. Đến dự liên hoan mới thấy, khán giả vẫn vô cùng yêu chèo. Dù là vở diễn vào ban ngày hay ban đêm thì tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang các hàng ghế đều chật cứng, khán giả ngồi bệt xuống sàn, ngồi chật lối đi và đứng tràn sát tận sàn diễn. Khán giả xem vở một cách tập trung, văn minh, lịch sự và luôn vỗ tay tán thưởng sau mỗi điệu hát hay, mỗi tình tiết hài hước, dí dỏm, vui tai...

Như vậy, chứng tỏ khán giả không hề quay lưng lại với nghệ thuật sân khấu chèo truyền thống của dân tộc. Trái lại, họ đang ngày càng gần hơn với sân khấu chèo truyền thống. Đây là một trong những tín hiệu đáng mừng. Bởi “không có khán giả, bất thành sân khấu”. Chỉ cần những nhà làm sân khấu luôn nghiêm túc trong tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật thì dù là đề tài lịch sử, dân gian hay hiện đại đều có thể hấp dẫn khán giả. Từ đây ta có thể rút ra biện pháp tốt nhất cho những người làm sân khấu chèo hiện nay là: Cần thực hiện song song việc đáp ứng thị hiếu của khán giả với việc định hướng thị hiếu thẩm mỹ cho họ. Chèo là loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của dân tộc do vậy hãy sáng tạo chèo theo phương pháp của nghệ thuật truyền thống, không du nhập văn hóa lai căng, ngoại lai... Cái hay, cái đẹp ở nghệ thuật chèo cũng cần được xác định rõ ràng, để nghệ thuật chèo luôn đi đúng định hướng của Đảng theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương V, khóa IX “Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”...

Tuy vậy, công bằng nhận định, ở một số vở tại Liên hoan chèo toàn quốc-2019 vẫn không tránh khỏi những “cũ mòn” trong đề tài và phương pháp sáng tạo. Ở những vở này, các “mảng miếng” gây hứng thú cho người xem chưa được coi trọng đúng mức; việc “thắt nút”, “cởi nút” kịch bị khiên cưỡng, gượng ép và áp đặt. Đôi khi các đạo diễn còn rất tùy tiện trong việc sử dụng âm thanh, ánh sáng và khói trên sân khấu. Điều này đã khiến cho vở diễn bị “nghiệp dư hóa” và bớt phần sang trọng. Thiết nghĩ, mỗi loại hình nghệ thuật đều có ngôn ngữ riêng của nó. Vì vậy, mỗi “vệt sáng” xanh, đỏ, tím, vàng; hay mỗi âm thanh, nét nhạc; mỗi làn khói được đưa ra sân khấu cũng cần có sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng xem nó có ngôn ngữ gì, nhiệm vụ gì, đem lại hiệu quả và giá trị nghệ thuật gì trong tổng thể vở diễn...

BÙI PHƯƠNG ANH