Ngày nghỉ, sau khi thưởng cho mình những phút đi bộ thư giãn trên con phố Bạch Đằng lộng gió của sông Sài Gòn-con phố đẹp nhất, nhì TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, tôi rẽ vào cổng 3 rảo bước tới nơi làm việc. Qua khu nhà hiệu bộ vài mét, tôi thấy thấp thoáng bóng người ngồi dưới gốc cây dầu cao vút. À! mùa thi tốt nghiệp đã đến! Tôi thầm thốt lên sau khi có cảm giác không gian, thời gian rộng hơn. Giống như các khóa trước, năm nay, nhiều học viên khóa 27 ở Tiểu đoàn 2 cũng chọn gốc cây mát mẻ, thơ mộng, yên tĩnh để ôn luyện, tránh cái nắng hè miền Đông Nam Bộ bỏng rát.

Thượng sĩ Phạm Minh Phúc, học viên Trung đội 1, Đại đội 3, Tiểu đoàn 72 giật mình đứng dậy chào tôi. Dưới tán cây dường như không có ánh mặt trời lọt qua, Phúc thật thà chia sẻ những khó khăn khi đang phải "đánh vật" với kiến thức của môn thi tốt nghiệp công tác Đảng, công tác chính trị. Đây là môn học chuyên ngành với nhiều nguyên tắc, biện pháp, phương pháp tiến hành; đồng thời đòi hỏi khả năng vận dụng cao trong thực tiễn.

leftcenterrightdel

Học viên Trường Sĩ quan Công binh huấn luyện thực hành chỉ huy hạ đốt cầu phao PMP tại bến vượt sông Sài Gòn. Ảnh: ANH DŨNG 

Thấy tôi và Phúc trò chuyện, vài ba học viên ở các nơi khác đang ôn thi cạnh đó cũng kéo đến góp vui. Phúc mượn cây đàn ghi ta của một học viên khác mang tới và mời tôi cùng tham gia thể hiện chất học viên sĩ quan công binh bằng bản hành khúc quen thuộc. Tiếng ghi ta bập bùng cuốn lấy lời hát rồi theo những cơn gió từ sông Sài Gòn thổi vào vút lên cao, hòa vào những tán cây xanh mướt: Từ giảng đường tiến bước ra thao trường/ Qua bao nhiêu năm trên chặng đường chiến thắng/ Ngày lại ngày dưới nắng lửa mồ hôi rơi/ Cùng rét buốt đêm sương đâu có sờn lòng chúng tôi...

Dứt lời hành khúc hùng tráng, tạm biệt những học viên trẻ trung, căng tràn nhiệt huyết, tôi phấn chấn rời bước khỏi khu vườn trong tiếng chim rộn ràng. Sở dĩ tôi biết rõ về Phạm Minh Phúc là vì hai năm qua, Phúc liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, trở thành “ngôi sao chiến thắng” nổi bật trong số hơn 1.000 học viên đào tạo sĩ quan chỉ huy phân đội trình độ đại học của nhà trường.

Nhiều lần tiếp xúc, tôi thấy ở Phúc hội tụ những tố chất đáng quý của một sĩ quan giỏi tương lai. Phúc nhanh nhẹn, năng nổ, nhiệt tình, cần cù, chịu khó, cầu thị trong học tập, trong các hoạt động phong trào. Có lần, Phúc tâm sự với tôi rằng, sự trưởng thành của Phúc có được như hôm nay là nhờ tích cực tham gia các mô hình: “Đôi bạn học tập, tổ phương pháp”; “Xóa yếu, giảm trung bình, vươn lên khá giỏi”; “Tuần học kiểu mẫu”; “Thanh niên tiến quân vào khoa học công nghệ” do Đoàn Thanh niên nhà trường phát động.

Những năm qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban giám hiệu, Phong trào Thi đua Quyết thắng của Trường Sĩ quan Công binh có nhiều đột phá mới. Chủ trương “4 gắn kết” (phát động; thực hiện; sơ, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm gắn với bình xét, khen thưởng) được thực hiện chặt chẽ, nhịp nhàng giống như một bản hành khúc mới thôi thúc từng cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ. Chất lượng, nền nếp, hiệu quả các mặt công tác luôn được giữ vững và tạo lập được nhiều đỉnh cao. Đặc biệt, từ khi triển khai tinh thần “7 dám” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mọi hoạt động thi đua ở các cơ quan, đơn vị như được thổi bùng, giúp cho tinh thần thi đua “Nhà trường gắn với đơn vị” rồi “Nhà trường gắn với thao trường”... có thêm sức sống mới.

Ở từng khoa giáo viên, các điển hình từ Phong trào “3 thực chất” (dạy, học, đánh giá thực chất) hay “Thầy mẫu mực, trò tích cực”, “Bài giảng mẫu, tuần giảng mẫu” được đẩy lên cao. Nhờ phong trào này mà đến nay, gần 100% giảng viên của Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn có trình độ sau đại học, trong đó 4 đồng chí học vị Tiến sĩ. Đặc biệt, có năm Khoa có tới 10 nhà giáo được công nhận giảng viên giỏi cấp cơ sở. Ngoài tâm huyết, dạy giỏi, cán bộ, giảng viên của Khoa còn tham gia nghiên cứu nhiều đề tài khoa học các cấp, được đánh giá cao.

Trung tá, Tiến sĩ Phạm Văn Duy, Chủ nhiệm Bộ môn Tâm lý-Giáo dục là một điển hình với thành tích hai năm liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Qua nắm bắt, tôi thấy Trung tá Phạm Văn Duy luôn trăn trở và hết mình với từng bài giảng, từng trang giáo án bằng việc đổi mới phương pháp giảng dạy. Anh luôn biết cách biến những bài giảng khô khan, buồn tẻ trở nên sôi nổi, cuốn hút. Anh từng thổ lộ với tôi một cách hình ảnh rằng, để làm việc và cống hiến thì mỗi người phải vượt qua vô số “bến vượt”. Sức ì bản thân là một “bến vượt” dài vô tận và sẽ không vượt qua được nếu không liên tục làm mới động lực bằng những hành khúc tinh thần tươi trẻ và khí thế. Chỉ thực sự thi đua với đồng đội hiệu quả thì mới vượt qua “bến vượt” trong chính con người mình. Tôi cho rằng, tâm sự của Trung tá Phạm Văn Duy là suy nghĩ chung hiện hữu trong mỗi cán bộ, học viên, công nhân viên, chiến sĩ của Trường Sĩ quan Công binh.

Nếu như những tiểu đoàn quản lý học viên được ví như những “vườn ươm” để cho ra đời “sao quyết thắng” thì ở phía cơ quan bảo đảm và phục vụ, phong trào thi đua cũng rất hiệu quả, đặc biệt là trong công việc chuyển đổi số, cải cách hành chính.

leftcenterrightdel

 Một buổi học thể lực, vượt bãi vật cản của học viên Trường Sĩ quan Công binh. Ảnh: ANH DŨNG

Một trong những tập thể tiêu biểu của nhà trường hiện nay là Ban Điều lệnh-Tác chiến thuộc Phòng Tham mưu-Hành chính. Ở đây, dù khối lượng công việc được giao rất lớn, nhân lực ít, nhưng tập thể ban đã tích cực, sáng tạo trong tổ chức thực hiện, kịp thời tham mưu cho Ban giám hiệu nhà trường ban hành các nội dung tiêu chí, biện pháp, đồng thời trực tiếp hướng dẫn các cơ quan, khoa giáo viên và đơn vị xây dựng chính quy, tổ chức huấn luyện chiến đấu. Đây chính là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo và bảo đảm an toàn tuyệt đối của nhà trường.

Với tôi, Thiếu tá Đặng Xuân Lộc, cán bộ trẻ mới được bổ nhiệm Trưởng ban Điều lệnh-Tác chiến cách đây không lâu là người rất đáng mến. Tuy còn trẻ tuổi nhưng anh đã xây dựng cho mình phương pháp, tác phong công tác chuẩn mực. Không chỉ lịch thiệp, hòa nhã, năng động trong công việc mà Đặng Xuân Lộc còn có nhiều sáng tạo trong chuyên môn. Có lẽ, chính sự luôn đi trước và đặt mình ở phía sau bằng tấm chân tình của anh đã trở thành “chất keo” gắn kết tập thể và thực hiện được nhiều việc khó trong thời gian dài.

Ở Trường Sĩ quan Công binh, Phong trào Thi đua Quyết thắng luôn được duy trì nền nếp và dân chủ. Ngay cả các đồng chí trong Ban giám hiệu nhà trường cũng tích cực thi đua thực chất, làm gương cho cấp dưới. Tuy lớn tuổi và có nhiều năm công tác ở các cương vị khác nhau nhưng các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy nhà trường luôn biết cách để “làm mới mình” và thổi hồn vào phong trào thi đua. Tôi nhớ hôm giao nhiệm vụ cho đoàn cán bộ, giảng viên, học viên tham quan thực tế quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 gần đây, đang phát biểu thì Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Duy Cảnh, Hiệu trưởng nhà trường dừng lại giây lát, khiến hội trường lặng phắc. Anh nói từng câu nhỏ nhẹ, khúc chiết:

- Chúng ta luôn mong có những “ngôi sao chiến thắng” ở ngôi nhà chung thân yêu. Với nhà trường, nghiên cứu thực tế đơn vị ở Trường Sa là một nhiệm vụ quan trọng đặc biệt. Trước khi các đồng chí lên đường, tôi xin gửi mấy vần thơ trong bài “Sao chiến thắng” của thi sĩ Chế Lan Viên. Rồi anh xúc động đọc: Ôi Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt/ Như mẹ cha ta, như vợ như chồng/ Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết/ Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông...

Tiếng pháo tay vang như lời hứa quyết tâm khiến tôi khó có thể quên khi ngồi viết những dòng này. Tôi hình dung và liên tưởng, tiếng pháo tay ấy át cả tiếng máy của khí tài đặc chủng gầm rú lên xuống bến vượt trong những đêm huấn luyện trên sông Sài Gòn. Với chúng tôi, gian khổ và quyết tâm luôn đồng hành để bản “Hành khúc Trường Sĩ quan Công binh” vang xa mãi mãi.

Đại tá, Tiến sĩ PHẠM NGUYỄN NGỌC ANH

Chủ nhiệm Chính trị Trường Sĩ quan Công binh