Đối với Sư đoàn 395, tổ chức Phong trào TĐQT là một nhiệm vụ quan trọng để tạo ra động lực, giúp các cơ quan, đơn vị đua đuổi nhau giành những đỉnh cao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ đột xuất khác. Phong trào TĐQT là điểm tựa, là cơ sở để cán bộ, chiến sĩ biến quá trình rèn luyện thành tự giác. Có lúc chuyện vui, mấy cán bộ chúng tôi ví Phong trào TĐQT như "động cơ đốt trong". Nếu có đủ nhiên liệu, tình trạng kỹ thuật tốt thì động cơ ấy hoạt động liên tục, không ngừng nghỉ và cho ra những quả ngọt. Từng có thời gian công tác ở nhiều đơn vị và cơ quan Sư đoàn nên tôi tường tận cách thức tổ chức Phong trào TĐQT cùng hiệu quả thực tế.

leftcenterrightdel

Sư đoàn 395 tổ chức diễn tập hiệp đồng quân, binh chủng năm 2023. Ảnh: ĐỨC TÌNH 

Cuối tháng 5 vừa rồi, tôi có dịp trở lại Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 43, sau hơn 9 tháng nhận công tác mới tại Phòng Chính trị của Sư đoàn 395. Vào hè không lâu, thời tiết huyện Hải Hà (Quảng Ninh) nóng như nung. Trên sườn đồi thao trường vùng ven biển bỏng rát chỉ có nắng và gió, các phân đội vẫn tổ chức huấn luyện như thường lệ. Đội ngũ cán bộ các phân đội cũng dãi nắng cùng chiến sĩ. Họ chia nhỏ các tiểu đội để xoay vòng đổi tập. Họ đến vị trí của từng chiến sĩ để sửa tập rồi lại tập hợp để rút kinh nghiệm.

leftcenterrightdel
 Sư đoàn 395 tổ chức diễn tập hiệp đồng quân, binh chủng năm 2023. Ảnh: ĐỨC TÌNH

Khi đến Đại đội 6, Tiểu đoàn 8, tôi thấy Đại úy Vũ Thành Liêm đang hướng dẫn chiến sĩ một trung đội thực hiện động tác ném lựu đạn xa trúng đích. Vũ Thành Liêm vốn là “cây hội thao”, “cây sáng kiến” trong huấn luyện của đơn vị. Năm 2021, Liêm đoạt giải B cấp trung đoàn với sáng kiến “Giá súng dã ngoại”. Năm 2022, Liêm đoạt giải A cấp trung đoàn với sáng kiến “Thiết bị hỗ trợ ngắm bia chỉ đỏ". Năm 2023, Liêm đạt giải B cấp Quân khu 3 với sáng kiến “Thiết bị kiểm tra kết quả bắn súng K54”; là gương mặt trẻ triển vọng toàn quân các năm 2022, 2023.

Trung úy Nguyễn Ngọc Lâm, Chính trị viên Đại đội 6 kể, nhiều chiến sĩ mới nhập ngũ đang độ sung sức “bẻ gẫy sừng trâu” từng dũng cảm thách đấu chạy 100m với Đại đội trưởng Liêm nhưng đều thất bại. Nếu thách đấu các môn thể thao quân sự đòi hỏi nhiều kỹ năng như sức rướn, độ bền, dẻo dai, khéo léo và kinh nghiệm với Đại đội trưởng Liêm thì họ chẳng mơ tới. Thế là họ ra sức rèn luyện để quyết phá kỷ lục mà Đại đội trưởng Vũ Thành Liêm đã thiết lập. Đến nay, kỷ lục ấy vẫn là một mốc mà chưa chiến sĩ trẻ nào chạm tới, nhưng kết quả kiểm tra các nội dung, khoa mục huấn luyện, Đại đội 6 luôn vượt chỉ tiêu thi đua đề ra, với trên 82% khá, giỏi. Đại đội 6 luôn thực hiện nghiêm túc các chế độ, nền nếp trong ngày, tuần, không để xảy ra những vụ việc vi phạm phải xử lý, được cấp trên ghi nhận, đánh giá cao. Đến nay, cách tạo ra “động cơ đốt trong” để thi đua ở Đại đội 6 được nhiều cán bộ đại đội trong Trung đoàn 43 áp dụng và mang lại kết quả tốt.

Đang quan sát các diễn tiến trên thao trường thì Trung tá Bùi Đức Cường, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 đi tới. Anh cũng đến từng phân đội để nắm bắt thực tế quá trình huấn luyện. Anh nói với tôi, một ngày không được ra thao trường là bứt rứt, khó chịu, đứng ngồi không yên. Bởi nếu cán bộ không ra tận nơi, không thấy bộ đội huấn luyện, không sâu sát thì khi nhận xét, đánh giá thi đua dễ rơi vào chung chung, cảm tính và hình thức.

Năm 2022, hôm nhận chức danh Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8, Bùi Đức Cường tỏ ra lo lắng. Anh tâm tình rất thật rằng, về chỉ huy một tiểu đoàn huấn luyện giỏi, từng có 6 năm liên tục đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng là thách thức lớn nhất với anh.

Đến năm 2024 này, Tiểu đoàn 8 vẫn là lá cờ đầu của Trung đoàn 43 trong huấn luyện, xây dựng đơn vị chính quy. Tiểu đoàn trưởng Bùi Đức Cường cũng thông báo với tôi, anh đã cùng tập thể chỉ huy Tiểu đoàn lãnh đạo đạt Đơn vị Quyết thắng các năm 2022, 2023, giành một số kết quả nổi bật trong huấn luyện, hội thao và hạ tỷ lệ vi phạm kỷ luật thông thường xuống thấp hơn so với trước.

Trải lòng của Trung tá Bùi Đức Cường về công việc “quản, huấn, rèn” khiến tôi nhớ đến những ngày đầu về công tác tại Trung đoàn 43 cách đây vài năm. Trước khi giao nhiệm vụ cho các sĩ quan mới ra trường, tôi nhận được một báo cáo tổng hợp, trong đó ghi nguyện vọng được về Tiểu đoàn 8 công tác là trên 70%. Điều ấy khiến tôi rất khó đưa ra các quyết định. Lạ thật, nhiệm vụ, tổ chức biên chế của Tiểu đoàn 8 cũng tương tự các tiểu đoàn khác, thậm chí có thời điểm nặng hơn mà sao sĩ quan trẻ lại muốn về đó với tỷ lệ cao?

Dò hỏi nguyên nhân từ các cán bộ thì tôi được biết, đằng sau nguyện vọng ấy là mục đích được học tập, đúc rút kinh nghiệm và trưởng thành của các sĩ quan trẻ. Bởi theo thống kê, trong nhiều năm qua, những cán bộ từ Tiểu đoàn 8 trưởng thành khá nhiều. Mặt khác, Tiểu đoàn 8 là nơi có bề dày thành tích và có chất lượng tổ chức Phong trào TĐQT rất hiệu quả. Ở thời điểm đó, Tiểu đoàn 8 đã đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng mấy năm liên tục và được Đảng ủy Trung đoàn lựa chọn làm điểm trong xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”.

Trước hôm diễn ra Đại hội TĐQT của Sư đoàn, tôi lựa trong tập báo cáo điển hình để lấy một vài trường hợp tham khảo. Trong số báo cáo ấy, tôi chú ý nhiều đến Thượng úy Cao Ngọc Duy, Chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 8. Sau gần 4 năm ra trường, Cao Ngọc Duy đã có những thành tích vượt trội. Chỉ chưa đầy 3 năm, Cao Ngọc Duy tham gia 13 cuộc hội thi, hội thao từ cấp trung đoàn đến cấp Bộ Quốc phòng và đều giành thành tích tốt. Ví dụ vào tháng 5-2023, tham gia Hội thao Huấn luyện chiến sĩ mới cấp Quân khu, Duy và đồng đội ở Trung đoàn 8 giành giải nhất.

Điều đáng trân trọng và quý nhất ở chàng cán bộ trẻ Cao Ngọc Duy là sức bền ý chí, tinh thần khắc phục khó khăn. Là cán bộ chính trị, dù các môn quân sự, nhất là bắn súng vốn không phải sở trường, nhưng Duy đã cố gắng luyện thêm để bắn súng đạt kết quả tốt, trở thành hạt nhân. Duy là linh hồn của đội tuyển Quân khu 3 trong tham dự Chương trình Quân khu số 1 và đã giành giải nhất. Duy tâm sự với tôi, để có kết quả tốt, anh đã dành hết tâm huyết vào nhiệm vụ và biến nó thành tình yêu. Khi đã yêu rồi, người ta say lắm, khó mà dứt ra được.

Một kết quả nổi bật khác trong thực hiện Phong trào TĐQT ở Sư đoàn mà tôi ấn tượng và tâm đắc đó là trên lĩnh vực hậu cần, kỹ thuật. Phong trào TĐQT ở lĩnh vực này tuy không sôi động như trong huấn luyện, nhưng phát triển đều, vững chắc và thu được hiệu quả thiết thực, bảo đảm tốt đời sống, chăm sóc sức khỏe bộ đội, phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu kịp thời. Ví như gần đây, nhờ sáng kiến sấy quần áo mùa nồm, sau khi Sư đoàn cho triển khai 36 phòng sấy ở các cơ quan, đơn vị thì tình trạng bệnh ngoài da của cán bộ, chiến sĩ giảm hẳn, góp phần bảo đảm quân số khỏe trong công tác với tỷ lệ cao.     

Thi đua trong tăng gia sản xuất ở Sư đoàn cũng có sự phát triển đạt kết quả tốt. Tính đến nay, toàn Sư đoàn có hơn 1.200 con lợn và hơn 18.220 con gia cầm các loại. Chỉ tính riêng mô hình chăn nuôi 2.000 con gà đẻ siêu trứng đã cho lợi nhuận bình quân 700.000 đồng/ngày. Đặc biệt, hưởng ứng phong trào thi đua trồng 1 tỷ cây xanh, trong mấy năm trở lại đây, các cơ quan, đơn vị trong Sư đoàn đã phối hợp với huyện Hải Hà, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) trồng được hơn 10.000 cây dổi, lát, lim... Riêng trên những vùng đất của Sư đoàn, bằng nội lực, các cơ quan, đơn vị đã trồng, chăm sóc hơn 12.000 cây lát, lim phát triển tốt.

Từ kinh nghiệm tổ chức Phong trào TĐQT của Sư đoàn 395, nhìn vào những bông hoa quyết thắng của Sư đoàn trên vùng đất Đông Bắc Tổ quốc, tôi nghiệm ra rằng, nếu cán bộ chủ trì các cấp không trực tiếp vào cuộc, không thi đua với chiến sĩ thì khó có được chất lượng thực sự. Cũng giống như “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, trong TĐQT, cán bộ phải xung kích đi đầu mới có hiệu quả bền vững.

Thượng tá TRẦN KIM TRỌNG

Phó chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 395, Quân khu 3