Vang khúc quân hành

Chuyến xe chở đoàn thực tế sáng tác do Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức vừa qua gồm các họa sĩ trong và ngoài Quân đội cùng tham gia. Xuất phát từ chân Cột cờ Hà Nội, điểm đến là Trường Sĩ quan Đặc công (Binh chủng Đặc công). Hòa cùng dòng người tấp nập, nhìn qua ô cửa kính thấy màu xanh lá non như tấm áo mới tô điểm nếp nhà cổ đã nhuốm màu thời gian.

Trong những ngày cả nước kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024), rất nhiều bức tranh cổ động ngợi ca chiến thắng “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu” được phóng to đặt trang trọng nơi công cộng của Thủ đô Hà Nội. Đi giữa phố đông mà lòng rộn ràng câu hát “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về” gợi lên bao ký ức hào hùng của Thủ đô yêu dấu.

leftcenterrightdel
Một ký họa trong chuyến đi. 

Niềm vui ngày mới lan tỏa sang hội họa. Câu chuyện về tác giả, tác phẩm truyền thêm cảm hứng. Những tên tuổi tiêu biểu như: Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sỹ Ngọc, Nguyễn Hiêm, Phan Kế An, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Sỹ Tốt (Sỹ Tốt), Nguyễn Trọng Kiệm, Mai Văn Hiến, Văn Đa, Lê Lam, Lê Thị Kim Bạch... với những tác phẩm để đời trong lòng công chúng yêu nghệ thuật.

Họa sĩ Lê Thông, nguyên giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam hào hứng chia sẻ: “Đề tài về người lính luôn là nguồn cảm hứng bất tận. Nhiều họa sĩ dành trọn tuổi thanh xuân vẽ về người chiến sĩ cách mạng. Những tác phẩm nghệ thuật ấy đã kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần của quân và dân ta ngoài tiền tuyến cũng như hậu phương nơi quê nhà”.

Trong kho tàng nghệ thuật, tác phẩm “Nhớ một chiều Tây Bắc” của họa sĩ Phan Kế An là một trong những tác phẩm thành công. Với chất liệu sơn mài truyền thống, tác giả vẽ đoàn quân trong tư thế kiêu hãnh giữa núi rừng trùng điệp. Từ góc nhìn hiện thực, nắm chắc luật xa gần, màu sắc tinh tế kết hợp với đường nét hài hòa, uyển chuyển đã tạo nên vẻ đẹp đặc trưng núi rừng Tây Bắc. Hùng vĩ mà thơ mộng! Tác phẩm của ông chính là nguồn cảm hứng để nhà thơ Đoàn Việt Bắc sáng tác những vần thơ giàu hình ảnh hội họa: “Nắng cứ hừng lên trong tranh vẽ/ Đoàn quân đi bóng ngả sườn non/ Mái nhà sàn chênh vênh vách núi/ Chiều rắc vàng, khảm bạc vào cây/ Chiều Tây Bắc trong veo ngà ngọc/ Trời như cầm được ở trong tay/ Người lính già trầm tư nỗi nhớ/ Anh thả chiều vào tranh”.

Là người con xứ Thanh, nữ họa sĩ Bùi Thị Ngoan (Phó chi hội trưởng, Chi hội Mỹ thuật Thanh Hóa) tâm sự rằng, chị rất ấn tượng với tác phẩm “Tiếng đàn bầu” của họa sĩ Sỹ Tốt, bố cục và nhân vật trong tranh giống như mọi ngôi nhà ở làng quê xưa, cuộc sống tuy thiếu thốn nhưng tình cảm ấm áp.

leftcenterrightdel
 Một ký họa trong chuyến đi.

Tác giả vẽ chú bộ đội được nghỉ phép ghé thăm nhà. Trên chiếc chõng tre, người lính trẻ gảy đàn bầu, cháu bé nằm sấp chéo chân, cười rúc rích, cạnh đó một bé khác cứ mân mê ngôi sao trên mũ. Bên khung cửa, cô gái lấp ló vừa chải tóc vừa kín đáo ngắm nhìn người chiến sĩ một cách trìu mến. Tác giả khéo léo sắp đặt không gian với những vật dụng gần gũi, thân thiết như: Chiếc chõng tre, bồ thóc, bức tranh gà treo trên vách gợi lên cuộc sống bình yên của làng quê Việt Nam.

Công tác ở Binh chủng Đặc công anh hùng, họa sĩ Phan Văn Phú tự hào về truyền thống đơn vị. Anh tâm đắc với cuốn hồi ký “Một thời Rừng Sác” của Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Bá Ước viết về bộ đội đặc công hoạt động trong vùng ngập mặn, đầy rẫy cá sấu rình rập. Nơi “rừng thiêng nước độc”, bộ đội lấy sông nước, cây đước làm căn cứ, hành quân bằng bơi lội tiêu diệt quân thù, làm nên những chiến công hiển hách...

Câu chuyện đang dở dang thì thấy “bác tài” bật đèn xi nhan xin đường. Hướng ánh mắt về phía trước, dòng chữ Trường Sĩ quan Đặc công hiện lên vừa tự hào, vừa gần gũi.

Khổ luyện rèn tài

Đón chúng tôi là Đại tá, TS Trần Trọng Tiến, Chính ủy Trường Sĩ quan Đặc công. Dù bận rộn công việc nhưng anh vẫn dành thời gian để giới thiệu truyền thống nhà trường cùng nghệ thuật quân sự độc đáo của cha ông ta “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh”.

Để chứng minh sự đặc biệt của đặc công, Đại tá Trần Trọng Tiến dẫn đoàn thực tế tham quan thao trường 113 xem học viên luyện tập. Nhìn thao trường vắng vẻ, ngoài các vật cản và hàng rào thép gai nhiều lớp thì tuyệt nhiên không thấy bất kỳ học viên nào xuất hiện. Những con mắt họa sĩ chăm chú quan sát, tìm tòi từ xa đến gần nhưng vẫn không phát hiện ra điều gì bất thường. Bỗng tiếng còi vang lên, khẩu lệnh “dừng tập” thì những “đám cỏ di động”, những “tảng đá”, “người cát” bằng xương bằng thịt lần lượt đứng lên. Hóa ra họ nằm ngay dưới chân mình mà không ai hay biết.

Theo kế hoạch, các họa sĩ được tham quan màn trình diễn võ đặc công; kỹ thuật trèo tường, vận động trong thành phố; kỹ thuật ngụy trang bôi, vẽ; bơi bí mật; đội đặc công thọc sâu nổ súng tiến công địch; mũi đặc công tiến công lực lượng khủng bố, giải thoát con tin... làm cho đoàn thực tế đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, cảm giác như bộ đội đặc công ở mọi lúc, mọi nơi xung quanh mình.

Tiếp xúc với Đại úy QNCN Lưu Thị Nhạn (Tiểu đoàn 4, Trường Sĩ quan Đặc công), người vừa thực hiện màn trình diễn ấn tượng: Nằm trên bàn chông sắc nhọn, đặt tảng đá to trên bụng, đồng đội dùng búa tạ đập mạnh, sức công phá làm đá vỡ tan mà người vẫn an toàn. Tinh thần thượng võ dân tộc, giá trị và vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam hun đúc nên niềm tự hào về truyền thống con cháu Bà Trưng, Bà Triệu.

Là nhân viên nấu ăn cho học viên, Lưu Thị Nhạn luôn tìm tòi bí kíp nấu những món đủ dinh dưỡng, hợp khẩu vị để các em ăn ngon nhất, ăn nhiều nhất, bảo đảm sức khỏe cho việc rèn luyện và học tập dài lâu.

Nói về thành tích cá nhân, Đại úy QNCN Lưu Thị Nhạn khiêm tốn nhận mình còn phải cố gắng, học hỏi. Vậy mà “cô gái vàng” sở hữu 2 huy chương vàng, 1 huy chương bạc tại Hội thao võ chiến đấu tay không các câu lạc bộ toàn quân các năm 2012, 2015, 2022, khẳng định tài năng, sự cống hiến hết mình cho võ thuật.

Trung tá Nguyễn Đức Duẩn (Chủ nhiệm Bộ môn Võ thuật thuộc Khoa Võ-Thể lực) được mọi người quý mến đặt cho biệt danh “quả đấm thép”. Với dáng người săn chắc, cơ bắp cuồn cuộn, những cú đấm của anh có thể hạ gục đối phương một cách nhanh chóng. Trong cuộc sống, anh là người mộc mạc, chất phác, dễ gần, trên môi luôn nở nụ cười với người đối diện.

Sinh ra và lớn lên tại Hậu Lộc (Thanh Hóa), chàng trai có dáng người thư sinh ngày ấy từng mơ ước trở thành kỹ sư phần mềm. Trong năm đầu tiên xa nhà, nhân dịp nghỉ Tết, Nguyễn Đức Duẩn bắt xe về quê, gặp phải xe dù chuyên bắt khách vãng lai, thu tiền xong lại "bán" anh cho nhà xe khác. Không còn tiền để trả thêm, anh bị một trận đòn nhớ đời. Sau đận ấy, gia cảnh càng khó khăn hơn, thương bố mẹ vất vả, lam lũ nuôi các em ăn học, Nguyễn Đức Duẩn giấu đi những giọt nước mắt, anh quyết định dừng học dân sự để thi vào trường quân đội, giảm áp lực cho gia đình. Thật may, năm đó anh đã trúng tuyển Trường Sĩ quan Đặc công. Chính mái trường này giúp anh trưởng thành như hôm nay.

Nắng xuyên qua tán lá, những giọt mồ hôi trên gương mặt học viên nhòe cùng bùn đất hóa trang. Mặc cho nắng hay mưa, ngày hay đêm, mùa hè hay mùa đông, những chiến sĩ đặc công luôn quyết tâm hoàn thành tốt nội dung huấn luyện “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”.

Cùng lăn, lê, bò, toài để vẽ bộ đội, nữ họa sĩ Bùi Thị Ngoan bộc bạch: “Đặc công là lực lượng đặc biệt, chúng tôi cũng sẽ thể hiện tình cảm đặc biệt trong mỗi tác phẩm của mình”. 

Tạm biệt mái trường Sĩ quan Đặc công, đâu đó vút lên âm thanh của sáo diều ngân nga. Nhìn làn mây trắng lững lờ trôi trên bầu trời xanh, cảm xúc dâng trào, chợt vang lên những vần thơ của người chiến sĩ đặc công Lê Bá Ước: “Bâng khuâng tấc dạ lòng thương nhớ/ Lộng gió trên sông đẹp bóng cờ/ Mãi mãi hiên ngang Rừng Sác đứng/ Mỗi người ngã xuống một bài thơ”...

Ghi chép của PHÙNG MINH