Phóng viên (PV): Trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, BĐCB luôn đi đầu mở đường, tạo lập thế trận, bảo đảm chiến đấu cho các lực lượng của ta giành thắng lợi trên chiến trường. Đồng chí khái quát một số vấn đề cốt lõi về nhiệm vụ này cả trong chiến tranh và trong thời bình?

Thiếu tướng Đinh Ngọc Tường: Truyền thống mở đường của BĐCB là câu chuyện dài về ký ức hào hùng và sự cống hiến, anh dũng hy sinh của rất nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ qua các thời kỳ. Ngày 25-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Công chính giao thông Cục (đơn vị tiền thân của BCCB), đến năm 1965 thì phát triển thành Bộ tư lệnh Công binh để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ mới. Tại Chiến dịch Tây Bắc năm 1952, BĐCB vinh dự được Bác Hồ trao tặng Cờ “Mở đường thắng lợi” và đó cũng là truyền thống vẻ vang của BĐCB.

leftcenterrightdel

Thiếu tướng Đinh Ngọc Tường, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Binh chủng Công binh. Ảnh: TRẦN NGỌC 

Chúng tôi luôn nhận thức sâu sắc rằng, mở đường của BĐCB bao hàm cả nghĩa hẹp và nghĩa rộng. Ở phạm vi nghĩa hẹp, đó là hành động của các phân đội triển khai nhiệm vụ bảo đảm công binh qua giai đoạn tác chiến như: Xây dựng sở chỉ huy, trận địa các cấp; bảo đảm đường cơ động; bảo đảm vượt sông; bố trí và khắc phục vật cản... bảo đảm cho các lực lượng của ta cơ động chiến đấu giành thắng lợi. Tùy vào quy mô của chiến dịch, hình thức tác chiến, điều kiện địa hình, thời tiết, khí hậu, thủy văn mà có phương thức triển khai nhiệm vụ khác nhau. Đặc điểm nổi bật nhất của BĐCB trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu phải bảo đảm tuyệt đối bí mật, liên tục, có chiều sâu và vững chắc.

Theo nghĩa rộng, mở đường là tổng thể các hành động tiên phong, đi trước, dẫn đường (trong đó có cả sự tiên phong, đi trước về tư duy, nhận thức) để góp phần đi đến thắng lợi. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ chỉ huy chiến dịch đã khen ngợi: “Đội Công binh mở đường thắng lợi, suốt mùa hè không nghỉ, giữ vững giao thông, không có con đường ấy, không có chiến dịch này”. Đó cũng là chân lý được đúc kết từ thực tiễn của chiến tranh. Nói như vậy để chúng ta cùng hiểu rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của mở đường trong tác chiến hiệp đồng là vô cùng quan trọng, chi phối đến ý chí, niềm tin, tinh thần quyết thắng của BĐCB.

leftcenterrightdel
Bộ đội Công binh sử dụng thiết bị chuyên dụng tìm kiếm nạn nhân trong thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: THẾ THÀNH 

Trong thời bình, việc mở đường thực chất là chuẩn bị thế trận chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện; bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Mặc dù thực hiện nhiệm vụ trong thời bình nhưng cũng không kém phần khó khăn, gian khổ, thậm chí phải đổ máu, hy sinh. Có những nhiệm vụ chúng tôi xác định như chiến đấu trong thời bình, âm thầm, lặng lẽ xây đắp chiến công là thế. Trong tình hình hiện nay, những vấn đề an ninh phi truyền thống như: Biến đổi khí hậu, thảm họa thiên tai, động đất, sóng thần, khủng bố... mang tính chất toàn cầu. Cho nên nhiệm vụ của BĐCB phát triển cả về không gian, thời gian, rộng lớn hơn, xa xôi hơn; yêu cầu cao, thời gian gấp với khó khăn, gian khổ hơn nhiều. 

PV: Vậy hiện nay, trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế, Bộ đội Công binh gặp những khó khăn, phức tạp gì, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Đinh Ngọc Tường: Có thể khẳng định, khó khăn lớn nhất là vượt qua chính mình khi làm nhiệm vụ quốc tế như: Tham gia hoạt động GGHB LHQ, Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) hay mới nhất là thực hiện nhiệm vụ CHCN tại Thổ Nhĩ Kỳ. Trong nhiệm vụ này, BĐCB cùng với một số lực lượng là đại diện của Quân đội và nhân dân Việt Nam, thế nên chúng tôi luôn cố gắng hết sức mình để giữ gìn và lan tỏa hình ảnh, truyền thống tốt đẹp của BĐCB và Quân đội nhân dân Việt Nam trong mắt người dân Thổ Nhĩ Kỳ và bạn bè quốc tế.

Ở trong nước, nếu ai từng tham gia, từng chứng kiến công việc CHCN, ứng cứu sập đổ công trình của BĐCB thì sẽ thấy sự khó khăn, phức tạp, căng thẳng và thậm chí có cả đổ máu, hy sinh. Đó không chỉ là công việc vận hành máy móc, phương tiện thi công, cứu hộ đơn thuần mà bao gồm tổng thể các công việc đòi hỏi bản lĩnh, lòng dũng cảm, sự sáng tạo, quyết đoán và tinh thần quyết thắng trước các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, khi thực hiện nhiệm vụ CHCN, BĐCB phải căng mình chạy đua với thời gian; tranh thủ từng phút, từng giây để cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân. Điều này được thể hiện rõ nhất khi thực hiện CHCN tại Đạ Dâng, Lâm Đồng năm 2014; tại Thủy điện Rào Trăng 3 năm 2020...

Trong nhiệm vụ ứng cứu sập đổ do động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, không chỉ người dân trong nước kỳ vọng mà nhân dân thế giới cũng ngóng trông, đặt niềm tin. Nếu BĐCB làm không tốt thì những kỳ vọng ấy có thể sẽ trở thành thất vọng. Thế nên để thực hiện tốt nhiệm vụ mở đường trong nhiệm vụ này, chúng tôi phải có công tác chuẩn bị từ trước, kỹ lưỡng, bài bản, lâu dài. Đó chính là việc chuẩn bị về con người, trang bị, vật chất, trình độ tổ chức chỉ huy, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi điều kiện. Ví dụ như trong hoạt động GGHB tại Phái bộ UNISFA ở khu vực Abyei, để có lực lượng công binh theo các điều kiện, tiêu chí của LHQ, Bộ tư lệnh Công binh đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng trong gần 8 năm, từ xây dựng tổ chức biên chế; tổ chức huấn luyện, rèn luyện bản lĩnh, tác phong, phương pháp ứng xử văn hóa của bộ đội khi thực hiện nhiệm vụ quốc tế.

Trong các nhiệm vụ này, chúng tôi phải đổi mới phương thức chỉ huy và tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo quy chuẩn quốc tế, chịu sự giám sát, đánh giá của chuyên gia quốc tế; phải huấn luyện sử dụng các trang bị mới của nhiều nước, trong đó có những khí tài rất hiện đại, được số hóa nên việc bảo quản, bảo dưỡng cũng khác. Chúng tôi đã vượt qua khó khăn này bằng cách nghiên cứu, lấy tổ chức huấn luyện gắn với tăng thực hành làm cơ sở. Thế nên khi thực hiện nhiệm vụ GGHB và cứu hộ nhân đạo, hình ảnh của BĐCB và Quân đội nhân dân Việt Nam được chính quyền, người dân bản địa và LHQ đánh giá rất cao. 

PV: Những năm qua, BĐCB đã có những bước tiến đáng kể về nhiều mặt trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ quốc tế được dư luận và bạn bè quốc tế ghi nhận. Tuy nhiên, để tương xứng với nhiệm vụ thì cần có chủ trương, giải pháp đúng đắn. Đồng chí có thể cho biết đôi nét về vấn đề này?

Thiếu tướng Đinh Ngọc Tường: BĐCB vinh dự cùng nhiều lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ GGHB LHQ và CHCN quốc tế. Nhiệm vụ có tính rất đặc thù, từ sa mạc nắng nóng ở châu Phi xa xôi đến mùa đông giá buốt của châu Âu, BĐCB luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, gian khổ, thiếu thốn, độc hại và nguy cơ mất an toàn rất cao. Đánh giá đúng tính chất, đặc điểm nhiệm vụ, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Công binh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tư tưởng, giáo dục chính trị, xây dựng bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức đúng đắn về vinh dự và trách nhiệm quốc tế cao cả, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống. Đồng thời tổ chức huấn luyện “Cơ bản, thiết thực, vững chắc, chuyên sâu”, nhất là các nội dung chuyên ngành công binh; nâng cao khả năng phối hợp, hiệp đồng, kỹ năng vận hành các trang bị hiện đại; trình độ tổ chức chỉ huy thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện độc lập xa lẻ, đề cao tính chuyên nghiệp trong từng khâu; phát huy tinh thần đoàn kết, ý thức chấp hành kỷ luật, pháp luật trong quan hệ quốc tế.

Chúng tôi cũng luôn quán triệt, giáo dục, xây dựng cho bộ đội tâm thế khắc phục, vượt lên mọi khó khăn trong nhiệm vụ; đồng thời quan tâm chăm lo bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội; thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đãi ngộ của Đảng, Nhà nước, Quân đội và Binh chủng; kịp thời động viên, biểu dương, khen thưởng và thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội để bộ đội yên tâm công tác. Hiện nay, BĐCB còn rất nhiều khó khăn do thường xuyên làm nhiệm vụ dài ngày ở vùng sâu, vùng xa nên ít có thời gian chăm sóc gia đình; mặt khác, chính sách về nhà ở còn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp. Tuy nhiên, những khó khăn ấy chúng tôi đã, đang khắc phục và sẽ vượt qua để xứng đáng với truyền thống "Mở đường thắng lợi" của BĐCB trong 77 năm qua.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

TRẦN THANH KHÔI (thực hiện)