Trong cuộc chiến đấu và chiến thắng trước cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ vào Thủ đô Hà Nội 50 năm trước, có những cống hiến, hy sinh chưa được nhiều người biết đến. Song, như người xưa vẫn nói, “thương dân, dân lập miếu thờ”, những tấm bia công trạng khắc trong lòng nhân dân sẽ là vĩnh cửu, trường tồn.
Có một người hùng thầm lặng như thế mà tôi biết, đó là ông Phan Đức Sử-một người Hà Nội hào hoa, chiến sĩ cận vệ thuộc thế hệ đầu tiên phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Ông cũng là người có sáng kiến xây hầm chữ A, hay còn gọi là hầm kèo và hố cá nhân, bảo vệ người dân trước các cuộc giội bom của máy bay Mỹ. Hẳn đã có nhiều sinh mạng quý giá được cứu thoát trong các đợt đánh phá của máy bay địch trong thời kỳ này.
|
|
Anh hùng LLVT nhân dân Phan Đức Sử.
|
Năm 2012, tôi tình cờ được giới thiệu về ông Phan Đức Sử, nguyên cán bộ của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia (Bộ Xây dựng). Thời điểm này, Viện có nguyện vọng xây dựng ông Phan Đức Sử trở thành một tấm gương anh hùng cho đơn vị từ những chiến công, thành tích mà ông đã đạt được. Vậy là tôi được giao nhiệm vụ viết hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu anh hùng cho ông Phan Đức Sử. Đó quả là một vinh dự bởi khi lần giở những trang sử cũ, cảm tình và lòng khâm phục của tôi cứ nhân lên mãi trước một con người có những đóng góp lớn lao, hy sinh cao cả mà “quên” nói về bản thân mình.
Ông Phan Đức Sử sinh năm 1929, tại Hà Nội, trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Thân phụ ông là cụ Phan Xuân Trang, chủ hiệu ảnh Metro Photo ở số 21 đường Đồng Khánh (phố Hàng Bài ngày nay) thời trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Gia đình cụ Trang có một vinh dự lớn, ấy là vào đúng Mồng Một Tết năm 1946 được tiếp đón Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhiều lãnh đạo cao cấp của Chính phủ tới dự bữa cơm thân mật tại nhà. Phan Đức Sử khi đó là một thanh niên Hà Nội 17 tuổi hừng hực nhiệt huyết của “dòng hào kiệt” nguyện “xếp bút nghiên theo việc đao cung” nên đã được đích thân đồng chí Đàm Quang Trung (sau này là Thượng tướng Quân đội nhân dân Việt Nam) giới thiệu làm Đội trưởng Đội bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh đạo cao cấp của Đảng. Sau toàn quốc kháng chiến, Phan Đức Sử theo Trung đoàn Thủ Đô rút về ATK chuẩn bị hậu phương, xây dựng lực lượng.
Năm 1949, đồng chí Phan Đức Sử được cử đi học lớp công binh công trình ở Thái Nguyên (khóa 2), rồi đi tập huấn tại Trung Quốc về vật liệu nổ và triển khai ứng dụng khí tài mới. Đầu năm 1950 trở về Việt Nam, đồng chí được biên chế về làm Đại đội trưởng Đại đội súng phóng bom; tham gia nhiều chiến dịch như: Biên giới, Sông Thao, Sông Chảy, Hòa Bình và Điện Biên Phủ... Cá nhân đồng chí Phan Đức Sử cũng nhiều lần được bầu là Chiến sĩ thi đua, lần lượt giữ các cương vị: Đại đội trưởng, Phó tiểu đoàn trưởng và Phó tham mưu trưởng Trung đoàn Công binh 151.
Đến năm 1958, khi đang là Tham mưu trưởng Trung đoàn Công binh 229 (sau này Lữ đoàn Công binh 229, Binh chủng Công binh), đồng chí Phan Đức Sử được giao nhiệm vụ biệt phái sang làm chuyên gia giúp Ban chỉ đạo Phòng không nhân dân Trung ương nghiên cứu xây dựng các công trình phòng, chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ với lý do: Thông thạo tiếng Pháp và am hiểu về kỹ thuật. Một lần vào khoảng cuối năm 1958, Phan Đức Sử được lệnh đến gặp Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần kiêm Chủ nhiệm Ủy ban kiến thiết cơ bản Nhà nước để nhận nhiệm vụ đặc biệt. Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa nói: "Đồng chí hãy vào Vĩnh Linh (lúc này, máy bay Mỹ đã đánh nống ra) nghiên cứu hầm trú ẩn của nhân dân ta chống bom Mỹ trong thời gian qua, rút kinh nghiệm và đề xuất phương án. Làm sao để đến năm 1962, toàn dân ai cũng có hầm, hố trú ẩn". Phan Đức Sử lập tức lên đường cùng với một cán bộ trẻ có tên là Trung. Hai người đạp xe vào Vĩnh Linh, rồi về tận địa đạo Vịnh Mốc (Vĩnh Linh, Quảng Trị). Qua nghiên cứu địa đạo rồi hệ thống công sự chống bộ binh đánh tràn, đồng chí Phan Đức Sử bỗng để ý đến cái lều chăn vịt nằm chơ vơ giữa đồng trước mưa bom bão đạn mà tổn hại rất ít.
Chiếc hầm cá nhân của nhân dân Vĩnh Linh làm khá sáng tạo. Họ lấy tre đan lóng đôi thành những tấm phên lớn rồi đào hố thả phên xuống làm vách, phía trong trát bùn đất. Khi chiếc lều vịt được hạ xuống đất chừng 1,5m có tác dụng chống mảnh văng và sóng xung kích rất tốt. Từ phát hiện này, mô hình hầm chữ A hay hầm “vỉ kèo” đã ra đời. Khi trở về Hà Nội, đồng chí Phan Đức Sử còn có một sáng kiến nữa là tận dụng xỉ than đúc thành chiếc hố cá nhân, chôn dọc các tuyến phố. Sau mỗi trận máy bay địch đánh phá, Phan Đức Sử lại đạp xe theo dấu vết bom để đánh giá về hiệu quả phòng, chống của các công trình và nhiều lần còn giúp người dân tháo ngòi của một vài quả bom.
Theo đề nghị của các đơn vị cũ, năm 2013, đồng chí Phan Đức Sử được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ông sống thanh thản đến cuối đời cùng con cháu tại một căn nhà tập thể nhỏ ở quận Hoàng Mai, TP Hà Nội.
Bài và ảnh: ĐÔNG LÊ