Cảm xúc và con chữ

Đại tá, Thạc sĩ Phạm Văn Trường mới được bổ nhiệm giữ chức danh Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản (NXB) Quân đội nhân dân (QĐND). Công việc mới, lại nhiều và gấp nên anh ít có thời gian "trà dư tửu hậu". Trò chuyện với tôi mà chiếc điện thoại di động của anh cứ rung bần bật như muốn nhảy khỏi mặt bàn. Anh bảo: "Đợi tớ tắt điện thoại đã". Từ lúc ấy, câu chuyện giữa anh và tôi mới không bị gián đoạn, đứt quãng.

leftcenterrightdel

Đại tá, Thạc sĩ Phạm Văn Trường - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, người say mê miền chữ nghĩa. Ảnh: HẢI MINH 

Phạm Văn Trường (bút danh Phạm Xuân Trường) sinh ra và lớn lên ở An Hưng, An Dương, Hải Phòng. Anh đến với nghề viết, nghề biên tập khá muộn màng.

Năm 1993, Phạm Văn Trường nhập ngũ vào Trung đoàn 111, Sư đoàn 306 (Quân đoàn 2). Sau thời gian huấn luyện chiến sĩ mới, tháng 6 năm đó, anh được điều động vào Tây Nguyên, công tác tại Sư đoàn 10, Quân đoàn 3. Cuộc sống quân ngũ với mưa nắng thao trường dồn dập trong nhịp bước quân hành hối hả, nhưng đầy chất thơ và nhạc, như dòng suối mang lại nhiều cảm xúc, cuốn anh lạc vào miền chữ nghĩa lúc nào chẳng hay. Anh thi đỗ vào Trường Sĩ quan Lục quân 2, tốt nghiệp ra trường, anh làm cán bộ quản lý, làm giảng viên, sau đó đi học vài năm ở Học viện Chính trị. Cuối năm 2012, khi đã ở tuổi 39, anh được điều động về làm biên tập viên NXB QĐND và công tác tại Chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Từ đây, những kỷ niệm, những cảm xúc trong quãng đời quân ngũ như ngọn lửa âm ỉ bao lâu nay bùng cháy, thôi thúc anh cho ra đời những tác phẩm phục vụ bạn đọc.

Sau 10 năm miệt mài theo đuổi đam mê và nhiều lúc như đánh vật với chữ nghĩa, ngoài 3 cuốn sách đã kể trên, Đại tá, Thạc sĩ Phạm Văn Trường còn là chủ biên của những công trình khoa học lịch sử và các thể loại sách khác nhau: "GS Nguyễn Thiện Thành-người chiến sĩ, người thầy thuốc anh hùng"; "Thượng tướng Trần Văn Trà-khoảnh khắc lịch sử"... Đồng thời, anh cùng biên tập xuất bản nhiều cuốn sách về các tướng lĩnh Quân đội.

 Khi trò chuyện với tôi, đôi mắt anh đầy suy tư khi tâm tình về nghiệp viết. Anh chia sẻ, trước mỗi sự vật, hiện tượng, số phận con người trong xã hội, mỗi người có cảm xúc khác nhau đan xen. Có người chôn chặt trong lòng rồi bị thời gian, công việc mưu sinh đầy ắp những lo toan, tính toán làm cho quên lãng. Người cầm bút như anh thì nung nấu, trăn trở thâu đêm để rồi cảm xúc trào dâng thành ý tứ, lời văn. Anh sống nội tâm, nặng về tình cảm nên thường đắm đuối với hoàn cảnh, số phận nhân vật đã gặp. Những cảm xúc ấy như chiếc lò xo bị nén đến cực điểm trong tư duy để rồi một lúc nào đó bật ra thành những con chữ, đưa đến bạn đọc nhiều tâm sự, tư tưởng, tình cảm, việc làm của nhân vật một cách sâu sắc mà dung dị, gần gũi đời sống. Anh kể, vì đam mê với cảm xúc, con chữ nên đôi lúc đãng trí, quên cả những việc vợ dặn. Những lúc ấy, bà xã và các con anh chỉ biết lắc đầu cười, vì họ biết anh đang lang thang trong miền chữ nghĩa.

Anh viết khá nhiều ghi chép và ký chân dung, trong đó nổi bật là chân dung các vị tướng trận mạc, nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà văn, nhà khoa học, ca sĩ, doanh nhân. Một số bài viết khá hay và hấp dẫn như viết về nhà văn Chu Lai, Nguyễn Quốc Trung, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà thơ Phạm Tiến Duật. Anh bảo, viết về họ rất khó vì câu từ, ngôn ngữ phải lột tả được cái tôi của nhân vật, lột tả được đặc trưng nghề nghiệp, tính cách và cả chất riêng của họ. Có lần, anh phỏng vấn một vị tướng để khởi thảo cho một cuốn sách. Sau khi chốt nội dung, phải mất mấy tháng trời trăn trở mới cho ra được sản phẩm ưng ý. Tuy nhiên, khi đưa bản thảo để nhân vật xem lại thì vị tướng đề nghị anh chỉnh sửa khá nhiều. Thế là lại phải mất không ít thời gian và nhiều lần mất ăn, mất ngủ mới hoàn thành được tác phẩm.   

Trong những truyện ngắn của anh, tôi đặc biệt tâm đắc với truyện “Người chuyên tháo ngòi nổ”. Với lời văn giản dị, tự nhiên, chân thật, anh đã khắc họa chân dung một sĩ quan công binh làm nhiệm vụ rà phá bom, mìn tồn sót sau chiến tranh, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội với đời tư éo le, rất điển hình. Người lính thời bình có những nỗi lòng riêng khó nói trước những tác động mạnh bởi thực tế cuộc sống xã hội và nhiệm vụ mà không hẳn ai cũng hiểu tường tận. Để vượt qua hoàn cảnh, công việc, họ rất cần có một chỗ dựa là hậu phương vững chắc. Tình yêu của cô giáo trẻ với chàng sĩ quan công binh lỡ một lần đò bắt nguồn từ cảnh "gà trống nuôi con" khó khăn trong truyện ngắn của Phạm Văn Trường dung dị, gần gũi với đời sống, tâm lý người Nam Bộ, nhưng thâm sâu và đẹp như hoa súng trên mặt hồ buổi sớm.

Khắc ghi lời Bác dạy: “Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình”

Từ ngày nhận nhiệm vụ mới, Đại tá Phạm Văn Trường ít viết hơn. Công việc lãnh đạo, quản lý cùng với những buổi họp chiếm mất nhiều thời gian và mang đến cho anh nhiều trăn trở mới, trong đó, vấn đề anh quan tâm nhất là làm sao phải hoàn thành nhiệm vụ. Bởi như anh tâm sự, NXB có bề dày truyền thống và được Bác Hồ quan tâm chỉ dạy: “Các chú nhớ ở trang đầu mỗi cuốn sách đều phải ghi một câu: “Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình”. Hiện nay, NXB luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Bộ Quốc phòng và Quân ủy Trung ương .

Anh giải thích rằng, trong các bài viết, các tác phẩm lấy bút danh là Xuân Trường, anh chọn đệm chữ “Xuân” vì đơn giản là anh rất yêu mùa xuân. Đó là mùa mà vạn vật sinh sôi nảy nở, mùa của tình yêu đôi lứa, là mùa của khát khao cống hiến, mùa của tuổi trẻ với ước mơ, hoài bão. Mùa xuân mang đến cho anh niềm tin, sự lạc quan và hứng khởi để nuôi dưỡng đam mê với con chữ.

Trong công việc hiện tại, Đại tá Phạm Văn Trường đảm nhận hai vai, trọng trách lãnh đạo, quản lý và đồng thời là Tổng biên tập NXB QĐND. Hai nhiệm vụ ấy có tính chất khác nhau nhưng tuyệt nhiên phải nằm trong một chỉnh thể thống nhất và đi đến một mục tiêu quan trọng nhất kế thừa truyền thống, phát triển NXB mạnh mẽ trong thời Cách mạng 4.0. Đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng trong điều kiện nhu cầu bạn đọc có sự thay đổi nhanh, mạnh hơn so với trước.

  Anh tâm tình, hiện nay, yêu cầu xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh cũng đặt ra cho NXB những thách thức mới. Thế nên, muốn thu hút người đọc, muốn thúc đẩy văn hóa đọc trong các đơn vị Quân đội cũng như tham gia tích cực vào thị trường sách, mở rộng thị phần thì một trong những yêu cầu cốt yếu là NXB phải đổi mới tư duy, nổi bật là đổi mới về nội dung, hình thức, chất lượng sản phẩm.

Trước trở ngại đó, để “mở đường” cho sách với tư cách là khai mở tâm trí, văn hóa, xây dựng xã hội văn minh thì theo Đại tá Phạm Văn Trường, cần có những đột phá, mở cửa, đền đáp sự mong mỏi và yêu mến của độc giả.

Giọng anh hào sảng: "Chúng tôi có những “vũ khí”, đó là truyền thống hơn 72 năm xây dựng và trưởng thành. Chúng tôi tự hào, vinh dự là một trong những NXB đầu tiên của Việt Nam. Hiện nay, NXB QĐND có đội ngũ cộng tác viên là các nhà văn, nhà khoa học, các thế hệ giàu nhiệt huyết cống hiến và đội ngũ cán bộ, biên tập viên dày dạn kinh nghiệm. Nếu phát huy được thế mạnh này, nếu đồng lòng, quyết tâm đổi mới, chúng tôi sẽ tập hợp được các chuyên gia để xuất bản được những ấn phẩm tốt cống hiến cho bạn đọc. Tôi tin, sách in sẽ không mất đi trước sự lấn lướt của sách điện tử". 

Anh thông tin, sắp tới đây, hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, NXB QĐND sẽ tái bản những cuốn sách hồi ký của các tướng lĩnh trong Quân đội; xuất bản những ấn phẩm mới về chân dung Bộ đội Cụ Hồ thời bình, để độc giả thấy rõ sự kế thừa và phát triển ở cả thể loại sách in truyền thống và sách điện tử. NXB cũng chú trọng đến việc dịch các tác phẩm nổi tiếng ra nhiều thứ tiếng để phổ biến ra nước ngoài. Bên cạnh đó, Đại tá Phạm Văn Trường sẽ cùng các cộng sự tập trung hướng tới tìm kiếm và cộng tác với các tác giả để hợp tác làm sách về lĩnh vực khởi nghiệp, kỹ năng sống cùng nhiều thể tài khác, đặc biệt là sách văn nghệ-một thế mạnh truyền thống của NXB QĐND để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu bạn đọc.

Tôi rời NXB khi đồng hồ chỉ 11 giờ 30 phút. Mặc dù là ngày nghỉ nhưng một số phòng làm việc ở NXB QĐND vẫn chưa nghỉ. Những người lính cầm bút của NXB như đang chạy đua với thời gian để tạo thế đứng mới. Tôi tin, người “đứng mũi chịu sào” có tâm và sự đắm đuối, đam mê với miền chữ nghĩa của Đại tá, Thạc sĩ Phạm Văn Trường sẽ đưa anh và đồng đội của mình đạt được nhiều thành công hơn nữa...

MẠNH THẮNG