Những con chữ có lửa
Tôi nhẹ tay lật những số báo in typo, vật chứng lịch sử biết nói sau nửa thế kỷ. Những tờ báo mỏng có giá 5 xu thời đó đã ố vàng. Từ đây, chúng tôi như hòa vào tinh thần hừng hực, khí thế chiến đấu rực lửa căm hờn của quân và dân cả nước trong 12 ngày đêm lịch sử cuối năm 1972.
|
|
Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 1-1-1973. |
Trên những trang báo, dù nhiều chỗ đã mờ ố vì thời gian nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được nỗi đau mất mát, hy sinh của quân và dân ta trong từng con chữ; cảm nhận sự căm thù kẻ địch ném bom Thủ đô thân yêu xen lẫn thông tin hân hoan chiến thắng cùng niềm tin, ý chí kiên cường quyết tâm "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào", giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.
Điều tôi ấn tượng nhất trong những trang báo chính là các bài xã luận, bình luận quân sự, phóng sự, tường thuật và cả những bài ghi chép, phân tích dài kỳ. Số báo 4.169 ra ngày 17-12-1972, Báo QĐND đăng xã luận “Bản án đanh thép đối với Mỹ-Thiệu”, chỉ rõ: “Trên bàn thương lượng, Mỹ mưu toan sửa đổi lại những nguyên tắc cơ bản trong nội dung hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được thỏa thuận ngày 20-10”. Sau đó luận tội đanh thép: “Trách nhiệm kéo dài chiến tranh là thuộc về Mỹ". Bài xã luận khẳng định: “Cuộc chiến đấu của nhân dân ta đang ở trong giai đoạn quyết liệt và có nhiều thuận lợi. Ta ở thế thắng, thế mạnh, thế đi lên. Địch ở thế thua, thế yếu, thế đi xuống”. Đặc biệt, ở chân trang 2 số báo 4.170 ra ngày 18-12-1972 đăng bài dài kỳ “Khó khăn và thất bại quân sự của Mỹ (qua những lời thú nhận của bọn chóp bu Lầu Năm Góc)”. Hình như đây là dấu hiệu dự đoán điều gì đó sắp xảy ra. Những bài tiếp sau trong loạt bài có những lời thú tội của tù binh phi công Mỹ lái B-52. Thật là kịp thời!
|
|
Nhà văn, nhà báo Hà Đình Cẩn. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Các bài phóng sự đậm khí thế thời chiến và ngồn ngộn thông tin, phản ánh tinh thần chiến đấu sáng tạo, mưu trí, dũng cảm, không quản hy sinh của bộ đội tên lửa, pháo phòng không, không quân; tinh thần bảo vệ xóm làng, công xưởng, công sở của dân quân, tự vệ. Ví dụ, bài “Én bạc xé xác "pháo đài bay” của Nguyễn Hữu Hạp; “Xã P và xã Đ vây bắt giặc lái B-52”; “Hà Nội chăng lưới lửa" của tổ phóng viên chiến đấu Báo QĐND; “Đông Anh: Pháo đài phía Bắc Thủ đô”; “Cường Nỗ: Lửa căm thù bùng cháy” của Tất Thắng. Về tường thuật có bài: “Bắt "pháo đài bay" phơi xác trước cửa ngõ Thủ đô” của Phạm Thành và Tô Vân. Bên cạnh thể loại này, còn có những bài viết ngắn xúc động, như: “Trung Văn căm thù, quyết chiến” của Tất Thắng. Từ ngày 31-12-1972, dù Mỹ đã tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc nhưng những thông tin của Báo QĐND về sự kiện này còn kéo dài sang các tháng khác, đặc biệt là trong tháng 1-1973. Nội dung thông tin phong phú, đa dạng, rất nhiều chi tiết, thể hiện sức viết và quá trình lao động nghiêm túc của cá nhân, tập thể Báo QĐND.
Chạy đua, không để “báo thiu”
Chúng tôi đã tìm gặp được Đại tá Lê Hồng Thủy, nguyên Phó trưởng phòng Thư ký tòa soạn (TKTS), Báo QĐND. Ở thời điểm đó, ông Hồng Thủy là kíp trưởng Phòng TKTS. Ông kể, lúc ấy, Phòng TKTS chia làm 3 kíp, mỗi kíp trực một ngày gồm một kíp trưởng, một họa sĩ, một biên tập viên, dưới sự chỉ huy của một đồng chí Phó tổng biên tập.
|
|
Đại tá Lê Hồng Thủy say sưa kể chuyện làm báo một thời dưới mưa bom ở số 7, Phan Đình Phùng. Ảnh: ĐỨC TÂM
|
Lúc ấy tòa soạn quy định, phóng viên bằng mọi cách gửi tin, bài, ảnh về TKTS trước 18 giờ hằng ngày. Để kịp thời gian, nhiều phóng viên đã nhờ báo vụ các đơn vị chuyển tin, bài về tòa soạn. Các kíp trực TKTS phải làm việc 24/24 giờ trong ánh đèn măng-sông, đèn bão (do buổi tối thành phố cắt điện để chiến đấu). Làm báo thủ công rất vất vả, nhất là các kíp trưởng. Thường thì 24 giờ hằng ngày là kết thúc số báo rồi chuyển sang nhà in của Báo Nhân Dân ở gần bờ Hồ. Nếu để chậm là trở thành "báo thiu". Tuy nhiên, trong thời điểm ấy, số máy bay địch bị bắn rơi tăng lên. Thế là kíp trưởng phải đội mũ sắt, đạp xe đến nhà in để điều chỉnh thông tin xong trước 4 giờ sáng ngày hôm sau. Quá trình điều chỉnh rất khó, nhất là khi thêm thông tin vì khổ tin có hạn và đã “chốt”; nếu sửa không khéo là thiếu hoặc sai.
Sáng 22-12, kíp trưởng Lê Hồng Thủy và nhà báo Xuân Miễn được Ban biên tập cử đi tác nghiệp ở Bệnh viện Bạch Mai, nơi bị bom Mỹ rải thảm cách đó vài giờ. Đập vào mắt phóng viên là cảnh tượng hoang tàn, đổ nát và sự hối hả của các lực lượng cấp cứu, tìm kiếm nạn nhân. Ông kể lúc ấy, cổ họng ông uất nghẹn, không nói thành lời, sục sôi căm thù. Ông cùng Xuân Miễn viết bài để kêu gọi đồng bào yên tâm chiến đấu, trả thù cho các thầy thuốc và người bệnh đang điều trị là nạn nhân của bom Mỹ. Ông bảo, đến giờ ông vẫn không quên được cảm giác lúc đó. Cuối câu chuyện, Đại tá Lê Hồng Thủy nói với chúng tôi rằng, làm báo cần phải học tập, phải dấn thân, phải xông pha vào nơi khó khăn, gian khổ thì mới trưởng thành.
Cuối tuần, chúng tôi tìm gặp nhà văn, nhà báo Hà Đình Cẩn. Năm 1971, khi đang ở chiến trường Lào, mang cấp bậc Trung úy, Hà Đình Cẩn được trên điều về làm phóng viên Phòng Quân sự (nay là Phòng biên tập Quốc phòng-An ninh) của Báo QĐND. Năm 1985, ông chuyển ngành rồi về hưu. Hiện ông đang sống ở Hà Nội.
Tìm đọc những tờ báo trong Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng năm 1972, chúng tôi thấy phóng viên Hà Đình Cẩn viết nhiều bài phóng sự tố cáo tội ác của Mỹ. Ông kể, thời đó, Báo QĐND bán rất chạy vì đầy ắp thông tin chiến trường. Mỗi sáng, người dân xếp hàng dài mua Báo QĐND ở bờ hồ Hoàn Kiếm, khiến tòa soạn rất tự hào. Phóng viên nào được cử đi chiến trường là vinh dự, hạnh phúc không gì sánh kịp. Tiêu biểu có: Khánh Vân, Nguyễn Khắc Nhu, Tư Đương, Đoàn Công Tính, Lê Đình Dư... cùng nhiều nhà báo khác. Họ có mặt ở tất cả những chiến trường nóng bỏng nhất: Trường Sơn, Quảng Trị, Bình Định rồi vào tận Khu 9. Đã có phóng viên đạp xe từ Hà Nội vào Vĩnh Linh để viết bài, sau đó quay ra với thời gian cả tháng trời ròng rã, đi đến đâu viết đến đó rồi gửi về tòa soạn.
Chiều 18-12-1972, phóng viên Hà Đình Cẩn đạp xe về quê ở Lập Thạch, Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc) để nghỉ cuối tuần. Tối đến, nghe tiếng bom nổ, kinh nghiệm nhiều năm ở chiến trường Lào mách bảo, ông phán đoán Hà Nội bị B-52 đánh bom. Sáng sớm 19-12, ông nhanh chóng đạp xe về tòa soạn. Trên đường đi, quan sát tình hình thấy có rất nhiều sợi giấy bạc trắng rơi xuống, ông dừng lại phỏng vấn nhanh người dân địa phương. Khi về đến tòa soạn, ông cùng các phóng viên khác nhận lệnh đến số 52 Hai Bà Trưng, ngược dòng người sơ tán khỏi Thủ đô. Buổi tối, khi địch đánh phá, ông leo lên nóc nhà cao tầng xem bom nổ hướng nào để sáng hôm sau lại đạp xe đến đó viết bài tố cáo tội ác của giặc. Trong 12 ngày đêm, phóng viên Hà Đình Cẩn đi khắp nơi: Đông Anh, Gia Lâm, Khâm Thiên... Bom nổ chỗ nào là ông đến đấy.
Cuối câu chuyện, ông chia sẻ, cốt yếu trong làm báo là phải nói được những gì nhân dân cần, dư luận quan tâm thật chân thực, khách quan. Muốn thế, phóng viên phải dấn thân, tìm tòi, sáng tạo. Nói chung thời nào cũng vậy, phải yêu nghề và tâm huyết.
Đối với thế hệ chúng tôi, những kinh nghiệm, sự dấn thân làm báo trong chiến tranh mà Đại tá, nhà báo Lê Hồng Thủy, nhà văn, nhà báo Hà Đình Cẩn chia sẻ cùng những hy vọng vào thế hệ làm Báo QĐND hiện nay của các ông là điều đáng suy ngẫm, soi xét để học hỏi. Muốn nói lên mong muốn của nhân dân thì phải tắm mình trong thực tiễn, phải dấn thân tìm tòi, sáng tạo thực sự thì mới có tác phẩm báo chí hay. Đó là cách tốt nhất để báo không bị "thiu".
Ghi chép của MẠNH THẮNG - HẢI ANH