Ẩn tàng kẻ thù vô hình
Đã hẹn từ trước nhưng phải đợi gần một giờ đồng hồ chúng tôi mới gặp được Thượng tá Phùng Xuân Hòa, Phó giám đốc Trung tâm CNXLBM. Trong căn phòng làm việc của anh Hòa tại Trung tâm bày nhiều tài liệu, bản đồ, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ. Vừa gặp, anh tươi cười cho biết, đơn vị mới nhận được lệnh xây dựng kế hoạch sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Theo anh Hòa: Để bảo vệ an ninh, an toàn cho những sự kiện quan trọng của đất nước cần có nhiều lực lượng tham gia, trong đó, lực lượng xử lý bom, mìn, chống khủng bố luôn “đi trước, về sau” đảm nhiệm nhiệm vụ dò tìm, kiểm tra an ninh, phát hiện, xử lý các loại bom, mìn, vật nổ; kiểm soát, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, các đối tượng khủng bố chế tạo bom, mìn, vật nổ rất tinh vi, khó phát hiện, với nhiều chủng loại, được giấu kín ở những nơi không ai ngờ tới nhằm tạo sát thương, phá hoại vật chất, cơ sở hạ tầng...
|
|
Huấn luyện dò tìm, xử lý bom mìn, vật nổ tại Trung tâm CNXLBM. Ảnh: VĂN LÂM |
Đưa cho chúng tôi xem một số mô hình bom, mìn mà các đối tượng khủng bố đã sử dụng, anh Hòa giải thích: “Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy, trên thế giới xuất hiện nhiều loại bom, mìn tự chế rất tinh vi. Vì vậy, để tạo sự chủ động, chúng tôi thường xuyên nghiên cứu tài liệu liên quan đến các vụ đánh bom khủng bố trên thế giới để tổ chức huấn luyện cho anh em cách nhận biết, phát hiện và kỹ năng xử lý. Vừa kể, vừa cho tôi xem một số clip ngắn, anh Hòa nói: “Với các loại thuốc nổ vụn, những kẻ khủng bố chế tạo dưới dạng viên, bột được giấu kín trong các thiết bị nhỏ như pin máy ảnh, bánh kẹo, đồ chơi trẻ em... nên gây rất nhiều khó khăn trong việc phát hiện”. Đặc biệt, thời gian gần đây, các đối tượng khủng bố đang có xu hướng sử dụng thuốc nổ trong suốt là dạng thuốc nổ mới, tinh vi, như chất nổ ANFO-hỗn hợp ammonium nitrate và dầu xăng; bột đen hoặc thuốc súng; chất nổ TATP-triacetone triperoxide. Để phát hiện được những loại vật nổ này cần các loại máy hiện đại, quy trình xử lý phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Đang lật giở và xem các trang tài liệu, tôi chợt thấy có một bản “Quyết tâm thư”. Như đoán được ý tôi, anh Hòa nhẹ nhàng nói: “Đặc thù công việc của chúng tôi tiềm ẩn nhiều hiểm nguy bất ngờ, nên trước mỗi lần làm nhiệm vụ cán bộ, chiến sĩ đều viết một bản "Quyết tâm thư", sẵn sàng chấp nhận hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ trong bất cứ hoàn cảnh nào”.
Dũng cảm trước hiểm nguy
Qua lời giới thiệu của anh Hòa, chúng tôi gặp Đại úy QNCN Trần Văn Tuấn, nhân viên chuyên trách Đội xử lý bom, mìn chống khủng bố khi anh đang thực hiện nhiệm vụ huấn luyện. Dưới cái nắng oi ả của mùa hè, anh Tuấn mang nhiều loại trang thiết bị máy móc, quần áo, găng tay, giày, mũ bảo hộ chuyên dụng... Anh Tuấn huấn luyện với tinh thần tập trung cao nhất, cẩn thận, tỉ mỉ trong từng động tác cầm máy, dò tìm, tiếp xúc với mô hình vật nổ.
Lý giải về sự cẩn trọng của mình trong từng động tác tập luyện, anh Tuấn cho biết: “Thực hiện nhiệm vụ xử lý bom, mìn, vật nổ chống khủng bố phải trải qua nhiều khâu, bước, với quy trình chặt chẽ, nghiêm ngặt. Bom, mìn khủng bố mà các đối tượng sử dụng được chế tạo tinh vi, khó phát hiện, do vậy khi nhận nhiệm vụ phải xác định được vị trí, tổ chức khoanh vùng, sơ tán nhân dân, sử dụng các thiết bị phá sóng để vô hiệu hóa những thiết bị điều khiển từ xa, sau đó mới tiếp cận, xác định chủng loại và biện pháp xử lý. Biện pháp xử lý cũng rất đa dạng tùy thuộc vào từng chủng loại bom, mìn và thủ đoạn của các đối tượng. Nếu có sai sót trong luyện tập còn sửa chữa được, còn khi thực hiện nhiệm vụ thực tế, một hành động bất cẩn không chỉ phải trả giá bằng tính mạng của bản thân mà còn ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của Quân đội, đất nước”. Là nhân viên trong tổ xử lý, khi phát hiện ra vật nổ, anh Tuấn phải trực tiếp tiến vào khu vực có vật nổ, nhanh chóng sử dụng các thiết bị xác định loại, phương thức nổ của vật lạ, đề xuất phương án và tiến hành xử lý. Đó là khoảnh khắc sinh tử.
Đã hơn 4 năm trôi qua, trong tâm trí anh Tuấn vẫn nhớ như in lần thực hiện nhiệm vụ xử lý bom, mìn chống khủng bố bảo đảm an ninh, an toàn Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần thứ 2 tại Hà Nội. Đây là sự kiện quan trọng liên quan đến công tác đối ngoại, vị thế quốc tế của nước ta và được cả thế giới đặc biệt quan tâm. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng xử lý bom, mìn chống khủng bố của ta gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài quy trình thực hiện như kế hoạch, đoàn Hoa Kỳ và đoàn Triều Tiên còn có yêu cầu riêng, đòi hỏi phải đáp ứng, kiểm soát an toàn đến từng xen-ti-mét. Hai đoàn Hoa Kỳ và Triều Tiên bố trí nghỉ trong khách sạn, nhưng mọi hoạt động kinh doanh của khách sạn vẫn diễn ra bình thường. Bởi vậy, ngoài việc bảo đảm an toàn từng ngóc ngách, đường đi, ổ cắm điện đến các vật thể nhỏ như bật lửa, bóng đèn... trong khách sạn, đội kiểm soát còn phải kiểm tra an ninh từng du khách và đồ vật họ mang theo.
Trong những ngày hội nghị diễn ra, bất chợt một hôm khoảng hơn 23 giờ, Đội xử lý bom, mìn chống khủng bố nhận được lệnh, tại ngã 3 đường, gần vị trí nghỉ của các đoàn tham dự hội nghị xuất hiện một chiếc vali lạ. Nhanh chóng, các lực lượng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được triển khai, bí mật sơ tán người dân. Đội xử lý bom, mìn chống khủng bố triển khai lực lượng tiếp cận mục tiêu, xác định chiếc vali có chứa chất nổ hay không.
Chiếc vali lạ xuất hiện khiến bầu không khí bảo đảm an ninh vốn đã căng thẳng càng trở nên áp lực hơn bội phần. Một sơ suất nhỏ, gây ra tiếng nổ cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến vị thế, uy tín quốc gia. “Đến bây giờ tôi vẫn cảm thấy căng thẳng mỗi khi nhớ đến khoảnh khắc được giao nhiệm vụ tiếp cận chiếc vali”, anh Tuấn nhớ lại. Do yêu cầu kiểm tra, anh Tuấn phải trực tiếp đến gần chiếc vali và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ. Mọi thao tác kỹ thuật, kỹ năng sử dụng thiết bị được anh Tuấn thực hiện nhuần nhuyễn, chuẩn xác, an toàn tuyệt đối. Sau khi chiếc vali được xác định an toàn, đưa đi xử lý, anh Tuấn thở phào nhẹ nhõm, như vừa bước qua trận chiến sinh tử. Anh cho rằng: “Trong các khoảnh khắc đối diện với vật liệu nổ do những kẻ khủng bố bố trí, chúng tôi đều xác định phải hoàn thành tốt nhiệm vụ, thậm chí sẵn sàng hy sinh tính mạng. Đó là nhiệm vụ thiêng liêng của người lính”. Chính vì vậy, mỗi lần nhận nhiệm vụ mới, những chiến sĩ Đội xử lý bom, mìn chống khủng bố đều viết bản “Quyết tâm thư”.
Chia tay chúng tôi, Đại tá Dương Văn Chúc, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trung tâm CNXLBM chia sẻ: “Dù được trang bị nhiều loại máy móc hiện đại nhưng bản lĩnh, ý chí quyết tâm của bộ đội mới là yếu tố quyết định đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ”. Những năm qua, Trung tâm CNXLBM đã thực hiện hàng trăm nhiệm vụ ứng trực, tham gia bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị, ngoại giao quan trọng của Đảng, Nhà nước, Quân đội, nổi bật như: Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 25 tại Đà Nẵng (2017); các hội nghị trong năm Việt Nam là Chủ tịch ASEAN (2020); Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; các kỳ họp Quốc hội... Mỗi sự kiện được bảo đảm an toàn tuyệt đối và thành công đều ghi dấu những đóng góp âm thầm của cán bộ, chiến sĩ Trung tâm CNXLBM.
VĂN TUẤN