Sau khi cơm nước xong, đến khoảng 9 giờ sáng, đơn vị tổ chức cuộc họp, thống nhất phương án tác chiến đánh đồn địch. Trong cuộc họp, đơn vị quyết tâm rất cao. Đây là lần đầu tiên chúng tôi giáp mặt với quân thù, với bom đạn nên trong lòng mỗi người không phải không có những tâm tư, suy nghĩ. “Sống chết rồi đây sẽ chỉ một phút, hay một giây. Không biết vào trận chiến, mình sẽ ra sao, đơn vị mình sẽ ra sao, người còn, người hy sinh. Dứt khoát phải hoàn thành nhiệm vụ được giao...” - những suy nghĩ ấy cứ miên man trong tôi trên đường từ buổi họp trở về hầm.
Trăn trở là vậy, song tôi cũng rất vui vì lúc này, cả đơn vị đang rất sôi nổi khí thế trước ngày bước vào trận đánh. Người chuẩn bị lựu đạn, tra thủ pháo, người lau chùi súng đạn sáng loáng. Những quả đạn B40, B41 như bắp chuối còn thơm mùi sơn.
Gần tối, chúng tôi chuẩn bị đi ngụy trang. Áo cỏ, mũ cỏ đã đầy đủ, rồi đi cạo soong lấy nhọ nồi... Mọi việc chuẩn bị đã xong. Trung đội trưởng kiểm tra lần cuối. Mệnh lệnh hành quân đi chiến đấu được phát ra. Tôi ngồi chung xuồng với 3 đồng chí. Trời tối dần, dọc kênh chỉ có tiếng bai chèo đẩy nước lùi lại. Phía xa, những quả pháo sáng của địch bắn lên như những ngọn đèn treo lơ lửng giữa bầu trời. Đến vị trí chuẩn bị đã được định sẵn, tôi nghe rõ tiếng đồng chí Bầu-Trung đội trưởng hạ lệnh cập bến. Tôi lái sát xuồng vào bờ, đưa đồ đạc lên, ngụy trang xuồng, rồi mặc quần áo cỏ, đội mũ cỏ, nai nịt thủ pháo, súng, đạn sẵn sàng!
|
|
Vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Văn Đảng trong một lần trở lại chiến trường xưa. Ảnh: BÍCH TRANG |
Mũi của tôi được lệnh tiến vào khu trung tâm đồn địch. Lúc đầu đi khom rồi tiếp đến bò sát đất. Cả mũi im lặng, đôi lúc nghe có tiếng sột soạt nho nhỏ do anh em cử động nhẹ. Thỉnh thoảng, những quả pháo sáng của địch lóe lên trên bầu trời, tôi nhìn thấy quanh mình những khuôn mặt đồng đội được bôi trát đen sì màu nhọ nồi, những cặp mắt long lanh chăm chú quan sát đồn địch. Trước mắt tôi, đã thấy rõ 3 lô cốt địch to như 3 đống rơm. Bất ngờ có tiếng của pháo địch bay rào rào. Chúng bắn từ chi khu xuống. Cả mũi chúng tôi không ai việc gì. Trong lòng chúng tôi lo lắng, có khi nào địch phát hiện ra kế hoạch của mình không? Sao hôm nay chúng bắn nhiều về hướng này và trong đồn địch báo động liên tục vậy?...
Nhưng không, đó chỉ là quy luật của địch, cứ tối trời sợ ta đánh vào nên chúng báo động như vậy. Theo mệnh lệnh cấp trên, chúng tôi lại tiếp tục bò vào qua hàng rào thứ nhất, rồi hàng rào thứ hai, đặt quả mìn ĐH10, dóng dây dẫn ra xong, chuẩn bị tư thế xung phong. Những khẩu B40, B41 sẵn sàng chờ lệnh khai hỏa. Giữa lúc im ắng ấy, tôi còn nghe được tiếng những tên lính trong đồn gọi nhau thay gác. Chúng vẫn chiếu đèn pin xung quanh nhưng do ngụy trang tốt lẫn với màu cỏ nên không phát hiện được chúng tôi. Đồng chí Mão, Đại đội trưởng Đại đội 1 vẫn bò đi, bò lại đếm từng chiến sĩ, dặn dò động viên. Chúng tôi nằm im chờ lệnh của trung đoàn. Trong lúc ấy, tôi nghe rõ từng tiếng tim mình đập, hồi hộp quá. Đây là trận chiến đấu đầu tiên!
Đúng giờ G, pháo hiệu bắn lên. Đại đội trưởng Mão hô to: “Bấm mìn”. Nhưng mìn không nổ. Nhìn sang bên, tôi thấy lửa xanh lòe rồi, những tiếng nổ vang trời từ hỏa lực B40, B41 bắn vào lô cốt địch. Những cột khói cuồn cuộn bốc lên trong đồn địch. Xung phong, anh em nhảy qua 5 hàng rào địch. Nhưng vì mìn phá rào không nổ nên thời gian nhảy rào lâu, chúng kịp thời phản kích. Anh em bị thương và hy sinh nhiều. Tôi ở tổ dự bị nhảy tiếp nhưng địch bắn dữ quá, bên trái, bên phải, pháo địch nổ liên hồi. Đứng bên này tôi nghe có tiếng rên nhỏ. Tôi lập tức nhảy qua hàng rào ôm lấy đồng chí mình. Nhưng hàng rào cao đến cổ, tôi bảo anh cố đứng dậy với ý định sau đó sẽ nhấc anh qua rào. Nhưng anh nói: “Tôi gãy chân rồi không đứng được”.
Trong lúc này chậm trễ là nguy hiểm, tôi vội cúi xuống, lấy hết sức bế xốc anh lên đỉnh hàng rào, may quá lúc đó lại có một đồng chí ở bên ngoài theo đà đỡ được luôn. Tôi nhảy qua rào ra ngay phía sau, chạy đuổi theo và cùng anh khiêng đồng chí bị thương đi. Lúc này tôi mới để ý, người cùng khiêng với tôi là đồng chí Thiệu-cũng là chiến sĩ mới. Còn người bị thương là đồng chí Liêu, Chính trị viên phó đại đội, người dân tộc Mường, quê ở Hòa Bình.
Pháo địch vẫn bắn dữ dội. Tôi và đồng chí Thiệu vừa cõng lại vừa khiêng anh Liêu. Anh cũng đau vì gãy xương mà không có gì để cố định được giữa đồng nước trắng. Chúng tôi đưa anh ra cách xa khoảng 300m để cho quá tầm bắn của súng M79 địch ở đồn bắn ra, nhưng lại gặp pháo ở chi khu bắn đến. Chúng tôi lại phải khiêng anh Liêu quay vào để tránh pháo.
Trời gần sáng, cứ ở đây sẽ bị địch bắt sống. Dù sao, chúng tôi cũng phải ra khỏi khu vực này. Nhưng vào một đường, bây giờ lại ra một đường giữa đồng nước mênh mông giống nhau, chúng tôi không biết đi hướng nào. Anh Liêu bị thương nhưng vẫn tỉnh táo, anh lại chính là người chỉ hướng cho chúng tôi đi. Hai người thay phiên nhau, khi tôi cõng, đồng chí Thiệu đỡ chân anh, lúc thì ngược lại. Pháo bắn gần, chúng tôi nằm rạp xuống che đỡ pháo cho anh. Qua đoạn dài, chân chúng tôi mỏi rụng rời. May quá đến một bờ cỏ nhưng vẫn có nước sấp mắt cá chân có thể nghỉ tạm. Chúng tôi phải vơ cỏ vun lại để anh nằm. Lúc này, tôi gần như mệt lả. Sau đó, đồng chí Thiệu bảo tôi ở lại, còn anh đi dò đường và tìm xuồng.
Tôi nửa nằm, nửa ngồi ôm anh Liêu trong lòng. Tôi nghẹn ngào vì vết thương của anh, còn anh không một tiếng rên la mà lại hỏi tôi xem đồng đội ra đủ chưa. Tôi nói: “Anh em ra đủ cả rồi”, cảm thấy dường như anh còn muốn nói với tôi điều gì nữa. Tôi hỏi anh: “Có sao anh cứ nói”. “Tôi thấy khó thở và rét quá”- anh Liêu trả lời. Giữa cánh đồng mênh mông này tôi biết lấy gì để đắp cho anh ấm được. Tôi cởi chiếc áo cỏ của mình đắp lên người anh và vơ cỏ xung quanh độn thêm vào cho anh nằm mà người anh vẫn run lên từng cơn. Không chỉ gãy chân, anh còn bị thương nhiều chỗ, chúng tôi mới băng được những vết thương lớn mà thôi. Chợt tôi sờ dưới vết thương đã được băng thấy nó lồi ra. Tôi sờ đi sờ lại vết thương thì thấy cái gì nhờn nhờn bằng ngón tay út nằm dọc bắc qua vết thương. Tôi đoán là con đỉa, cũng không dám chắc, biết đâu nó là mạch máu mà dứt ra thì anh sẽ chết vì mất máu. Suy đi nghĩ lại, không còn cách nào khác, tôi đánh liều lồng ngón tay bấm thử một đầu. May quá đúng là đỉa rồi. Nó ăn no nên khẽ động vào là rơi ra. Từ lúc này, tôi liên tục sờ và gỡ đỉa cho anh hết chân này đến chân khác xong lại đến chân tôi.
Tìm thấy đường, anh Thiệu quay lại, thế là hai chúng tôi lại đưa anh Liêu đi tiếp. Trời đã tang tảng sáng. Máy bay địch lại đang quần thảo. Chúng thả đèn pháo sáng và bắn đạn bừa bãi khắp nơi. Đưa được anh Liêu ra đến bờ kênh, tôi vội tìm đường đi lấy xuồng. Mới đi được chừng 30m thì một quả pháo nổ cách tôi khoảng 1m. Do sức ép của nó, ngực tôi đau tức, tai ù đi. Đất và nước vùi đầy người. Tôi sờ quanh người thấy không bị thương. Đồng chí Thiệu chạy ra ôm lấy tôi mừng quá vì tưởng tôi đã chết. Vừa lúc đó thì gặp chiếc xuồng bơi đến, người lái xuồng cùng chúng tôi đưa anh Liêu xuống xuồng và cấp tốc về tiểu đoàn. Khi đến ngã ba sông có nhà dân, chúng tôi tạt xuồng vào hỏi thăm về Kênh 19, là nơi tiểu đoàn đóng quân thì họ nói “cách khoảng 3km”. Chúng tôi lại hỏi đường về bệnh xá gần nhất, người dân bảo cách khoảng 4km. Nghe dưới xuồng có thương binh kêu rét, một chị đem ra một chiếc chăn và một chiếc gối đắp cho anh. Bà con xúm lại và đem xuồng máy của họ chở chúng tôi đến bệnh xá. Lúc đó mặt anh Liêu đã tái sạm, mắt thâm quầng nhưng vẫn rất tỉnh táo. Lúc chia tay, giọng run run anh dặn: “Các đồng chí về đơn vị chiến đấu tốt, cho tôi gửi lời hỏi thăm anh em trong đơn vị với nhé. Tôi có lẽ không qua khỏi...”.
Chúng tôi bơi xuồng thật nhanh mong sao sớm trở lại đơn vị. Khi về tới nơi, tôi nhìn xung quanh, không thấy đồng chí Bầu-Trung đội trưởng và đồng chí Định to béo nhất đơn vị đâu. Tôi hỏi lớn: “Còn anh Bầu và đồng chí Định đâu?”. Tất cả anh em cúi mặt, im lặng và cho biết hai đồng chí đã anh dũng hy sinh. Vừa lúc đó có điện thông báo, Chính trị viên phó đại đội Liêu đã hy sinh. Thế là không kìm được cảm xúc, chúng tôi bật khóc nức nở...
Trước bàn thờ đại đội mới lập, chúng tôi hứa quyết tâm giết giặc trả thù cho các anh. Và ngay tối hôm đó, đơn vị chúng tôi lại hành quân lên đường thực hiện nhiệm vụ chiến đấu mới.
NGUYỄN VĂN ĐẢNG