10 năm trở lại đây, Nhà máy A40 có sự đột phá mạnh mẽ trong nghiên cứu khoa học. Nhiều sản phẩm công nghệ đặc chủng trong lĩnh vực bảo đảm bay do Nhà máy sản xuất được đưa vào sử dụng, thay thế các sản phẩm điện tử thế hệ cũ cùng chức năng của nước ngoài. Những sản phẩm này tích hợp các công nghệ tiên tiến, tương đồng và thậm chí vượt trước sản phẩm cùng loại do nước ngoài sản xuất.

Bước vào Nhà máy A40, chúng tôi khá ấn tượng với không gian làm việc quy củ và tĩnh lặng, trái ngược với nhịp sống hối hả bên ngoài. Điểm nổi bật nhất trong Nhà máy là khu nhà 6 tầng được đưa vào hoạt động từ năm 2014. Trung tá Mai Tuấn Hùng, Trưởng phòng Kỹ thuật của Nhà máy nói với chúng tôi: Nơi đây được ví như khối óc của Nhà máy. Tòa nhà này có 4 phân xưởng (radar bảo đảm bay, đối không định hướng, thông tin chỉ huy, dẫn hướng) và nơi làm việc của Phòng Kỹ thuật. Từ đây, những năm qua, nhiều đề tài khoa học, sáng kiến và giải pháp khoa học-công nghệ của Nhà máy A40 được ra đời, phục vụ đắc lực cho các đơn vị không quân trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

Tiến vào các phân xưởng, chúng tôi chỉ còn nghe thấy tiếng giày của chính mình. Trong Phân xưởng radar bảo đảm bay, một nhóm cán bộ, nhân viên đang chụm đầu trên bàn trao đổi chuyện gì đó. Một người trong số họ đứng dậy và tiến về phía chúng tôi. Đó là Đại úy Nguyễn Trung Kiên, Phó quản đốc Phân xưởng radar bảo đảm bay. Anh khoe: "Chúng tôi mới nhận tin vui!"

Thì ra, sau một năm rưỡi nghiên cứu, chế tạo, sản phẩm có tên “Giá bàn sửa chữa khối khuếch đại công suất băng L” của các anh đưa đi tham dự Hội thi sáng tạo trẻ Binh chủng Thông tin liên lạc đã đoạt giải Nhất. Ngoài thiết kế phần cứng, anh Kiên viết cả chương trình hoạt động cho sản phẩm. Với nghiên cứu này, từ nay việc sửa chữa đài radar hạ cánh RSP-10MV ở các sân bay sẽ vô cùng tiện lợi, các khối modul mạch điện thành phần không phải gửi ra nước ngoài kiểm tra, sửa chữa, nhờ đó tiết kiệm rất lớn thời gian và kinh phí. Trước đây, để làm công việc này, các nhân viên phải tháo khối modul rồi dùng đồng hồ đo kiểm từng linh kiện và mạch điện trong đó. Có nhân viên và kỹ sư phải mò mẫm cả ngày mà chưa tìm ra được kết quả chính xác.

Sau khi giới thiệu vài nét chính về sản phẩm, Đại úy Nguyễn Trung Kiên lấy một khối modul linh kiện và liên kết với hệ thống. Sau vài thao tác trên bàn phím, chưa đầy một phút, kết quả kiểm tra đã hiện trên màn hình. Sản phẩm này có độ chính xác cao, tích hợp nhiều công nghệ mới; tự động đánh giá chất lượng của đối tượng được kiểm tra, kết xuất và in kết quả đo kiểm. Giao diện phần mềm điều khiển trực quan, dễ sử dụng, hiển thị được đầy đủ các tham số kiểm tra. Không chỉ thế, sản phẩm rất nhỏ gọn, tương thích hoàn toàn về mặt cơ khí-điện với các đối tượng kiểm tra... Anh Kiên cho biết, trong thời gian tới, nhóm đề tài tiếp tục nghiên cứu nâng cấp, tối ưu hóa các phần mềm để tăng độ chính xác và bổ sung thêm những chức năng khác.

leftcenterrightdel
Đại úy Nguyễn Trung Kiên (người ngồi) thao tác trên thiết bị “Giá bàn sửa chữa khối khuếch đại công suất băng L”. 

Chia tay những nhà nghiên cứu ở đây, Trung tá Mai Tuấn Hùng đưa chúng tôi đến Phân xưởng dẫn hướng do Thượng tá Lương Mạnh Trung làm Quản đốc. Anh Trung kéo chúng tôi ra góc xưởng để chiêm ngưỡng chiếc đèn tín hiệu ánh sáng KNS-V mới được thiết kế, chế tạo. Sau khi ấn nút cấp nguồn và khởi động, hàng nghìn bóng led tích hợp quanh cột trụ có đường kính khoảng 50cm, cao gần 2,5m phát sáng đỏ lòa.

Mặc dù đã được "cảnh báo" từ trước nhưng ánh sáng quá mạnh khiến chúng tôi như đồng thanh phải thốt lên: "Úi!". Mắt theo phản xạ nhắm tịt lại, đồng thời phải quay mặt đi. "Đây mới chỉ là mức ánh sáng thấp"-Thượng tá Lương Mạnh Trung tủm tỉm. Chiếc đèn này phát ra ánh sáng giúp phi công cách sân bay tới hơn 40km cũng nhìn được để lấy làm chuẩn, từ đó điều khiển máy bay hạ cánh. Về ý tưởng để chế tạo ra sản phẩm này, anh Trung kể: "Các sân bay quân sự của chúng ta được trang bị loại đèn tín hiệu ánh của nước ngoài, đã sử dụng từ lâu. Đèn này giúp phi công quan sát bằng mắt hướng về vị trí hạ cánh thông qua ánh sáng được mã hóa dưới dạng ký tự chữ cái và số trong điều kiện thời tiết phức tạp và ban đêm ở khoảng cách 20km. Trải qua thời gian sử dụng hàng chục năm, loại bóng đèn này dần hỏng hóc, không thể sửa chữa, thay thế bởi nhà sản xuất nước ngoài đã ngừng sản xuất".

Để giải quyết vấn đề trên, cán bộ, nhân viên Phân xưởng bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo đèn tín hiệu ánh sáng KNS-V. Nó gồm hàng nghìn chiếc đèn led mắc nối với nhau bằng mạch và vật liệu cách điện đặc biệt, có thể chịu được sức nóng tới hơn 1.0000C. Phía trên của đèn có hệ thống quạt tản nhiệt bảo đảm cho nó hoạt động ổn định trong thời gian dài. Đèn có hệ thống tự cung cấp điện khi mất nguồn điện lưới.

Anh Trung ghé tai chúng tôi nói nhỏ, sản phẩm này được nghiên cứu dựa trên việc áp dụng các lý thuyết hiện đại: Thiết kế các mạch chức năng trên những vi mạch bán dẫn tích hợp tăng tính ổn định khi hoạt động trong thời gian dài ở điều kiện khắc nghiệt; sử dụng vi điều khiển tích hợp phần mềm để tạo mã, có thể điều chỉnh được độ giãn cách thời gian của mã, điều chỉnh cường độ sáng và kiểm soát các tham số nhiệt độ, dòng điện.

Từ sản phẩm này, các anh có thể thiết kế, chế tạo các loại đèn biển có chức năng giúp tàu thuyền xác định vị trí, dẫn hướng trên biển, góp phần bảo đảm an toàn hàng hải. Đặc biệt là chủ động được nguồn vật tư, tiết kiệm ngân sách và không phải mua của nước ngoài.

Đây chỉ là hai trong số hàng chục sản phẩm công nghệ cao thuộc lĩnh vực bảo đảm hàng không mà Nhà máy A40 đã nghiên cứu, chế thử và "trình làng" từ năm 2008 đến nay. Các sản phẩm này sử dụng cho tất cả các loại máy bay chiến đấu tiêm kích từ MIG-21 cho đến dòng tiêm kích đa năng hiện đại nhất mà Không quân Việt Nam đang khai thác, như SU-27, SU-30MK2.

Một trong những sản phẩm gây sự chú ý nhất đối với chúng tôi ở Nhà máy A40 chính là máy phát dẫn hướng DHA-8 và các phiên bản rút gọn. Thượng tá Lương Mạnh Trung, kỹ sư được đào tạo chuyên ngành điện-điện tử ở Học viện Kỹ thuật Quân sự là một trong những cán bộ trực tiếp góp công nghiên cứu, chế tạo ra phẩm này.

Anh kể, các loại máy dẫn hướng thế hệ mới do nước ngoài sản xuất, trong quá trình khai thác, sử dụng huấn luyện, chuyện xảy ra trục trặc, hỏng hóc là không thể tránh khỏi. Mỗi lần sửa chữa đều phải mời chuyên gia từ nước sản xuất sang Việt Nam hoặc gửi đến cho họ. Điều này rất mất thời gian, chi phí tốn kém. Với quyết tâm làm chủ, Nhà máy đã thiết kế, chế tạo ra máy dẫn hướng mới mang tên DHA-8, tích hợp công nghệ hiện đại và đặc biệt là chủ động được nguồn linh kiện thay thế.

Nhớ lại quá trình nghiên cứu chế tạo DHA-8 của mình, anh Trung kể: "Khi được bổ sung vào nghiên cứu đề tài bán dẫn hóa khối khuếch đại công suất và đường truyền cao tần máy phát dẫn hướng Pap-8 của nước ngoài, tôi rất lo lắng. Có không ít khó khăn trong tìm kiếm vật tư, linh kiện, như các cuộn dây cao tần, biến áp cao tần, lọc cao tần... để đáp ứng các tiêu chí về tham số kỹ thuật".

Sau nhiều ngày đêm trăn trở, suy nghĩ và tính toán, cuối cùng, Thượng tá Lương Mạnh Trung đề xuất phương án chế tạo một thiết bị tự động có tên “Bện và bọc dây cao tần BBRF4009” để sản xuất dây đồng bện sử dụng cho mục đích chế tạo các cuộn dây cao tần, lọc cao tần, biến áp tín hiệu, biến áp công suất. Sáng kiến này đã giải quyết được khó khăn trong chế tạo vật tư, linh kiện để chế tạo ra chiếc máy DHA-8. Tiếp đó, anh còn trực tiếp xây dựng, lắp ráp, chế tạo 1 tổ hợp chẩn đoán, 2 giá thành phần, xây dựng các đầu bài toán đo kiểm, phối kết hợp chặt chẽ viết chương trình phần mềm cho các bài toán đo kiểm để cho ra tổ hợp DHA-8.

Chúng tôi đã được chứng kiến kết quả hoạt động của chiếc máy dẫn hướng DHA-8 do Nhà máy A40 sản xuất và so sánh với máy phát dẫn hướng Pap-8 của nước ngoài cung cấp bằng mắt. Về hình thức, các kỹ sư, thợ kỹ thuật Nhà máy A40 đã rút gọn các khối modul nhỏ hơn so với máy Pap-8. Về công nghệ, máy DHA-8 được tích hợp linh kiện bán dẫn mới, các vi điều khiển lập trình tích hợp phần mềm nhúng thuận tiện, thân thiện với người dùng. Đặc biệt, các kỹ sư Nhà máy đã thiết kế 1 máy có 2 vế để sẵn sàng tự động thay thế khi vế kia bị hỏng. Đến nay, các sĩ quan điều khiển ngồi trong xe DHA-8 không phải mất thời gian, công sức để tính toán như trên xe Pap-8 mà chỉ thông báo kết quả máy tính hiển thị cho phi công.

(Còn nữa)

Bài và ảnh: MẠNH THẮNG - LIÊN VIỆT