Bảo đảm kỹ thuật hàng không cho các đơn vị không quân là phần công việc rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ an toàn trong cất, hạ cánh của phi công; tác động đến kết quả huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và sức mạnh của các máy bay quân sự. Như đã nhắc đến ở bài 1, trước đây, máy móc và thiết bị dùng vào công việc này đều do nước ngoài cung cấp, chuyển giao cho các đơn vị không quân. Nhà sản xuất nước ngoài nắm công nghệ lõi, do đó, việc phụ thuộc vào nhà sản xuất, cung cấp khí tài, linh kiện là không tránh khỏi. Nó dần trở thành thói quen, làm cho tư duy phụ thuộc ăn sâu trong nếp nghĩ.
Hết sức trăn trở, Nhà máy A40 hạ quyết tâm phải đoạn tuyệt với tình trạng này. Họ đã đạt được những đột phá trong nghiên cứu khoa học, chế thử và cho ra các sản phẩm khoa học-công nghệ, đặc biệt là việc chủ động nguồn linh kiện thay thế. Tư duy phụ thuộc đã không còn nữa.
Thượng tá Phạm Ngọc Long, Phó giám đốc Nhà máy A40 là một trong những cán bộ công tác lâu năm, nắm rất rõ những bước tiến của Nhà máy trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay. Anh chia sẻ, nghiên cứu khoa học được xem là con đường ngắn nhất để cho ra sản phẩm hữu dụng, phục vụ đời sống con người, xã hội. Trong điều kiện khoa học-công nghệ phát triển, sản phẩm nghiên cứu cũ trở nên lỗi thời, lạc hậu, không phù hợp ngày càng nhiều. Thế nên, việc nghiên cứu làm chủ công nghệ lõi có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Ở Nhà máy A40, các kỹ sư đều sử dụng thành thạo, nhuần nhuyễn ngôn ngữ lập trình để viết mã và phát triển ứng dụng. Bên cạnh đó, họ cũng làm chủ ứng dụng các công nghệ mới, như: Khuếch đại cao tần băng X với công nghệ bán dẫn; sản xuất module mảng mạch RF trên nền tảng mạch dải (microtrip), công nghệ xử lý tín hiệu trên card đồ họa GPU, xử lý tín hiệu I/Q, giao thức truyền số liệu cho các thiết bị hàng không Arin429; vi điều khiển tích hợp phần mềm nhúng viết trên ngôn ngữ VHĐL, C++...
    |
 |
Một ca làm việc của cán bộ, kỹ sư Phân xưởng Dẫn hướng. |
Đại tá Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Nhà máy A40 nhớ lại, vào năm 2014, Nhà máy thực hiện nhiệm vụ cải tiến, hiện đại hóa radar hạ cánh RSP-10 (RP-10MV), nhằm đồng bộ trong hệ thống thông tin bảo đảm bay của Quân chủng Phòng không-Không quân đến năm 2030. Khi anh đến báo cáo dự án với Thượng tướng Trương Quang Khánh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng thì nhận được lời khuyên, nếu Nhà máy chưa chắc chắn, chưa thấy hội tụ đủ trình độ, năng lực thì để việc ấy cho đơn vị khác, rồi nhận chuyển giao sẽ nhẹ nhàng hơn. Anh báo cáo lại thủ trưởng rằng, Nhà máy đã có đội ngũ cán bộ, kỹ sư và nhân viên làm chủ công nghệ lõi và chắc chắn sẽ thực hiện được nội dung dự án. "Lúc ấy, thủ trưởng vẫn chưa phê duyệt dự án và nói: Đồng chí về xem lại cho thật chắc chắn rồi báo cáo lại"-Đại tá Nguyễn Đình Tùng chia sẻ.
Ngay tối đó, hội nghị Đảng ủy Nhà máy được mở. Các đảng ủy viên và cán bộ Nhà máy thống nhất rằng, với lực lượng và phương tiện, trang bị hiện có, Nhà máy A40 hoàn toàn có thể làm được dự án. Nếu thành công, Nhà máy sẽ thu về được 4 thắng lợi có thể nhìn thấy là: Mang lại hiệu quả kinh tế cao; chủ động về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; rút ngắn thời gian, không phải chờ đợi; làm chủ được khoa học-công nghệ, nâng trình độ nghiên cứu, quản lý của Nhà máy lên một bước mới.
Bằng tinh thần nhiệt huyết của mình, Nhà máy A40 đã được thủ trưởng Bộ Quốc phòng đồng ý và ký phê duyệt thực hiện dự án. Những ngày sau đó, toàn bộ kỹ sư, cán bộ kỹ thuật giỏi nhất của Nhà máy được tập hợp lại và phối hợp với chuyên gia Eldis của Cộng hòa Séc tiến hành nghiên cứu. Các sản phẩm khoa học lần lượt ra đời, được thử nghiệm, hiệu chỉnh và ráp nối với nhau. Năm 2021, dự án hoàn thành đúng tiến độ và đạt hiệu quả như mục tiêu đề ra.
Ngoài nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa vừa và lớn các khí tài đặc chủng trong bảo đảm hàng không, Nhà máy A40 còn có nhiệm vụ cử lực lượng sẵn sàng cơ động đến sân bay quân sự khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước để hỗ trợ các đơn vị. Các kỹ sư ở mọi nơi quy tụ về đây, từ các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội, có cả từ cơ sở đào tạo nước ngoài. Họ có điểm chung là niềm say mê vô tận với khoa học-công nghệ. Họ sẵn sàng lên đường đến các sân bay quân sự để nắm bắt thực tiễn, tìm ra những mâu thuẫn. Còn ở Nhà máy, nhiều kỹ sư thức trắng đêm làm việc trên máy tính. Họ làm đi làm lại một vi mạch cho đến khi thành công mới thôi. Có những kỹ sư ra ngoài biển, đảo để nghiên cứu và nắm bắt chất lượng hoạt động của thiết bị mới hằng tháng.
Hiện nay, Đảng ủy, Ban giám đốc Nhà máy khuyến khích các cán bộ, kỹ sư và các tập thể đầu tư nghiên cứu mạo hiểm để có nhiều dự án gối nhau, thay vì làm theo quy trình, được cấp trên phê duyệt mới bắt tay vào triển khai. Anh Tùng tâm sự, những ưu điểm trên cũng khiến anh rất lo lắng vì sợ mất nhân tài. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã tìm mọi cách để móc nối với các cán bộ, kỹ sư trong Nhà máy bằng nhiều mối quan hệ. Họ đưa ra những ưu đãi rất "khủng" về lương, thưởng và các chế độ đãi ngộ khác để thu hút chất xám.
Trước thực trạng trên, Đại tá Lê Văn Xuân, Chính ủy Nhà máy A40 đã thông tin, ngoài thường xuyên nắm bắt, động viên và tiến hành công tác tư tưởng, trong nghị quyết chuyên đề về thực hiện Nghị quyết số 382-NQ/ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) “Về lãnh đạo công tác kỹ thuật trong tình hình mới”, Đảng ủy Nhà máy đặt ra các chỉ tiêu cao, nhất là đánh giá chất lượng cán bộ dựa trên cơ sở nguyên tắc người thật, việc thật, năng lực thật. Có nhiều giải pháp đưa ra để thực hiện các chỉ tiêu, trong đó chú trọng đến đề nghị trên bổ nhiệm cán bộ vào các chức danh quản lý dù tuổi đời còn trẻ. Công tác chính sách hậu phương Quân đội cũng được chú trọng, nhằm tạo ra động lực để cán bộ trẻ cống hiến chất xám nhiều hơn.
Đặc trưng ở các đơn vị Quân đội là sử dụng mệnh lệnh, kế hoạch để giải quyết công việc. Đây cũng là một phần nguyên nhân dễ dẫn đến thói gia trưởng và cho kết quả công tác không cao, thậm chí tạo ra khoảng cách lớn giữa cán-binh trong cuộc sống đời thường. Ở Nhà máy A40 thì không có vấn đề đó mà thay bằng không khí làm việc dân chủ. Các cán bộ trong Ban giám đốc có thể chụm đầu để bàn bạc với kỹ sư trẻ, thậm chí tranh luận kịch liệt về một giải pháp khoa học nào đó. Với họ, phản biện khoa học là động lực để phát huy tố chất cá nhân, xây dựng đoàn kết, ra được sản phẩm hoàn thiện. Chắc cũng vì lẽ đó mà thương hiệu của Nhà máy A40 luôn được bồi đắp và vang xa. Với những gì họ đã xây được, chúng tôi tin trong tương lai, A40 sẽ trình làng nhiều sản phẩm khoa học bảo đảm hàng không chuyên biệt và có thể xuất khẩu ra nước ngoài.
Ngày 9-8-1968, Quân chủng Phòng không-Không quân đã ban hành Quyết định số 715/TM-QL chuyển Trạm Sửa chữa thông tin thành Xưởng Sửa chữa thông tin phòng không-không quân với phiên hiệu “Xưởng A30”. Đến năm 1999, sau khi Quân chủng Phòng không-Không quân được tái thành lập, Xưởng A30 và Xưởng A40 sáp nhập, lấy phiên hiệu Nhà máy A40. Đến nay, Nhà máy đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Chiến công hạng Nhì, Ba; cùng nhiều khen thưởng của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Quân chủng Phòng không-Không quân.
Nhà máy A40 đã nghiên cứu, chế tạo thành công máy bay không người lái bay tự động; cải tiến hệ thống dẫn đường xung, máy thu màn hình VICO kéo dài đài vô tuyến dẫn bay gần RSBN-4N; cải tiến xe đài định hướng tự động ARP-9; nghiên cứu, sản xuất máy ghi âm kỹ thuật số GA-05. Năm 2008, Nhà máy nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công các phiên bản máy dẫn hướng DHA-8, thay thế hoàn toàn các loại máy dẫn hướng Pap-8 và 605 do Liên Xô và Trung Quốc sản xuất. Sản phẩm được Hội đồng khoa học Tổng cục Kỹ thuật và Quân chủng Phòng không-Không quân nghiệm thu, cho phép đưa vào sản xuất hàng loạt. Giai đoạn 2015-2020, Nhà máy thực hiện thành công hai dự án, đề tài cải tiến cấp Bộ Quốc phòng, hiện đại hóa radar chỉ huy hạ cánh RSP-10, cải tiến đài vô tuyến dẫn đường gần tự động RSBN-4N và đoạt giải Ba Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm 2017.
|
Bài và ảnh: MẠNH THẮNG - LIÊN VIỆT