Trong một lần đi kiểm tra ở Trung đoàn 261, Sư đoàn 361, tổ kỹ thuật của Phòng Tên lửa, Cục Kỹ thuật Quân chủng Phòng không-Không quân phát hiện thùng nhiên liệu một quả tên lửa bị nứt nằm trên bệ. Sau khi thống kê, nhận thấy số đạn hết niên hạn sẵn sàng chiến đấu phải hủy có gần 1.000 quả, tổ kỹ thuật đã làm văn bản báo cáo. Tư lệnh Lê Văn Tri rất lo lắng. Đầu năm 1969, Phòng Tên lửa triển khai nghiên cứu giải pháp tăng hạn cho tên lửa. Tôi và kỹ sư hóa Trần Dáng, Đỗ Bỉnh Khiêm, anh Quỳnh bắt đầu triển khai và phát hiện ra: Lượng chất có khả năng ức chế, chống ăn mòn ở thành thùng nhiên liệu đã hết tác dụng. Thế nên, để kéo dài thời hạn sẵn sàng chiến đấu của đạn tên lửa thì mấu chốt là bổ sung chất ức chế chống ăn mòn ở các đường ống, màng ngăn, thùng nhiên liệu. Thế là quy trình tăng hạn đạn tên lửa ra đời.

leftcenterrightdel

 Đại tá Hà Đăng Tín và phóng viên Báo Quân đội nhân dân kể về tên lửa. Ảnh: PHAN LONG

Trước hết, ta lấy nhiên liệu O và ᴦ ra rồi rửa sạch các khoang chứa, sấy thật khô, dùng thiết bị đặc biệt kiểm tra độ chịu đựng áp suất cao của từng khoang, bổ sung chất ức chế chống ăn mòn. Tiếp theo, ta tháo rời tầng đuôi, đầu đạn, cánh lái, xếp gọn vào thùng rồi kẹp chì. Bằng cách đó có thể kéo dài tuổi thọ cho toàn bộ số đạn còn lại thêm được 48 tháng.

Đầu năm 1972, nguồn đạn tên lửa nước bạn viện trợ hạn chế. Tháng 4-1972, địch leo thang gây chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai, nhu cầu sử dụng đạn tên lửa tăng mạnh. Trong khi đó, lực lượng dây chuyền lắp ráp đạn tên lửa rất thiếu vì cấp trên đã cắt một dây chuyền sản xuất đạn tên lửa thay vì hai dây chuyền như biên chế của Quân đội Liên Xô. Ngay cả xe chở đạn tên lửa TZM cũng bị điều đi làm việc khác.

Nhận thấy nguy cơ thiếu hụt đạn tên lửa, Quân chủng đã tổ chức hội nghị các tiểu đoàn kỹ thuật bảo đảm đạn cho đánh lớn. Các giải pháp được đưa ra là: Thành lập tổ sửa chữa lưu động; đôn đốc các công trường sửa chữa nhanh đạn; thành lập công trường sửa chữa đạn ở Sóc Sơn (Hà Nội) và Chí Linh (Hải Dương). Quân chủng cũng quyết định điều công trường sửa chữa đạn về Tiểu đoàn 80, Trung đoàn 257, Sư đoàn 361 để tăng cường cho tiểu đoàn thêm một dây chuyền lắp ráp. Các đội sửa chữa lưu động của các xưởng A34, A35, A37, A31 cùng các xe sửa chữa luôn ở tư thế sẵn sàng lên đường xuống các đơn vị hỏa lực và kỹ thuật để sửa chữa, khắc phục hư hỏng. Xưởng A34 nghiên cứu sản xuất thành công hàng trăm chốt cánh đạn chuyển cho A31 để kịp thời sửa chữa đạn tên lửa. Với mọi biện pháp chuẩn bị tích cực, đến hết tháng 11-1972, các dây chuyền đã sửa chữa được 220 quả đạn trong tổng số hơn 300 quả đạn hỏng, số còn lại chỉ lấy khối và phụ tùng. Đến trước ngày 15-12-1972, Quân chủng đã bảo đảm cho các đơn vị tại Hà Nội 208 quả (bằng 2,16 cơ số); Hải Phòng 173 quả (bằng 1,8 cơ số); Thanh Hóa hơn 100 quả (bằng 1,5 cơ số).

Trong những ngày đêm diễn ra chiến dịch, nhu cầu tiêu thụ đạn tên lửa rất lớn, các tiểu đoàn kỹ thuật không đủ lực lượng để sản xuất, dẫn đến thiếu cục bộ, có hiện tượng tiểu đoàn hỏa lực không có đạn trên bệ phóng. Trước tình hình đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu chỉ thị cho Quân chủng phải tìm mọi cách giải quyết đủ đạn cho các tiểu đoàn tên lửa và quyết định “tên lửa chỉ được dành để đánh B-52”. Bộ tư lệnh Quân chủng lệnh cho các đơn vị tên lửa phải “hết sức tiết kiệm đạn”, yêu cầu các tiểu đoàn hỏa lực phải tính toán kỹ phần tử, bảo đảm đạn bắn phải hạ được máy bay địch mới ra lệnh phóng.

Các tiểu đoàn kỹ thuật gấp rút đẩy nhanh tốc độ lắp ráp thông qua cải tiến quy trình, giảm thời gian thao tác ở một số công đoạn nên mỗi dây chuyền sản xuất tăng từ 8 quả đạn theo quy định lên 16 quả, 20 quả rồi đến 24 quả một ngày đêm. Nhiều tiểu đoàn đã có sáng kiến lắp ráp đạn ngay trên xe kéo và hợp lý hóa một số quy trình kỹ thuật. Kết quả là năng suất lắp ráp đạn một ngày đêm tăng lên gấp đôi. Trong toàn chiến dịch, bộ đội đánh 192 trận, tiêu thụ 333 quả đạn tên lửa, trong đó, các tiểu đoàn kỹ thuật sản xuất và tiếp 271 quả.

Kết thúc 12 ngày đêm của chiến dịch, sau khi kiểm tra, Phòng Tên lửa xác nhận còn tồn 700 quả đạn ở các nơi. Vài tuần sau, Liên Xô chuyển sang cho ta 200 quả tên lửa. Với số đạn nói trên, ta thừa sức đánh B-52 của Mỹ dài ngày.

Đại tá HÀ ĐĂNG TÍN - Nguyên Phó chủ nhiệm Kỹ thuật, Quân chủng Phòng không-Không quân