Đứng chân trên đất Lạng Giang, Bắc Giang từ năm 1982, mấy chục năm qua, được trên đầu tư và phát huy nội lực, chất lượng đời sống, sinh hoạt, nhất là đời sống văn hóa, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 3 (Quân khu 1) đã được cải thiện rõ nét. Nơi đây giống như một gia đình lớn, là môi trường thuận lợi nuôi dưỡng ước mơ tận hiến của cán bộ, chiến sĩ.
Tiếng lòng của binh nhất
Trung đoàn 2 (Sư đoàn 3), còn gọi là Đoàn An Lão, có khuôn viên đẹp như khu nghỉ dưỡng. Nơi đây có đồi thông hơn 300 cây được trồng đã mấy chục năm. Mùa này, thân thông mốc thếch, lá xanh thẫm. Trong cái rét ngọt cuối năm, đi dạo trên đồi nghe thông reo vi vu, tôi tưởng mình lạc vào Đà Lạt, xứ sở thông hoặc một khu nghỉ dưỡng nào đó. Tuy nhiên, điều hấp dẫn tôi không nằm ở đồi thông, cảnh quan đơn vị mà nằm ở những binh nhất tuổi đôi mươi.
Tôi gặp Binh nhất Nguyễn Hữu Mùi, người dân tộc Nùng, xạ thủ Trung đội súng chống tăng SPG-9 thuộc Tiểu đoàn 2, trong buổi tập văn nghệ. Ngày 21-12 tới, Hữu Mùi sẽ biểu diễn tiết mục độc tấu sáo bài “Hành khúc ngày và đêm” do nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sáng tác để thi với các đội bạn trong hội diễn chào mừng kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và Ngày hội quốc phòng toàn dân. Khi đã yên vị ở chỗ riêng tư, tôi hỏi Mùi:
- Ngày nhập ngũ vào đơn vị, em thấy ấn tượng nhất về điều gì?
- Hồi đó, ấn tượng lớn nhất với em là cảnh quan môi trường, ấn tượng thứ hai là với điều lệnh và kỷ luật.
Rồi Mùi chia sẻ, ngày chưa nhập ngũ, Mùi hay ngủ dậy muộn, đôi khi chẳng ăn sáng. Bạn bè ới nhau một cái là phóng xe đi chơi hai, ba ngày. Bị cha mẹ nhắc nhở thì Mùi lại tìm cách quanh co, bao biện.
- Thanh niên mà anh, có nghĩ được nhiều đâu. Còn vào đây giờ nào việc nấy, tất cả cứ răm rắp. Lúc đầu em khá lo lắng bởi thực tế khác xa với những gì em nhận thức và tưởng tượng từ thời học phổ thông.
- Ồ! Vậy làm thế nào mà em và đồng đội vượt qua được?
- Mỗi người một cách khác nhau anh ạ, nhưng em thấy có một điểm rất chung, đó là sự theo sát và chỉ bảo tận tình của đội ngũ cán bộ. Họ là "quan" nhưng không "cách"!
- Các anh ấy chỉ bảo thế nào?
- Khó nói hết được anh ạ. Các anh huấn luyện bọn em từ cách đi đứng, xưng hô, chào hỏi, thậm chí huấn luyện cả... giấc ngủ. Nói chung là các anh phổ biến, truyền đạt, hướng dẫn chúng em mọi điều hay lẽ phải trong cuộc sống.
- Trong một năm tại ngũ, em đã hình thành được thói quen tốt nào?
- Nhiều chứ anh, nhất là em đã có thói quen thích đọc sách. Những lúc rảnh, em lên thư viện tìm rồi mượn về đọc. Hiện em đang đọc cuốn “Những vùng đất tôi qua” của tác giả Đào Ngọc Du. Cuốn này khá hay vì có nhiều thông tin được tác giả chắt lọc và cách viết cũng khá thú vị.
Chia tay Mùi, chúng tôi sang Trung đội thông tin trực thuộc Tiểu đoàn 2. Sau một hồi làm quen, Binh nhất Ma Cao Sơn, quê ở huyện Định Hóa (Thái Nguyên) trải lòng:
- Từ bé đến lớn, em chưa được đến nơi nào có cảnh quan đẹp như ở đơn vị. Sau gần một năm gắn bó, lại thường xuyên được chỉ huy giao cắt tỉa, chăm sóc cây cảnh nên em thấy dường như mình rất hợp với nơi này. Tới đây, em được đơn vị cho nghỉ phép. Sau khi về phép lên, em sẽ tặng Tiểu đoàn một cây hoa giấy để tri ân những ngày tháng trong quân ngũ. Em làm việc ấy từ tâm và cũng giống như thế hệ các anh đi trước đã làm. Em nghĩ, đơn vị cũng giống như nhà mình, nếu mọi người đều chung tay làm đẹp thì sẽ tạo ra sự gắn bó, thương mến.
|
|
Phút giải lao của các chiến sĩ Trung đoàn 2, Quân khu 1. Ảnh: HUY KHÁNH |
Thời nào cũng vậy, bộ đội luôn căng mình với các bài huấn luyện trên thao trường, bãi tập, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, vấn đề đầu tiên là phải rèn luyện về điều lệnh và kỷ luật, qua đó rèn tâm lý, sức chịu đựng và hướng tới các mục tiêu cao hơn, từ dễ đến khó. Thực tế cho thấy, nếu tiến hành cứng nhắc thì rất khó có được kết quả mong muốn, khó biến nhận thức của bộ đội thành tự giác. Đặc biệt, nếu không có tình yêu, sự tận tình hướng dẫn của đội ngũ cán bộ thì chiến sĩ khó lòng gắn bó với đơn vị, chắc chắn không thể có những sản phẩm văn hóa, trong đó sản phẩm nổi trội nhất chính là con người có văn hóa, như hai binh nhất mà tôi đã gặp ở trên.
Khơi nguồn cho sáng tạo
Gần 11 giờ trưa tôi mới gặp được Trung tá Hồ Văn Thơm, Phó chính ủy Trung đoàn 2 tại nhà chòi trước cửa khu nhà làm việc của cơ quan. Anh vừa trở về sau khi thống nhất nội dung chuẩn bị diễn tập trên thực địa cách đó gần 20km đường đồi. Câu chuyện của tôi và anh xoay quanh chủ đề môi trường văn hóa quân sự, câu chuyện cứ nóng dần khiến cái rét ngọt vùng trung du tan biến. Anh khái quát rằng, nếu coi văn hóa là “cái cốt” hình thành nhân cách quân nhân thì môi trường là “cái vỏ”. “Vỏ” không tốt thì “cốt” sao có thể tốt được và ngược lại. Muốn “cốt” tốt thì cán bộ, sĩ quan các cấp phải thật gương mẫu, gần gũi, chia sẻ, hòa nhập với chiến sĩ nhưng không được hòa tan với họ. Phải mất nhiều năm kiên trì, Trung đoàn mới làm được việc ấy hiệu quả như hiện nay.
Để chứng minh cho nhận định ấy, anh Thơm mời Đại úy QNCN Đỗ Danh Hanh, nhân viên câu lạc bộ Trung đoàn 2 tới trò chuyện.
Bề ngoài Đại úy QNCN Đỗ Danh Hanh không trẻ, nhưng lúm đồng tiền bên má trái cùng nụ cười tủm tỉm rất duyên trên môi khi trò chuyện đã khỏa lấp nước da bánh mật và vài nếp nhăn trên trán. Là nhân viên câu lạc bộ của Trung đoàn, lại được đào tạo tại Khoa Văn hóa cơ sở, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội nên Hanh nắm khá chắc về cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa trong Quân đội.
Hanh chia sẻ, cuộc vận động ấy đã đưa đến cho bộ đội những phương tiện, thông tin hữu ích để bồi dưỡng nhân cách. Ở Trung đoàn 2, nó giống như những cơn gió lành kế tiếp nhau, thúc đẩy các thế hệ cán bộ, chiến sĩ tránh xa những biểu hiện phản văn hóa, gắn bó với đơn vị, xây dựng tình đoàn kết, yêu thương, vươn lên sống đẹp, huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao và cống hiến nhiều hơn. Đây chính là mảnh đất màu mỡ để Hanh làm thơ, viết văn, viết báo. 7 năm qua, năm nào Hanh cũng nhận giải từ cuộc vận động sáng tác của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh. Hiện Hanh đã ra được 7 tập thơ, chuẩn bị ra tập thứ 8. Điều tôi bất ngờ nhất là Hanh viết rất nhiều tản văn, các câu chuyện cho Chuyên mục “Chiến sĩ viết” ở trang 2 của Báo Quân đội nhân dân. Hiện Hanh là cộng tác viên của 27 ấn phẩm...
Ở Sư đoàn 3, có một nhân vật khá đặc biệt, hiện là Trợ lý Tuyên huấn Ban Chính trị, Trung đoàn 12. Đó là Thượng úy Phạm Văn Hoạt. Hoạt có khả năng sáng tác, biên đạo múa khá tốt và từng đoạt giải cao trong các hội thi của Sư đoàn 3. Hoạt chia sẻ, muốn mô phỏng đặc trưng của cán bộ, chiến sĩ trong công tác vào nghệ thuật là rất khó, nhưng vẫn quyết tìm tòi để cho ra các sản phẩm mang chất bộ đội. Khi biểu diễn, xem tác phẩm văn hóa như thế, cán bộ, chiến sĩ sẽ thấy mình trong đó và gắn bó, yêu mến đơn vị hơn.
Môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú là sự kết hợp hài hòa giữa cảnh quan môi trường và các thiết chế phục vụ nhu cầu nghe, xem, nhìn... Những thiết chế ấy có phát huy tác dụng và hiệu quả trong xây dựng con người hay không lại phụ thuộc rất lớn vào cách làm của cán bộ trong các công việc cụ thể. Nếu lấy hành động, hành vi văn hóa để ứng xử như ở Sư đoàn 3 thì chắc chắn sẽ có những con người văn hóa, lớp lớp chiến sĩ văn hóa. Đây chính là mấu chốt để hạn chế vi phạm kỷ luật, xây dựng mối đoàn kết, tình đồng đội. Ở khía cạnh nào đó, việc này lại tạo ra môi trường văn hóa có chiều sâu vững chắc hơn.
Các văn bản chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong các đơn vị Quân đội:
* Ngày 12-5-1992, TCCT ban hành Chỉ thị số 143/CT về thực hiện Cuộc vận động "Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong các đơn vị Quân đội. 4 năm sau, ngày 9-11-1996, TCCT ban hành Chỉ thị số 353/CT về đẩy mạnh Cuộc vận động "Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong các đơn vị Quân đội" (cụ thể hóa 4 mục tiêu cuộc vận động trong Chỉ thị 143 thành 5 tiêu chuẩn “Đơn vị có môi trường văn hóa tốt”). Năm 1996, Cục Tư tưởng Văn hóa (nay là Cục Tuyên huấn) ban hành Hướng dẫn số 290/TT-VH về thực hiện tiêu chuẩn “Đơn vị có môi trường văn hóa tốt”.
* Ngày 15-11-2000, TCCT ban hành Hướng dẫn số 934/HD-CT về việc tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động "Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong các đơn vị Quân đội gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
* Ngày 28-7-2003, TCCT ban hành Hướng dẫn số 632/HD-CT về công nhận “Đơn vị có môi trường văn hóa tốt” và khen thưởng đơn vị có thành tích xuất sắc trong thực hiện cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa ở đơn vị cơ sở.
|
MẠNH THẮNG