Vào trận
Sau Tết Nhâm Dần 2022, tôi háo hức chuẩn bị lên đường ra đảo Đông Bắc công tác cùng cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 2 (Lữ đoàn 513, Quân khu 3) với cương vị chính trị viên phó đại đội thực tập. Lúc này, gió mùa Đông Bắc tăng cường, nhiệt độ xuống thấp và mưa rả rích. Có lúc ngẫu hứng, trời đổ mưa to, mặt biển mịt mùng, chỉ nghe thấy tiếng sóng ầm ào dội vào vách đá. Chưa hết mệt mỏi sau chặng đường dài lên xe, xuống tàu thì ngay buổi sáng hôm sau, trong lúc ăn sáng, tôi nhận lệnh lên nhà chỉ huy tiểu đoàn nhận nhiệm vụ. Tôi băn khoăn, nếu "đeo" thêm “hòn đá tảng” nữa thì liệu có đủ sức vượt qua?
Thiếu tá Nguyễn Văn Tuấn, Tiểu đoàn trưởng và Thiếu tá, Chính trị viên tiểu đoàn Đào Ngọc Đình nhìn tôi và cười. Anh Tuấn vào đề: "Hôm nay cậu sẽ đóng vai người quan sát “tổ dế trũi” làm việc. Cậu phải nắm chắc các quy tắc an toàn, làm quen với các thuật ngữ thi công đường hầm và hệ thống công việc". Vừa quan sát, vừa lắng nghe và tự đúc rút để có kinh nghiệm. Tôi được chỉ sang bộ phận kho kỹ thuật gần đó để lĩnh mũ lò, ủng và quần áo bảo hộ.
Phải vất vả lắm tôi mới vượt qua gần 1km đường đất nhão nhoét, có chỗ lội ủng lõng bõng nước để lên cửa hầm. Trước mặt tôi là một tấm bê tông phẳng cao ngất nằm thoai thoải dựa vào sườn núi đá. Phía dưới của tấm bê tông loang loáng nước mưa ấy là một cái cửa đen ngòm hun hút hình vòm cao không quá hai mét. Tôi vào hầm, mùi đất, mùi bê tông lẫn lộn xộc vào mũi, vào mồm cho dù đã bịt kín khẩu trang, khiến ruột tôi như bị Tôn Ngộ Không nhảy vào tra tấn. Lạ, trong này sao ấm thế! Lúc đi ngoài trời trong mưa bụi gió bấc rét căm căm, dù đã khoác chiếc áo bông sĩ quan to sụ, tôi vẫn thấy rét đến tận xương. Nhưng khi vào trong hầm chưa đầy 10 phút thì đã thấy ngột ngạt, khó thở, mồ hôi túa ra ở lưng. Binh nhất Nguyễn Đức Hiệu quê ở Lý Nhân, Hà Nam, nhập ngũ tháng 2-2021, một trong 4 thành viên của kíp “chiến đấu” mà tôi đi theo như hiểu được băn khoăn ấy. Hiệu ghé vào tai tôi thì thầm, trong lòng đất đá bao giờ nhiệt độ cũng cao hơn ngoài trời, nhất là khi đường hầm chưa thông. Hiệu to con và được mệnh danh là “vua khoan” của tiểu đoàn. Trung úy Lê Quý Bôn, Trung đội trưởng của tiểu đoàn và là kíp trưởng quay ra gặp chúng tôi. Anh thông báo, các vị trí nóc và vách đường thông đã được kiểm tra, bảo đảm an toàn thi công. Trước đó, Bôn phải dùng đèn lò và cầm theo chiếc gậy dài đi từ cửa hầm đến gương nổ để chọc đất đá ở nóc và hai bên vách, đề phòng chúng rơi và lở sập bất ngờ, đồng thời kiểm tra tình trạng điện chiếu sáng, thông hơi. Sau này Bôn kể với tôi rằng, đó là nguyên tắc bất di bất dịch. Thi công đường hầm khẩu độ nào cũng vậy, yếu tố địa chất trên hồ sơ và trong thực tế có sự vênh nhau khá lớn. Càng nơi địa chất không đồng nhất thì công tác kiểm tra càng phải chặt chẽ, vì nguy cơ mất an toàn rất lớn. Nếu thi công nơi đất đá lẫn lộn, nhiều đá mồ côi thì nguy cơ đá rơi, đất lở đột ngột là khó tránh.
Ngoài cửa hầm, tiếng máy lai phành phạch át tiếng sóng biển gầm gào rồi lịm dần nhường chỗ cho tiếng máy ép hơi đều đều. Chừng 5-7 phút sau, hơi theo dây dẫn màu đen bọc cao su to như cổ tay em bé bắt đầu chạy vào bên trong. Bôn lệnh yêu cầu chiến sĩ kiểm tra “vũ khí”. Đó là chiếc máy khoan to hơn bắp đùi, những loại cần khoan dài 1,2m, 1,5m và 2m. Thuốc nổ công nghiệp và kíp, máy gây nổ được để riêng ở một góc ngoài đầu hầm. Ngoài những phương tiện này còn có xe cải tiến, cuốc, xẻng cùng một vài dụng cụ lặt vặt.
“Cuộc chiến” nơi gương nổ
Đúng 7 giờ 30 phút, khi áp lực hơi đã đủ, Bôn lệnh cho kíp vào thực hiện nhiệm vụ. “Vua khoan” Hiệu bóp cò, tiếng búa đập máy khoan chát chúa nhức óc kèm tiếng hơi kêu phì phì liên hồi. Bây giờ thì tôi bắt đầu thấy giá trị của nhúm bông mà Hiệu đưa cho lúc ở cửa hầm. Trong ánh điện vàng ệch, Hiệu đứng chân chèo, vươn người cắm mũi khoan vào các vị trí mà Bôn đã đánh dấu trên vách đá lồi lõm. Một chiến sĩ đến trước mặt Hiệu và đứng trung bình tấn, hai bàn tay đeo găng nắm lấy cần khoan, đỡ cho Hiệu. Tiếng búa khoan đập chậm chậm lấy trớn rồi lại đập liên hồi, văng vào vách hầm, nhồi vào tai chát chúa. Bụi đá bay mù mịt khiến ánh đèn điện mờ đi. Dù chỉ đứng cách chỗ khoan vài mét nhưng tôi chẳng phát hiện các chiến sĩ đang làm gì. Gần 15 phút sau, tiếng máy khoan tắt hẳn rồi lại ré lên liên hồi kỳ trận. Tôi rảo bước ra ngoài đầu hầm, tạm tránh bụi và tiếng ồn chát chúa, nhưng tiếng máy khoan khó chịu vẫn không buông tha. Gần 2 giờ trôi qua, tổ khoan hoàn thành nhiệm vụ và rút ra ngoài để chuyển sang công đoạn nhồi nén thuốc nổ. Bây giờ, trước mặt tôi là những chú “người tuyết”. Toàn thân họ gần như phủ kín một lớp bụi đất đá màu trắng và chỉ hở mỗi hai đôi mắt. Mồ hôi và bụi ở tóc mai, tóc gáy quyện chặt vào nhau cứng đơ.
Trong màn hơi bụi ngột ngạt, Bôn giải thích cho tôi nhiều kiến thức khó nhớ về cái gương nổ. Bôn bảo, trên bản vẽ nó là một mặt phẳng nhưng trong thực tế thì nó lồi lõm. Căn cứ vào kích thước gương nổ, vào vị trí tim, cốt và cả tính chất đất đá, cán bộ kỹ thuật xác định vị trí lỗ khoan đột khẩu, khoan phá và khoan viền với các độ chếch khác nhau. Yêu cầu của tiểu đoàn là sau khi phá nổ phải đạt được 0,8m chiều dài, cho ra khoảng 5m3 đất đá. Việc thi công đường hầm vất vả, thiếu không khí, nhất là khi hai cửa chưa thông.
20 phút sau, tôi theo Bôn và chiến sĩ nhồi lèn thuốc nổ vào làm nhiệm vụ. Theo Bôn, đây là công đoạn dễ mất an toàn nên phải tiến hành cực kỳ cẩn trọng và kíp trưởng sẽ là người làm trực tiếp. Bôn đút các thỏi thuốc nổ công nghiệp đã gắn kíp visai số 8 vào miệng lỗ khoan rồi dùng chiếc gậy đẩy sâu nó tới đáy. Chiến sĩ đi cùng nắm các viên đất bịt miệng lỗ rồi lấy gậy gỗ nhồi vào bên trong thật chặt đến khi đầy mới thôi. Cứ như vậy, hơn 20 phút, hơn 10 lỗ khoan đã được bịt kín bằng thuốc nổ và đất sét. Bôn và chiến sĩ làm việc, mồ hôi tôi túa ra. Bôn nhanh nhẹn nối các dây kíp điện, nối với một dây điện được dẫn rồi lệnh rút ra ngoài cửa hầm. Bôn liên kết các đầu dây vào cọc của máy gây nổ. Anh ngồi xuống quay máy, rồi bấm nút. Một tiếng bục phát ra từ trong đường hầm. Bôn thở phào, ổn rồi!
Chờ cho máy ép hơi đẩy không khí vụ nổ ra ngoài, Bôn rảo bước vào bên trong. 10 phút sau anh ra cửa hầm và đốc thúc các chiến sĩ vào vận chuyển đất đá. Bôn lấy trong túi áo ra cuốn sổ nho nhỏ và hí hoáy ghi chép.
- Anh ghi gì đấy?-tôi thắc mắc.
- À, tôi ghi lại lịch sử vụ nổ ấy mà.
- Để làm gì hả anh?
- Quan trọng lắm đấy. Để đối chiếu với những vụ nổ trước xem hiệu quả đến đâu và cũng để xác định nguyên nhân tại sao vụ nổ không đạt yêu cầu.
Tôi rảo bước vào hầm, bắt đầu cùng các chiến sĩ bốc đất đá lên xe cải tiến và chở nó ra ngoài. Cũng phải hơn hai tiếng sau, chúng tôi mới hoàn thành nhiệm vụ và thu dọn mặt bằng, “vũ khí”, hành quân về đơn vị. Bôn bảo, khi nào nắng ráo sẽ tiến hành tập trung đổ bê tông các đốt hầm. Lúc ấy mới thấy hết không khí làm việc khẩn trương và kỹ năng thiện chiến của bộ đội công binh 513.
Gần mười hai giờ trưa, mưa đã ngớt, nhưng con đường công vụ lầy lội dẫn lên hầm thì vẫn không thay đổi. Lúc này, mưa bụi đã gột rửa phần nào lớp bụi đá trên áo và mặt của các chiến sĩ. Tuy đã thấm mệt sau những giờ lao động nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm, bụng cũng sôi ùng ục vì đói, nhưng bước chân của các chiến sĩ công binh vẫn rất mạnh mẽ...
Bài và ảnh: NGỌC CHIẾN