Hướng đến sản phẩm sạch, chất lượng cao
Khi bàn về vấn đề xăng dầu tăng giá tác động đến giá cả thực phẩm trong câu chuyện với chúng tôi, Thiếu tá Nguyễn Thành Đông, Phó trưởng phòng Hậu cần, Lữ đoàn 299 (Quân đoàn 1) khẳng định, nhiều năm nay, lữ đoàn vẫn giữ vững chất lượng bữa ăn bộ đội và có những đột phá mới nên dù giá xăng dầu tăng cũng không ảnh hưởng. Ví dụ như trong trồng rau xanh, nhờ đầu tư 4.500m2 nhà lưới chữ A nên đơn vị đã bảo đảm đủ rau xanh cho lực lượng tại chỗ và đáp ứng khoảng 60% nhu cầu cho các bộ phận làm nhiệm vụ nhỏ lẻ. Điểm nổi bật là hệ thống nhà lưới có diện tích không lớn (chiếm 35% tổng diện tích trồng rau xanh), nhưng lại giúp lữ đoàn bảo đảm hơn 50% loại rau trái vụ chất lượng cao, điều hòa sản phẩm theo thời điểm, không bị rơi vào tình trạng “no dồn đói góp” như trước. Theo Đông, giai đoạn 2010-2011, thời điểm Lữ đoàn 299 đầu tư hệ thống nhà lưới trồng rau xanh thì nhiều người cho rằng đó là một cách “trình diễn”. Tuy nhiên, khi rau xanh, thực phẩm an toàn trở thành nhu cầu trong xã hội thì hướng đi của lữ đoàn đã được khẳng định. Vào năm 2016-2017, lữ đoàn đã mở rộng, phát triển hệ thống nhà lưới kiên cố, bài bản hơn và cũng đã thu được nguồn rau chất lượng tốt hơn phục vụ bộ đội. Hay trong chăn nuôi, lữ đoàn đã chủ động được 100% thịt, cá và gia cầm, trứng sạch mà không phụ thuộc vào thị trường.
|
|
Nhà lưới trồng rau trái vụ ở Lữ đoàn 299. Ảnh: THẢO TRANG |
Cũng như Lữ đoàn 299, khi khảo sát ở Lữ đoàn 368 chúng tôi thấy, tuy diện tích và quy mô tổ chức nuôi cá nước ngọt không lớn nhưng đều đáp ứng đủ nhu cầu bữa ăn của bộ đội. Hay như khi đi thực tế ở Trung đoàn 165 (Sư đoàn 312) chúng tôi cũng nhận thấy, việc ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi đã giúp nâng cao hiệu quả, cho ra sản phẩm tốt, chất lượng cao thay vì đầu tư trải rộng, trồng và chăn nuôi, chăn thả theo phương pháp truyền thống như trước đây.
Hiện nay, sự thay đổi cơ bản trong công tác tăng gia sản xuất (TGSX) theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ để cho ra sản phẩm sạch, sản phẩm chất lượng cao được nhiều cơ quan, đơn vị ở Quân đoàn 1 thực hiện khá bài bản. Đây là hướng đi rất đúng vì vừa giảm công chăm sóc, vừa cho hiệu quả tốt.
Chủ động đối phó với biến động giá
Đại tá Nguyễn Huy Dũng, Chủ nhiệm Hậu cần Quân đoàn 1 thông tin, nếu không có sản phẩm tăng gia và việc chi ăn hằng ngày cho bộ đội phụ thuộc vào thị trường thì chất lượng, định lượng bữa ăn của bộ đội sẽ bị ảnh hưởng lớn. Nhưng quan trọng hơn là không kiểm soát được an toàn thực phẩm và không chủ động được khi huấn luyện, diễn tập dài ngày.
Nhiều năm qua, đẩy mạnh TGSX được coi là giải pháp then chốt, tạo nguồn thực phẩm sạch vững chắc để cải thiện, nâng cao chất lượng bữa ăn bộ đội và tạo nguồn thu cho đơn vị của Quân đoàn 1. Từ chủ trương đúng đắn này, ngành hậu cần Quân đoàn 1 đã nghiên cứu, xây dựng kế hoạch TGSX dài hạn và hằng năm; xác định rõ cơ chế, phương thức tổ chức và nội dung, chỉ tiêu phù hợp với từng loại hình đơn vị, đặc điểm địa bàn và đặt lên hàng đầu vấn đề chất lượng, hiệu quả.
Từ khi có cơ chế thông thoáng, các đơn vị đã tích cực phát huy nội lực, triệt để tận dụng và cải tạo đất đai, ao hồ, quy hoạch khu TGSX gắn với quy hoạch doanh trại “chính quy, xanh, sạch, đẹp”; kết hợp với quản lý, bảo vệ đất quốc phòng, bảo vệ môi trường theo hướng tập trung, bền vững, khép kín, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, tập trung phát triển mô hình “5 cơ bản” (vườn, ao, chuồng, giàn, trạm chế biến cơ bản) và đẩy mạnh thực hiện 3 khâu đột phá về: Chăn nuôi lợn nái, tự túc con giống; nuôi cá và phát triển giàn cây leo.
|
|
Tăng gia rau xanh ở Lữ đoàn 299. Ảnh: THẢO TRANG |
Bên cạnh việc duy trì các mô hình TGSX truyền thống, quân đoàn và các đơn vị đã đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật vào tăng gia, chăn nuôi, xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình mới, hiệu quả kinh tế cao. Phổ biến là đa dạng hóa vật nuôi, cây trồng, xen canh, gối vụ, tổ chức trồng trọt theo hướng chuyên canh, thâm canh, áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP; trồng rau trong nhà lưới, tưới tự động bằng nước sạch, sử dụng phân bón hữu cơ; kết hợp chăn nuôi tập trung với phân tán. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, Cục Hậu cần quân đoàn đã chỉ đạo sử dụng cây, con giống mới, ưu tiên trồng các loại cây, rau cao cấp, các loại củ, quả có thể dự trữ dài ngày. Từ năm 2017 đến nay, bữa ăn bộ đội có thêm trái cây từ nguồn tăng gia, bình quân đạt 30,1kg/người/năm.
Về chăn nuôi, Quân đoàn 1 chỉ đạo phát triển theo hướng bán công nghiệp, tập trung chăn nuôi lợn siêu nạc, nuôi cá, gia cầm và từng bước phát triển chăn nuôi gia súc, bảo đảm đa dạng cơ cấu khẩu phần thịt trong bữa ăn của bộ đội. Điểm nổi bật trong chăn nuôi ở các cơ quan, đơn vị của Quân đoàn 1 là phát triển mạnh đàn lợn nái. Đến nay, cơ bản các đơn vị tự túc được nguồn con giống, chủ động điều chỉnh cơ cấu đàn, thực hiện mô hình chăn nuôi khép kín: Lợn nái-lợn con-lợn thịt. Trước sự bùng phát của dịch tả lợn châu Phi, Cục Hậu cần đã chỉ đạo các đơn vị theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, tiến hành khoanh vùng, tẩy trùng, phòng dịch; kiểm soát chặt chẽ thức ăn và các nguồn lây bệnh; hạn chế xuống đàn, phát triển đàn; tuyệt đối không nhập lợn ngoài thị trường; đồng thời, mở rộng đàn gia cầm. Bằng các biện pháp quyết liệt, phù hợp, 100% đàn lợn của Quân đoàn 1 không bị nhiễm bệnh, tuy số đầu lợn giảm nhưng nhờ sự bù đắp của thịt gia cầm, chất lượng bữa ăn của bộ đội vẫn được duy trì. Đến nay, quân đoàn có 13 khu TGSX, chăn nuôi tập trung cấp trung đoàn và tương đương, với hàng trăm héc-ta vườn, hồ, ao nuôi cá, hàng trăm nghìn mét vuông chuồng trại, giàn kiên cố; duy trì 11 chuồng lợn thịt quy mô từ 100 đến 150 con/chuồng, 95 chuồng quy mô từ 70 đến 80 con/chuồng; 10 chuồng lợn nái quy mô từ 60 đến 70 con/chuồng và hàng vạn con gà, vịt.
|
|
Bữa ăn trưa của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 299. |
Nếu như công tác TGSX đáp ứng được nhu cầu rau xanh, thịt, trứng, cá tươi, tạo nguồn thực phẩm tại chỗ ổn định, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm thì công tác chế biến, nấu ăn cũng là một phần quan trọng để giữ vững, nâng cao chất lượng bữa ăn bộ đội. Để phát huy vai trò, trách nhiệm và trình độ, tay nghề của đội ngũ cán bộ, nhân viên nấu ăn, ngoài việc thường xuyên kiểm tra, đánh giá, Cục Hậu cần còn đầu tư phương tiện chế biến và nấu ăn ngày càng chuẩn hóa, chuyên nghiệp hơn. Các đơn vị đã tổ chức các đợt hội thao, hội thi tay nghề ở cấp cơ sở để thúc đẩy công tác nấu ăn sạch, đẹp, ngon. Chính nhờ tác dụng tương hỗ này mà đời sống bộ đội, kể cả thời điểm giá các mặt hàng biến động tăng cao, vẫn được bảo đảm và không bị ảnh hưởng.
Năm 2021, công tác TGSX ở các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đoàn 1 tiếp tục được duy trì, phát triển tốt. Toàn quân đoàn đã tự túc đủ nhu cầu rau xanh, thịt gia cầm, trứng gia cầm; đáp ứng được 85-90% nhu cầu thịt lợn, 85% nhu cầu cá tươi. Giá đưa vào bữa ăn thấp hơn giá thị trường 10-20% (tùy loại). Tính bình quân: Rau xanh = 189,5kg/người/năm, đạt 105,3% kế hoạch năm; thịt lợn (thịt xô lọc+thịt nạc) = 49kg/người/năm, đạt 140% kế hoạch năm; thịt gia cầm = 33,1kg/người/năm, đạt 100,3% kế hoạch năm; cá tươi = 56,8kg/người/năm, đạt 132,2% kế hoạch năm; trái cây = 30,1kg/người/năm, đạt 100,5% kế hoạch năm. Giá trị thu từ TGSX và chế biến (trừ chi phí) = 1.368.000 đồng/người/năm, đạt 105,2% kế hoạch năm.
MẠNH THẮNG