Chinh phục công nghệ vệ tinh, viễn thám

Việt Nam đã phóng vệ tinh lên vũ trụ và những năm gần đây, công nghệ vũ trụ, viễn thám ở nước ta có bước phát triển mạnh mẽ. Theo Thượng tá, TS Bùi Yên Tĩnh, Phó cục trưởng Cục Bản đồ, nhờ thành tựu phát triển khoa học công nghệ nên công việc của người lính bản đồ bớt nhọc nhằn trong việc đo đạc, chụp hình các vùng lãnh thổ, lãnh hải, thảm thực vật, tài nguyên thiên nhiên... dựng bản đồ. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả thành tựu công nghệ viễn thám ứng dụng trong hoạt động quân sự vẫn còn đặt ra nhiều khó khăn, thử thách cần chinh phục.

Thượng tá, TS Bùi Yên Tĩnh mở đầu câu chuyện, trước đây, khi Cục Bản đồ thực hiện Dự án “Thành lập bản đồ trực ảnh địa hình tỷ lệ 1/50.000 phủ trùm toàn quốc”, phải cử người đi khắp các vùng miền đo đạc, xây dựng lưới khống chế ảnh. Nhưng hiện nay, nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ, công việc đó có thể thực hiện hoàn toàn bằng máy, con người không cần đến thực địa. Một trong những lĩnh vực Cục Bản đồ rất chú trọng là phát triển công nghệ viễn thám.

leftcenterrightdel
Đoàn cán bộ Công ty TNHH MTV Trắc địa Bản đồ, Cục bản đồ thực hiện đo đạc ngoại nghiệp. 

Nhằm giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về công nghệ viễn thám, anh Tĩnh giới thiệu Trung tá, TS Phạm Xuân Hoàn, trợ lý viễn thám vũ trụ. Trước khi về công tác tại Cục Bản đồ, anh Hoàn từng có thời học tập, nghiên cứu chuyên sâu ĐHQS tại Trường Trắc địa Bản đồ Moscow, Liên bang Nga, ngành nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên bằng phương pháp hàng không vũ trụ. Với vốn kiến thức đã lĩnh hội được ở nước ngoài, ngay khi về công tác tại cục, anh Hoàn đã cùng đồng đội tham gia xây dựng, hoàn thiện, bảo vệ thành công một loạt đề tài khoa học cấp Nhà nước, như: “Ứng dụng ảnh vệ tinh VNREDSat-1 để xây dựng cơ sở dữ liệu địa hình và thông tin địa lý quân sự nâng cao hiệu quả công tác tham mưu và bảo đảm địa hình ngoài lãnh thổ”; “Nghiên cứu kết hợp ảnh viễn thám quang học và radar thành lập bản đồ chuyên đề quân sự hỗ trợ đánh giá địa hình lãnh thổ Việt Nam và vùng phụ cận phục vụ mục đích quốc phòng”; “Nghiên cứu, thiết kế và tích hợp hệ thống khảo sát địa hình trong xây dựng dựa trên công nghệ chụp ảnh, quét laser, GPS/GNSS và UAV”...

leftcenterrightdel
Đoàn cán bộ Công ty TNHH MTV Trắc địa Bản đồ, Cục bản đồ thực hiện đo đạc ngoại nghiệp. 

Thuộc thế hệ học viên đầu tiên nắm bắt công nghệ bay chụp, trinh sát bằng thiết bị bay không người lái, hiện nay, Trung tá Phạm Xuân Hoàn đã làm chủ nhiều chủng loại UAV khác nhau, cánh bằng cũng như lên thẳng. Sau khi nắm vững công nghệ điều khiển, anh đã hoàn thành tốt việc chuyển giao khai thác, tư vấn, vận hành, xử lý dữ liệu bay UAV các chủng loại, như: UAV Ebee, UAV Phantom2, UX5, Md4-1000, GeoScan 101, DJI cho nhiều đơn vị quân đội.

Công nghệ tiên tiến, hiện đại thì những vất vả của người lính chụp hình đất nước lại đặt ra khó khăn mới. Chia sẻ với chúng tôi, anh Hoàn kể một kỷ niệm về chuyến đi khảo sát địa hình, bay chụp ảnh UAV tại đảo Sơn Ca vào thời điểm gió mùa, biển động và kéo dài gần một tháng. Việc áp dụng kỹ thuật đo mới, công nghệ viễn thám không người lái (UAV) để khảo sát trên đảo cũng gặp không ít khó khăn do gió rất to. Không ít lần, anh Hoàn cùng đồng đội chờ đợi, triển khai thiết bị ra rồi lại cất thiết bị vào. Khi khảo sát địa hình bằng thiết bị đo RTK, phải lội biển ra tận mép nước xanh của đảo, anh em trên đảo phải bố trí người theo dõi thường xuyên vì mực nước không cao nhưng bên dưới không hề bằng phẳng, có san hô sắc nhọn nên có thể vấp ngã bất cứ lúc nào...

Nghe anh Hoàn kể chuyện, anh Tĩnh góp thêm: “Gian nan, vất vả, nhưng bù lại những số liệu thu thập từ thiết bị viễn thám rất quý giá, có đóng góp rất lớn trong công tác xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ; thực hiện tham vấn về cài đặt, tích hợp cơ sở dữ liệu địa hình vào các loại trang thiết bị, vũ khí và phương tiện kỹ thuật hiện đại mới được trang bị trong quân đội”.

Tiệm cận công nghệ tự động hóa điều hành chỉ huy

Câu chuyện của chúng tôi càng thêm sôi nổi với sự có mặt của Thượng tá, TS Nguyễn Đình Minh, Trưởng phòng Bản đồ viễn thám, Cục Bản đồ. Anh Minh cho biết: “Đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội tiến lên hiện đại, hiện nay, chúng tôi rất chú trọng phát triển công nghệ tự động hóa điều hành chỉ huy trong huấn luyện, diễn tập, phục vụ sẵn sàng chiến đấu”.

leftcenterrightdel

Hoạt động của cán bộ, nhân viên Công ty TNHH MTV Trắc địa Bản đồ, Cục Bản đồ, Bộ tổng Tham mưu.

 

Với các nước tiên tiến trên thế giới, phát triển công nghệ tự động hóa trong điều hành chỉ huy không phải là vấn đề mới. Ở Việt Nam, khái niệm này còn khá mới nên để chúng tôi hiểu rõ hơn, anh Minh lý giải: “Huấn luyện, diễn tập chiến đấu là nhiệm vụ trung tâm trong thời bình, có ý nghĩa quyết định đến khả năng sẵn sàng chiến đấu và sức mạnh chiến đấu của quân đội. Vì vậy, để phục vụ công tác huấn luyện, diễn tập, hằng năm, các đơn vị trong toàn quân vẫn phải đắp sa bàn”. Tuy nhiên, việc xây dựng các sa bàn truyền thống mất rất nhiều thời gian, công sức và kinh phí; không thể tái sử dụng và độ chính xác mô phỏng không cao. Từ năm 2010, nhiều đơn vị có bổ sung trình chiếu sa bàn số 3D để người tập theo dõi văn kiện tác chiến. Tuy nhiên, cách làm trên thiếu sự đồng bộ, chính xác, kịp thời các tình huống giữa bản đồ giấy, sa bàn và sa bàn số 3D.

Để khắc phục những hạn chế đó, Cục Bản đồ đã đề xuất giải pháp công nghệ sa bàn tương tác 3D. Với các tính năng hiển thị dữ liệu địa hình số 3D trên màn hình hiển thị, giải pháp giúp người chỉ huy có thể quan sát một cách trực quan và toàn diện cách bố trí lực lượng, địa hình khu vực. Đồng thời cùng lúc, người chỉ huy có thể xem nhiều loại dữ liệu bản đồ, sa bàn như bản đồ địa hình, ảnh vệ tinh, mô hình số độ cao, cả hệ thống văn kiện, qua đó dễ dàng theo dõi được các khung tập, vai tập theo đúng kế hoạch đã xác định và thiết kế từ trước. Đặc biệt, với sa bàn khắc CNC 3D có thể tái sử dụng nhiều lần đã tiết kiệm thời gian, chi phí xây dựng so với sa bàn truyền thống tại các đơn vị.

- Với những tính năng ưu việt như vậy, giải pháp công nghệ sa bàn tương tác 3D đã được áp dụng thực tế chưa? Chúng tôi băn khoăn.

- Chúng tôi đã thử nghiệm thành công tại một số cuộc diễn tập cấp chiến dịch, được chỉ huy các đơn vị đánh giá cao. Điều rất đáng mừng nữa là giải pháp mới tiết kiệm được rất nhiều kinh phí cho hoạt động diễn tập. Anh Minh khẳng định.

Với kết quả thu được, hiện nay, Cục Bản đồ đang tiến hành hoàn thiện giải pháp công nghệ sa bàn tương tác 3D để ứng dụng thí điểm trong diễn tập tác chiến chiến lược chiến trường miền Trung trong năm 2022. Trên cơ sở đó, tổ chức hội thảo rút kinh nghiệm, đề xuất, báo cáo thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng triển khai Dự án “Cung cấp thiết bị, giải pháp công nghệ sa bàn tương tác” phục vụ mô phỏng diễn tập các cấp và chuyển giao cho các cơ quan, đơn vị cấp chiến lược, chiến dịch và chiến thuật trong toàn quân.

Chiều muộn, chia tay các chiến sĩ Cục Bản đồ, trong lòng chúng tôi khởi lên niềm vui lâng lâng. Đáng mừng khi những người lính chụp hình đất nước thời 4.0 đã đi tiên phong trong việc tận dụng công nghệ vũ trụ, tin học viễn thông vào lĩnh vực tham mưu địa hình hiệu quả trong các hoạt động quân sự, quốc phòng. Mỗi bước tiến của các anh đều góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu, tiềm lực quốc phòng, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, lãnh thổ của Tổ quốc.

Bài và ảnh: PHẠM TUẤN - HỒNG SÁNG