Đi xin phân bò của dân về bón lúa cho dân
Nếu như trước đây, đồng bào các dân tộc xã Mô Rai chủ yếu sản xuất theo phương thức du canh, dựa hẳn vào điều kiện tự nhiên, tự cung tự cấp thì nay bà con đã biết trồng lúa nước, trồng rau sạch, chăn nuôi gia súc, gia cầm hợp vệ sinh, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng theo nhu cầu thị trường mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Mô Rai đều khẳng định, thành quả này có sự đóng góp không nhỏ của Đoàn KT-QP 78. Quá trình thực hiện Dự án “Phát triển cao su trên địa bàn vành đai biên giới xã Mô Rai”, Đoàn KT-QP 78 đã làm hình thành nên một vùng sản xuất hàng hóa lớn trên địa bàn, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, đồng thời xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội, hỗ trợ nhân dân địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; bố trí lại các cụm, điểm dân cư gắn với thế trận phòng thủ trên toàn tuyến biên giới, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng, sẵn sàng phối hợp tác chiến với các lực lượng trên địa bàn khi có tình huống xảy ra.
|
|
Lãnh đạo Đoàn KT-QP 78 tặng nhu yếu phẩm cho nhân dân xã Mô Rai. |
Thiếu tá Nguyễn Văn Tiến, Đội trưởng Đội 3, Đoàn KT-QP 78 kiêm Trưởng thôn Ia Tri, xã Mô Rai vẫn nhớ như in kỷ niệm xây dựng mô hình trồng lúa nước cho đồng bào Gia Rai ở làng Grập. Theo anh Tiến: Năm 2006, khi đang là trí thức trẻ tình nguyện của đơn vị, sau những ngày “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào) với nhân dân, anh nhận thấy làng Grập có điều kiện thổ nhưỡng, nguồn nước phù hợp để trồng lúa nước cho năng suất cao. Được sự ủng hộ của lãnh đạo xã Mô Rai và Đoàn KT-QP 78, anh Tiến bắt tay vào xây dựng mô hình trong khi phương thức sản xuất lúa rẫy đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân nơi đây. Anh và cán bộ Đoàn KT-QP 78 phải đến từng nhà để tuyên truyền, vận động nhưng cũng chẳng được mấy người tin, làm theo. Thế rồi, chính cán bộ đơn vị phải tự tay làm đất, dẫn nước về, gieo hạt, đi xin phân bò của dân về bón lúa cho dân. “Thấy chúng tôi làm vậy, già trẻ trong làng còn cười. Họ bảo, bộ đội thật kỳ cục, muốn cây lúa cho hạt thì phải đốt cây rừng làm phân và phải được Giàng phù hộ”, anh Tiến kể.
Khi cánh đồng lúa nước của làng Grập vàng óng, những bông lúa nặng trĩu, thì không chỉ người dân làng Grập mà đồng bào ở các làng dân tộc thiểu số tại chỗ của xã Mô Rai đều đến xem đông như trẩy hội. Bấy giờ, các già làng thay mặt bà con đề nghị bộ đội hướng dẫn người dân trồng lúa nước. Từ 1ha lúa nước ban đầu ở làng Grập, giờ cả xã Mô Rai có hơn 70ha lúa nước, góp phần quan trọng “giải bài toán” thiếu lương thực ở địa phương.
|
|
Cán bộ Đoàn KT-QP 78 hướng dẫn công nhân kỹ thuật khai thác mủ sao su. |
Biết tin có cán bộ Đoàn KT-QP 78 đến làng Grập, già làng Rơ Châm Nó ra tận đường lớn đón. Sau khi nắm chặt tay từng người, già làng Rơ Châm Nó xúc động nói: “Đồng bào Mô Rai có gạo ăn, có đời sống văn hóa tinh thần ngày càng tốt hơn một phần nhờ Đoàn KT-QP 78. Bên cạnh hướng dẫn bà con trồng lúa nước, Đoàn KT-QP 78 còn ưu tiên nhận người dân vào làm công nhân, hỗ trợ giống, kỹ thuật phát triển kinh tế. Giờ đây, Đội 5 của đơn vị đang kết nghĩa với làng. 54 gia đình của Đội 5 kết nghĩa với 54 gia đình làng Grập. Tình cảm anh em ngày càng gắn bó, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, giúp nhau tiến bộ”.
Bến đỗ Mô Rai
Anh A Giang cùng vợ là chị Y Phê, người dân tộc Gia Rai từ xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy vào làm công nhân cho Đoàn KT-QP 78 năm 2017 và định cư luôn ở thôn Ia Tri, xã Mô Rai. A Giang và Y Phê cũng như hàng trăm gia đình khác chọn vùng biên giới này làm bến đỗ vì “bộ đội bảy tám” như người lái đò cần mẫn đưa họ cập bến hạnh phúc. Trong ngôi nhà khang trang còn thơm mùi sơn được Binh đoàn 15 và Đoàn KT-QP 78 xây tặng, vợ chồng A Giang, Y Phê cười nói rạng ngời. Chị Y Phê tâm sự: “Có nằm mơ em cũng không dám nghĩ cuộc sống của vợ chồng em lại thay đổi tốt lên như vậy. Ngày ở làng cũ làm lụng quanh năm cũng thiếu trước hụt sau, nhà cửa dột nát, con cái học hành chểnh mảng. Giờ thì có nhà to đẹp được đơn vị xây tặng, vợ chồng nhận chăm sóc, khai thác hơn 7ha cao su, thu nhập bình quân hằng tháng gần 9 triệu đồng/người. Hai con được đi học đàng hoàng, hòa nhập với bạn bè và ngày càng tiến bộ”.
|
|
Lãnh đạo Đoàn KT-QP 78 thăng, động viên gia đình công nhân. Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021. |
Mang tâm sự của chị Y Phê nói lại với Trung tá Nguyễn Xuân Chung, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 78, chúng tôi được biết thêm, đó là kết quả của chủ trương “Phát triển vườn cây đến đâu, xây dựng các cụm, điểm dân cư đến đó” do đơn vị triển khai trong những năm qua. Hiện Đoàn KT-QP 78 đã xây dựng ổn định 12 cụm, điểm dân cư, hình thành 4 thôn (3 thôn thuộc xã Mô Rai, huyện Sa Thầy và 1 thôn thuộc xã Ia Dom, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum). Để người dân yên tâm tư tưởng, “an cư lạc nghiệp”, yêu mến, gắn bó với đơn vị và địa bàn, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn KT-QP 78 đã triển khai nhiều mô hình, phong trào, cuộc vận động sáng tạo, thiết thực, hiệu quả như: Cuộc vận động "Tương thân tương ái-Lá lành đùm lá rách", đã quyên góp, hỗ trợ công nhân, người lao động hàng nghìn bộ áo quần và các phương tiện sinh hoạt gia đình: Xe máy, ti vi, bếp ga, nồi cơm điện, xoong, chảo... Quỹ "Nghĩa tình đồng đội 78" do đội ngũ cán bộ từ lãnh đạo, chỉ huy đoàn đến cơ quan, đội sản xuất đóng góp với hàng trăm triệu đồng để hỗ trợ công nhân, người lao động gặp khó khăn. Mô hình “Gắn kết hộ” đã gắn kết giữa hộ người Kinh với hộ dân tộc thiểu số, hộ công nhân cũ với hộ công nhân mới. Các chương trình: “Chăn ấm mùa đông”, “Bữa sáng đại đoàn kết”, “Tết sum vầy”, xây dựng “Nhà tình nghĩa”, “Nhà đồng đội”, “Mái ấm công đoàn”, “Ngôi nhà 100 đồng”... đều hướng vào chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, người lao động của đơn vị.
|
|
Lãnh đạo Đoàn KT-QP 78 trao tặng “Nhà đồng đội” cho gia đình công nhân. |
Đến làng Le, xã Mô Rai, nơi sinh sống của đồng bào Rơ Măm-một trong những dân tộc thiểu số đang được bảo tồn, chúng tôi thấy gia đình nào cũng dành một góc linh thiêng nhất, cao quý nhất để treo ảnh Bác Hồ. Già làng A Blong cho biết, đó là tấm lòng, sự tri ân của người Rơ Măm đối với Đảng, với Bác Hồ mà cầu nối giữa Đảng, Bác Hồ với người Rơ Măm là Bộ đội Cụ Hồ, “bộ đội bảy tám”. Theo già làng A Blong, trước đây, người Rơ Măm sống du canh, du cư trên các núi cao, rừng sâu. Khi về làng Le, ai cũng nghĩ ở một thời gian, đốt hết rẫy rồi lại đi. Nhưng Đoàn KT-QP 78 đã giữ chân người Rơ Măm ở lại xây dựng đời sống mới. Bộ đội đã bám làng, bám dân, kiên trì vận động bà con không du canh, đốt rừng, khai sáng nhận thức, tư tưởng của bà con để ai cũng hiểu, muốn có cuộc sống tốt thì phải định canh, định cư. Từ cây lúa nước cho đến cây cao su, bộ đội đều hỗ trợ giống, vốn và cầm tay chỉ dẫn để đồng bào Rơ Măm biết cách làm. Giờ đồng bào Rơ Măm không những có cái ăn, cái mặc mà các lễ hội văn hóa truyền thống cũng được bảo tồn, phát huy, nhiều con em của Rơ Măm trở thành cán bộ, bác sĩ, giáo viên, đại biểu HĐND tỉnh Kon Tum nhiệm kỳ 2021-2026. “Người Rơ Măm biết ơn Đảng, biết ơn Bác Hồ và Bộ đội Cụ Hồ”, già làng A Blong nhắn gửi khi chúng tôi rời làng Le.
Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN