Bà mẹ Việt Nam anh hùng trẻ nhất nước
Một ngày đầu tháng 3, cuộc trò chuyện giữa tôi và chị Lê Thị Minh Thủy thỉnh thoảng bị ngắt quãng, bởi giọng chị nghẹn lại khi kể về sự hy sinh của người chồng yêu quý và cậu con trai duy nhất. Cả hai cha con đều là phi công xuất sắc và hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ huấn luyện bay. Tháng 7-2018, chị Thủy trở thành Bà mẹ Việt Nam anh hùng trẻ nhất nước, lúc 55 tuổi, chị gánh trên vai nỗi mất mát quá lớn giữa thời bình.
“Tôi vẫn nhớ như in cái ngày tận cùng đớn đau ấy, tưởng như mới diễn ra hôm qua. Hôm ấy, khi đang chạy xe máy trên đường, bỗng có điện thoại mời vào ngay đơn vị của chồng. Linh tính có chuyện chẳng lành, tôi chạy xe thẳng vào đơn vị anh ấy mà quên rằng, khi qua cổng gác, tất cả đều phải xuống xe”, chị Thủy xúc động nhớ lại.
Chồng chị Thủy-Thượng tá Dương Văn Thanh, Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 910, Trường Sĩ quan Không quân, Quân chủng Phòng không-Không quân-đã anh dũng hy sinh ở tuổi 49. Tấm lịch trên bàn làm việc của anh ngừng lại ngày 29-4-2005. Buổi chiều hôm ấy, khi anh đang huấn luyện một học viên thực hành lái chiếc phản lực L-39 trên bầu trời vịnh Nha Trang (Khánh Hòa), bất ngờ máy bay gặp sự cố kỹ thuật. Trước tình huống nguy cấp, chỉ huy trung đoàn nhiều lần ra lệnh cho các phi công nhảy dù, nhưng Thượng tá Dương Văn Thanh yêu cầu học viên nhảy dù trước, bảo toàn tính mạng, còn mình chấp nhận hy sinh, bình tĩnh hướng máy bay ra phía biển, vượt qua khu du lịch trên đảo Hòn Tre đang đông kín người. Anh hy sinh trong tư thế đang ngồi trong buồng lái. Năm 2007, Thượng tá Dương Văn Thanh được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Sau sự ra đi của chồng, nhận thấy nhiệm vụ của các chiến sĩ phi công ẩn chứa nhiều bất trắc, chị Thủy không khỏi băn khoăn, lo lắng khi nghĩ đến cậu con trai duy nhất đang là học viên khóa 32, Trường Sĩ quan Không quân. Nhưng chàng trai Dương Lê Minh, sinh năm 1984, vẫn đau đáu ước mơ được bay trên bầu trời, tiếp tục sự nghiệp còn dang dở của người cha thân yêu. Năm 2007, Minh được phong quân hàm trung úy sau khi tốt nghiệp loại giỏi. Kết thúc thời gian tu nghiệp hai năm ở nước ngoài, Minh về công tác tại Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, Bộ Quốc phòng, thực hiện nhiệm vụ tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Không ai ngờ rằng, 11 năm sau sự ra đi của chồng, một lần nữa chị Thủy ngã quỵ khi nhận được tin con trai hiếu thảo, giỏi giang không còn nữa. Ngày 18-10-2016, Thiếu tá phi công Dương Lê Minh hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ huấn luyện bay.
Con trai hy sinh không lâu, chị Lê Thị Minh Thủy cũng nghỉ hưu với quân hàm thiếu tá sau thời gian dài công tác, cống hiến tại Bệnh xá Công an tỉnh Khánh Hòa. Niềm động viên lớn nhất của chị lúc này là con gái út và 3 cháu nội, ngoại, hiện cùng trú tại số nhà 117, Trần Nhật Duật, phường Phước Hòa, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Để phần nào nguôi ngoai những mất mát, chị Thủy tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể nơi cư trú, trở thành tấm gương mẫu mực, tiêu biểu trong các phong trào do địa phương phát động.
Thay chồng mặc áo Bộ đội Cụ Hồ
Trong căn nhà nhỏ yên tĩnh ở tổ 2, phường Chiềng An, TP Sơn La, tỉnh Sơn La, tôi được nghe câu chuyện xúc động về sự hy sinh của Đại úy Lù Công Thắng, cán bộ Đồn Biên phòng Pá Khôm (nay có tên gọi là Đồn Biên phòng Chiềng Tương), Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Sơn La, khi truy bắt các đối tượng buôn bán ma túy. Chị Tòng Thị Khong, vợ liệt sĩ Lù Công Thắng kể, anh chị quen nhau khi anh đang học năm cuối Trường Đại học Biên phòng (nay là Học viện Biên phòng). Năm 2003, hai người nên duyên vợ chồng. Vẫn biết làm vợ bộ đội, nhất là BĐBP sẽ gặp không ít khó khăn, vất vả, hiểm nguy, nhưng tình yêu và sự cảm thông giúp Khong vượt lên tất cả. Con trai Lù Trọng Hiếu chào đời một năm sau đó khiến đôi vợ chồng trẻ càng thêm hạnh phúc. Nhưng phải đến khi con trai 5 tháng tuổi, anh Thắng mới biết mặt con. Về được ít ngày, anh lại đi công tác biền biệt.
Đêm 31-7-2010, chị Khong thấy trong lòng như có lửa đốt. Đúng như linh tính, chị nhận được điện thoại của chỉ huy đơn vị, thông báo anh Thắng bị thương khi truy bắt tội phạm. Tai Khong bỗng ù đi. Chị chạy thẳng đến đơn vị anh, nhưng đã muộn, anh đã hy sinh trong vòng tay đồng đội. Nhìn trân trân những vết thương chằng chịt, thấm máu trên thi thể chồng, người vợ trẻ như hóa đá, khóc không thành tiếng... Cách đó ít giờ, Lù Công Thắng được giao nhiệm vụ bóc gỡ đường dây mua bán ma túy lớn. Anh và đồng đội mật phục tại khu vực biên giới thuộc bản Đin Chí, xã Chiềng Tương (Yên Châu, Sơn La). Đúng như phán đoán, một toán gồm 3 đối tượng nghi vấn xuất hiện. Anh cùng đồng đội ập vào khống chế, bắt giữ được 1 đối tượng cùng tang vật gồm 6 bánh heroin, 1 khẩu súng K59, 6 viên đạn... Hai tên còn lại bỏ chạy. Anh Thắng cùng tổ công tác kiên quyết truy đuổi. Khi hai đối tượng đến khu vực sát biên giới Việt-Lào, tên phía sau bất ngờ quay lại xả súng. Trong tình huống nguy nan, Lù Công Thắng lao thẳng vào đối tượng, gạt nòng súng xuống đất, tránh thương vong cho đồng đội, chấp nhận hy sinh về mình. Ngày 9-11-2010, Đại úy Lù Công Thắng được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Năm 2011, với sự quan tâm của Bộ Quốc phòng, chị Tòng Thị Khong được tuyển dụng vào quân đội, làm điều dưỡng viên tại Bệnh xá Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Sơn La. Noi theo tấm gương của chồng, từ khi trở thành chiến sĩ biên phòng, Thượng úy QNCN Tòng Thị Khong luôn tích cực phấn đấu, rèn luyện, “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua, chiến sĩ tiên tiến. Cháu Lù Trọng Hiếu cũng vừa đăng ký thi vào Học viện Biên phòng, quyết tâm tiếp bước sự nghiệp của cha mình-Anh hùng liệt sĩ Lù Công Thắng.
|
|
Thượng úy QNCN Tòng Thị Khong (ngoài cùng bên phải), vợ Anh hùng liệt sĩ Lù Công Thắng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La. Ảnh: NGUYỄN SÁNG |
Nhắc đến những người vợ liệt sĩ thời bình, tôi còn biết đến hoàn cảnh của 3 mẹ con chị Hoàng Thị Hạnh Phúc, vợ Thượng tá, liệt sĩ Trần Minh Hải, nguyên Phó tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế. Kể từ ngày được Bộ Quốc phòng tuyển dụng, là Thượng úy QNCN, bố trí làm việc tại Ban Chính sách, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế, ngày nào chị Phúc cũng có mặt tại đơn vị từ sớm để chuẩn bị công việc. Nhiệm vụ của chị là xử lý các thủ tục giấy tờ liên quan đến việc giải quyết các chế độ, chính sách cho người có công, thân nhân liệt sĩ, khác hẳn với nghề kế toán chị từng làm trước đây. Ngày ngày làm việc bên đồng đội của chồng, Thượng úy QNCN Hoàng Thị Hạnh Phúc thấy mình được an ủi phần nào, thấy như có bóng dáng người chồng thân yêu luôn dõi theo, che chở. “Em xác định, mình cần phải vững vàng, cứng cỏi để nuôi dạy các con nên người, nhất là phải hoàn thành tốt nhiệm vụ, để không phụ sự quan tâm của đơn vị và sự hy sinh của anh ấy”, chị Phúc bộc bạch.
Cũng như những người vợ liệt sĩ thời bình, không chịu đầu hàng trước số phận nghiệt ngã, sau khi chồng hy sinh, Trung úy QNCN Nguyễn Thị Thường, nhân viên Ban Tham mưu, Ban CHQS quận Hoàng Mai, TP Hà Nội nhanh chóng gượng dậy, nuôi con ăn học, chăm sóc cha mẹ chồng. Chị Thường tâm sự, chồng chị là Trung úy QNCN Đỗ Văn Năm, chiến đấu viên Tiểu đoàn 18, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Anh chị đến với nhau trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Chị là giáo viên mầm non, thu nhập thấp, chồng là QNCN, đồng lương cũng hạn hẹp. Trong căn nhà thuê trọ chỉ vỏn vẹn 12m2, nhưng cuộc sống của anh chị rất hạnh phúc. Chị Thường bảo, do tính chất công việc, chồng chị thường xuyên phải đi công tác, mặc dù chỉ đóng quân cách nhà vài cây số. Những khi anh vắng nhà, một mình chị phải cáng đáng mọi công việc, vừa đi làm ở trường, tối về một mình trông con, cơm nước, giặt giũ quần áo... Không có chồng ở nhà, chị phải trực tiếp sửa chữa đồ điện, nước, củng cố phòng trọ... “Dù vất vả, khó khăn nhưng khi đã là vợ bộ đội, tôi luôn xác định tư tưởng phải vững vàng, khó khăn nào cũng vượt qua, để làm hậu phương cho chồng yên tâm công tác”, chị Thường chia sẻ.
|
|
Chị Nguyễn Thị Hường, vợ iệt sĩ Đỗ Văn Năm. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Sóng gió ập đến với gia đình anh chị năm 2014, buổi sáng cuối cùng anh tham gia huấn luyện nhảy dù, không may máy bay gặp nạn, anh cùng các đồng đội đã hy sinh. Khi ấy, chị Thường hoàn toàn suy sụp, không còn thiết gì xung quanh nữa. Nhưng rồi, với sự kiên cường của vợ lính đã được rèn giũa từ trước, chị cố gắng gượng dậy... Một thời gian sau, chị Thường được Đảng, Nhà nước tạo điều kiện tuyển dụng vào quân đội, thay chồng mặc áo Bộ đội Cụ Hồ, bước tiếp con đường anh đã đi.
"Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng tôi luôn tâm niệm mình phải sống thật tốt, xứng đáng với sự hy sinh của chồng và các đồng đội. Làm được điều đó, chồng tôi chắc sẽ yên lòng!". Hướng ánh mắt lên bàn thờ liệt sĩ, người vợ trẻ tự hứa với lòng mình như thế.
NGUYỄN HỒNG SÁNG