Sáng lập Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam 

Sinh năm 1982 tại Ninh Bình, Nguyễn Văn Thái đã có 17 năm miệt mài thực hiện công tác bảo tồn, cứu hộ các loài động vật.

Năm 2005, Thái tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp, ngành quản lý tài nguyên rừng và môi trường. Lẽ thường, như các bạn cùng khóa ra trường sẽ trở thành cán bộ kiểm lâm, nhưng anh lại chọn làm công việc bảo vệ động vật hoang dã. Công việc đầu tiên của Thái chính là về tê tê. Lúc này Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Binh), phối hợp với một vườn thú của Anh, xây dựng dự án bảo tồn tê tê đầu tiên ở khu vực châu Á. “Khi ấy rất nhiều cá thể tê tê bị buôn bán trái phép nhưng không có trung tâm cứu hộ nào, không ai biết làm thế nào để cứu, chăm sóc tê tê. Chúng tôi bắt đầu xây dựng trung tâm cứu hộ tê tê chuyên biệt đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á”, Thái nhớ lại.

Năm 2012, Thái sang Australia du học. Vừa nỗ lực học và nhận tấm bằng Thạc sĩ Quản lý môi trường, thời gian rảnh anh làm thêm để tăng thu nhập. Sau hai năm, anh tiết kiệm được một khoản và trở về Việt Nam với tâm trạng không còn bị áp lực về tài chính, có thể tự tin trong việc lựa chọn con đường riêng.

leftcenterrightdel
Nguyễn Văn Thái. Ảnh do nhân vật cung cấp. 

Trở về nước, Nguyễn Văn Thái đau đáu suy nghĩ có thể làm gì để đóng góp cho bảo tồn động vật hoang dã của Việt Nam. Trải qua rất nhiều khó khăn về thủ tục pháp lý, nhân sự, nguồn kinh phí, Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam (SVW) được thành lập theo Quyết định số 482/QĐ-LHHVN ngày 22-7-2014 của Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam. Với 3 thành viên sáng lập ban đầu, đến nay SVW có 63 nhân sự, làm việc cố định ở 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Ninh Bình, Nghệ An, Cà Mau, Kiên Giang, Đồng Nai. VSW phối hợp với Vườn quốc gia Cúc Phương và Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An) vận hành  hai trung tâm cứu hộ động vật hoang dã; đồng thời hỗ trợ các trung tâm cứu hộ khác, như: Hỗ trợ thức ăn cho thú, xe cứu hộ, xe đi tái thả động vật, kiểm tra sức khỏe, chữa trị bệnh tật cho thú...

Trong công tác bảo vệ rừng, SVW đang phối hợp cùng 5 vườn quốc gia ở 5 tỉnh, thành phố trên. Thái cũng thành lập Đội Chuyên trách bảo vệ rừng (anti-poaching) đầu tiên tại Việt Nam từ năm 2018. Chỉ tính riêng tại Vườn quốc gia Pù Mát, đội đã cùng cán bộ kiểm lâm phá hủy 12.868 bẫy thú, tháo dỡ 913 lán trại bất hợp pháp, tịch thu 104 khẩu súng và 27 kích cá điện, ngăn chặn 710 người vào rừng trái phép, trong đó 325 người bị xử lý hành chính và hình sự...

Về các hoạt động nghiên cứu, giáo dục, Nguyễn Văn Thái cho biết, ngoại trừ những chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức chung, SVW hiện mới triển khai chủ yếu ở hai địa điểm là Vườn quốc gia Cúc Phương và Vườn quốc gia Pù Mát. SVW đã mang đến cơ hội cho 11.133 em học sinh từ 5 đến 17 tuổi trải nghiệm chương trình giáo dục tại trường học, trong rừng và nền tảng trực tuyến. Hơn 12.000 người dân sinh sống quanh các khu bảo tồn ở Việt Nam đã tham gia khảo sát, 2.500 cán bộ tham gia tập huấn, cùng gần 3.000 người dân tham gia tích cực các hoạt động nâng cao nhận thức về bảo vệ động vật hoang dã, hội thảo thực thi pháp luật, các giải pháp sinh kế thay thế cho cộng đồng dân cư sống phụ thuộc rừng...

Phục hồi quần thể tê tê

Thời gian gần đây, Việt Nam gặt hái được những thành quả trong công tác bảo tồn động vật hoang dã, nhất là với loài tê tê Java. Nguyễn Văn Thái, trên cương vị Phó chủ tịch Hội Chuyên gia bảo tồn tê tê thế giới (IUCN) cho biết: “Chúng tôi đã chứng minh được những nỗ lực trong cứu hộ và tái thả tê tê. Từ năm 2014 đến 2021, gần 1.000 cá thể tê tê được trung tâm tái thả, góp phần phục hồi quần thể ngoài tự nhiên”.

Theo nghiên cứu của Văn phòng Liên hợp quốc về Chống ma túy và tội phạm (UNODC) về buôn lậu tê tê: Tê tê là loài thú có vú bị buôn lậu nhiều nhất thế giới với số lượng vụ buôn lậu bị bắt giữ có nguồn gốc từ châu Phi và hướng đến các thị trường châu Á tăng gấp 10 lần kể từ năm 2014. Từ năm 2014 đến 2018, khoảng 370.000 cá thể tê tê bị thu giữ trên phạm vi toàn cầu. Nghiên cứu của UNODC cũng cho biết nguồn gốc tê tê bị tịch thu chủ yếu đến từ châu Phi. 

leftcenterrightdel

Nguyễn Văn Thái đang tái thả về rừng con tê tê được sinh ra và lớn lên ở SVW, có tên Miracle-Kỳ Diệu. Ảnh do nhân vật cung cấp. 

Nói Việt Nam là một trong những nước đi đầu về cứu hộ tê tê trên thế giới là bởi, một đơn vị cứu hộ tê tê ở châu Phi (và cũng là một trong những đơn vị cứu hộ tê tê đầu tiên ở châu lục này) đã thực hiện cứu hộ nhưng mười mấy năm nay cũng chỉ giải cứu được hơn 100 cá thể tê tê. Trong khi đó, số lượng tê tê tại SVW được cứu hộ trực tiếp từ năm 2014 đến nay là 1.606 cá thể, đó là chưa tính đến hình thức cứu hộ gián tiếp, thông qua SVW hỗ trợ bên khác về thức ăn, tiền, chăm sóc thú y.

Không chỉ trực tiếp cứu hộ, SVW còn hỗ trợ tất cả trung tâm cứu hộ khác ở Việt Nam về thức ăn, chi phí vận chuyển, thú y khi được yêu cầu. Nhiều trung tâm cứu hộ tê tê trên thế giới đã đến Việt Nam để tập huấn, học tập những kinh nghiệm chăm sóc tê tê. SVW và Vườn quốc gia Cúc Phương là những đơn vị đầu tiên xuất bản nhiều tài liệu hướng dẫn chăm sóc tê tê Java, qua đó thúc đẩy thành công công tác cứu hộ tê tê trên khắp thế giới.

Tình yêu là sự chọn lựa

Cống hiến hết mình cho công việc bảo vệ động vật hoang dã, một trong những thắc mắc mà Nguyễn Văn Thái được nghe nhiều nhất từ những người xung quanh: Tại sao cứ đi lo những thứ không phải là trách nhiệm của mình mà không làm những điều tốt hơn cho bản thân và gia đình?

Với Nguyễn Văn Thái, yêu động vật chưa bao giờ là sự hy sinh. Với anh, đó là một sự lựa chọn. Ai cũng có quyền chọn cho mình con đường riêng, và anh lựa chọn con đường mang giá trị bền vững cho quê hương, đất nước. “Quan trọng là được làm những thứ mình yêu thích”, Thái tâm sự.

Thời gian đầu khi SVW mới thành lập, Nguyễn Văn Thái dành phần lớn thời gian cho việc cứu hộ động vật hoang dã, kiếm thức ăn cho chúng trong môi trường nuôi nhốt, nghiên cứu tập tính, sinh thái của động vật, đi phỏng vấn các đối tượng thợ săn, sử dụng kiến thức thực tế của họ để phục vụ các hoạt động bảo tồn. Anh cũng thường xuyên đóng giả người mua, người buôn trà trộn vào các nhà hàng, hiệu thuốc để nghiên cứu, hiểu rõ những hoạt động vận hành, buôn bán động vật hoang dã, khảo sát người dân để hiểu động lực, lý do vì sao họ săn bắt. Qua những thông tin đó, anh làm việc với cơ quan truyền thông, đơn vị chức năng để bắt giữ các đối tượng vi phạm, các tụ điểm vi phạm.

Giờ đây, Nguyễn Văn Thái chủ yếu tập trung xây dựng tổ chức, tìm kiếm các nguồn tài trợ, xây dựng chiến lược bảo tồn, đặc biệt là làm việc với các bộ, ngành Trung ương để đề xuất thay đổi các chính sách, đưa các vấn đề thực tiễn trong công tác bảo vệ rừng và động vật hoang dã vào các văn bản pháp luật để phù hợp với công tác bảo tồn.

leftcenterrightdel
Một số kết quả năm 2021 của SVW. Đồ họa: HOÀNG VIỆT 

Việt Nam có đến 310 loài thú, 916 loài chim, chiếm khoảng 7,7% tổng số động vật có vú và 10% loài chim trên thế giới. Tuy nhiên, rất nhiều loài động vật hoang dã của Việt Nam đã và đang biến mất. Nguyễn Văn Thái hy vọng, với sự đấu tranh bền bỉ và những tổ chức như SVW, tinh thần bảo vệ thiên nhiên sẽ dần được lan tỏa và chạm đến cả xã hội, thúc đẩy mọi người cùng hành động để cải thiện tình hình. Thiên nhiên không phải là tài sản chung, thiên nhiên là tài sản riêng của mỗi người, cần mỗi người bảo vệ.

Tháng 1-2022, Nguyễn Văn Thái nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường vì có thành tích đột xuất trong năm 2021. Trước đó, năm 2012, Nguyễn Văn Thái được lựa chọn là một trong số 40 "người hùng động vật hoang dã" trong cuốn sách “Wildlife Heroes” xuất bản tại Mỹ. 4 năm sau, anh là người Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng Future for Nature dành cho người trẻ có nhiều đóng góp bảo tồn động vật hoang dã. Năm 2017, anh tiếp tục được vinh danh là "Người hùng bảo vệ động vật hoang dã" tại Nepal vì những đóng góp cho công tác bảo tồn và thúc đẩy phúc lợi động vật tại châu Á. Và năm 2021, từ Mỹ, giải thưởng môi trường danh giá Goldman đã gọi tên Nguyễn Văn Thái. Sau những giải thưởng lớn, Thái “tê tê” lại vào rừng, vẫn đi chiếc xe máy Wave mua từ 2010, cùng giọng nói và nụ cười thô mộc. Còn tiền thưởng, anh “ném” cả vào công tác bảo tồn thiên nhiên. Bởi anh muốn làm công việc này một cách chuyên nghiệp.

HOÀNG LIÊN VIỆT