Chất Văn Lang
Người Văn Lang tự hào về tài nói khoác (nói phét) của mình lắm. Chả thế! Tiếng cười Văn Lang đã được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa về tìm hiểu, sưu tầm in thành sách. Được các diễn viên chuyển thể thành phim hài, phục vụ món ăn tinh thần cho nhân dân cả nước. Người Văn Lang cũng tổ chức thành các đội nói phét đi lưu diễn nhiều tỉnh, đến đâu cũng được người dân chào đón, yêu quý.
Theo ông Bùi Văn Thông, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Văn Lương, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, xưa có hai xã Văn Lang, một thuộc huyện Hạ Hòa, một thuộc huyện Tam Nông. Để tránh sự nhầm lẫn, năm 1966, tỉnh Phú Thọ đổi tên hành chính xã Văn Lang, huyện Tam Nông thành xã Văn Lương từ đó tới nay. Tuy nhiên, cùng với bao truyền thuyết lịch sử, đặc biệt là đặc sản gia truyền "Truyện cười Văn Lang" nên người dân địa phương và các vùng lân cận vẫn gọi Văn Lương là làng Văn Lang. “Văn Lang cả làng nói phét” chính là nơi đây. Văn Lang cổ hay còn gọi là Tổng Văn gồm 9 làng. Không biết tài nói phét của người Văn Lang có từ bao giờ, nhưng ca cổ đã có câu: Đinh tổng Hiền/ Điền tổng Tứ/ Lý sự tổng Văn. Có lẽ, cái chất nói phét cũng chính từ cái lý sự đó mà ra.
Biết tôi đến tìm hiểu cái chất nói phét của làng, ông Thông cười sảng khoái: “Về chuyện nói phét, anh chỉ cần gặp vài người dân, bất kể ở quán nước hay trên đồng ruộng là cũng đủ ghi thành vài tác phẩm hay rồi”. Ông cũng không quên dặn thêm: “Nhưng anh đừng vội khai xưng là nhà báo, cứ đến chỗ đông người nghe nói chuyện mới cảm nhận được hết cái thú vị nói phét gia truyền của người Văn Lang”. Giọng người Văn Lang đặc trưng lắm, ngôn ngữ nặng, ê a, nhấn nhá. Họ chỉ cất lên mấy câu là đã khiến người khác buồn cười rồi.
|
|
Ông Hán Văn Hạnh có duyên kể chuyện cười nức tiếng ở Văn Lang. |
Ông Hán Văn Hùng được tôn danh là "truyền nhân nói phét đệ nhất Văn Lang". Ông là con trai cụ Hán Văn Sinh, người có công đầu tiên sưu tầm, sáng tác đăng "Truyện cười Văn Lang" trên Báo Phú Thọ từ những năm cuối thập niên 1990. Tìm đến nhà ông Hùng mấy lần nhưng không gặp. Cô con gái ông khoảng 16, 17 tuổi bảo ông đi việc làng. Khi tôi hỏi: "Việc làng tổ chức ở đâu?", cô bé tỉnh bơ: “Thì ở ngoài đồng, hoặc ở quán nước nào đó”. Thấy vẻ mặt tôi chưng hửng, cô lý luận: “Việc làng là làm việc gì đó trong làng thôi, chứ không có gì to tát đâu”. Chúng tôi đang nói chuyện thì một người phụ nữ đi qua. Dáng vẻ mệt nhọc, quần áo còn dính đầy vôi vữa. Con gái ông Hùng cất tiếng hỏi trước:
- Hôm nay, chị đi phụ thợ xây có mệt không?
- Ba thằng nó vào cùng một lúc, phục vụ thì đứt cả hơi. Nhưng đến khi ba thằng nó cùng xoa thì sướng.
Nghe hai người nói chuyện chúng tôi hơi chun mũi. Con ông Hùng cười phá lên, giải thích: “Em đoán các anh cười gì rồi. Nghe vậy nhưng không phải chuyện bậy đâu. Lúc ba anh thợ vào bả tường thì chị ấy phải phục vụ vữa cho ba anh cùng lúc nên phải luôn chân luôn tay. Khi hồ đã ráo, ba thợ xoa tường, thợ phụ được ngơi tay nên sướng thôi”.
Mới nói dăm ba câu chuyện với cô gái mà chúng tôi đã cảm thấy vui vui.
Sau một hồi tìm kiếm, chúng tôi cũng gặp được ông Hán Văn Hùng. Dáng người ông thấp nhỏ, trán hơi hô, vẻ mặt hiền lành, hoạt bát, điệu đi tất tả, giọng nói to... Vừa thấy bóng ông Hùng, anh Cù Xuân Liên, Xã đội trưởng xã Văn Lương, đã réo to: “Bác Hùng ơi, nghỉ tay kể cho chúng cháu mấy câu chuyện đặc sản của làng với!”. Nghe có tiếng người gọi, ông Hùng lái chiếc xe gắn máy tiến lại. Để cả bao thóc to phía trước khung xe, ông dựa gọn vào cạnh bờ tường, tươi cười nói: “Mặc quần đùi thế này ngồi kể chuyện cười có phải phép không nhỉ?”. Vừa thấy ông Hùng bước vào quán, mọi người đã rôm rả: “Cái ông này, chưa thấy người đã thấy tiếng, nói chuyện mà xã bên nghe tiếng”. Ông Hùng bâng quơ: “Ngày trước cụ thân sinh ra tôi kể rằng, tôi lên 4 mà vẫn không biết nói biết cười, đặt đâu ngồi đấy, ăn cơm dính mép, ruồi bâu cũng không đuổi. Thầy tôi giận bảo, cũng chỉ tại bầm tôi đặt tên là Hiền nên ông cụ đổi thành Hùng. Từ đấy, giọng tôi mới oang oang ra thế này”. Ông Hán Xuân Hạnh, một cây hài của Văn Lang bồi thêm mấy vần thơ: Không cười làng tôi không sống nổi/ Cười cho tạnh mưa dông, dịu nắng đốt/ Cười cho mềm sỏi đá để trồng hoa.
Người dân Văn Lang, bằng trí thông minh và sự hài hước của mình đã khéo léo chuyển hóa những đề tài tưởng như rất đời thường, không có gì đáng nói cũng trở nên hấp dẫn bởi thủ pháp gây cười, cách phóng đại, cách kết thúc bất ngờ. Xoay đi nói lại, người Văn Lang gây cười quanh những chuyện con tôm, con gà, con trâu, củ sắn, chuyện vợ chồng... Sẵn khí thế hào hứng, ông Hạnh dẫn chứng một loạt truyện cười như: "Củ sắn mọc xuyên qua Quốc lộ 24", "Con tôm to bằng con chó vàng", "Quả bưởi rụng chết con trâu", "Gà đá chết lợn"… Rồi ông diễn giải chuyện rau mọc thành rừng: Nhà tôi trồng một vườn rau/ Trồng từ hôm trước, hôm sau bằng đầu/ Chiều tà ra ruộng hái rau/ Ngỡ ngàng trước cảnh vườn rau thành rừng... Những câu chuyện đó, đa phần thể hiện mong ước của chính người dân. Có con gà nào to mà đủ sức đá chết con lợn đâu, có vườn rau nào mà lại thành rừng được đâu. Dẫu biết là khó nhưng người ta vẫn mơ ước. Mơ để mong tương lai tươi sáng hơn, để có động lực phấn đấu, quyết tâm. Nghe ông Hạnh nói, ông Hùng cũng nói thêm: “Mơ ước cũng có cái thành hiện thực, cũng có cái không. Nhưng không mơ ước thì sẽ không bao giờ định hình được tương lai để mà thành sự thật, như chuyện bố mẹ quanh năm cày sâu cuốc bẫm nhưng vẫn mơ con thành kỹ sư, bác sĩ, thành lãnh đạo tỉnh, Trung ương. Phải mơ thì mới cho con có ý chí vươn lên”.
Quả thật, mấy cây đại thụ nói phét vừa gặp nhau đã vang cả quán nước. Cái chất Văn Lang sao mà hồn nhiên, đáng yêu quá!
|
|
Một góc chợ quê làng Văn Lang |
Cả làng nói thật
Theo nhiều cụ cao niên thì Văn Lang xưa và Văn Lương nay cũng không khác nhau là mấy, cách Quốc lộ 32 vài ki-lô-mét mà đời sống của người dân vẫn nghèo. Đi khắp xã, nhà cửa vẫn rất đơn sơ, trong ngóc ngách các thôn, xóm vẫn còn nhiều con đường đất, gan sỏi. Người dân sống chủ yếu dựa vào nghề sơn và trồng lúa, khai thác lá cọ, chè. Là xã nghèo nhất của huyện Tam Nông nhưng tinh thần của người dân rất giàu có, trù phú. Ở đâu thì không biết, chứ đến đây bảo cả làng nói phét thì người dân còn thấy tự hào, hãnh diện. Nhiều người bảo, nói phét mà ai cũng thích nghe, nói phét ra tiền thì không phải ai cũng làm được.
Có lẽ, chính cái lý đó tạo nên chất phóng khoáng, thông minh, dí dỏm, đáng yêu của người Văn Lang. Té ra, người Văn Lang nói phét nhưng lại là nói thật. Cái thật thà, chất phát tạo nên tiếng cười đặc sản. Đôi khi người Văn Lang nói phét, người ta lầm tưởng là thật, nói thật người ta lại nghĩ là nói phét. Ông Hạnh khoe, ông đang viết bản khai thành tích đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, nhiều người cười té ghế, tưởng ông nói khoác. Nhưng khi ông đưa bản khai thành tích ra thì hóa là thật. Năm 1987, ông Hạnh hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Từ năm 1992, ông được bầu làm Bí thư Đoàn xã kiêm Trưởng ban Văn hóa thông tin xã. Yêu văn hóa quê hương, ông Hạnh dày công tìm tòi nghiên cứu, sưu tầm "Truyện cười Văn Lang". Từ năm 2000 đến 2012, ông được Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tam Nông mời tham gia phục vụ Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương. Và từ đó, ông cùng nhiều nghệ nhân trong làng tham gia cùng báo, đài ghi hình dựng lại các tiểu phẩm, thước phim về chuyện làng Văn Lang.
Một thời gian sống trong không khí của làng Văn Lang, trò chuyện với người dân từ đầu làng tới cuối xã, được biết thêm nhiều điều mới lạ, thú vị, chúng tôi cảm thấy tinh thần lạc quan hơn. Chất văn hóa Văn Lang, trải qua hàng trăm năm với bao biến cố của thời gian, của chiến tranh nhưng vẫn như mạch ngầm chảy mãi trong đời sống người dân. Duy chỉ có một điều chúng tôi còn thấy băn khoăn là các cụ trong làng Văn Lang đều nói, do không có kinh phí nên mấy năm nay xã không tổ chức được cuộc thi kể chuyện cười vào dịp đầu xuân. Điều này phần nào ảnh hưởng đến sức lan tỏa, truyền nối giá trị của một loại hình văn hóa dân gian đặc sắc.
Bài và ảnh: HÀ BÁCH