Chúng tôi hay gặp nhau, đôi khi ở Hà Nội, đôi khi ở Cúc Phương. Mỗi lần gặp vợ chồng họ là tự dưng cảm thấy mình vẫn đang sống thật là thiếu trách nhiệm với thiên nhiên hoang dã. Thậm chí đôi khi thấy mình thật vô tình, vô tâm, vô cảm...

Một trong những điều thú vị nhất ở Hà Nội sau bao nhiêu ngày tháng giãn cách vừa qua có lẽ không mấy ai để ý, đó là bỗng dưng chim chóc trở nên nhiều hiếm thấy. Ríu rít trên những vòm cây, lách chách trên hè phố. Khi con người ở yên trong nhà, phố xá yên tĩnh, không gian trong lành, đàn chim đã kịp sinh sôi nảy nở, hoặc đơn giản chỉ là chúng đã từ đâu đó kéo về làm tổ trên những tán cây xanh.

Trong một bộ phim tài liệu có tên “Our planet” (Hành tinh của chúng ta) có một đoạn về Chernobyl, nơi xảy ra sự cố hạt nhân vào ngày 26-4-1986 khi nhà máy điện hạt nhân bị nổ. Vụ tai nạn đó được đánh giá là trầm trọng nhất trong lịch sử năng lượng hạt nhân. Điều kỳ lạ nhất là sau hơn 30 năm bị bỏ không, và theo đánh giá của các nhà khoa học thì nó sẽ không thể là nơi con người có thể sinh sống trong vòng 20 nghìn năm, thì ở nơi này, những cái cây đã mọc lên xanh um, vượt quá cả nóc nhà ba, bốn tầng, cả thị trấn biến thành một khu rừng. Hơn thế, các loài động vật hoang dã từ lúc nào đó đã xuất hiện, sinh sôi nảy nở, tung tăng đi lại. Trong đó thậm chí có những loài nằm trong danh sách có nguy cơ tuyệt chủng. Chúng đã bằng cách nào đó, băng qua những cung đường nào đó, xuất hiện ở đây, sinh con đẻ cái và an nhiên sống trong “vùng đất chết”. Những người làm phim nói rằng, con người bỏ đi thì thiên nhiên sẽ trở lại.

leftcenterrightdel
Vợ chồng Tilo Nadler và Nguyễn Thị Thu Hiền. Ảnh tư liệu.

Hai câu chuyện này mang đến điều gì như là sự chua chát. Ở vào một khoảnh khắc nào đó, dừng lại thì chúng ta mới nhận ra rằng chính con người đã tàn phá thiên nhiên kinh khiếp thế nào. Trở lại với vợ chồng Nguyễn Thị Thu Hiền và Tilo Nadler. Báo chí nói nhiều đến ông Tilo, bạn đọc cũng không lạ gì với biệt danh “Linh trưởng chúa” cũng do cánh nhà báo đặt cho ông. Tôi thì muốn nhắc đến “bóng hồng” bên cạnh ông-một kiều nữ phố cổ Hà Nội. Người mà tôi tin rằng tình yêu mãnh liệt của người đàn ông châu Âu đối với những cánh rừng nhiệt đới và những con linh trưởng nhỏ bé đã là một trong những lý do khiến chị quyết định bỏ phố lên rừng cùng ông theo đúng nghĩa đen. Lần đầu tiên chị gặp ông Tilo là khi mới chỉ 10 tuổi và gặp ông ở bờ hồ Hoàn Kiếm. Một cô bé con, gặp một ông Tây, có hỏi qua đáp lại một vài câu gì đó nhưng đủ để chị nhớ rất lâu. Đến khi trở thành sinh viên, chị gặp lại ông rồi theo chân ông làm phiên dịch, trợ lý, rồi say mê cả công việc lẫn tâm hồn người đàn ông Đức gốc Do Thái ấy. Ba mươi năm qua, lúc nào họ cũng ở bên cạnh nhau như hình với bóng. Mọi chuyến đi, mọi hành trình gian khó, mọi cuộc “chiến đấu” để bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt là những chú voọc nằm trong sách đỏ, cả những cuộc dạo chơi thoáng chốc giữa nhân gian, họ đều luôn xuất hiện bên cạnh nhau.

Lần thứ mấy không nhớ nữa, chúng tôi ngồi với nhau ngay sau khi vợ chồng chị Hiền vừa trở về từ Ấn Độ. Họ đại diện cho Việt Nam tham dự một hội thảo châu Á mở rộng với chủ đề cứu hộ thú linh trưởng với sự có mặt của 21 quốc gia. Nhắc đến cứu hộ thú linh trưởng ở Việt Nam, chắc chắn không một người nào từng quan tâm là không biết đến cặp vợ chồng đặc biệt này.

Nói đặc biệt bởi vì họ là những người đầu tiên đặt nền móng cho việc ra đời Trung tâm Cứu hộ linh trưởng nguy cấp (EPRC) thuộc Vườn Quốc gia Cúc Phương. Một đồng nghiệp của tôi từng nói, ông Tilo đã làm thay đổi nhận thức của anh ấy về trách nhiệm, sứ mệnh phải bảo vệ động vật hoang dã. Và chính tôi, người viết bài này cũng cảm thấy điều đó. Tại sao sự lay động tâm hồn lương thiện, nhân ái với muôn loài ở trong mỗi chúng ta lại đến từ một người từ rất xa, bên kia Trái đất? Là bởi vì ông ấy đã dành tất cả những gì mình có, trí tuệ, sức khỏe, tiền bạc, chịu đựng vô số những cay đắng, uất ức, rốt cuộc chỉ để cứu những con linh trưởng bé nhỏ, hiền lành tội nghiệp trên một đất nước không phải Tổ quốc của ông. Khái niệm quốc gia trong lĩnh vực này đã bị xóa nhòa, nếu như loài người thực sự coi Trái đất là một đại đại gia đình và ai ai cũng phải tôn trọng, bảo vệ, giữ gìn nó.

Ông Tilo nổi tiếng với những câu chuyện giống như “huyền thoại”, kiểu như sẵn sàng đầu trần chịu nắng nóng nhưng lại loay hoay tìm cách bẻ cành cây để che nắng cho một chú voọc đang bị thương; hoặc đang đi trên đường, thấy người ta dùng ắc-quy đánh cá, ông lập tức dừng khựng lại, phăm phăm lao xuống để ngăn chặn… Ông đã dành cả cuộc đời để ở lại Việt Nam với những nỗ lực không mệt mỏi và một niềm hy vọng bất tận vào việc hồi sinh muông thú trong những cánh rừng. Nhưng tôi tin rằng, với tất cả những gì ông đã làm, một cách đắm đuối, hết lòng hết dạ trong suốt những năm qua, tận thẳm sâu, ông sẽ luôn biết ơn người vợ Việt Nam mặc dù khá cao lớn so với vóc dáng người Việt nhưng đứng bên cạnh ông vẫn chỉ bé nhỏ như một nụ hoa.

Không có người vợ có cái tên thuần Việt ấy, có lẽ là ông không thể làm được nhiều việc cho động vật hoang dã khắp các cánh rừng Việt Nam như hôm nay. Cũng chưa biết chừng, ông đã không thể trở thành một người Việt Nam và không biết nói tiếng Việt như bây giờ. Ông Tilo đi đến đâu thì kiểm lâm được nhờ đến đấy và đám săn trộm cũng ngán ngẩm khi phải đối diện với ông, nhưng chị Hiền thì từng bị tấn công thực sự. Tôi không muốn hỏi về những ký ức đó, nó khiến tôi thấy xấu hổ. Đôi khi ta thấy xấu hổ về những điều xấu xa do người khác làm. Một nỗi xấu hổ rất khó tả.

Suốt nhiều năm vun vén cho trung tâm cứu hộ thú linh trưởng ở rừng Cúc Phương, tận tay đưa về vô số vượn, voọc, khỉ từ khắp nơi trên cả nước, có những “em bé” (gọi theo cách của chị Hiền) đã sắp bị đưa vào nồi đến nơi. Đưa về còn lo chữa chạy. Có “em” được đặt tên là Tilo, là Hiền, thậm chí là theo tên hai cậu con trai của họ. Hầu hết những “em bé” linh trưởng ấy đều đã trải qua giam giữ, vận chuyển nên thường bị thương hoặc bị bệnh. Trong trung tâm cứu hộ vì thế có cả khu bệnh viện dành riêng cho các “bệnh nhân”. Hiện giờ, mặc dù đã thôi làm việc trực tiếp với Vườn Quốc gia Cúc Phương nhưng gia đình họ với hai cậu con trai cao lớn lộc ngộc vẫn sống trên địa bàn xã Cúc Phương và hoạt động hỗ trợ bảo tồn linh trưởng cho Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Ninh Bình-nơi có số lượng loài voọc mông trắng (Trachypithecus delacouri) nhiều nhất ở Việt Nam, và một số khu bảo tồn thiên nhiên nơi còn thú linh trưởng quý hiếm.

Ngoài ra, những năm qua, vợ chồng Hiền-Tilo đã giúp bảo tồn loài voọc ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (Đà Nẵng) và đào tạo hàng trăm sinh viên, hàng chục thạc sĩ, tiến sĩ cho Đà Nẵng và miền Trung-Tây Nguyên… Rời đi nhưng trung tâm cứu hộ trong rừng vẫn là ngôi nhà mà hai người thường quay về. Chị có thể kể vanh vách, say mê, thuộc lòng từng “em” một, mang về từ đâu, tình trạng thế nào, giờ ra sao. Em nào thành vợ chồng với em nào và đã sinh được mấy em bé. Voọc lúc bé trông ra sao, phân biệt với khỉ nhí, vượn nhí bằng cách nào…

Tôi nói: “Em chưa nghe vượn hót bao giờ. Làm sao để có thể nghe?”. Chị Hiền mỉm cười và lập tức chu miệng lại. Tiếng hót lảnh lót cất lên khiến cho đám linh trưởng xôn xao trong các khu chuồng kế tiếp nhau. Ôi, hóa ra đấy là tiếng vượn hót. Nó không giống bất kỳ tiếng của một loài nào cả. Nó có cái mỏng manh của thân phận, lại có cái quyến rũ của loài, cũng có cả sự bất tận của thiên nhiên hoang dã…

Không chỉ là chuyên gia về thú linh trưởng mà hai người còn thuộc làu làu về sự sống còn trong thế kỷ 21 của hổ, báo, gấu, tê giác và vô số loài động vật hoang dã khác… Và cũng không chỉ ở Việt Nam, ở Đông Nam Á mà cả châu Á, thậm chí trên toàn địa cầu.

Ở trong cuộc đời này, có những người mang đến cho ta cảm giác rằng họ đã sống hết sạch số thời gian mình có mỗi ngày, không một khoảnh khắc nào vô nghĩa, phí hoài. Sống và trao tặng bản thân cho một niềm say mê bất tận-hồi sinh thiên nhiên. Nguyễn Thị Thu Hiền-Tilo Nadler là một cặp đôi tuyệt vời như vậy.

Ký của ĐỖ BÍCH THÚY