QĐND - Về với Đất Mũi, theo “tiếng lành đồn xa”, chúng tôi tìm đến với lớp học tình thương của “ông giáo” Thượng úy Trần Bình Phục, Đồn Biên phòng Hòn Chuối, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Chuyện thầy, chuyện trò dưới chân sóng này khiến mỗi chúng tôi xúc động, thêm cảm phục tình cảm của Bộ đội Cụ Hồ nơi biên cương, rừng sâu...

Đảo Hòn Chuối đến nay vẫn cơ bản là đảo “5 không”. Đó là không điện, không đường, không trường, không trạm, không nước sạch sinh hoạt. Và lẽ đương nhiên là trẻ con trên đảo cũng không được học hành. Thầy giáo “tay ngang” Trần Bình Phục được giao nhiệm vụ tiếp bước những đồng đội đi trước, đảm nhận việc tổ chức lớp học này. Ôn lại câu chuyện cũ, đó là vào những năm 90 của thế kỷ trước. Thấy thương những đứa trẻ làng đảo thiếu chữ, chịu nhiều thiệt thòi, Chỉ huy Đồn Biên phòng Hòn Chuối đã mở một lớp học tình thương nhằm phổ cập, xóa mù chữ cho con em trên đảo. Sau một thời gian, lớp học tạm gián đoạn và được mở trở lại vào năm 2007. Gọi là “lớp” nhưng thực ra chỉ là một căn phòng rộng chừng 50m2 dựng tạm bằng tôn, bên trong kê hai dãy bàn ghế do chính các chiến sĩ Đồn Biên phòng Hòn Chuối mua gỗ và đóng. No ấm, bình yên và cái chữ đã “theo chân” những người lính biên phòng ở lại với đảo, dẫu sự nghiệp “trồng người” nơi đây mới dừng lại ở mức độ xóa mù chữ, chưa được công nhận là lớp học giáo dục quốc dân. Nhưng thật đáng mừng, năm học này, tất cả học sinh trên đảo đã có đầy đủ sách giáo khoa, từ tấm lòng các tổ chức và cá nhân trong đất liền hỗ trợ. 

Thượng úy Trần Bình Phục cõng học sinh đến lớp hằng ngày.

Thượng úy Trần Bình Phục nhớ lại những ngày đầu khó khăn vận động các em đến lớp: “Hồi đó dân đảo nghèo lắm. Đường sá khó khăn, các gia đình chưa ý thức hết giá trị của việc cho con em học chữ, nên thường bắt tụi nhỏ ở nhà đi biển. Để thay đổi nhận thức của bà con thì quả không dễ”. “Đến từng ngõ, gõ từng nhà” - chiến thuật của các anh đã phát huy hiệu quả. Các xóm dần dần có nhiều gia đình đưa trẻ đến lớp. Những hôm biển động, các thầy chia các hướng đón học sinh đến lớp, dạy xong lại đưa về. Hình ảnh Thượng úy Trần Bình Phục trên vai cõng em nhỏ nhất trong lớp và dắt các em học sinh vượt hơn 300 bậc thang lên lớp học, đã đọng lại trong không chỉ riêng tôi một hình ảnh đẹp và thiêng liêng biết bao.

Theo dõi suốt buổi học, chúng tôi càng khâm phục khi thấy anh “tả xung hữu đột’ giữa học vần lớp 1, chính tả lớp 2, toán lớp 3 và đạo đức lớp 4, tiếng Việt lớp 5. Tấm bảng cũng được “cơ cấu” thành 5 phần như thế. Trần Bình Phục cứ dạy xen kẽ liên tục rồi xuống bàn các em kiểm tra từng trò nhỏ. Sau nhiều năm, nỗ lực của các anh đã được đền đáp xứng đáng, từ lớp học tình thương của đảo, đã có 3 học sinh từ những ngày đầu vào bờ tiếp tục theo học các cấp, nay đã tốt nghiệp đại học. Và năm nay, tham gia lớp học tình thương có 19 em, từ lớp 1 đến lớp 5, trong đó có 8 em học lớp 2, đây là năm số lượng học sinh tham gia lớp học nhiều nhất. Đạt con số này, thầy Phục mừng lắm!

Chuyện về những người lính biên phòng Hòn Chuối làm công tác dân vận cũng thật khéo! Các anh đã rất thành công trong việc vận động đồng bào đi học. Có cái chữ là có thêm tri thức, có thêm kinh nghiệm áp dụng vào sản xuất nông, lâm nghiệp, đời sống cũng từ đó mà thay đổi, no ấm hơn trước; bà con thêm tin tưởng vào Bộ đội Biên phòng, vào Đảng và Nhà nước. Với thầy Phục, hơn 3 năm ở đảo, từ chỗ lạ lẫm giờ đã thấy thân quen như quê hương của mình, nhiều bà con quý thầy lại mang đến con ốc, con cá... Học trò yêu mến thầy, ngoan ngoãn nghe lời. Đó là nguồn động viên lớn. Có lần thầy định giao lớp cho người khác, tụi nhỏ nghe tin mếu máo không chịu... Thầy Phục cười, ánh mắt dõi về phía biển, nói vậy chứ tôi gắn bó với lớp học lắm, tự hứa với lòng mình sẽ dạy các em đến khi nào không công tác ở đây nữa mới thôi.

Những cống hiến thầm lặng của người lính trẻ nơi cực Nam Tổ quốc đã có sức lan tỏa tình yêu thương, đoàn kết máu thịt quân-dân; góp sức vào sự nghiệp “trồng người” trên hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc...

Bài và ảnh: VÂN ANH