Suốt hành trình từ TP Lào Cai lên Đồn Biên phòng Pha Long (BĐBP tỉnh Lào Cai), những lời thơ của Quang Dũng cách đây hơn 70 năm trước cứ vương vấn trong tôi: “Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời...”. Thơ Quang Dũng lấy bối cảnh ở miền Tây xứ Thanh mà sao "vận" vào thời khắc và địa danh này cũng thấy hợp tình! Quãng đường dài gần 70km, nhiều khúc cua tay áo liên hoàn khiến chúng tôi nhiều lần thót tim, bất giác đưa tay bám chặt thành ghế. Dưới làn mưa bụi lây rây, một bên là những mái nhà lưa thưa, một bên là đáy vực phủ đầy những cồn mây trắng, xe ô tô bật đèn vàng ầm ì vén màn sương đục, thi thoảng lắm mới thấy bóng xe ngược chiều.
Đi cùng đoàn công tác, Thiếu tá QNCN Nguyễn Hoài Nam, nhân viên Phòng Chính trị, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Lào Cai chia sẻ rằng, chuyến đi lần này cho anh thật nhiều cảm xúc, bởi vùng biên Mường Khương như là quê hương thứ hai của anh. Anh Nam quê ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội). Tốt nghiệp Trường Trung cấp Biên phòng năm 2006, anh được điều về Tổ công tác Tung Chung Phố, Đồn Biên phòng Mường Khương. Vừa ra trường, mới hơn 20, cái tuổi căng tràn sức sống và nhiệt huyết, anh đã gắn bó và thấm trọn cái gian khó ở nơi đây. Vậy mà ngày đó đến nay đã gần 20 năm, anh cũng rời xa mảnh đất này dăm năm rồi nên lần này trở lại, nhìn mỗi gốc cây, những mái nhà ẩn hiện trong các thôn bản anh thấy lòng bùi ngùi, thương mến quá!
|
|
Đại úy Giàng Nhà, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Pha Long trò chuyện với người dân địa phương. Ảnh: KHÁNH AN
|
Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Pha Long đón chúng tôi bằng những cái bắt tay siết chặt trong cái lạnh như cứa vào da thịt. Thượng tá Bùi Anh Tuấn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Pha Long cười xòa: "Thế này chưa là gì cả! Pha Long có lúc xuống đến 2-3 độ C. Chưa đến lúc xuống âm độ như ở Sa Pa hay Y Tý, nhưng sương mù bao phủ, băng tuyết thường xuất hiện về mùa đông khiến người mới đến không dễ thích nghi". Đấy là chưa kể bây giờ đã dễ đi lại hơn nhiều. Chứ 20 năm về trước, khi anh Bùi Anh Tuấn lần đầu về đây công tác, đường sá đi lại vô cùng khó khăn bởi đất và đá. Chỉ hơn 20km từ đồn ra trung tâm thị trấn Mường Khương mà mất cả ngày trời, đi các bản thì chủ yếu là đi bộ. Đến nơi lấm lem từ đầu đến chân. Cũng vì đường sá đi lại bất tiện mà đời sống bà con các dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng... ở đây còn muôn vàn khó khăn.
Đồn Biên phòng Pha Long quản lý đoạn biên giới hơn 16km, với 19 mốc quốc giới. Trên địa bàn hai xã Pha Long và Tả Ngài Chồ có 18 thôn bản, gồm 1.300 hộ sinh sống. Những hủ tục cũng vì thế mà bám rễ, ăn sâu vào đời sống sinh hoạt của họ. Các anh bộ đội đến nhà vận động nhân dân ăn ở vệ sinh, từ bỏ các hủ tục, giúp bà con phát triển kinh tế, làm đường để đi lại, giao thương thuận tiện hơn, vận động nhân dân ra biên giới làm ăn, canh tác giữ đất, giữ rừng, bảo vệ biên cương.
Ông Vàng Sảo Hòa, dân tộc Nùng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Pha Long kể lại với chúng tôi, sau chiến tranh, bà con hai thôn sát biên Lồ Cố Chin và Tả Lùng Thắng bỏ đất, di dân vào sâu trong bản ở. Bộ đội Biên phòng đã đến vận động từng người, tuyên truyền, giải thích chính sách của Nhà nước để bà con yên tâm trở lại mảnh đất xưa canh tác. Ấy thế nhưng bà con cũng chưa nghe ngay. Năm 1990, BĐBP và chính quyền địa phương cùng mổ lợn, tổ chức ăn Tết với bà con. Vừa lắng nghe tâm tư, vừa có chính sách thiết thực, bà con mới “ưng cái bụng” để cùng về xây dựng lại nơi ăn chốn ở.
Từ chỗ chỉ có vài chục hộ sinh sống, đến nay, hai thôn Lồ Cố Chin và Tả Lùng Thắng ngày càng đông dân hơn. Cây lúa, cây ngô giúp bà con thoát đói, con lợn, con bò giúp bà con thoát nghèo. Pha Long đã về đích nông thôn mới năm 2020. Đời sống của bà con đang được cải thiện từng ngày. Ông Vàng Tỉn Dung, Chủ tịch UBND xã Pha Long chia sẻ: “Bà con bây giờ không còn tục thách cưới để lại nợ nần cho con cháu hay tổ chức đám hiếu dài ngày nữa. Pha Long bây giờ nhiều hộ đã xây được nhà mái bằng, có ti vi, tủ lạnh, xe máy... là nhờ sự chung sức, đồng lòng của chính quyền địa phương và BĐBP”.
Trên đường đi thăm dân bản, các anh kể cho chúng tôi nghe chuyện vận động để bà con nghe theo mình, tin theo đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đại úy Giàng Nhà, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng bảo rằng, đúng là có nhiều cách, nhưng cái chính là phải “ba bám, bốn cùng” với bà con. Đại úy Giàng Nhà là người Mông nên khi về đây công tác năm 2019, ban đầu anh thấy khá khó khăn khi vận động bà con vì chưa biết tiếng của đồng bào Tày, Nùng, Dao... Học tiếng, thường xuyên đi lại, thuyết phục một lần không được thì nhiều lần. Như câu chuyện thú vị của anh cách đây 3 năm về trước.
Đầu năm 2021, qua thông tin của quần chúng, Giàng Nhà nắm được chuyện con gái mới 15 tuổi của ông Thào Seo Câu ở thôn Pao Pao Chải (xã Pha Long) thường xuyên bỏ học đi chơi với người yêu. Hôm ấy, anh vào nhà, gọi mãi ông Thào Seo Câu mới ra mở cửa. Dáng ngất ngưởng, ông lấy chai và hai cái bát đề nghị anh... uống rượu cùng mình. Rượu đã ngà ngà, nghe chú BĐBP nhắc đến chuyện con gái, ông Thào Seo Câu thủng thẳng trả lời: "Con gái tao muốn bỏ học, lấy chồng, không khuyên được nó đâu!". Giàng Nhà giải thích, lấy chồng sớm, tảo hôn là vi phạm pháp luật, rồi còn biết bao hệ lụy của việc thất học, có con cái khi tuổi còn quá trẻ. "Tảo hôn, thất học sẽ khiến cái đói, cái nghèo theo con cháu mình cả đời đấy ông à!". Ông Thào Seo Câu ngước ánh mắt đục ngầu nhìn anh BĐBP và căn nhà ọp ẹp gió lùa thông thốc rồi gật gù ra chiều nghĩ ngợi...
|
|
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pha Long giúp gia đình anh Vàng Seo Sủn (thôn Máo Chóa Sủ, xã Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) xây dựng nhà mới, tháng 1-2024. Ảnh: KHÁNH AN |
Những ngày sau đó, Giàng Nhà liên tục qua nhà thăm hỏi, trò chuyện với ông Thào Seo Câu. Mưa dầm thấm lâu, ông Thào Seo Câu từ ngờ vực chuyển dần sang tin tưởng cán bộ biên phòng. Ông khuyên bảo con gái Thào Thị Hạnh tin theo BĐBP, rằng tình yêu đôi lứa cũng cần thử thách của thời gian... Bây giờ, Thào Thị Hạnh đang là học sinh lớp 12 Trường THPT số 1 Mường Khương. Đại úy Giàng Nhà trở thành người thân của gia đình ông Thào Seo Câu. Hạnh có lần tâm sự với anh, em mơ ước, sau khi tốt nghiệp THPT sẽ học tiếp, có nghề nghiệp ổn định để trở về giúp đỡ bà con thôn bản.
Chúng tôi dừng chân trước một con ngõ có cây hoa anh đào nở rực hồng một góc sân. Dưới cơn mưa phùn ngày một dày hạt, vợ chồng Vàng Seo Sủn và Sùng Minh Hải (ở thôn Máo Chóa Sủ, xã Tả Ngài Chồ) và một số cán bộ, chiến sĩ của Đồn đang tranh thủ dọn lại những tấm cốp pha, gạch vữa ngổn ngang. Căn nhà mới đang trong giai đoạn hoàn thiện, thay thế cho căn nhà cũ đã xuống cấp nhiều năm nay. Vàng Seo Sủn kể, nhà cũ của anh vào ngày nắng còn đỡ chứ ngày mưa, có lần gió lốc đã cuốn phăng những tấm mái che khiến đồ đạc, quần áo trong nhà ướt hết. Nhưng đó chưa phải là điều đáng sợ nhất! Ở đây, những cơn mưa đá bất thường có thể đến bất cứ lúc nào. Những hòn đá to bằng nắm tay có lần rơi tọt qua những tấm fibro xi măng ọp ẹp. Cả nhà túm tụm tìm một góc trú tạm trong sợ hãi.
Thượng tá Trần Văn Khoa, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pha Long cho biết, trước hoàn cảnh của Vàng Seo Sủn, cán bộ, chiến sĩ của Đồn đã kêu gọi các nhà hảo tâm và chung tay đóng góp, giúp đỡ ngày công xây dựng. Căn nhà được khởi công từ tháng 10-2023, đến nay đã bước vào giai đoạn hoàn thiện. Vàng Seo Sủn cười vui: “Bây giờ em có nhà mới rồi. Mừng quá các anh chị ạ. Cảm ơn các anh BĐBP nhiều lắm!”.
Mưa đã tạnh hẳn. Trước khi chia tay Pha Long, chúng tôi lên dâng hương các anh hùng liệt sĩ tại Nhà bia tưởng niệm nằm cạnh trụ sở Đồn Biên phòng Pha Long. Phía xa, nắng ấm đã bừng lên trên đỉnh đồi. Màu vàng của nắng hòa quyện trong sắc xanh của rừng, màu hồng của đào phai chúm chím. Pha Long bình yên đang trong một mùa xuân mới với nhiều đổi thay, khởi sắc.
Ghi chép của PHẠM THU THỦY